Để có một nền điện ảnh kết nối và lan tỏa
Điện ảnh ngay từ khi ra đời đã khẳng định vai trò rất lớn trong việc quảng bá giá trị văn hóa, thúc đẩy du lịch phát triển. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, điện ảnh Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức phát huy vai trò và thế mạnh này. Tuy nhiên, vẫn còn bộn bề những khó khăn đòi hỏi một sự chuyển mình để có thể “bắt nhịp” với điện ảnh thế giới.
Điện ảnh kích cầu du lịch
Thực tế của điện ảnh trong nước và thế giới nhiều năm qua cho thấy, điện ảnh có ảnh hưởng rất lớn trong việc thúc đẩy ngành du lịch của một quốc gia hay một địa phương. Điển hình như ở New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… nhiều địa điểm đã trở nên hút khách du lịch sau khi trở thành bối cảnh của một bộ phim nổi tiếng. Ví như phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” sau khi công chiếu thì những địa danh của New Zealand trong phim đã trở thành những điểm đón khách du lịch nổi tiếng thế giới. Hay như Hàn Quốc, các địa danh như đảo Jeju, đảo Nami, công viên Lotte World, bến phà Abai... từng xuất hiện trong các phim “Nấc thang lên thiên đường”, “Trái tim mùa thu”, “Bản tình ca mùa đông”, “Nàng Dae Jang Geum”, “Itaewon Class” cũng luôn được du khách lựa chọn trong hành trình tham quan tại Hàn Quốc...
Tại Việt Nam những năm gần đây cũng đã xuất hiện những “cơn sốt” du lịch sau thành công của các tác phẩm điện ảnh. Có thể kể tới phim “Người tình” và “Đông Dương” của điện ảnh Pháp. 2 bộ phim này được quay tại Việt Nam từ năm 1992, trong đó có giới thiệu những bối cảnh đẹp tuyệt vời của Vịnh Hạ Long, TP. Hồ Chí Minh, sông nước đồng bằng sông Cửu Long hay những ngôi nhà cổ. Ngay sau khi phim ra mắt, hiệu ứng phong cảnh đẹp trong phim đã tạo một làn sóng khách du lịch tới Vịnh Hạ Long, TP. Hồ Chí Minh và miền Tây Nam Bộ. Và hiện tại vẫn có những tour du lịch được thiết kế theo hành trình của những nhân vật trong phim tại Việt Nam.
Còn nhiều minh chứng cho thấy sự “kích cầu du lịch” từ các tác phẩm điện ảnh. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ và phim “Kong: Skull Island” của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts là một ví dụ. Những cảnh sắc tuyệt đẹp của mảnh đất Phú Yên trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước dẫu bộ phim ra mắt đã khá lâu. Bộ phim “bom tấn” “Kong: Skull Island” của Hollywood sử dụng cảnh quay tại Ninh Bình, Quảng Bình và Hạ Long đã khiến ngành du lịch điện ảnh Việt Nam có được bước tiến đáng kể. “Làng thổ dân” trong phim đã được tái hiện và thu hút lượng lớn khách du lịch tại Tràng An (Ninh Bình). Hay như các phim “Người Mỹ trầm lặng”, “Chuyện của Pao”, “Mắt biếc”... cũng tạo nên cơn sốt với du khách tại các điểm từng là bối cảnh trong phim. Đó là những bài học thành công về việc quảng bá du lịch thông qua điện ảnh những năm gần đây.
Mở lối vào một vùng văn hóa
Từ giai đoạn sơ khai của điện ảnh Việt Nam, bộ phim “Con chim vành khuyên” (1962) đã đạt được những giá trị cao khi chọn những chi tiết rất đặc trưng Việt Nam như ngôi nhà, rặng tre, dòng sông, đôi bờ… để tạo nên phong cách trữ tình, chất thơ, toát lên tinh thần dung dị và chân thật. Cũng trên nền tảng địa văn hóa làng quê Việt Nam, nhiều bộ phim của các đạo diễn Việt Nam cũng đã tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của người xem, tạo được nhiều sự đồng cảm của công chúng thế giới.
“Với chính sách mở cửa, nhiều nhà làm phim Việt Nam ở nước ngoài trở về làm phim tại quê hương. Ở chừng mực nào đó, họ đã mang theo một luồng sinh khí mới, một cách nhìn, một cách nghĩ, cách thể hiện khác vào môi trường điện ảnh trong nước, mang một góc nhìn về một Việt Nam mới giới thiệu với công chúng thế giới như đạo diễn Trần Anh Hùng với phim “Mùi đu đủ xanh” (1993) và “Mùa hè chiều thẳng đứng” (2000) là một điển hình. Những bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng đã đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới với cái nhìn của ký ức và sự quan sát hết sức tinh tế. Với cách thể hiện kiệm lời nhưng giàu hình ảnh, đã diễn đạt văn hóa Việt Nam một cách độc đáo gây được ấn tượng sâu sắc với công chúng thế giới”, TS Trần Quang Minh - Trưởng khoa nghệ thuật Điện ảnh, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh nhận định.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy ví von điện ảnh như cánh cửa mở ra lối vào một vùng văn hóa. Thế nhưng để mở cánh cửa ấy không phải là chuyện giản đơn: “Có thể nói, thế hệ trẻ biết về văn hóa Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhiều nhất chính là thông qua điện ảnh. Tôi xem những bộ phim như “Đường về nhà” chẳng hạn, bao giờ trong lòng cũng dấy lên một khao khát về những bộ phim như thế, về mỗi vùng đất đặc trưng văn hóa Việt Nam của chúng ta. Chúng ta có những vùng văn hóa rất đẹp mà đến giờ điện ảnh vẫn chưa khai thác được là bao: Tây Bắc, Việt Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... với hơn 50 dân tộc thiểu số, chúng ta có một lịch sử dân tộc dày dặn, vạm vỡ và sinh động, điện ảnh hay bất kì loại hình nghệ thuật nào có khai thác đến bao nhiêu lâu cũng không hết” – nhà văn Đỗ Bích Thúy trăn trở.
Từ góc nhìn về điện ảnh Hà Nội, thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ - Phó viện trưởng Viện Sân khấu điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội ngậm ngùi: “Các bộ phim điện ảnh về Hà Nội và hướng tới quảng bá hình ảnh văn hóa – du lịch Thủ đô những năm gần đây còn rất ít ỏi, hiếm hoi, chưa tương xứng với bề dày truyền thống văn hóa lịch sử và tiềm năng phát triển của vùng đất địa linh nhân kiệt này. Chính vì không có nhà đầu tư, đội ngũ ít ỏi, rất ít dự án làm phim được khởi động nên không khí làm điện ảnh ở Hà Nội nguội lạnh. Trong khi đó, thành phố lại chưa quan tâm thỏa đáng đến điện ảnh. Một số dự án điện ảnh lớn được đầu tư lại chưa thành công… Điều đó dẫn tới thực trạng đáng lo ngại là để duy trì hoạt động sản xuất phim đã khó chứ chưa nói tới việc phát huy thế mạnh để quảng bá văn hóa – du lịch của Thủ đô”.
Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa
Với rất nhiều di tích, danh thắng cùng những giá trị văn hóa đặc sắc... Việt Nam có lợi thế và tiềm năng rất lớn trong việc thu hút các nhà làm phim trong và ngoài nước. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh này nhiều địa phương đã xây dựng cơ chế chính sách nhằm thu hút các nhà sản xuất, hỗ trợ cho các cơ sở điện ảnh phát triển. Đơn cử như tỉnh Thừa Thiên Huế đã áp dụng và triển khai nhiều biện pháp từ việc đơn giản thủ tục, hỗ trợ kết nối chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân quản lý giá trị văn hóa, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ các đoàn làm phim tham gia tác nghiệp tại Huế. Ngoài ra, Huế còn đề xuất một số chính sách hỗ trợ về kinh phí cho đoàn làm phim thông qua các hình thức miễn giảm vé vào các di tích, chi phí lưu trú, sử dụng bối cảnh miễn phí, hỗ trợ công tác truyền thông. Đặc biệt là chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn nghiên cứu, xây dựng phim trường chuyên nghiệp bên cạnh các phim trường tự nhiên để khai thác một cách bền vững thế mạnh này.
Theo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh, việc thu hút các hãng phim nước ngoài đến làm phim cũng như tạo mọi điều kiện cho các nhà làm phim Việt kiều về nước đầu tư và hoạt động nghề nghiệp là rất cần thiết. Đây cũng là một hình thức thúc đẩy sự vận động và tính chuyên nghiệp của đội ngũ sáng tác trong nước. Việt Nam cần có chính sách đặc thù để thu hút các nhà làm phim quốc tế đồng thời đơn giản hóa các thủ tục cấp phép; đầu tư ngân sách phù hợp.
Và để phim ảnh thật sự kết nối và lan tỏa, quảng bá văn hóa thì ngoài những chính sách, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các điều luật, các nghị định… mỗi nghệ sĩ, mỗi nhà biên kịch, đạo diễn, quay phim… đều cần có ý thức về sự gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa bản sắc, nét riêng của dân tộc trong từng tác phẩm, cách xây dựng nhân vật, cốt truyện. Các nghệ sĩ tự nâng cao tầm văn hóa của tác phẩm trong sáng tác, nâng cao chất lượng tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm cũng chính là con đường đến với công chúng trong và ngoài nước một cách thuyết phục nhất.
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, cần có chiến lược khai thác văn hóa dân tộc qua văn hóa dân gian trong xây dựng tác phẩm điện ảnh mang đặc trưng Việt đồng thời có chiến lược quảng bá, tích cực đưa giá trị văn hóa dân tộc lên màn ảnh rộng để quảng bá với thế giới về đất và người Việt Nam. “Các nhà làm phim Việt cần quan tâm bản sắc văn hóa độc đáo của các vùng miền, các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ngoài ra, cần có chính sách xã hội hóa trong hoạt động điện ảnh để các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào hoạt động điện ảnh” - PGS.TS Lê Thị Bích Hồng nhấn mạnh.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam:
“Có thể nói mọi bình diện của đời sống, mọi thời đoạn của lịch sử đều được lên phim. Vì thế, ở một đất nước có nền điện ảnh và phim truyện truyền hình phát triển thì chính các tác phẩm này luôn cung cấp cho khán giả của quốc gia đó và cộng đồng quốc tế các bức toàn cảnh về lịch sử văn hóa truyền thống cũng như những biểu trưng văn minh vật chất (kinh tế phát triển), văn minh tinh thần (văn hóa đa dạng hiện đại) đang diễn ra trong cuộc sống đương đại của mỗi cộng đồng, của mỗi quốc gia. Hơn thế nữa, nhờ sự quảng bá có hiệu quả này mà khán giả có có dịp mở rộng hiểu biết, thiện cảm hơn với mỗi dân tộc, vùng miền”.
Nhà báo Ngô Minh Nguyệt - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật:
“Trong hành trình phát triển, hội nhập, nếu mỗi tác phẩm điện ảnh cân bằng, hài hòa được giữa cái chung với cái riêng, dân tộc với toàn cầu thì bản thân mỗi tác phẩm đã có thể trở thành những đại sứ văn hóa, bắc nên những chiếc cầu kết nối và lan tỏa văn hóa. Trong muôn vàn những cách kết nối và lan tỏa thì văn hóa, trong đó có phim ảnh là cách kết nối lâu bền và mạnh mẽ nhất. Mỗi nghệ sĩ sẽ có những sáng tạo mang phong cách riêng để mỗi tác phẩm tuy cùng hướng tới sự kết nối, lan tỏa nhưng mỗi bộ phim là một bức tranh riêng. Tất cả cùng tạo thành một bức tranh đa sắc trong đó ngoài cái chung vẫn có cái riêng, để hòa nhập mà không hòa tan. Khi đó, mỗi bộ phim sẽ đúng nghĩa là một đại sứ văn hóa đại diện cho mỗi dân tộc, quốc gia trong hành trình kết nối và lan tỏa. Trong xu hướng hội nhập, trong sự gia tăng, hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật… quảng bá văn hóa qua phim ảnh chắc chắn sẽ càng ngày càng phát triển và trở thành một kênh hữu hiệu trong kết nối, giao lưu giữa các nước, các nền văn hóa và các khu vực trên thế giới”.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy:
“Quảng bá văn hóa qua tác phẩm điện ảnh là cách quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất, tác động mạnh mẽ nhất và ngay lập tức tới số đông công chúng. Tất nhiên, chúng ta cũng có thể kể đến các loại hình khác: Văn chương, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc... mỗi thể loại đều có sức lan tỏa, ảnh hưởng riêng. Sở dĩ nói điện ảnh có sức quảng bá mạnh nhất là bởi vì ở trong nó có bóng dáng của nhiều loại hình cộng lại: Có văn chương, có nhiếp ảnh, có âm nhạc... Đặc trưng thể loại cũng khiến cho công chúng tiếp nhận văn hóa thông qua điện ảnh thuận lợi hơn”.