“Đào, phở và piano”: Vì sao, phim nhà nước đặt hàng…?
Lần đầu tiên, một bộ phim do nhà nước đặt hàng trở thành hiện tượng cháy vé khi ra rạp. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn trở thành từ khóa trên mạng xã hội trong những ngày gần đây và là bộ phim được săn vé nhiều nhất sau phim “Mai” của Trấn Thành. Điều gì làm nên sức hút đặc biệt này. Và liệu đây có phải là cơ hội vàng cho phim nhà nước đặt hàng?
Bất ngờ “hot”
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ: Hai bộ phim “Đào, phở và piano” và “Hồng Hà nữ sĩ” chiếu dịp Tết Giáp Thìn nằm trong đề án thí điểm phổ biến phim Nhà nước đặt hàng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Dù giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam nhưng tác phẩm “Hồng Hà nữ sĩ” cũng rơi vào quên lãng như nhiều bộ phim được làm từ ngân sách nhà nước khác. Tác phẩm này chiếu ở Trung tâm chiếu phim quốc gia vào dịp Tết cũng không được nhiều khán giả biết. Vì là phim Nhà nước đặt hàng, không có kinh phí cho quảng bá và phát hành nên phim ra rạp rất âm thầm, “không kèn, không trống”. Đến trailer của phim cũng chỉ mới xuất hiện sau hơn 2 tuần công chiếu.
Phim cũng chỉ chiếu duy nhất tại Trung tâm chiếu phim quốc gia và doanh thu được nộp hoàn toàn vào ngân sách. “Đào, phở và piano” ra rạp cùng với phim “Mai” của Trấn Thành, nhưng những ngày đầu, nó hoàn toàn lép vế về doanh thu trước sức nóng của “Mai” và cái tên Trấn Thành. Nhưng “Đào, phở và piano” "hot" bất ngờ nhờ một TikToker đi xem phim và đánh giá, sau đó có sự "tiếp sức" của nhiều hội nhóm về phim ảnh lẫn showbiz trên mạng Facebook. Lượng vé đặt tăng đột ngột. Trung tâm phải mở thêm suất chiếu, từ 3 suất lên 11, 15 và hiện tại là 20 suất. Ông Vũ Đức Tùng, quyền giám đốc trung tâm, gọi đây là "hiện tượng trước nay chưa từng có". Hiện nay, những người muốn xem phim phải đến xếp hàng mua vé tại quầy ở Trung tâm chiếu phim quốc gia.
“Đào, phở và piano” tái hiện lại khung cảnh Hà Nội những ngày cuối cùng trong trận chiến Hà Nội 1946. Vào khoảnh khắc đặc biệt ấy, đạo diễn Phi Tiến Sơn khắc họa lại vẻ đẹp của những con người Hà Nội. Trong cận kề của bão đạn, của cái chết, họ vẫn giữ khí chất lãng mạn, hào hoa của người Hà Nội. Tác phẩm có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Trần Lực, Trung Hiếu, Doãn Quốc Đam, Tuấn Hưng, Nguyệt Hằng. Đạo diễn Phi Tiến Sơn từng khẳng định: "Phim không có mâu thuẫn, xung đột, không ai là người xấu, tất cả mọi người đều tốt với nhau và tất cả các nhân vật trong bộ phim này đều thể hiện "chất" người Hà Nội".
Nhờ vào hiệu ứng truyền miệng của khán giả, chủ yếu là giới trẻ, và quảng bá bởi báo chí, ảnh hưởng của bộ phim nhanh chóng lan rộng đến mức Cục Điện ảnh phải gửi đơn xin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phim công chiếu trên toàn quốc. Nhiều nguồn đã ghi nhận hiện tượng này là lần đầu tiên xảy ra đối với thể loại phim nhà nước và phản ứng sự quan tâm của khán giả ở dòng phim sử Việt.
Ông Vũ Đức Tùng nhận định hiện tượng này cho thấy nếu phim Nhà nước có kịch bản hợp xu thế, nội dung chạm tới cảm xúc người xem thì hoàn toàn có khả năng ra rạp. Tuy nhiên, về khả năng ra rạp và trụ rạp của phim Nhà nước lại có không ít băn khoăn. Có khán giả còn bình luận: "Đào, phở và piano” thành hiện tượng nhưng các phim Nhà nước khác chưa chắc".
Rào cản từ cơ chế?
Ngay khi phim “Đào, phở và piano” trở nên hot thì thực tế doanh thu của phim cũng không đáng bao nhiêu so với kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ vì phim chỉ chiếu hạn chế ở Trung tâm chiếu phim quốc gia. Theo số liệu của Box Office Việt Nam - đơn vị thống kê độc lập, tính đến hết ngày 21/2, “Đào, phở và piano” ghi nhận mức doanh thu 1 tỷ đồng. Một con số vẫn còn khiêm tốn so với sức hút hiện tại của phim.
Cục Điện ảnh đã đề xuất Bộ Văn hóa thể thao và du lịch (Bộ VHTTDL) cho công chiếu rộng rãi để đáp ứng nhu cầu người xem. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, Bộ VHTTDL khuyến khích các đơn vị tham gia phát hành phim “Đào, phở và piano” cũng như những phim nhà nước đặt hàng và phim Việt nói chung.
Nhưng tính đến chiều 22/2 chỉ có 2 cụm rạp Beta Cinemas và hệ thống rạp của Cinestar phát hành “Đào, phở và piano” và nộp lại 100% doanh thu cho Nhà nước. Các hệ thống rạp lớn như CGV, BHD không phát hành phim vì liên quan đến việc ăn chia phần trăm.
Ông Vi Kiến Thành chia sẻ: “Hiện nay chúng ta chưa có quy định về việc chi phần trăm cho nhà phát hành, phổ biến phim. “Đào, phở và piano” là phim 100% vốn Nhà nước trong khi các nhà phát hành phim đều là tư nhân và có vốn liên doanh với nước ngoài nên khi phát hành họ phải được hưởng phần trăm doanh thu. Trung tâm chiếu phim quốc gia là đơn vị sự nghiệp của nhà nước, chiếu phim để phục vụ khán giả, toàn bộ doanh thu phải nộp ngân sách Nhà nước. Việc phát hành phim rộng rãi cần có cơ chế thống nhất. Hiện nay, chúng ta chưa có quy định về tỷ lệ phần trăm cho các đơn vị phát hành chứ không phải Bộ VHTTDL không muốn phổ biến phim rộng rãi”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng: “Đó là một rào cản trong cơ chế khiến phim nhà nước rất khó tiếp cận các cụm rạp lớn. Và để tìm ra một cánh cửa pháp lý nào đó cho phim nhà nước thì cần sửa đổi cơ chế”. Rào cản đó khiến những bộ phim sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nước nhiều năm nay được “cất kho cho xong việc”. Nếu có ra rạp thì cũng lặng lẽ chiếu và lặng lẽ rút.
Nhiều người lạc quan cho rằng, hiện tượng “Đào, phở và piano” là cơ hội vàng cho phim nhà nước ra rạp. Nhận định đó còn quá chủ quan vì còn nhớ, mấy năm trước, bộ phim “Sống cùng lịch sử” cũng là phim nhà nước đặt hàng ra rạp và không bán được vé. Lần đó đã dấy lên một làn sóng “đấu tố” phim nhà nước đặt hàng, tiêu tốn tiền ngân sách chỉ để “cất kho”. Hiện tại, cùng phát hành với “Đào, phở và piano”, phim “Hồng Hà nữ sĩ” cũng có doanh thu rất khiêm tốn.
Việc “Đào, phở và piano” chỉ chiếu duy nhất ở Trung tâm chiếu phim quốc gia càng tạo ra cơn sốt săn vé khi chỉ có vài ba ngàn vé bán ra. Vẫn còn quá sớm để nói về đường đi đến rạp của phim Nhà nước. Bởi “Đào, phở và piano” chỉ là hiện tượng, tín hiệu đáng mừng mà thôi. Phim nhà nước, với tư duy làm phim cũ, cách làm cũ, an toàn thì hiện tượng mãi chỉ là hiện tượng.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao phim đang có hiệu ứng truyền thông tốt mà Bộ và Cục không tìm cách cởi trói cho phim nhà nước để những vướng mắc về cơ chế khiến các hệ thống rạp tư nhân không mặn mà. Có ý kiến cho rằng, “Đào, phở và piano” được làm từ kinh phí Nhà nước, tại sao không chiếu miễn phí rộng rãi cho người dân. Và một bộ phim đặt hàng nếu vướng cơ chế để có thể vào những hệ thống phim lớn thì sao không tính đến phương án chiếu “Đào, phở và piano” trên sóng truyền hình quốc gia để tiếp cận hàng triệu khán giả.
Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, từ bộ phim này, các cơ quan quản lý nên tính đến một phương thức hợp tác ngắn hạn với các nhà phát hành tư nhân trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Việc các bộ phim được quy ước làm sao để đến được với khán giả sẽ khiến nhà làm phim điều chỉnh lại tư duy của mình, học hỏi nhiều hơn, cầu thị hơn để có những bộ phim vì khán giả mà tồn tại.
Từ hiện tượng “Đào, phở và piano” và trước đó là “Đất rừng Phương Nam” cho thấy nhu cầu xem phim lịch sử của người Việt rất lớn. Vấn đề là chúng ta có làm được những bộ phim điện ảnh hay về đề tài này không. Và cần hơn hết chính là sự thay đổi tư duy làm phim, tư duy quảng bá và tiếp thị phim để một tác phẩm điện ảnh ra đời người xem có quyền thụ hưởng nó. Và suy cho cùng, “nhà nước đặt hàng” hay không cũng chỉ là một yếu tố, quan trọng là phim có hay không, mới là vấn đề quan trọng nhất đối với khán giả.