Đất hiếm: Mặt trận cạnh tranh Mỹ-Trung “âm ỉ”

Thứ Tư, 11/01/2023, 18:11

Đất hiếm được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, hàng không vũ trụ, điện tử, cơ khí, công nghiệp hóa chất, luyện kim, công nghệ thông tin, hạt nhân, năng lượng mới. Đất hiếm là tài nguyên chiến lược quý và không thể tái sinh.

Nói một cách dễ hiểu, nếu không có các nguyên tố đất hiếm, rất nhiều công nghệ hiện đại và các ứng dụng sẽ là bất khả thi, và dự trữ chiến lược về đất hiếm là một yếu tố quan trọng trong các cuộc cạnh tranh toàn cầu và an ninh quốc gia.

"Vitamin" của ngành công nghiệp hiện đại

Theo một số nghiên cứu, Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia đứng đầu, chiếm khoảng hơn 90% tổng lượng tài nguyên đất hiếm trên thế giới. Tuy nhiên, chi phí khai thác đất hiếm quá cao, đi cùng với các lo ngại về tác hại đối với môi trường, nhiều nước phương Tây, nhất là Mỹ trong quá khứ đã đình chỉ các hoạt động khai thác và sản xuất đất hiếm, thay vào đó dựa vào nguồn cung ứng dồi dào và giá rẻ đến từ Trung Quốc. Theo thời gian, họ “quên” mất rằng điều này đã trao cho Trung Quốc vị thế đặc biệt.

Đất hiếm: Mặt trận cạnh tranh Mỹ-Trung “âm ỉ” -0
Mỏ khai thác đất hiếm Bayan Obo của Trung Quốc.

Thị trường đất hiếm đã ghi nhận biến động lớn sau khi Trung Quốc cắt giảm mạnh hạn ngạch xuất khẩu vào năm 2010 do nhiều nguyên nhân. Với trữ lượng đất hiếm thuộc hàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc kiểm soát khoảng 97% sản lượng đất hiếm của thế giới và cũng là nơi diễn ra phần lớn các hoạt động chế biến quặng đất hiếm. Điều này, tất yếu dẫn đến nhiều lo ngại cho các khách hàng vốn phụ thuộc nguồn cung này từ lâu như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các nước châu Âu. Giá đất hiếm liên tục tăng mạnh và cũng kích thích nhiều quốc gia thúc đẩy trở lại ngành công nghiệp khai khoáng đất hiếm hoặc đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc.

Bên cạnh đó, toàn cầu hóa và sự phát triển của các ngành công nghiệp hiện nay đều có mối liên hệ, sự phụ thuộc lẫn nhau của các nguồn lực khiến việc thiếu hụt nguồn cung đầu vào dễ kéo theo hàng loạt các thách thức theo kiểu hiệu ứng “domino”. Bất ổn địa chính trị, như cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, là một trong các ví dụ, nơi thị trường thế giới cùng lúc gặp phải tình trạng thiếu thốn nhiều nguồn nguyên, nhiên liệu (như dầu và khí đốt), phân bón, nhôm, đồng, quặng sắt, niken, thiếc và kẽm, và tất nhiên là cả đất hiếm. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) gần đây cũng đã cảnh báo về các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của thế giới, chủ yếu là việc sản xuất và chế biến chủ yếu tập trung ở một số quốc gia.

Trung Quốc đã xác định đất hiếm là một ngành công nghiệp chiến lược từ năm 1990 và chính phủ tiếp tục đầu tư phát triển ngành này qua tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Về mặt chính sách, Trung Quốc đã sáp nhập 3 công ty khai thác đất hiếm thuộc sở hữu nhà nước để tạo ra một tập đoàn duy nhất kiểm soát khoảng 40% trữ lượng đất hiếm của nước này. Việc chính phủ Trung Quốc củng cố ngành công nghiệp đất hiếm cũng là một phần trong chiến lược nâng cao chuỗi giá trị nguyên liệu thô toàn cầu thông qua phát triển quy trình xử lý và các ứng dụng mới cho đất hiếm. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã thống trị thị trường đất hiếm toàn cầu, dù đã giảm hạn ngạch xuất khẩu tài nguyên này.

Thế khó

Ưu thế thuộc về Trung Quốc trên thị trường đất hiếm đã gây báo động cho các nhà hoạch định chính sách lưỡng đảng tại Mỹ, khích lệ nhiều đề xuất về các chính sách mở rộng hoạt động khai thác khoáng sản quan trọng nội địa, trong đó có cả việc đẩy nhanh quy trình cấp phép và đưa ra các ưu đãi về thuế. Tháng 2-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp chỉ đạo các cơ quan liên bang xác định các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.

Tự chủ về nguồn đất hiếm cũng bắt nguồn từ mục tiêu “net zero” đòi hỏi xã hội tiếp nhận các các công nghệ và quy trình phụ thuộc vào khoáng sản này. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa quá trình chuyển đổi xanh và yêu cầu khai thác đất hiếm đang gây ra những mâu thuẫn và xung đột nhất định, bởi một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chính quá trình khai thác có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực với các mục tiêu “xanh” mà nhân loại hướng đến.

Điều đáng nói ở đây, bất chấp nhiều nỗ lực để làm sống lại ngành khai thác đất hiếm và tìm lại vị thế, Mỹ vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu 31 trong số 35 loại khoáng sản quan trọng và không có năng lực sản xuất nội địa 14 loại trong số này. Mỹ đang xem xét áp thuế đối với đất hiếm theo dự luật lưỡng đảng từng được đề xuất từ giữa năm 2022. Tuy nhiên, theo nhiều phân tích, dù Mỹ có các động thái như thế nào, trong ngắn và trung hạn, với lợi thế là sự thức thời, Trung Quốc vẫn sẽ kiểm soát đáng kể nguồn cung cấp lithium và 85% chuỗi cung ứng đất hiếm của thế giới, đủ để thống trị các ngành công nghiệp toàn cầu đang hướng đến thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.

Sách trắng về Chỉ số Phát triển ngành pin Lithium-Ion Trung Quốc năm 2021, do Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Thông tin Điện tử Trung Quốc (CCID), cho biết Trung Quốc là nhà sản xuất 70% pin và mô-đun năng lượng mặt trời của thế giới và nhà sản xuất pin lithium-ion hàng đầu thế giới là các công ty Trung Quốc.

Công cuộc chuyển đổi xanh toàn cầu vẫn chưa ai dám chắc sẽ diễn ra như thế nào, song trên chặng đường đó, có thể thấy việc tiếp cận, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thô này sẽ có những tác động đáng kể tới thực tế địa chính trị trong những thập kỷ tới, và càng đặt ra những đòi hỏi về tự chủ nguồn tài chuyên và các hoạt động khai thác, cũng như việc cân bằng với các mục tiêu xanh và phát triển bền vững.

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.