Để cho chim hót chuyện tình…

Thứ Sáu, 04/02/2022, 17:20

Mùa xuân mới, “bình thường mới”, ở đô thị lớn nhất phương Nam có gì đáng bận tâm sau những nhộn nhịp đang hồi sinh rộn ràng? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết “Sài Gòn mùa xuân còn thoáng lá vàng bay, có mùa thu nào đang ở lại”.

Còn tôi thầm hỏi, có niềm riêng nào đang ở lại? Dĩ nhiên, không phải dấu vết những dây giăng cách ly, không phải dấu vết những hàng rào phong tỏa, mà là những câu chuyện tình người. Hay nói đúng hơn, đó là thái độ ứng xử của những F0 giữa tháng ngày ngổn ngang âu lo và nhân ái.

Tôi có nhiều người quen mắc COVID-19, có người đã âm thầm ra đi và cũng có người vượt thoát ngoạn mục. Thế nhưng, khi nghe tin bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn qua đời một ngày đầu tháng 8, tôi xao xác khôn nguôi. Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn là trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh. Chỉ mấy tháng nữa thì ông chính thức nghỉ hưu, nhưng ông vẫn bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. Điều đáng khâm phục nhất là lúc đã được đưa vào khu điều trị, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn vẫn tranh thủ nén những cơn ho để gọi điện an ủi những bệnh nhân khác. Không thể nói khác hơn, đó là y đức, đó là văn hóa đích thực của một thầy thuốc.

trang le sa long 2.jpg -0
Tranh trong bài: Lê Sa Long

Vĩnh biệt bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, một đồng nghiệp của ông là bác sĩ Tự Hàn ở Long Khánh – Đồng Nai đã có bài thơ “Tưởng niệm” đầy day dứt: “Tim tôi như vỡ tan/ nỗi đau thấm từng phế nang/ từng thớ cơ/ từng hồng cầu/ từng nơ-ron/ từng mao quản/ ai chỉ cho tôi ụ đất nào ghi bia mộ tên anh/ Tôi muốn ôm mưa pha hoàng hôn Bến Thành thật xanh/ tôi muốn ôm mưa hòa tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà thở dài ngằn ngặt/ tôi muốn ôm mưa ngồi nghe đất khóc/ Anh ơi”. Bài thơ “Tưởng niệm” được bác sĩ Tự Hàn gửi tham dự cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Tôi và các thành viên Ban giám khảo gần như không cần trao đổi gì mà thống nhất tuyệt đối để trao tặng giải Nhất cho bác sĩ Tự Hàn. Vì sao? Vì bài thơ “Tưởng niệm” không chỉ đơn thuần là một tác phẩm thi ca nữa. Ở đó, có hai văn bản được thiết lập song song, một văn bản từ trái tim bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn và một văn bản từ trái tim bác sĩ Tự Hàn. Hai văn bản ấy hòa vào nhau, trong câu chữ người nọ thấy tấm lòng người kia, như một tấm khiên mong manh mà kiên định trước cơn tàn phá của virus corona.

Hơn 2 vạn đồng bào đã tử vong vì COVID-19. Con số ấy khiến những F0 chiến thắng được COVID-19 cũng không nỡ cao giọng về sự may mắn của bản thân. Ai cũng cảm thấy mình có lỗi khi chứng kiến hàng xóm mang theo cơn ho rũ rượi vào bệnh viện dã chiến, rồi lại trở về nhà trong một hũ tro cốt lặng câm. Bẽ bàng lắm, chua xót lắm. Thế nhưng, COVID-19 dần dần bớt đáng sợ hơn nhờ sự tự tin đối diện của những F0. Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh tuổi ngoài 70 cùng người chồng tuổi ngoài 80 cùng bị phát hiện dương tính và cùng phải cấp cứu hồi sức. Cao niên lại nhiều bệnh nền, cả hai đều phải thở máy hơn 10 ngày. Vậy mà, kỳ diệu thay, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh và chồng đã khỏi bệnh một cách ngoạn mục.   

tranh le sa long.jpg -0
Tranh trong bài: Lê Sa Long

Trường hợp khác cũng tương tự. Vợ chồng nhà thơ Huệ Triệu cùng một lúc trở thành F0. Đáng tiếc, người chồng của nhà thơ Huệ Triệu đã không qua khỏi. Chị bơ vơ trở về mái ấm. Ngày chị nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, di ảnh người chồng chập chờn hương khói trên bàn thờ. Ngày 20-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và chúc mừng chị - một cô giáo Văn đã góp công đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – TP Hồ Chí Minh. Nhà thơ Huệ Triệu cũng là một trong những người hoạt động thiện nguyện tích cực nhất giai đoạn cao điểm chống dịch. Chị đã cùng nhóm tác giả nữ vận động và phân phát thực phẩm cho những xóm trọ nghèo, cho những gia đình gieo neo. Nhà thơ Huệ Triệu viết về Sài Gòn đương đầu COVID-19 bằng những gửi gắm lạc quan: “Không phải lúc những xa xôi hoa mỹ/ Thành phố của tôi, những san sẻ rất gần/ Hạt gạo thơm lành, bó rau xanh mát/ Lại rưng rưng... thương lắm, nụ cười trong/ Lại rưng rưng… giữa phố xá vắng người/ Những thiên thần áo xanh, áo trắng/ Mệt lả, căng mình trong cơn bão không ngơi/ Biết nói gì trước - sau, nước mắt - nụ cười/ Chỉ nghĩa nhân lấp lánh ánh mắt người”.

Mùa xuân mới, bình thường mới, văn hóa F0 chính là nền tảng để thúc đẩy quá trình thích ứng linh hoạt, hiệu quả và an toàn với COVID-19. Không còn phong tỏa căng thẳng, không còn cách ly ngột ngạt, ước mơ “zero COVID-19” vẫn còn xa tầm tay của chúng ta. Trên đường phố Sài Gòn, ai cũng có thể là F0 tiềm ẩn, nhưng không vì thế mà con người xa lánh nhau, ghẻ lạnh nhau, ghét bỏ nhau. Khi bắt đầu áp dụng biện pháp điều trị F0 tại nhà, tôi cứ nhớ mãi ấn tượng về anh hàng xóm. Có một cô nhân viên y tế đến nhà tư vấn sức khỏe, anh hàng xóm là F0 đứng phía trong cửa kính dùng điện thoại trò chuyện. Từ cửa sổ nhìn sang, bất ngờ tôi trông thấy cô nhân viên y tế nhẹ nhàng và khéo léo gỡ cái khẩu trang ra khỏi khuôn mặt khoảng 30 giây. Chuyện gì lạ vậy nhỉ? Lẽ nào cô nhân viên y tế cảm thấy khó thở ở hành lang chung cư? Chờ cô nhân viên y tế hoàn thành nhiệm vụ và rời đi, tôi liền tò mò dò hỏi. Anh hàng xóm cười khì khì: “Mình bảo cô nhân viên y tế, đã mấy tháng phong tỏa, mình chưa được nhìn thấy khuôn mặt người phụ nữ thứ hai, ngoài vợ mình. Dù mình chỉ là F0 triệu chứng nhẹ, nhưng rất nguy cơ không còn khả năng nhận biết nhan sắc phái đẹp. Mình đề nghị cô nhân viên y tế tháo khẩu trang cho mình ngắm chút. Và cô ấy đã thực hiện, với nụ cười rất tươi. Mình đoán cô ấy chỉ ngoài hai mươi, khuôn mặt rất xinh xắn và phúc hậu”.

COVID-19, quả thật có nhiều chuyện vượt ngoài trí tưởng tượng của chúng ta. Người dân Sài Gòn đã lập được thói quen sống chung với F0. Bởi lẽ, F0 có thể là người tình cờ gặp nhau ở thang máy, F0 có thể là người tình cờ gặp nhau ở siêu thị, F0 có thể là người tình cờ gặp nhau ở công sở. F0 có thể là bạn, mà F0 cũng có thể là tôi. Vì vậy, văn hóa F0 là một khái niệm cần vun đắp. Không kỳ thị F0 và cũng không xem nhẹ F0. Tôi tự dặn dò mình, thật thoải mái và thật chu đáo với từng F0 xung quanh. Một lời chào thân thiện, một cuộc điện thoại ân cần, đều là bước khởi đầu để chúng ta cùng F0 sớm có kết quả âm tính.

Mùa xuân mới, bình thường mới, có khi người Việt Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng, phải thay đổi những phong cách đón Tết trước kia. Hạn chế tụ tập, hạn chế cụng ly, hạn chế say sưa.... nhưng vẫn hướng về nhau chân thành và ấm áp. Không có gì quá khủng khiếp, nếu trên phố xá hôm nay, chúng ta lướt qua một F0 mà chẳng hề hay biết. Và nếu chúng ta là F0 thì sao nhỉ? Rất đơn giản, tự chăm sóc bản thân theo hướng dẫn của ngành y tế và kiểm soát hành vi bản thân để không lây nhiễm cho người khác. Mỗi F0 đều có ý thức như vậy thì lộ trình bình thường mới của xã hội lại ngân rung như lời hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Mùa xuân thay lá mùa đông, để cho chim hót chuyện tình”.

Lê Thiếu Nhơn
.
.