Định vị BRICS sau 20 năm

Thứ Năm, 23/09/2021, 21:18

Hai thập niên trước, nhà kinh tế hàng đầu Jim O'Neil của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã đưa ra một cụm từ viết tắt mới đại diện cho một “khối” mang theo kỳ vọng là sẽ thay đổi cán cân kinh tế toàn cầu. BRIC ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và sau này có thêm Nam Phi để trở thành BRICS, được đặt mục tiêu sẽ trở thành các nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới.

Tuy nhiên đã 20 năm trôi qua, công bằng mà nói, liệu BRICS đã đạt được những thành quả đúng như những kỳ vọng hay chưa vẫn là điều nhiều người tranh cãi.

Nhìn lại khoảng những năm 2000, BRIC có một triển vọng khá tươi sáng, với tăng trưởng mạnh mẽ cùng nhiều hứa hẹn về cải cách cấu trúc, song trong thập kỷ vừa qua, với rất nhiều cuộc khủng hoảng và biến động, nhiều ý kiến cho rằng đó là giai đoạn tụt dốc của khối này.

Định vị BRICS sau 20 năm -0
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phía trên) chủ trì Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 13 theo hình thức trực tuyến ngày 9-9-2021 (TTXVN)

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc là nền kinh tế BRICS duy nhất được dự đoán sẽ tăng trưởng trong năm nay. Trong bối cảnh đại dịch, Trung Quốc dự kiến có khả năng hồi phục mạnh mẽ tới 2,3%, trong khi các quốc gia khác như Ấn Độ phải vật lộn với làn sóng COVID-19 trên nhiều khía cạnh và hứng chịu các ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều hơn so với các quốc gia còn lại trong nhóm.

Sự khác biệt trong triển vọng của BRICS có thể chỉ là một phần xu hướng đã và đang chứng kiến các quốc gia đi theo những con đường khác nhau.

Rõ ràng, nhìn vào những chênh lệch trong thành quả kinh tế, trong môi trường nội địa và vị thế địa chính trị, người ta không thể không đặt câu hỏi rằng BRICS là một khối gắn kết, hay chỉ là một tập hợp rời rạc?

Các cuộc gặp thường niên thực tế không đủ để đưa ra những lộ trình hay kế hoạch cụ thể. Kể từ cuộc họp thường niên đầu tiên với tư cách là một “câu lạc bộ chính trị” vào năm 2009 tại Nga (cuộc họp mà Nam Phi lần đầu tham dự diễn ra tại Trung Quốc vào năm 2011), các nhà lãnh đạo đều đưa ra những tuyên bố táo bạo về các mục tiêu hợp tác trong tương lai. Song công bằng mà nói, cam kết được đưa ra nhiều hơn là những nỗ lực hiện thực hóa, và những phát biểu lớn lao thường chỉ đi kèm với những động thái chính sách ít ỏi.

Các cuộc họp của BRICS trong năm nay, dưới sự dẫn dắt của Ấn Độ, không mấy ngạc nhiên khi dành phần lớn sự chú ý cho vấn đề an ninh và chống khủng bố. Những diễn biến gần đây ở Afghanistan sẽ có tác động nghiêm trọng, trực tiếp đến Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, trọng tâm quá hẹp của chương trình nghị sự mà BRICS xây dựng lại gây thất vọng bởi chúng càng phản ánh những hạn chế ràng buộc các tham vọng chung của nhóm.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng ngoài việc thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) vào ngày 15-7-2014 trong thời gian tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 tại Fortaleza, Brazil, rất khó để đánh giá những thành quả của khối ngoài các cuộc họp định kỳ thường niên.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào các thành quả cụ thể để cho rằng BRICS đã phai nhạt trong hai thập kỷ qua, sẽ là một thiếu sót lớn, bởi đây vẫn là một hàn thử biểu địa chính trị giữa các thành viên nổi bật nhất trong khối là Ấn Độ, Trung Quốc và Nga.

Với trọng tâm là phát triển và kinh tế, các cơ chế của BRICS có thể được xem như những “van xả” giải tỏa áp lực từ mối quan hệ Trung-Ấn. Căng thẳng leo thang sau các xung đột kéo dài tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) khiến cả hai bên thiệt hại về người. Hệ quả của điều này là Ấn Độ dần rũ bỏ sự dè dặt để tham gia với Mỹ, Nhật Bản và Australia trong Nhóm Bộ Tứ, một tập hợp với định hướng công khai là để tăng cường hợp tác an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ sẽ diễn ra vào cuối tháng này, và được dư luận đặc biệt theo sát.

Điều đáng nói là giữa lúc những căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái chưa hạ nhiệt, NDB đã phê duyệt 5 dự án đầu tư cho Ấn Độ. Những nỗ lực làm tan băng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi hồi tháng 2 năm nay đã dẫn tới quyết định cả hai bên cùng rút khỏi Ladakh. Trung Quốc cũng đã nhiệt tình ủng hộ Ấn Độ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2021.

Thời điểm diễn ra sự kiện này có nhiều ý nghĩa, nhất là chỉ vài ngày sau khi Taliban tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời tại Afghanistan. Những diễn biến mới tại Tây Nam Á có ảnh hưởng rất lớn tới cả Ấn Độ, Trung Quốc và Nga, những quốc gia có các lợi ích chồng lấn  ở Afghanistan.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS là trạm dừng phù hợp để Nga, Trung Quốc và Ấn Độ nhìn nhận rõ nét hơn về mối quan hệ với nhau, cũng như với Mỹ nói riêng. Có rất nhiều ý nghĩa rút ra từ sự kiện này.

Thứ nhất, thực tế qua hội nghị, người ta thấy được rằng dù có xu hướng củng cố quan hệ với Mỹ, New Delhi vẫn dành cho Nga những ưu ái nhất định khi nói đến vấn đề an ninh khu vực.

Thứ hai, ở khía cạnh khác, BRICS chính là một cánh cửa giúp Ấn Độ và Trung Quốc có thể mở ra để thúc đẩy và duy trì hợp tác bất chấp các căng thẳng song phương.

Thứ ba, BRICS vừa là nền tảng để Trung Quốc thể hiện tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của mình trên toàn cầu, vừa là nơi để Nga khẳng định vị thế cũng như tính độc lập trước ảnh hưởng từ Trung Quốc trước những đồn đoán về sự xích lại gần giữa Moskva và Bắc Kinh.

Nhìn vào những ưu tiên chiến lược khác nhau của Ấn Độ, Trung Quốc và Nga vốn là thành viên của nhiều nhóm chồng chéo khác, người ta không nên kỳ vọng vào sự hình thành các chính sách an ninh hữu hình từ hội nghị thượng đỉnh BRICS trong tương lai gần.

Sau gần 2 thập kỷ, điều mà các thành viên BRICS nên đặt trọng tâm vẫn là phát triển và kinh tế, bởi ở đó, họ mới dễ tìm thấy các động lực và tầm nhìn chung.

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.