Đạo đức kinh doanh ở đâu?

Thứ Hai, 17/01/2022, 00:17

Nhiều lần bán cổ phiếu không công bố thông tin, thu lợi bất chính hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng nhưng chỉ chịu mức phạt rất nhỏ, những ông chủ của các tập đoàn lớn đang khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường, đồng thời làm ảnh hưởng rất lớn tới thị trường chứng khoán trong nước.

Đổ lỗi cho thư ký?

Ngày 10-1-2022, phiên giao dịch chứng khoán buổi sáng, trong khi các nhà đầu tư chưa kịp mừng vui khi cổ phiếu FLC tím lịm thì đến phiên chiều, một loạt cổ phiếu họ FLC rơi tự do về giá sàn. Chỉ trong tối ngày hôm ấy, các nhà đầu tư mới ngã ngửa, Tổng Giám đốc tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu.

Đến hôm sau, ông Quyết mới công bố thông tin đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu, nhưng đã bán được trót lọt 74,8 triệu cổ phiếu trong số 175 triệu cổ phiếu đã đăng ký. Để xoa dịu nhà đầu tư, lý giải cho việc bán cổ phiếu ấy, ông Quyết lại ra một văn bản giải trình kiểu “vô thưởng vô phạt” với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) rằng, do đi công tác vào ngày 4-1 nên giao cho bộ phận thư ký gửi thông báo đăng ký giao dịch bán 175 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 10-1 đến ngày 17-1.

“Tuy nhiên do sơ suất không kiểm tra lại nên khi UBCKNN gửi công văn vào tối ngày 10-1, tôi mới biết không thực hiện đúng công bố thông tin theo quy định. Do đó, tôi mới chỉ đạo bộ phận thư ký làm lại công bố thông tin trong ngày 10-1. Thực sự để xảy ra việc này, tôi lấy làm tiếc và sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc không để xảy ra sự việc tương tự”, ông Quyết cho biết.

Bán chui cổ phiếu - Đạo đức kinh doanh ở đâu? -0
Nhà đầu tư khóc ròng vì cổ phiếu FLC liên tục kịch sàn nhiều phiên

Vài ngày sau, cổ phiếu FLC tiếp tục xuống dốc không phanh. Nhiều nhà đầu tư ôm giá vùng đỉnh lỗ nặng khi bán không bán được, cắt lỗ cũng không xong. Các nhà đầu tư cho rằng đã bị “đánh úp” vì trên cổng thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) không xuất hiện thông tin đăng ký bán dù theo quy định, ông Quyết buộc phải gửi thông tin.

Theo quy định tại Luật Chứng khoán, khi các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp muốn mua bán cổ phiếu phải đăng ký với UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán. Điều này xuất phát từ việc những người này nắm được thông tin của doanh nghiệp nên rất có thể dẫn tới hành vi mua bán để trục lợi. Quy định phải đăng ký này nhằm bảo vệ các cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đấy là chưa kể, các công ty cổ phần, công ty đại chúng số lượng chủ sở hữu rất lớn, sử dụng vốn đại chúng để kinh doanh nên công khai, minh bạch là nguyên tắc tối quan trọng.

Trên thực tế, việc không đăng ký mua bán của ông Quyết đã gây ra thiệt hại cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dù không đo đếm được cụ thể, nhưng thời gian gần đây, FLC là một trong những cổ phiếu thu hút dòng tiền đầu tư mạnh nhất thị trường với thanh khoản hàng chục triệu cổ phiếu mỗi phiên.

Có những phiên thị trường đỏ lửa, xuống điểm liên tục nhưng những cổ phiếu họ FLC vẫn ở mức trần liên tục. Từ giá chỉ vài nghìn đồng đầu năm 2021, cổ phiếu FLC đã đạt đỉnh trong phiên giao dịch ngày 10-1-2022 với giá 24.1 nghìn đồng/cổ phiếu, giá cao nhất trong 10 năm qua. Thế nhưng khi giá cổ phiếu FLC tăng mạnh thì đạo đức kinh doanh của người đứng đầu lại đi xuống. Đây không phải là lần đầu tiên ông Quyết bán “chui” cổ phiếu đánh úp nhà đầu tư.

Không phải lần đầu...

Cuối năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết từng bị UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính do bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo trước. Ước tính trong thương vụ này ông Quyết có thể đã thu về ít nhất 400 tỉ đồng, số tiền bị phạt chỉ 65 triệu đồng. Cũng trong năm 2017, CTCP xây dựng FLC Faros (ROS) do ông Quyết làm Chủ tịch HĐQT cũng bị UBCKNN phạt vì bán hơn 13,69 triệu cổ phiếu AMD (CTCP đầu tư và khoáng sản AMD Group). Thời điểm đó nếu ROS mua lại cổ phiếu AMD thì có thể thu được hơn 136 tỉ đồng, song mức phạt chỉ là 130 triệu đồng.

Bán chui cổ phiếu - Đạo đức kinh doanh ở đâu? -0
Nhiều người bức xúc vì cho rằng ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu là đánh úp nhà đầu tư

Ngày 18-11-2021, UBCKNN tiếp tục phạt 80 triệu đồng đối với bà Nguyễn Hương Giang (người có liên quan của ông Đặng Tất Thắng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC) vì đã mua tổng cộng 140.000 cổ phiếu FLC trong tháng 1 và 2-2021, sau đó bán 140.000 cổ phiếu FLC trong tháng 3-2021 nhưng không công bố thông tin về dự kiến giao dịch.

Có vẻ như số tiền phạt quá nhỏ so với lợi nhuận bán cổ phiếu thu về nên việc bán cổ phiếu vẫn tiếp tục tái diễn trong nhiều năm qua. Không chỉ ông Trịnh Văn Quyết mà rất nhiều “ông lớn” khác cũng đã thực hiện trót lọt những phi vụ bán này.

Cụ thể, tháng 7-2021, ông Trần Văn Bê bị phạt 940,35 triệu đồng vì mua bán cổ phiếu “chui”. Ông Bê đã mua hơn 1,48 triệu cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 1-2021; mua hơn 1,88 triệu cổ phiếu VPB trong tháng 2-2021; mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 3-3-2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Ngoài phạt hành chính, ông Bê còn bị phạt bổ sung là bị đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng.

Một vi phạm khác cũng từng xảy ra là Công ty cổ phần Thaiholdings bị phạt vì mua bán “chui” cổ phiếu LPB của Ngân hàng bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Thaiholdings đã mua 145.600 cổ phiếu LPB vào ngày 6-5, bán 719.400 cổ phiếu LPB vào ngày 16-6 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Thaiholdings cũng chỉ bị phạt 260 triệu đồng.

Ngày 4-10-2021, ông Nguyễn Quốc Huân - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh - đã bán 40.000 cổ phiếu HCM trong hai tháng liền nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Thời điểm đó, ông Huân chỉ bị phạt 20 triệu đồng nhưng số tiền thu về từ bán cổ phiếu “chui” lên tới gần 1,3 tỉ đồng. Ngày 7-1-2022, ông Nguyễn Xuân Thủy cũng bị phạt vì mua 200.000 cổ phiếu ngân hàng LPB trong tháng 5-2021 nhưng không công bố thông tin.

Việc bán “chui” cổ phiếu của các “ông lớn” được cho là đe dọa sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán, khiến hàng trăm nhà đầu tư thua lỗ. Thế nhưng mức phạt hành chính dường như vẫn chưa đủ sức răn đe bởi thực tế, so với lợi nhuận thu về từ bán “chui” cổ phiếu thì mức phạt vài chục, vài trăm thậm chí cả tỷ đồng cũng chỉ là muối bỏ biển.

Giả sử nếu ông Quyết bán trót lọt 74,8 triệu cổ phiếu FLC khớp với giá sàn 21.150 đồng/cổ phiếu (chưa kể trong phiên này có hơn 8.400 cổ phiếu được bán với giá trần 24.100 đồng), vị đại gia có thể thu về khoảng 1.580 tỉ đồng. Có lẽ vì lợi nhuận, vì thao túng, vì sự đầu cơ làm giá, mà các “ông lớn” bất chấp những quy định, bất chấp đạo đức làm kinh doanh để thực hiện những hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Cần xử phạt nghiêm khắc

Nhưng rất may ngay trong ngày 11-1, HOSE đã ra quyết định hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10-1 của ông Trịnh Văn Quyết do không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC. UBCKNN cũng đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 11-1 cho đến khi có quyết định thay thế. UBCKNN đang phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), HOSE và các công ty chứng khoán sàng lọc giao dịch mua đối ứng từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết để hủy giao dịch và trả lại tiền cho nhà đầu tư trong vụ bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết hôm 10-1. Đây là những động thái cứng rắn, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử sàn chứng khoán Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định, sẽ xử lý nghiêm việc ông Trịnh Văn Quyết chậm công bố thông tin cổ phiếu FLC. Đồng thời, Bộ Tài chính đang giao UBCKNN sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp để ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự.

Trong ngày 12-1 khi được hỏi về việc Bộ Công an có chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ vào cuộc xác minh vụ bán chậm công bố thông tin cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết về nguyên tắc, khi có những vấn đề về an ninh xã hội, an ninh văn hóa đáng chú ý, Bộ Công an sẽ thực hiện một số công tác nghiệp vụ theo chức năng nhiệm vụ. Qua đó, đảm bảo an ninh, trật tự, an sinh, an toàn xã hội.

Ở Mỹ và Trung Quốc, Luật Hình sự đã được sửa đổi với khung hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi gian lận, cung cấp sai thông tin và thao túng thị trường. Theo đó, mức án tối đa dành cho tội phạm gian lận phát hành chứng khoán và cung cấp thông tin sai lệch được nâng lên lần lượt 15 năm và 10 năm tù giam.

Các nhà đầu tư hy vọng rằng đây chỉ là bước khởi đầu để có thể sửa đổi những điều luật theo hướng xử lý nghiêm những lãnh đạo doanh nghiệp không có đạo đức, dùng cổ phiếu của mình mua đi bán lại một cách vô tội vạ, ảnh hưởng đến thị trường và các nhà đầu tư. Hành vi này có thể xem xét tính chất là lũng đoạn thị trường chứng khoán, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư lẫn thị trường tài chính.

Đây cũng là lời cảnh báo nhiều nhà đầu tư “liều mình” mua cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn bết bát, có nơi báo cáo tài chính sau kiểm toán bị chuyển từ lãi sang lỗ… Cổ phiếu đầu cơ có thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng, nhưng cũng có khả năng khiến nhà đầu tư tán gia bại sản vì yếu tố rủi ro cao, tăng giá vì được “bơm thổi” chứ không phải vì nền tảng tài chính tốt.

Xử phạt mạnh để ngăn chặn vi phạm

Bán chui cổ phiếu - Đạo đức kinh doanh ở đâu? -0
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam

Nêu quan điểm về vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho biết: “Đây không phải là lần đầu xảy ra vụ việc này. Lần này, việc ông Quyết bán cổ phiếu mà không đăng ký trước thông tin xảy ra trong bối cảnh khá đặc biệt: nhóm cổ phiếu bất động sản nói chung và nhóm cổ phiếu họ FLC nói riêng trong thời gian vừa qua tăng rất nóng. Và vì tăng nóng nên rất nhiều nhà đầu tư tham gia vào cuộc chơi này. Có lúc cũng kiếm được lợi nhuận lớn, nhưng đến lúc cổ phiếu quay đầu thì gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Nếu trong điều kiện thị trường giao dịch bình thường thì nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận sự tăng giảm. Tuy nhiên lại xuất hiện sự việc Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC bán mà không báo cáo trong lúc nhà đầu tư đang bức xúc vì đầu tư thua lỗ khi cổ phiếu liên tục giảm giá thì tôi cho rằng đó là lý do khiến dư luận sôi sục.

Quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là hủy toàn bộ giao dịch này là một quyết định mạnh mẽ và kịp thời. Mạnh mẽ ở chỗ, nó ngăn chặn hành vi vi phạm. Kịp thời ở chỗ khi chu kì thanh toán T+3 thì số tiền vẫn đang ở ngân hàng thanh toán và cổ phiếu chưa được chuyển giao nên Trung tâm Lưu ký chứng khoán có thể xử lý về mặt kỹ thuật rất nhanh chóng để có thể trả lại tiền cho người mua và trả lại cổ phiếu cho bên bán. Điều này sẽ giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư. Quyết định này rất được dư luận ủng hộ.

Đương nhiên, sau quyết định này sẽ là những quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ được công bố trong thời gian tới. Tuy nhiên để ngăn chặn hành vi vi phạm xảy ra trong tương lai, tôi nghĩ cơ quan quản lý sẽ phải tăng chế tài áp dụng cho các trường hợp vi phạm như thế này. Ví dụ phạt 20-30% trên tổng giá trị bán vi phạm pháp luật, hoặc nếu chứng minh được số tiền trục lợi từ hành vi này gây ra thì có thể phạt 30-40% lợi nhuận họ thu được. Mức phạt đủ lớn, đủ tính răn đe thì sẽ ngăn chặn được hành vi vi phạm”.

Mai Ngọc
.
.