Đâu là chướng ngại vật cuối cùng ngăn cản Boxing Việt Nam phát triển?

Thứ Sáu, 31/03/2023, 16:25

Tấm huy chương Bạc giải vô địch thế giới 2023 cho thấy Boxing Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng tranh huy chương ở cấp độ cao nhất. Nhưng để phát triển thực sự, Boxing Việt Nam cần chung tay góp sức, đồng thời gạt bỏ thẳng thừng những người vì mâu thuẫn cá nhân mà ngăn cản cơ hội thi đấu của vận động viên (VĐV).

Nỗi buồn của Nguyễn Thị Tâm

Là 1 trong 9 võ sĩ đại diện cho Việt Nam tranh tài tại giải vô địch Boxing nữ thế giới 2023, Nguyễn Thị Tâm đang bước vào giai đoạn đỉnh cao phong độ. Ở tuổi 29, cô cho thấy sức mạnh và kinh nghiệm khi đánh bại hàng loạt tay đấm sừng sỏ để bước vào trận đấu cuối cùng. Nhưng ít ai biết phía ngoài võ đài, Tâm và các đồng đội phải chịu một sức ép vô hình khác.

Đâu là chướng ngại vật cuối cùng ngăn cản Boxing Việt Nam phát triển? -0
Nhiều đồng đội của Nguyễn Thị Tâm bị ngăn cản đi cổ vũ tại giải thế giới.

Trong trận bán kết gặp đối thủ người Pháp, không phải võ sĩ nào của đội tuyển Việt Nam cũng xuất hiện trên khán đài cổ vũ Nguyễn Thị Tâm. Họ rất muốn sát cánh, cất tiếng động viên người đồng đội, cũng là đàn chị của hầu hết vận động viên trong đội tuyển. Nhưng trong số những huấn luyện viên (HLV) đi cùng đoàn sang Ấn Độ, có một người đã ngăn cản họ làm điều đó.

Những bất đồng của nội bộ đội tuyển Boxing nữ Việt Nam khiến Nguyễn Thị Tâm không có niềm vui trọn vẹn dù giành vé vào chung kết giải. Không dừng lại ở đó, vị HLV nói trên còn lên mạng xã hội viết những thông tin sai sự thật. Vì một lý do nào đó, người này liên tục tìm cách hạ thấp uy tín giải đấu mà đại diện Việt Nam đã làm nên kỳ tích.

"Những giải do Hiệp hội Boxing Quốc tế (IBA) tổ chức hiện không có uy tín cao". Thật khó tin khi HLV đại diện cho đoàn Việt Nam tranh tài tại một giải quốc tế lại tự hạ thấp ban tổ chức giải đó. Việc này cho thấy những xung đột tồn tại trong lòng Boxing Việt Nam đã hằn sâu đến mức vì mâu thuẫn cá nhân, một số người sẵn sàng hạ thấp lợi ích của đội tuyển.

Trên thực tế, giải vô địch Boxing nữ thế giới 2023 do IBA tổ chức đã gây tiếng vang rất lớn trên đấu trường quốc tế. Giải quy tụ gần 400 vận động viên từ 70 nước tham dự, tương đương hơn 30 võ sĩ tranh tài tại mỗi nội dung thi đấu. Với những đoàn gặp khó khăn trong kinh phí đi lại, ăn ở, họ có thể đăng ký để IBA hỗ trợ hoàn toàn 100% mà không cần bồi hoàn.

Sự hào phóng của IBA là một trong những nguyên nhân khiến Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) có động thái hạ nhiệt trong mâu thuẫn với cơ quan này. Từ chỗ muốn xóa Boxing khỏi Olympic Paris, IOC mới đây đã cử giám sát viên độc lập đến làm việc cùng IBA tại giải đấu. Trong trường hợp khả quan nhất, Nguyễn Thị Tâm có thể được công nhận giành vé trực tiếp đến Olympic Paris.

Gần đây, IBA đã cho thấy sự nghiêm túc trong việc tái thiết mảng Boxing nghiệp dư. Với tổng tiền thưởng tại giải lên tới hơn 2 triệu USD, IBA đang hồi sinh Boxing nghiệp dư trở thành phong trào mạnh mẽ. Các VĐV đẳng cấp cao có cơ hội kiếm tiền thực sự mà không phải mạo hiểm đấu nhà nghề. Việc này cũng có lợi cho Việt Nam, quốc gia có thế mạnh về Boxing nghiệp dư.

HLV thiếu đạo đức vẫn lên tuyển?

Giữa bối cảnh đó, việc một HLV đội tuyển hạ thấp uy tín IBA có hại cho sự phát triển của Boxing Việt Nam. Điều may mắn là việc này chỉ xuất phát từ một cá nhân cá biệt. Nhưng đó cũng không phải thông tin tiêu cực duy nhất liên quan đến HLV nói trên, một người nổi tiếng với đời sống phức tạp cả trong và ngoài sàn đấu Boxing.

Đâu là chướng ngại vật cuối cùng ngăn cản Boxing Việt Nam phát triển? -0
Boxing SEA Games 31 trở thành giải đấu “lạ” khi chủ nhà tự bỏ 2 cơ hội tranh huy chương vàng.

Vốn là một trong những trụ cột thúc đẩy phong trào Boxing TP Hồ Chí Minh, người này từng nắm giữ vị trí cốt yếu tại bộ môn Boxing TP Hồ Chí Minh, cũng như Liên đoàn Boxing TP Hồ Chí Minh từ khi còn rất trẻ. Nhưng trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, HLV nói trên bất ngờ “biến mất”. Chẳng ai biết lý do vì sao, cho đến khi một số thành phần giang hồ chụp hình giấy nợ có tên của HLV đó lên mạng xã hội.

"HLV Boxing của TP Hồ Chí Minh ôm tiền trốn" là đề tài khiến nhiều độc giả bất ngờ khoảng 4-5 năm về trước. Ông bớt xén những khoản chi liên quan đến đội Boxing để tiêu xài cá nhân, rồi biến mất khi số tiền vay nợ lớn hơn khả năng chi trả. Nhưng bằng một cách nào đó, vị HLV kể trên trở lại ngoạn mục trên cương vị huấn luyện cho một địa phương khác, rồi bất ngờ được đưa lên tuyển quốc gia.

Không lâu sau khi SEA Games 31 khép lại, tên của HLV kia bất ngờ được đưa lên làm HLV trưởng đội tuyển Boxing nữ Việt Nam thay thế ông Nguyễn Như Cường, Trưởng bộ môn Boxing nữ Hà Nội. Là chuyên gia có đẳng cấp huấn luyện cao nhất của Boxing Việt Nam, việc ông Nguyễn Như Cường bị "trả về địa phương" khiến Nguyễn Thị Tâm và nhiều VĐV Hà Nội bỗng nhiên mất suất trên tuyển.

Vì không có tên trong danh sách đội tuyển Boxing Việt Nam, HLV Nguyễn Như Cường và 2 VĐV Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Hương đã phải tham dự giải vô địch Boxing châu Á 2022 bằng ngân sách địa phương. Bộ ba thầy trò mang về 1 HCV, 1 HCĐ tại giải đấu đó; cho thấy ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, họ vẫn cố gắng dẹp bỏ mâu thuẫn qua một bên để mang về thành tích cho thể thao Việt Nam.

Đáng chú ý hơn, câu chuyện một HLV gây chia rẽ đội tuyển tại giải Boxing nữ thế giới không phải lần đầu tiên xuất hiện. Trước đó tại SEA Games 31, hiện tượng những người làm Boxing Việt Nam vì mâu thuẫn cá nhân mà bỏ qua cơ hội giành huy chương cho đội tuyển trên sân nhà đã từng diễn ra. Nhưng khác với câu chuyện vừa qua, việc này được tiến hành trong âm thầm.

1 ngày trước khi môn Boxing SEA Games 31 diễn ra, trong buổi lễ bốc thăm, có 2 hạng cân chỉ gồm 2 VĐV đăng ký. Cả 2 hạng cân này đều có những đại diện Việt Nam tranh tài. Theo quy định của IBA, những hạng cân có ít hơn 3 VĐV thi đấu phải hủy bỏ. Trong bối cảnh Việt Nam là chủ nhà, Liên đoàn Boxing châu Á (ASBC) đã chủ động ngỏ ý đặc cách cho VĐV Việt Nam thi đấu chung kết.

Trong quá khứ, ASBC từng thực hiện những lần đặc cách tương tự với nước chủ nhà ở SEA Games 2013. Việt Nam chính là nước hưởng lợi ở SEA Games năm ấy, khi Hà Thị Linh đánh bại võ sĩ chủ nhà Myanmar trong trận chung kết đặc cách để giành HCV. Nhưng chủ nhà Việt Nam đã có phản hồi khiến chính các cán bộ ASBC phải bất ngờ, khi chủ động xin hủy 2 hạng cân, thay vì đánh chung kết tranh HCV.

"Các bạn không muốn VĐV của nước mình thi đấu giành huy chương hay sao?", một cán bộ của ASBC hỏi ngược thành viên ban tổ chức của Việt Nam. Chính họ, hẳn cũng chưa bao giờ gặp trường hợp một nước chủ nhà lại tự gạt đi cơ hội tranh HCV của chính mình. Không lâu sau khi 2 nội dung thi đấu trên bị hủy bỏ, 1 trong 2 tuyển thủ Việt Nam đã nghỉ thi đấu.

Một hiện tượng "lạ"

Câu chuyện của SEA Games 31, hay tại Giải vô địch Boxing nữ thế giới vừa qua cho thấy một số cá nhân làm việc trong môn Boxing, vì mâu thuẫn cá nhân, sẵn sàng bỏ qua lợi ích quốc gia. Đây cũng là một trong những chướng ngại vật lớn nhất ngăn cản Boxing Việt Nam tiến ra đấu trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh môn võ này có thể trở thành niềm hy vọng vàng tại ASIAD và Olympic sắp tới.

Đâu là chướng ngại vật cuối cùng ngăn cản Boxing Việt Nam phát triển? -0
Không nhiều võ sĩ Việt Nam có khả năng thay thế lứa vận động viên như Trương Đình Hoàng hay Trịnh Thị Diễm Kiều.

Điều may mắn là những lãnh đạo cấp cao nhất của thể thao Việt Nam đã sớm nhìn nhận ra vấn đề và giải quyết. 1 ngày sau trận bán kết giải vô địch thế giới của Nguyễn Thị Tâm, Tổng cục TDTT đã họp cùng Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF) để thống nhất hướng phát triển trong thời gian tới. Theo đó, Nguyễn Thị Tâm có thể được xét đầu tư trọng điểm cho ASIAD và Olympic Paris.

Ở tuổi 29, Nguyễn Thị Tâm có thể thi đấu thêm 2-3 năm nữa trước khi xác định những hướng đi mới trong tương lai. Vì thế, bên cạnh việc giải quyết những khó khăn trước mắt, những người làm thể thao Việt Nam cũng cần xác định hướng đi đúng đắn để Boxing phát triển một cách lành mạnh nhất. Nếu không, sau mỗi giải vô địch quốc gia, sẽ lại có những VĐV xin nghỉ vì đánh thắng, nhưng lại bị xử thua.

Boxing Việt Nam đang thiếu lứa VĐV kế cận

Tại kỳ Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, phần lớn VĐV giành chức vô địch đều là những võ sĩ dày dạn kinh nghiệm như Trần Văn An, Nguyễn Văn Đương, Trương Đình Hoàng, Nguyễn Văn Giới, Trịnh Thị Diễm Kiều, Nguyễn Thị Tâm, Vương Thị Vỹ... Sau giải đấu này, Đình Hoàng và Diễm Kiều cũng nói lời chia tay đấu trường Boxing trong nước, để lại khoảng trống lớn cho thế hệ VĐV kế cận.

Trong khuôn khổ các giải vô địch quốc gia, số VĐV dưới 25 tuổi có thể cạnh tranh chức vô địch không nhiều. Một số tay đấm trẻ giàu tiềm năng như Nguyễn Đức Ngọc (Hà Nội) hay Đoàn Ngọc Minh Hiếu (Quân đội) không đại diện cho số đông. Những người làm chuyên môn cũng nhận định Boxing Việt Nam hiện không có nhiều VĐV đủ sức lên đội tuyển quốc gia thay thế những "gà già".

Sự khó khăn trong phát triển Boxing Việt Nam có thể thấy rõ ở các hạng cân của nam. Họ không mang về thành tích ổn định như đồng nghiệp nữ. Tại SEA Games 2015, các võ sĩ nam giành 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ. Đến SEA Games 2019, họ mang về 4 HCB, 1 HCĐ nhưng thành tích tụt xuống chỉ còn 1 HCB, 2 HCĐ tại SEA Games vừa qua.

Phần lớn những võ sĩ vô địch Việt Nam thời điểm hiện tại đều chưa thể cạnh tranh thành tích ở đấu trường quốc tế. Bên cạnh lý do khách quan vì nằm cạnh 2 cường quốc Thái Lan và Philippines, không thể phủ nhận các VĐV nam thiếu cơ hội cọ xát, thi đấu quốc tế. Họ gặp khá nhiều khó khăn khi chạm trán đối thủ nước ngoài dù thể hình, tốc độ không quá thua kém đối thủ.

Đơn Ca
.
.