Đêm huyền thoại trên vùng thánh địa

Thứ Ba, 07/06/2022, 14:25

Di sản Mỹ Sơn không chỉ là lịch sử cội nguồn mà còn là trung tâm tôn giáo quan trọng nhất của vương quốc cổ Champa từ ngàn xưa. Vượt qua khoảng cách không gian và thời gian để tìm mối giao hòa giữa xưa và nay, để rồi nhiều người phải ngẩn ngơ trước sự linh thiêng và vẻ đẹp đến kỳ ảo của những ngọn tháp, ngôi đền nay đã phủ mờ rêu.

Huyền thoại trên vùng đất thánh

Giữa bạt ngàn núi, bạt ngàn cây rừng, bạt ngàn thâm u, Mỹ Sơn vẫn long lanh như bàn tay búp măng của người thiếu nữ đang thả mình cùng vũ điệu Apsara huyền thoại, hòa trong tiếng kèn đắm đuối của những nghệ nhân hoài tưởng về một vùng đất của thần. Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà Mỹ Sơn đang mang trong mình vẫn cứ im lìm ngủ yên giấc, để chờ đợi con người hiện tại giải mã những điều tuyệt cùng của bí ẩn, thách thức tất cả những cố gắng lớn lao cùng biết bao máy móc và những bộ óc thông minh nhất.

1..jpg -0
Chương trình tái hiện phần nào lịch sử cội nguồn một trong những trung tâm tôn giáo quan trọng nhất của Vương quốc cổ Chămpa. Ảnh Trọng Khang.

Được khởi công từ thế kỷ IV bởi vị Vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều Vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa. Lịch sử hình thành khu đền tháp Mỹ Sơn tính đến nay đã hơn 1.400 năm, dù vậy khu di tích chỉ thực sự được biết đến vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 khi các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tìm đến. Sự phát hiện này cũng khởi đầu cho chặng đường hơn thế kỷ bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp với sự hợp tác, giúp đỡ của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhất là từ sau khi Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 1999.

Mỹ Sơn hôm nay vẫn là một kho tàng với những tuyệt tác kiến trúc, những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, đồng thời chứa đựng những kiến thức về vật liệu, kỹ thuật xây dựng từ nhiều trường phái khoa học trên thế giới, điều này đã mang đến nhiều thích thú cho mọi người. Rời phố thị với những ánh đèn màu chói lóa của cuộc sống tiện nghi, đêm Mỹ Sơn trầm mặc những u tịch như đau đáu nhớ về một thời quá vãng. Những cô gái Chăm thong thả đội nước tắm mát cho những Linga, những Yoni đang phơi trần cùng cỏ bụi. Những người đàn ông Chăm đầu quấn khăn, mặc xà lung rảo bước trên triền đồi chờ ngày tắt nắng, mắt nheo nhìn về phía xa xăm. Dưới chân đồi là những nếp nhà mái lá lẩn khuất dưới những tàng cây xanh màu xanh quá khứ bất tận… một Mỹ Sơn in hình vào thung lũng như bào thai ngủ yên trong lòng mẹ, êm đềm và đầy dư ba… Mười mấy thế kỷ đã trôi qua trên mảnh đất thần thoại này, sự hưng phế của một di sản đâu nằm trong ý muốn con người.

4.jpg -0
Các tiết mục đặc sắc tại chương trình nghệ thuật “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”

Ngày 29-4-1979 Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định số 54VH/QĐ công nhận Mỹ Sơn là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Năm 1898, một người Pháp đã phát hiện khu đền tháp Mỹ Sơn nằm kín đáo trong một thung lũng hẹp, giữa những khu rừng rậm rạp. Sau đó không lâu, những nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã đến nghiên cứu các bia ký và công trình kiến trúc, điêu khắc ở Mỹ Sơn.

Cũng chính họ đã vén lên bức màn bí mật về Mỹ Sơn và cho thấy đây là khu di tích tôn giáo kỳ vĩ nhất, đặc trưng nhất của người Chămpa, xây dựng liên tục trong suốt hơn 1.000 năm. Kỹ thuật xây dựng tháp của người Chăm cho tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thích hợp về chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và xây dựng. Khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam) gồm một chuỗi những công trình thể hiện đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Trong rất nhiều hiện vật tại đây, có tượng Mukhalinga rất độc đáo, giá trị đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.

Ngày 15 tháng 11 năm 2012, sau trận mưa lớn, cán bộ BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã phát hiện ở cách ngôi đền E4 khoảng 10 mét, về phía Đông, một Mukhalinga bằng đá cát, màu xám, cao 126,5cm và gần như nguyên vẹn. Mukhalinga được thể hiện như một Linga gồm ba đoạn có chiều cao bằng nhau (mỗi đoạn cao 42cm) và có chiều rộng cũng bằng nhau (41,5cm): đoạn dưới có đế vuông (Brahmabhaga), mỗi cạnh dài 41,5cm; đoạn giữa có đế hình bát giác (Visnubhaga) với các mặt đối xứng rộng 18cm và 16,5cm; và đoạn trên hình trụ hơi vồng lên ở chóp (Rudrabhaga) có đường kính 41,5 cm (bằng chiều dài chiều rộng của mỗi phần).

7.jpg -0
Một số sản phẩm như văn nghệ dân gian Chăm, khám phá đền tháp kết hợp sinh thái… mang đến sự thích thú cho du khách. Anh BQL Di Sản Mỹ Sơn

Điều đặc biệt khiến hiện vật này được gọi là Mukhalinga chứ không phải là Linga vì trên phần trụ tròn, tại vị trí bên trên lớp da mỏng của đầu sinh thực khí (dương vật), nhô ra chiếc cổ và đầu tượng thần Siva. Chiếc đầu tượng được tạc liền khối với Linga có chiều cao 23cm, chiều rộng 13,5cm và có búi tóc cao 5,5cm. Đây là một Mukhalinga điển hình, được thể hiện với đầy đủ những chuẩn mực về hình dáng và ý nghĩa biểu tượng. Khuôn mặt vị thần của Mukhalinga được tạo khối xung quanh đôi mắt và ở bên cạnh mũi nên có tính hiện thực cao, rất tự nhiên và sống động. Mang ý nghĩa về sức mạnh tối thượng mang tính vũ trụ quan rất đặc trưng này của thần Siva đã thường xuyên được lý giải trong những truyện thần thoại của Ấn Độ cổ đại.

Mukhalinga là hiện vật gốc, độc bản duy nhất được phát hiện tính tới nay trên cả nước, còn khá nguyên vẹn. Hiện vật này được đánh giá là một kiệt tác của nền điêu khắc Chămpa, dựa trên phong cách nghệ thuật, cũng như giá trị lịch sử, văn hóa rất đặc biệt; là một trong những Mukhalinga đẹp và độc đáo nhất, không chỉ của Chămpa mà còn của cả khu vực Đông Nam Á thời cổ đại.

Huy hoàng Mỹ Sơn

Những chạm trổ trên phiến đá kia, những tượng thần nữ, những hoa văn tinh xảo, những hình khắc vết, những viên gạch không vôi vữa gắn với nhau biết bao thế kỷ còn đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”… ở trong đó còn biết bao những gửi gắm của người xưa về vũ trụ, về thần linh, về cuộc sống, và là cả một bảo tàng vô giá về bao tuyệt phẩm nghệ thuật bây giờ không còn ai tạo tác được nữa. Với vẻ đẹp hoang sơ kỳ bí và mang đậm dấu ấn tâm linh, Thánh địa Mỹ Sơn là một trong những điểm du lịch độc đáo nhất của tỉnh Quảng Nam, thu hút hàng ngàn du khách từ trong và ngoài nước ghé thăm mỗi năm.

Quãng thời gian trở mình phát triển của các di sản văn hóa tại Quảng Nam, cũng đồng thời chứng kiến sự phục hưng của các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, các loại hình văn hóa phi vật thể (VHPVT) đã có chỗ đứng nhất định sau 20 năm Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Đến với Mỹ Sơn, không những được khám phá những ngôi tháp, nghệ thuật, kiến trúc Chămpa mà du khách còn được khám phá về sự đa dạng hệ sinh thái rừng Mỹ Sơn. Vô số những loài động, thực vật được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ, phong phú. Các loại động vật hoang dã như heo rừng, gà rừng, gà gô, trĩ, khỉ, các loài chim cũng đã quay về cư trú sinh sôi phát triển mạnh.

Thời gian qua, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã tổ chức, thực hiện, áp dụng nhiều công nghệ số vào việc quảng bá, giới thiệu giá trị Khu di sản thế giới Mỹ Sơn đến với du khách, cộng đồng. Đầu năm 2021, đơn vị đã đưa vào hoạt động trang web 360 để du khách trải nghiệm thực tế ảo như đang tham quan ngoài thực tế. Website được thiết kế với hình ảnh khu di tích dưới góc độ không gian 360, sử dụng hiệu ứng hình ảnh 3D để giới thiệu các công trình kiến trúc, sơ đồ, lối đi, đền tháp,…  với các góc nhìn khác nhau, làm các công trình đền tháp hiện ra sống động. Hai năm dịch bệnh vừa qua là một bài test cũng là một cơ hội cho những người làm du lịch nơi đây. Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Ban Quản lý Mỹ Sơn) cho biết: “Thời gian qua trong khi câu chuyện bảo tồn được cân đo đong đếm để hiện trạng đền tháp được giữ lại nguyên bản nhất, thì những dấu ấn phi vật thể của Mỹ Sơn vẫn còn khá nhạt. Với trăn trở ấy, đội ngũ làm văn hóa tại Mỹ Sơn quyết tâm khơi lại những tinh hoa của vùng đất tại đây, bằng nghệ thuật”.

Tiếng đất đá lại âm vang trên vương quốc cổ, khúc Mỹ Sơn sắp ngân lên đánh thức nguồn cội, vũ công thiên giới Apsara chuyển mình vẫy gọi quá khứ - Báo hiệu chuyến xe thời gian một lần nữa khởi hành, dẫn lối du khách tìm về Chămpa ngàn xưa. Khi bóng tối bao trùm thung lũng trầm mặc, chuyến xe ngược dòng thời gian lăn bánh tìm về chốn linh thiêng, nghe đâu đây tiếng vọng vang lên từng nhịp giữa khu tháp cổ. Cội nguồn tâm linh từ thuở khai thiên được sống dậy trong "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại".

"Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” là một chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài trời nhằm tái hiện lại phần nào lịch sử cội nguồn trung tâm tôn giáo quan trọng nhất của vương quốc cổ Champa từ ngàn xưa. Vượt qua khoảng cách không gian và thời gian để tìm mối giao hòa giữa xưa và nay… Dưới ánh chiều hoàng hôn bên thung lũng, lắng nghe tiếng tượng đá trở mình, ngắm vũ công thiên giới Apsara nhảy múa, sống động trong tiếng trống, điệu kèn những trải nghiệm ấy sẽ là vĩnh cửu tại không gian nghệ thuật Chămpa đối với người dân và du khách.

“Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” ra đời không chỉ đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí về đêm cho du khách, đồng thời còn kết hợp với sản phẩm trải nghiệm cảnh đẹp xung quanh di tích sáng hôm sau như khám phá hồ Thạch Bàn, Vườn cây ăn trái Phan Ngọc Anh. Không chỉ thế, nằm ngay trên tuyến đường chính dẫn vào khu danh thắng Mỹ Sơn, thôn Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) được coi cửa ngõ của di sản văn hóa thế giới này. Bởi vậy, tỉnh Quảng Nam và các tổ chức hỗ trợ quốc tế đang tìm cách xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, quy tụ nhiều yếu tố văn hóa quan trọng tại thôn Mỹ Sơn.

Tổ chức Lao động quốc tế ILO đánh giá cao cơ hội du lịch tại thôn Mỹ Sơn. Vì vậy, ILO đã giúp những người dân địa phương kinh phí và các lớp tập huấn cần thiết, để hợp tác làm mô hình Làng cộng đồng du lịch Mỹ Sơn. Làng có mục tiêu trở thành điểm đến của các du khách khi đến với di sản Mỹ Sơn. Vừa qua, Làng cộng đồng du lịch Mỹ Sơn chính thức hoạt động, với sự tham gia của 32/50 hộ dân trong làng, thông qua Tổ hợp tác du lịch cộng đồng. Tổ trưng dụng Nhà đoàn kết ở thôn làm địa điểm hoạt động của ban cán sự, tổ chức lớp học tiếng Anh cho mọi người. Tổ định ra 8 nhóm sản phẩm phục vụ du lịch tại chỗ, bao gồm dịch vụ lưu trú (homestay), nấu ăn và hướng dẫn nấu ăn cho du khách, trải nghiệm làm nông dân, cho thuê xe đạp, hướng dẫn viên, bán hàng lưu niệm và dịch vụ chèo thuyền dạo hồ Thạch Bàn. Một số sản phẩm như văn nghệ dân gian Chăm, khám phá đền tháp kết hợp sinh thái… mang đến sự thích thú cho du khách, và giúp hình thành các sản phẩm riêng biệt, góp phần xây dựng hình ảnh Mỹ Sơn trở thành điểm tham quan của du khách quốc tế khi đến Quảng Nam.

Phó Chủ tịch xã Duy Phú, ông Trần Phú cho biết: “Những vận động hỗ trợ của ILO đã giúp Mỹ Sơn từ làng thuần nông thay đổi sang một hướng đi mới. Các hộ dân đã cùng học tiếng Anh, học cách giao tiếp ngôn ngữ và văn hóa với các du khách khi đến Mỹ Sơn. Các hộ dân hợp tác với Ban Quản lý khu du lịch Mỹ Sơn để mở rộng thêm các hoạt động hỗ trợ du khách”.

Minh Ngọc – Trọng Khang
.
.