Đề tài về lực lượng Công an nhân dân: Được mùa phim truyền hình

Thứ Hai, 15/08/2022, 19:37

Chỉ trong nửa đầu năm 2022, khá nhiều bộ phim về lực lượng CAND lên sóng truyền hình, để lại dấu ấn sâu đậm, thậm chí cả những tranh cãi chưa có hồi kết trong đông đảo công chúng. Hình tượng người chiến sĩ CAND cũng được khai thác đa chiều, ở nhiều lĩnh vực, không chỉ xoay quanh sự khốc liệt trong chống tội phạm như thường thấy ở nhiều phim cảnh sát hình sự trước đây.

Đa dạng “thực đơn” cho khán giả

Những ngày này, khán giả yêu thích dòng phim về phòng chống tội phạm và điều tra phá án có dịp chứng kiến sự trở lại đầy ngoạn mục của series phim Cảnh sát hình sự với “Đấu trí” – bộ phim truyền hình mới nhất của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam đầy ắp tính thời sự về cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt là lợi ích nhóm.

Đề tài về lực lượng Công an nhân dân: Được mùa phim truyền hình -0
Cảnh trong phim truyền hình mới nhất về lực lượng CAND – “Đấu trí”.

Dựa theo vụ đại án có thật khiến dư luận “dậy sóng” nhiều tháng qua, phim “Đấu trí” gây nhiều sự tò mò ngay từ trước khi lên sóng. Với sự tham gia diễn xuất của rất nhiều gương mặt “ăn khách” như NSND Trung Anh, Thanh Sơn, Doãn Quốc Đam, Lương Thu Trang, Tú Oanh, Nguyệt Hằng…, bộ phim thu hút người xem bằng những cuộc đấu trí, đòn cân não giữa những kẻ vừa có quyền, có tiền, nhiều mánh khóe, thủ đoạn lợi dụng chính sách, cơ chế để trục lợi cho bản thân với những chiến sĩ cảnh sát kinh tế với tư duy sắc bén, dũng  cảm đối đầu với “quyền lực đen”.

Ngay trước “Đấu trí”, đông đảo khán giả, trong đó có các cán bộ chiến sĩ Công an không ngừng xôn xao luận bàn khi dõi theo từng tập phim “Bão ngầm” – một dự án phim truyền hình kéo dài nhiều năm, có kịch bản được viết bởi một người từng có nhiều năm lăn lộn với lực lượng Cảnh sát hình sự là nhà báo, nhà văn Đào Trung Hiếu. Chân thực với những tình tiết mà chỉ người trong nghề lâu năm mới biết, “Bão ngầm” có nhiều nhân vật, tình huống khiến người xem liên tưởng đến nhiều nhân vật trong đời thực, nhiều vụ việc đã xảy ra trong xã hội. Cũng vì thế, không ít cuộc tranh luận trong cộng đồng mạng đã diễn ra sôi nổi đến mức ê kíp tham gia dự án này cũng bất ngờ vì đôi khi vượt xa nội dung câu chuyện phim.

Một bộ phim khác về đề tài CAND không thể không kể đến trong dịp cuối năm 2021, đầu năm 2022 là phim truyền hình “Phố trong làng” của đạo diễn, NSƯT Mai Hiền. Tập trung khai thác chủ trương xây dựng công an xã chính quy của Bộ Công an, bộ phim mang đến cho khán giả truyền hình những hình ảnh rất khác về người chiến sĩ Công an. Ở đó không có những người hùng với các cuộc truy bắt tội phạm nghẹt thở mà là những chiến sĩ công an rất trẻ, đối diện với không ít những vấn đề của đời sống vùng nông thôn đang hiện đại hóa nhanh đến mức “chóng mặt”, kéo theo không ít tệ nạn xã hội. Hình tượng người chiến sĩ Công an được xây dựng trong phim vẫn rất chỉn chu nhưng cũng vô cùng gần gũi, đời thường, với đủ các cung bậc cảm xúc của tuổi trẻ đã giúp “Phố trong làng” tạo ấn tượng đậm nét trong lòng công chúng.

Đề tài về lực lượng Công an nhân dân: Được mùa phim truyền hình -0
NSND Trung Anh lần đầu đóng vai cán bộ Công an trên phim.

Thực tế, trong 7 tháng đầu năm 2022, khán giả yêu thích phim truyền hình có khá nhiều lựa chọn khi xem các phim về lực lượng CAND. Ngoài các phim mới nói trên, nhiều nhà đài còn chọn phát lại một số bộ phim từng lên sóng trước đó về lực lượng CAND. Trong đó, phim “Sinh tử” là bộ phim rất được yêu thích khi phát sóng trên VTV1, cũng về đề tài chống tham nhũng, do NSND Khải Hưng và NSƯT Mai Hiền làm đạo diễn. Phim "Kẻ tàng hình" của đạo diễn Thái Trình, lấy cảm hứng và tư liệu từ các vụ án ma túy lớn đã được phá thành công tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội trong 10 năm qua…

Khắc họa sinh động, phản ánh đa chiều về người chiến sĩ CAND

Tỷ lệ thuận với sự dồi dào về số lượng phim, hình tượng người chiến sĩ CAND được khắc họa đa dạng, đa chiều, nhiều bộ phim thu hút đông đảo khán giả truyền hình. Ê kíp làm phim cũng không chỉ đón nhận những “cơn mưa lời khen” mà còn không ít các “hạt sạn” bị người xem chỉ ra, những tình tiết gây tranh cãi tưởng chừng không có hồi kết. Với người làm phim, đây là những tín hiệu vui nhưng cũng là thách thức.

Với các diễn viên, ngay cả với diễn viên lão luyện như NSND Trung Anh cũng thừa nhận, làm phim về CAND hiện nay rất khó. Lần đầu đảm nhận vai cán bộ Công an trong phim “Đấu trí”, ông rất áp lực. Có cảnh quay đọc lệnh bắt thôi nhưng ê kíp phải làm đi làm lại nhiều lần. Có khi một trang kịch bản có đến hơn chục tên công ty rất dài, đòi hỏi diễn viên phải thuộc làu, lỡ sai một từ là cả ê kíp trong cảnh quay này phải làm lại, đến mức nam nghệ sĩ nói vui là diễn viên học thoại “trẹo cả mồm”…

Còn đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, người luôn theo sát rất nhiều dự án phim truyền hình nổi tiếng về lực lượng CAND, nhất là phim về Cảnh sát hình sự cũng cho rằng đó luôn là những dự án phim đặc biệt. Phim lấy chất liệu từ những vụ việc “nóng” trong đời sống xã hội, người xem rất dễ liên tưởng đến những vụ việc cụ thể trong đời sống và so sánh. Đây luôn là thách thức đối với các nhà làm phim, nhưng bù lại, chính những vấn đề nóng hổi mang tính thời sự lại chưa bao giờ ngừng hấp dẫn khán giả.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – một trong những người tham gia viết kịch bản cho các phim Cảnh sát hình sự đầu tiên từng chia sẻ  rằng đây là công việc đầy áp lực. Trước khi viết kịch bản, các tác giả tiếp cận nhiều câu chuyện có thật từ các hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, các tác giả không thể chỉ kể lại vụ án mà phải ngồi lại cùng nhau bàn bạc để từ các hồ sơ, vụ án đã có, dựng lên con người – nhân vật trung tâm trong câu chuyện, hình tượng hóa, nhân cách hóa, hướng đến cái đích cuối cùng là chủ nghĩa nhân văn trong những con người mang sắc phục.

Đề tài về lực lượng Công an nhân dân: Được mùa phim truyền hình -0
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, những hồ sơ do các đơn vị trong CAND cung cấp hé lộ về một vụ án nhưng nhà văn có nhiệm vụ tối quan trọng là hé lộ tâm hồn của người chiến sĩ Công an. Dù viết thế nào, các tác giả cũng phải dựng lên vẻ đẹp tâm hồn của con người, vẻ đẹp của nhân tính. Qua các giai đoạn, hình tượng người chiến sĩ CAND cũng thay đổi theo từng thời gian, những biến đổi của xã hội, khoa học công nghệ, sự dân chủ trong đời sống… Lực lượng CAND hiện nay rất khác lực lượng CAND 50 năm về trước. Người chiến sĩ CAND hôm nay thay đổi, trình độ chuyên môn, kiến thức xã hội cao hơn rất nhiều nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, không được phép thay đổi đó là trái tim ấm nóng, bản lĩnh, lương tâm của người Công an trong hành động, trong thực hiện nhiệm vụ, sự dấn thân cho Tổ quốc. Dù họ có được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại đến đâu thì trí tuệ, trái tim vẫn là yếu tố quyết định.

NSND Trọng Trinh, người có duyên với rất nhiều vai diễn, đạo diễn phim truyền hình về lực lượng CAND, chính quá trình làm phim, được tiếp cận nhiều với các cán bộ chiến sĩ Công an đã giúp anh hiểu và ngày càng dành nhiều tình cảm tốt đẹp với lực lượng này. Từ những năm 80-90 của thế kỷ trước, NSND Trọng Trinh từng đảm nhận vai Năm Hà – một chiến sĩ cảnh sát ngang tàng, khí chất, trong phim “SBC” (Săn bắt cướp) do NSND Trần Phương đạo diễn. Nam nghệ sĩ cho biết, thực chất, vai diễn này hội tụ rất nhiều phẩm chất của người Cảnh sát hình sự thời kỳ đó. Cùng NSND Trọng Trinh đóng các màn rượt đuổi trong “SBC” là các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát hình sự thực thụ. Những ngày tìm hiểu thực tế và tham gia đóng phim cùng các cán bộ chiến sĩ  đã giúp nam nghệ sĩ có điều kiện hiểu sâu hơn về cuộc sống đời thường, kể cả những khoảng lặng buồn trong tâm hồn của những người lính vốn đang là hình mẫu lý tưởng đương thời song không được phản ánh trên phim. Sau này, khi tham gia đóng phim và làm đạo diễn nhiều phim khác về lực lượng CAND, trong đó có series phim “Cảnh sát hình sự”, NSND Trọng Trinh luôn cố gắng chuyển tải đa dạng, khai thác chiều sâu tâm lý, đời sống tâm hồn và gửi gắm nhiều trải nghiệm, cảm xúc của bản thân về người chiến sĩ Công an hơn.

Đề tài về lực lượng Công an nhân dân: Được mùa phim truyền hình -0
Phim “Phố trong làng” khai thác về lực lượng CAND và chủ trương xây dựng Công an xã chính quy.

NSND Trọng Trinh cũng cho biết, làm phim về lực lượng CAND ngày càng khó. Hình tượng người chiến sĩ CAND trên phim hiện nay đã khác rất xa so với những bộ phim đầu tiên về lực lượng này mà anh từng tham gia. Trước đây, phim về Cảnh sát hình sự, săn bắt cướp là phải có các màn đánh đấm, rượt đuổi nghẹt thở, cảnh sát bắn súng 2 tay.

Đến nay, phim về Cảnh sát hình sự là đấu trí, đấu lực. Người cảnh sát trong thời đại công nghệ 4.0 khác hẳn người cảnh sát ngày xưa. Bên cạnh nhiệt huyết, sự trong trẻo, hồn nhiên của hình mẫu lý tưởng về cảnh sát trên phim trước đây, nhân vật cảnh sát trong phim hiện nay sắc sảo hơn, tư duy trí tuệ, bản lĩnh quyết liệt hơn. Nếu không muốn mắc lỗi khiến khán giả, đặc biệt là người trong nghề xem rồi cười, diễn viên, người làm phim phải hết sức chọn lọc, lựa chọn cách tiếp cận cho phù hợp. Tuy nhiên, dù làm phim trước đây hay hiện nay có khác đến đâu, nghệ thuật hư cấu như thế nào thì cũng vẫn phải luôn hướng đến tính nhân văn, chạm đến cảm xúc, trái tim khán giả. Đây là đích đến, mong muốn của người nghệ sĩ và rất nhiều dự án phim về lực lượng CAND đã đạt được thời gian qua.

Thực tế, hình tượng người CAND đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm hơn và ở chiều ngược lại, sự thành công của nhiều bộ phim về lực lượng CAND cũng đã có nhiều tác động tích cực trở lại đối với đời sống. Nói như chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cái được lớn nhất đó là tạo lòng tin, củng cố lòng tin của nhân dân với lực lượng CAND, củng cố thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Minh Hà
.
.