Đi lễ hội đập trống của người Ma Coong
Du khách quốc tế khi đến thăm Di sản thiên nhiên thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng mấy năm gần đây lại có thêm điểm khám phá văn hóa đặc sắc, đầy ấn tượng. Đó là lễ hội đập trống của người Ma Coong (một nhánh của dân tộc Bru-Vân Kiều) nằm ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Lễ hội này năm 2019 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đường 20 quyết thắng ngược về phía tây của tỉnh Quảng Bình là cung đường ưa thích của dân “phượt”. Rừng già đã xóa nhòa dấu tích đạn bom của những năm tháng chiến tranh ác liệt. Dù vậy, gần như đoàn tham quan nào cũng ghé lại di tích lịch sử “Hang tám cô” để cầu bình an, may mắn. Bởi khi đã bước chân đến đây, dường như ai cũng có một nỗi khiếp sợ mơ hồ trước oai linh rừng già, con người ta như bé nhỏ giữa những thế lực siêu linh vô hình.
Bối cảnh ấy cũng phần nào lý giải cho thế giới quan của người Ma Coong. Trong tư duy của họ, mỗi gốc cây, ngọn cỏ, hòn đá, dòng suối đều có linh hồn. Và những linh hồn đó phải được gọi tên khi mùa xuân đến. Cũng như nhiều dân tộc ăn tết theo nông lịch, người Ma Coong coi Rằm tháng Giêng là một ngày lễ vô cùng trọng đại và hằng năm, dưới ánh trăng ngần, họ lại tiến hành nghi lễ thiêng liêng nhất trong suốt một năm, đó là nghi lễ “cúng Giàng”.
Theo truyền thuyết của người Ma Coong ở 18 bản dọc theo con suối Aky vào thời khai thiên lập địa có một con rắn thần. Rắn trườn đến đâu, cây cối ngã rạp, đất đá tan vỡ, người Ma Coong cầu xin rắn thần chở che và được sự đồng ý với điều kiện phải coi muôn loài, sự vật bình đẳng, không được làm tổn hại lẫn nhau.
Từ truyền thuyết này đã hình thành nên nét văn hóa cốt lõi của người Ma Coong, tạo cho họ lối sống rất hài hòa giữa đại ngàn Trường Sơn qua nhiều thế hệ. Ngẫm ra, những truyền thuyết tưởng như hoang đường đó lại rất có cơ sở khoa học, bởi đối với những cộng đồng sống nương tựa vào thiên nhiên, nếu để xảy ra sự mất cân bằng, có thể dẫn tới thảm họa tuyệt diệt. Và sự biến mất của nhiều dân tộc trên thế giới sau này đã được các nhà khoa học chứng minh nguyên nhân từ sự lạm dụng, tàn phá môi trường.
Già làng Đinh Xon tiếp chúng tôi trên căn nhà sàn từ đời ông, cha để lại. Nhà khá hẹp và chắc chắn. Mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội gần như đã hoàn tất. Ông sẽ là người chủ lễ tối nay và ông rất tự hào về điều đó. Ông tỉ mẩn kiểm tra từng chiếc đinh tre nêm quanh tang trống. Với vẻ mặt hài lòng, ông khoát tay để mấy thanh niên trong bản treo trống lên cột trụ phải của cái lán tạm – nơi sẽ diễn ra nghi lễ cúng Giàng. Cái trống này sẽ là “nhân vật chính” cho phần hội.
Mỗi năm trống sẽ được căng da một lần và được dùng trong một đêm. Sau đó người ta lại tháo bỏ lớp da, cất tang trống vào nhà già làng. Cái tang trống gia truyền của nhà ông Đinh Xon được làm cách đây 30 năm từ thân một cây gạo rỗng ruột chết do sét đánh. Trước đó cái tang trống từ đời cụ kỵ đã bị nứt một đường khiến cho thân trống bị thoát hơi, thanh niên đập khó rách mặt trống. Và như vậy sẽ mang đến điềm chẳng lành.
Hội đập trống này cũng có một truyền thuyết riêng. Đó là câu chuyện về con khỉ đột đến phá làng phá xóm. Khỉ đột rất khôn ranh, bắn nó cũng không được, bẫy nó cũng không xong. Giàng mới báo mộng cho người già trong làng, bảo rằng phải đập trống mà xua đuổi nó đi. Từ đó hội đập trống ra đời. Bên lề hội đập trống còn có một tục lệ cũng cổ xưa không kém, giống tục lệ phồn thực dưới xuôi.
Đó là trong đêm diễn ra lễ hội, trai gái được tự do yêu nhau, những mối tình trắc trở lại được dịp ngồi tâm sự với nhau bên suối. Từa tựa như câu chuyện ở chợ tình Khau Vai mãi ngoài biên giới phía Bắc. Thực tế thì cũng có nhiều đôi đã nên duyên chồng vợ sau những lễ hội này, có thể là do tính cách của người Ma Coong khá rụt rè trong tỏ bày tình cảm, mà cũng có thể là do bệnh hơi, nhớ người trong đêm lễ hội, dưới ánh trăng rằm.
Nằm trên những tảng đá lớn như những cái giường đôi rải rác khắp lòng suối Aky, tâm hồn dễ xao động. Lúc chiều, tôi cũng đã nằm lên trên một tảng đá. Thật kỳ lạ, giữa cái lạnh của tiết xuân mà hòn đá lại tích nhiệt khiến cảm giác thật dễ chịu. Chẳng thế mà vào ban ngày, người dân làng Ma Coong thường mang chăn ra phơi trên đá suối…
Hội đập trống bắt đầu sau khi già làng kết thúc nghi lễ “cúng Giàng”. Theo lệ, già Đinh Xon đứng trong lán-lễ-đài rắc muối gạo ra xung quanh, nói mấy câu động viên dân làng cố gắng chăm chỉ làm ăn thì thóc lúa sẽ đầy bồ, khoai sắn đầy nương, con cái không ốm đau bệnh tật. Mấy năm gần đây lại có “tiết mục” khuyến học, dặn dò đám trẻ trong làng phải chăm ngoan học hành, cha mẹ phụ huynh cũng nên tạo điều kiện cho con em mình học tập chứ đừng bắt chúng bỏ học làm nương rẫy. Đại khái thế, không hiểu đám thanh niên đang hừng hực, hau háu đôi mắt về phía cái trống kia có nghe ra lời nào không. Chỉ chờ già làng kết thúc bài diễn văn là cả đám ùa vào giành giật lấy những cần mây để đập trống. Mồm chúng hét lên sung sướng “Roa lữ, Giàng ơi” (sướng quá, trời ơi). Thường thì du khách sẽ đứng xa để ngắm nhìn bởi quả tình không đủ sức chen vào giữa đám trai bản hừng hực sức trẻ. Quanh lán những ché rượu cần bày quanh, thanh niên và du khách quây quần uống rượu, uống chán lại hát hò, múa nhảy và đập trống. Hội cứ vui thế đến khi trống thủng mới bớt ồn ào, náo nhiệt.
Tôi cũng tò mò hỏi liệu người đập thủng trống có được phần thưởng gì không mà thanh niên, trai bản dường như bị kích thích đến thế? Anh chàng Ben, người Australia, chủ bar Easy Tiger nổi tiếng ở Phong Nha giải thích bằng tiếng Việt khá rành rọt: Tôi thấy nó giống lễ hội phồn thực hơn, việc đập thủng cái trống này giống như người ta làm cái việc quan trọng nhất sau khi lập gia đình? Cũng là một cách giải thích. Quả tình là rất khó xác định ai sẽ là người đập thủng trống, bởi da trâu rất dày, dùi trống lại nhỏ, phải nhiều người hiệp lực mới được. Nói về anh chàng Ben cũng khá kỳ khôi, vốn là dân du lịch bụi, sau khi lang thang nhiều nước, anh chàng về đây lấy một cô vợ người Việt, mở một quán bar và làm ăn rất khá, nghe nói lợi nhuận còn được đầu tư ngược về Australia. Quán này thu hút rất đông khách du lịch nước ngoài nhưng chỉ mở đến 11 giờ đêm, sau đó khách nào muốn uống thêm thì phải đi xe ôm đến quán Andy của một ông chủ người Việt Nam. Quán Andy làm ăn cũng rất khá đến trước khi dịch COVID nổ ra. Câu chuyện kinh doanh này làm tôi đoán mò về sự cân bằng mà mấy doanh nhân học được từ người Ma Coong.
Kỳ vọng của nhiều người là giới thiệu văn hóa Ma Coong tới đông du khách quốc tế, tạo thành một hệ sinh thái du lịch, dịch vụ, khám phá để cùng nhau phát triển. Ý này ngẫm ra rất hay, rất có cơ sở thực tế. Bởi quanh cửa động Phong Nha đã có hàng trăm homestay được mở ra, thu hút hàng nghìn du khách quốc tế lưu trú dài ngày. Được vậy tin rằng lễ hội đập trống của người Ma Coong sẽ vươn tầm quốc tế.