“Đạo diễn trên mây" với “Những đứa trẻ trong sương”

Thứ Hai, 13/03/2023, 21:44

"Những đứa trẻ trong sương" (Children of the Mist) là bộ phim tài liệu Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu tranh giải Oscar 2023 hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc.

Đạo diễn kiêm quay phim của tác phẩm mang dấu ấn lịch sử của điện ảnh Việt Nam là một cô gái trẻ người dân tộc Tày - Hà Lệ Diễm. Diễm cũng được bình chọn là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022.

“Đạo diễn trên mây
Poster của "Những đứa trẻ trong sương" tham dự Oscar.

1. Ngồi trước mặt tôi hôm nay là một cô gái năng động với quần kaki, áo bò cùng một chiếc ba-lô to tướng. Khuôn mặt cô vẫn ánh lên vẻ tinh nghịch và hồn nhiên thường thấy. Còn nhớ cách đây khoảng hơn chục năm chúng tôi học cùng lớp làm phim truyện tại Trung tâm bồi dưỡng tài năng điện ảnh (TPD), Diễm đã gây ấn tượng với mọi người bởi sự chân chất mộc mạc vốn có. Song khác hẳn vẻ rụt rè ngày xưa, trong suốt câu chuyện Diễm thể hiện sự tự tin, và niềm đam mê làm phim nồng nhiệt.

Khi bắt tay vào làm "Những đứa trẻ trong sương”, Diễm cũng không nghĩ được rằng phim sẽ đi xa đến thế. "Em nhớ khi xây dựng ý tưởng và ghi hình được những bản nháp đầu tiên, giảng viên hướng dẫn người Pháp có nhận xét rằng "tao nghĩ mày sẽ có một bộ phim đẹp và dễ thương". Và thế là trong suốt 4 năm Diễm không quản đường xá xa xôi, liên tục đi lại Hà Nội - Lào Cai, lên Sapa để ghi lại quá trình phát triển của Má Thị Di - em bé dân tộc Mông từ khi em 12 tuổi cho đến lúc trở thành thiếu nữ. Đặc biệt, Diễm cũng trở thành "người trong cuộc" khi chứng kiến thách thức mà các bé gái người dân tộc thiểu số phải đối mặt trong xã hội khi đối diện với tục kéo vợ.

Một ngày mùa xuân, khi Di vừa trở thành thiếu nữ thì bị một thanh niên người Mông lôi ra khỏi nhà. Di đã đấm đá, la hét vùng vẫy... Từ phía sau máy quay, Diễm cố gắng bảo vệ Di bằng lý lẽ đanh thép nhưng bị đẩy ra xa. Đây có thể nói là một trong những thước phim đặt biệt gây ấn tượng trong bộ phim.

Có lẽ vì sự chân thực, nhân văn của bộ phim mà nó đã bay cao bay xa. Cho đến thời điểm này "Những đứa trẻ trong sương” đã tham gia hàng trăm liên hoan phim, và thắng gần 30 giải lớn nhỏ. Đặc biệt phim lọt vào vòng rút gọn tranh giải Oscar là điều vượt quá tưởng tượng của nữ đạo diễn trẻ người Việt.

Chia sẻ thêm về quá trình làm phim, Diễm kể: Vốn ban đầu khi tiếp xúc với nhân vật Diễm chỉ đơn thuần muốn lưu giữ tuổi thơ của một đứa trẻ vùng cao. Sau bản nháp dài gần 30 phút, Diễm mang dự án đi "pitching" tại Hàn Quốc, và nhận được những lời động viên cùng một khoản tiền tài trợ. Dành ra nhiều năm với rất nhiều lần trên các tuyến tàu hỏa, xe khách chặng Hà Nội - Sa Pa, Diễm đã có được hàng ngàn phút chân thực, xúc động. Sau đó là nhiều tháng trời dựng phim online do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Công sức 5 năm trời bỏ ra đã không hề phí hoài. Diễm đã giành giải thưởng tuyệt đối cho vai trò đạo diễn tại Liên hoan phim tài liệu Quốc tế Amsterdam năm 2021. Ban tổ chức đánh giá: "Nhà làm phim đầu tay này đã tạo được sự cân bằng, tách tình cảm của mình ra khỏi câu chuyện xúc động của cô gái Mông bị kẹt ở độ tuổi trẻ thơ và trưởng thành, giữa truyền thống và hiện đại, ở vùng quê Việt Nam xa xôi. Vì cách xử lý nhạy cảm, hợp lẽ, minh bạch của mình, Hà Lệ Diễm nhận được giải thưởng "Đạo diễn xuất sắc nhất" như thành quả cho bộ phim của mình".

Và bước ngoặt đã đến khi "Những đứa trẻ trong sương”  thắng giải Phim tài liệu quốc tế xuất sắc tại liên hoan phim DocAviv 2022 tổ chức ở Israel. Thắng giải thưởng này đồng nghĩa bộ phim đã đủ điều kiện gửi tham dự Oscar. Sau đó, ban tổ chức LHP đã hỗ trợ nhà phát hành tại các thị trường quốc tế của "Những đứa trẻ trong sương” làm hồ sơ gửi bộ phim này sang Mỹ để đi Oscar.

Để một phim đủ điều kiện gửi Oscar thì cần nhiều tiêu chí, ví dụ như nó cần phải được phát hành tại một số rạp lớn ở Mỹ. Bộ tiêu chí để một phim đủ điều kiện gửi tranh giải Oscar khá dài, nguyên một tập tài liệu kín đặc chữ. Một nhà làm phim trẻ, lại mới đạo diễn tác phẩm đầu tay như Diễm không khỏi bối rối trước lượng thông tin đồ sộ này. Nhưng may mắn Diễm đã nhận được sự hỗ trợ tận tình của đơn vị phát hành quốc tế. Họ đã nắm rõ quy trình, biết phải làm những gì và làm như thế nào. Chính nhà phát hành của "Những đứa trẻ trong sương” đã giúp đỡ cô đưa bộ phim đến với Oscar lần thứ 95 năm nay.

“Đạo diễn trên mây
Cảnh quay trong "Những đứa trẻ trong sương”.

2. Diễm tự nhận là một người thuộc loại người "lọ mọ", khi cô có thể một mình xách máy quay đi hàng tuần lễ ở những bản làng xa xôi, heo hút. Diễm không ngại những chuyến xe chật ních, với đủ các thể loại mùi hàng hóa để đến được địa chỉ mình cần. Và kết quả của những chuyến đi đó là những thước phim hết sức sinh động. “Một đứa giày bê bết đất, lỉnh kỉnh chân máy, máy quay, lăn lộn ở bất cứ góc khuất, xó xỉnh nào của cuộc sống để làm phim...” - Diễm tự nhận mình như thế.      

Chia sẻ thêm về bộ phim Diễm cho biết việc gặp cô bé Di (nhân vật chính của bộ phim) khá tình cờ. Thời điểm năm 2016 Diễm kết thúc khóa học của tổ chức Veran. Liền đó Diễm tham gia chuyến đi kéo dài 1 tháng của Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội môi trường (iSEE) lên Sapa để tìm hiểu và sáng tác về cuộc sống của các cộng đồng người dân tộc thiểu số. Tại đây, Diễm được ở nhờ nhà của bố Di vì chú ấy cũng từng tham gia nhiều chương trình của iSEE.

Diễm tham gia vào các lớp học dành cho các bạn người Mông ở làng của Di, cùng sống, cùng chơi với Di và các bạn khác. Diễm lấy máy quay ra và quay cô bé cùng các bạn. Nhìn Di và bọn trẻ con chơi đùa, Diễm chợt nhớ lại ngày xưa mình cũng chơi vui như thế, cũng có một thế giới riêng của mình. Thế giới ấy rất khác với thế giới của người trưởng thành, đó là nơi mình có quyền năng làm được mọi thứ, mình được tự do. Nhưng khi lớn lên rồi thì mình không còn cái mộng mơ tưởng tượng ấy nữa.

"Các bạn tôi lấy chồng cũng rất sớm, cảm giác khi chẳng còn ai chơi với mình rất buồn. Tôi nghĩ Di và các bạn cô bé rồi cũng sẽ có một lúc nào đó cảm thấy vậy. Thế nên tôi muốn làm một bộ phim lưu giữ lại kỷ niệm tuổi thơ, và khi nào tuổi thơ ấy sẽ biến mất" - Diễm chia sẻ.

Dự định là vậy song trong quá trình quay phim kéo dài khoảng hơn ba năm đã có nhiều biến cố xảy ra đối với nhân vật chính. Cô bé Di ngày nào nay đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp và được nhiều chàng trai để mắt. Theo như phong tục truyền thống của người Mông một thiếu nữ khi được (bị) một chàng trai kéo về nhà để làm vợ thì nghiễm nhiên cô ấy sẽ phải chấp nhận. Mẹ của Di đã thế và chị gái của cô cũng như vậy. Tuy nhiên trong bộ phim Di đã quyết liệt phản đối. Di muốn chọn cho mình một người mà mình thực sự có tình cảm và điều ấy được bố cô ủng hộ...

"Em cũng không thể lường trước được tập tục truyền thống lại có thể "tàn bạo" như vậy" - Diễm nói. Tuy nhiên nữ đạo diễn trẻ cũng không nghiêng hẳn về hướng phê phán phong tục tập quán của đồng bào Mông. Diễm cho rằng, mỗi một dân tộc, mỗi nền văn hóa đều có truyền thống riêng của họ, và thay vì ta lên án nó là "hủ tục, lạc hậu" thì ta nên tìm hiểu để có một cái nhìn khách quan, thay vì chăm chăm lên án.

Chia sẻ về "cao trào" trong phim, cũng là một trường đoạn gây ám ảnh cho người xem, Diễm bộc bạch. Thú thực lúc quay phim tôi cũng không nghĩ đến điều ấy đâu. Tôi cũng không chủ đích chọn ra một cột mốc cụ thể, bởi nó là khác nhau với mỗi người: Với người này nó là một kỳ thi rất căng thẳng, với người khác lại là mất đi người thân, người khác nữa lại là lựa chọn lập gia đình sớm hay không. Khi quay "Những đứa trẻ trong sương”, tôi không hề nghĩ đến những việc ấy. Hoặc giả tôi cũng có nghĩ đến, nhưng không cho là cái chính yếu.

Sau đấy, việc kéo vợ xảy ra một cách bất ngờ. Rồi việc kéo vợ trở thành một dấu mốc trong bộ phim dù tôi không hề có dự tính từ trước. Sự kiện ấy được phản chiếu vào bộ phim vì tác phẩm theo chân Di, nên mọi thứ xảy ra với Di, quan trọng với cô bé, ảnh hưởng tới tương lai của cô tất nhiên sẽ phải được ghi lại.

3.Trước "Những đứa trẻ trong sương” Diễm đã từng đạt giải Cánh diều Bạc 2013 với bộ phim "Con đi trường học " - cũng là một bộ phim tài liệu. Cô cựu sinh viên khoa báo chí trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn có một niềm đam mê kỳ lạ với phim tài liệu nói riêng và quá trình được sáng tạo một tác phẩm điện ảnh nói chung.

Thời điểm đó Diễm đang là sinh viên năm cuối. Gia tài để làm phim của cô chỉ có một chiếc máy ảnh canon 550D có chức năng quay phim. Vậy là trong khoảng hơn một năm ròng cô liên tục đi lại Hà Nội - Bắc Kạn để ghi lại những thước phim chân thực nhất về cuộc sống của hai mẹ con một phụ nữ dân tộc bị mắc bệnh AIDS.

Thành công nho nhỏ đầu tiên với bộ phim này dường như đã kích hoạt niềm đam mê làm phim thêm bùng cháy trong cô. Chỉ tham gia làm báo một thời gian ngắn, Diễm quay trở lại trung tâm TPD  với vị trí trợ lý cho các lớp học phim truyện và phim tài liệu. Với mức thù lao hết sức khiêm tốn Diễm đã phải làm thêm nhiều công việc khác nhau để có tiền sinh hoạt với mức tối thiểu. Diễm từng đi bán cam hay làm các chân chạy lăng xăng ở một số dự án của thầy cô bạn bè kiếm chút tiền bồi dưỡng ít ỏi để nuôi dưỡng niềm đam mê.

Nữ đạo diễn sinh năm 1991 tự nhận là một cô gái có phần "khác người" khi gần như không quan tâm đến những thứ mà đa phần các thiếu nữ đều rất bận tâm. Đó là thời trang váy vóc hay mỹ phẩm... rồi cả việc chồng con. "Bố mẹ người thân nhiều lần giục em lập gia đình song em cảm thấy hiện tại (độc thân) vẫn rất ổn. Dĩ nhiên nếu gặp được một người bạn đồng hành mà thấu hiểu, hợp với mình thì dĩ nhiên em vẫn mở lòng. Tuy nhiên em không hề sốt ruột. Thậm chí em còn cảm thấy mình sung sướng hơn rất nhiều người khi không phải hàng ngày chịu cảnh tắc đường để đến công sở. Em có thể ra đường vào lúc vắng nhất. Những ngày Hà Nội nắng như đổ lửa thì em lại được trốn lên Sapa để quay phim"- Diễm nhoẻn miệng cười kể.

Diễm không có mối bận tâm với điện thoại đời mới hay xe cộ váy áo. Chỉ duy có hai thứ mà nữ đạo diễn này có cảm hứng, một là phương tiện tác nghiệp như máy ảnh, máy quay. Thứ còn lại duy nhất thể hiện cô gái này vẫn thuộc về phái nữ đó là... nước hoa. "Lọ nước hoa đắt nhất mà em từng sở hữu trị giá khoảng hơn 2 triệu đồng".

Hiện Diễm đang hết sức tất bật để chuẩn bị cho buổi ra mắt phim ở Việt Nam. "Mới chỉ có một bộ phận nhỏ khán giả, người yêu điện ảnh ở Việt Nam được tiếp cận với "Những đứa trẻ trong sương”. Ngày 15 và 16/3 tới đây trung tâm TPD và cụm rạp BHD Star - Trung tâm thương mại Discovery sẽ tổ chức hai suất chiếu "Những đứa trẻ trong sương” cho các học viên của TPD. Em hy vọng sẽ tạo được sự quan tâm của mọi người và bộ phim sẽ được phổ biến rộng rãi hơn ở Việt Nam, được công chúng đón nhận"- chia tay tôi, Diễm nói.

"Những đứa trẻ trong sương” là phim dài gần 100 phút kể về cô bé người dân tộc Mông tên Di, 12 tuổi, sống trong bản cách trung tâm Sa Pa khoảng 12 cây số. Nhiều cô bé xinh xắn, hồn nhiên như cây cỏ như Di phải đối diện với tục kéo vợ - điều có thể làm thay đổi tương lai của các em theo hướng ít tích cực.

Bộ phim có sự hỗ trợ sản xuất, dựng phim của vợ chồng đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus, hậu kỳ bởi Purin Pictures và White Light Studio (Thái Lan) đã giúp Diễm giành giải thưởng tuyệt đối cho vai trò đạo diễn tại Liên hoan phim tài liệu Quốc tế Amsterdam năm 2021, sau đó là lọt vào vòng rút gọn 15 phim tranh giải Oscar cho phim tài liệu xuất sắc nhất.

 Yên Chi
.
.