Đọc sách phải thường nhật, không chỉ trào lưu
Đây là năm thứ 2 chúng ta tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc” (21/4/2023) có vẻ khá rầm rộ và có quy mô trên nhiều tỉnh thành. Nhưng thực chất văn hóa đọc ở Việt Nam vẫn là một hành trình “gian nan vạn dặm” như chia sẻ của nhà nghiên cứu, diễn giả Nguyễn Quốc Vương.
Theo anh, văn hóa đọc cần sự thay đổi từ chính người lớn chứ không phải chỉ đối tượng mà chúng ta đang nhắm tới là trẻ em.
Mới đây, một hình thức phạt bằng đọc sách thay vì viết kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích của trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) đã gây ra nhiều tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh văn hóa đọc ở Việt Nam vẫn thuộc “top” thấp nhất của khu vực và thế giới, hình thức này chưa hẳn đã có những tác động tích cực. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, việc phạt học sinh bằng cách đọc sách là một con dao hai lưỡi, đặc biệt khi trẻ chưa hình thành nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của sách và cụm từ “bị kỷ luật”.
Học sinh sau khi phạt có thể ghét, có thể yêu sách, vì thế không nên áp dụng hình thức này cho trẻ nhỏ mà chỉ nên áp dụng cho người lớn, những công ty, tổ chức, đoàn thể nhằm thúc đẩy văn hóa đọc lan rộng. Bởi nếu hình thức này lan rộng và sau một thời gian, thư viện sẽ không còn là không gian văn hóa đúng nghĩa mà trở thành nơi những đứa trẻ bị phạt, “buộc” phải đọc sách. Hiện tượng này một lần nữa lại được mổ xẻ và trở lại câu chuyện về văn hóa đọc ở nước ta.
Hiện nay, sau 2 năm tổ chức “Ngày sách và Văn hóa đọc”, cùng sự tham gia của nhiều cá nhân, cộng đồng vào phong trào khuyến đọc, tỷ lệ đọc sách của người Việt có dịch chuyển, nhưng rất chậm. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, CEO của Tân Việt Book, người đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết chia sẻ về văn hóa đọc cho các trường học và kêu gọi các tổ chức tham gia vào việc xây dựng thư viện thì cải thiện văn hóa đọc vẫn là một hành trình gian nan bởi nhận thức của chúng ta về vấn đề này còn “rất thiếu và yếu”. Chương trình khuyến đọc hiện nay chủ yếu nằm ở sự nỗ lực của một số cá nhân, tổ chức. Nó chưa phải là tổng hợp nguồn lực của toàn xã hội vì thế chúng ta mới chỉ phát triển, cải thiện được phần nào ở các thành phố lớn.
Còn các địa phương, nhiều trường học vẫn chưa có thư viện. Theo khảo sát của tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương, tỷ lệ đọc sách tại một số trường học chỉ ở mức một học sinh đọc 1,1 cuốn sách trong 1 năm. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với khoảng 76,95 triệu người dùng, chiếm 78,1% dân số. Sự chênh lệch đó cho thấy hiện trạng văn hóa đọc ở Việt Nam gần như không cải thiện được nhiều trong thời gian qua. Theo một thống kê, chúng ta có nguồn thu từ bia rượu là 66 nghìn tỷ đồng/1 năm. Trong khi đó, doanh thu của ngành xuất bản chỉ có 2000 tỷ đồng/1 năm; sách giáo khoa chiếm 90%, còn sách phát triển văn hóa, tri thức vỏn vẹn 10%, tức chỉ có vài chục tỷ đồng/1 năm.
Nhiều người đổ lỗi cho sự xâm lấn mạnh mẽ của mạng xã hội, của các phương tiện giải trí. Nó chiếm lĩnh phần lớn thời gian của mọi người vì xem và nghe mang lại niềm vui trực tiếp. Còn đọc cần sự nỗ lực mới có niềm vui. Nhưng nhìn ra các nước phát triển, họ có nền tảng hàng trăm năm phát triển văn hóa đọc nên sức đề kháng của họ tốt, họ không bị mạng xã hội xâm lấn. Còn chúng ta, vốn không có truyền thống đọc sách, thiếu những thiết chế văn hóa cho việc đọc sách, thiếu các chính sách ở tầm vĩ mô nên khi mạng xã hội tràn ngập, người dân chúng ta không có nhu cầu đọc sách nữa.
Còn giới trẻ hiện nay sa đà vào mạng xã hội và những dòng sách giải trí đơn thuần hay truyện tranh, văn học mạng, ngôn tình. Tôi không phủ nhận những dòng sách đó cũng có những giá trị ở góc độ giải trí, nhưng chúng ta cần nhiều hơn, một thế hệ trẻ đọc những cuốn sách có sức nặng về tri thức, văn hóa. Cố nhà văn dịch giả Đoàn Tử Huyến từng chia sẻ với tôi rằng, “xã hội không thể tiến bộ vì những cuốn sách làng nhàng” và “phải đọc đúng, đọc một cách khoa học, tìm hiểu về những tri thức cuốn sách mang lại mới gọi là văn hóa đọc”.
Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu, diễn giả Nguyễn Quốc Vương.
Cần khuyến đọc bắt đầu từ… người lớn!
- Theo khảo sát của Cục Xuất bản (Bộ Thông tin - Truyền thông), trung bình mỗi năm, một người Việt đọc 2,8 cuốn sách. Một con số rất thấp so với khu vực nhưng đã là một tiến bộ so với chúng ta cách đây 4 năm. Còn theo quan sát của anh từ những trải nghiệm thực tế của công tác khuyến đọc thì sao?
+ Theo quan sát của tôi, sự cải thiện là có nhưng không đáng kể. Nó chỉ là những chuyển biến nhúc nhích nhưng chưa làm thay đổi được hiện trạng về văn hóa đọc hiện nay. Thay đổi đó là đã có nhiều người quan tâm đến văn hóa đọc hơn, các thư viện có thêm độc giả nhưng sự tiến triển so với tiềm năng chưa đáng kể. Ví dụ về những vùng nông thôn, các thư viện tỉnh vẫn còn ít độc giả, những nơi chưa làm khuyến đọc thì có chương trình này nhưng chưa nhiều, thư viện chưa thu hút được học sinh. Chưa phải trào lưu chính thành xu hướng bao trùm.
- Chúng ta đã có “Ngày Sách và Văn hóa đọc”, có nhiều chương trình để phát triển văn hóa đọc nhưng theo anh, vì sao lại chưa có những dấu hiệu khởi sắc, lạc quan?
+ Trong một thời gian quá dài chúng ta không quan tâm đến việc đọc sách. “Ngày Sách và Văn hóa đọc” cũng chỉ mới tổ chức được 2 năm, cũng chỉ là các hoạt động phong trào mang tính hình thức (tất nhiên có vẫn hơn không). Còn việc khuyến đọc, phát triển văn hóa đọc không thể chỉ trông chờ vào mấy ngày lễ ấy. Nó là công việc thường xuyên, bền bỉ, có chiều sâu. Tôi đến nhiều trường phổ thông, sách trong thư viện rất nghèo nàn, không phù hợp với lứa tuổi, điều đó cho thấy trong một thời gian dài mọi người không quan tâm đến việc đọc. Có nhiều trường học lần đầu tiên tổ chức ngày sách. Tôi khảo sát ở một số trường thì tỷ lệ học sinh đọc sách rất thấp. Tôi đến những trường phổ thông lớn ở một số tỉnh, mỗi học sinh chỉ đọc 1,1 cuốn sách một năm.
Lý do nữa là chúng ta có Hội Khuyến học chứ không có Hội khuyến đọc, trong Hội Khuyến học cũng không có Ban Khuyến đọc. Tất cả chỉ là nỗ lực của cá nhân nên nguồn lực rất hạn chế. Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tháng “Ngày sách và văn hóa đọc” cũng không có hoạt động gì. Người lớn cho rằng trẻ con cần đọc, trong khi họ chỉ phát biểu xong rồi về chứ họ không làm gương bằng việc đọc. Các cơ quan, ban ngành cũng cần tổ chức ngày đọc và công tác khuyến đọc. Người lớn không đọc thì họ sẽ đánh giá thấp việc đọc nên không có chính sách và hỗ trợ cho cộng đồng đọc sách.
- Có lẽ, đó vẫn là một hành trình gian nan vạn dặm?
+ Chúng ta có hàng trăm năm không đọc sách, nên hành trình này tôi nghĩ phải mất 50 năm nữa mới mong có những hiệu quả rõ ràng hơn. Việt Nam luôn nằm trong thứ hạng cuối về tỷ lệ đọc sách. Giáo dục của chúng ta chỉ chú trọng luyện thi, học sinh lo làm phiếu bài tập, cày sách giáo khoa để thi. Trường chuyên, học sinh giỏi càng không có thời gian đọc sách. Câu chuyện này phải thay đổi từ người lớn chứ không phải chỉ trẻ em. Nhiều nơi có thư viện nhưng là phòng phủ bụi, nhiều thầy cô cũng không có trải nghiệm đọc sách. So với 10 năm trước thì có chuyển biến ở chỗ giờ chúng tôi tặng sách họ vẫn nhận.10 năm trước, đi tặng sách nhiều nơi họ không lấy.
Vì thế, muốn phát triển văn hóa đọc, chúng ta cần sự vào cuộc của nhà nước và nhân dân. Cần có một chính sách ở tầm vĩ mô sẽ tạo ra những thay đổi trên diện rộng. Nếu chúng ta có “Luật Khuyến đọc”, trong đó quy định mỗi tỉnh trích 0,5% GDP cho hoạt động khuyến đọc thì thư viện và văn hóa đọc sẽ khác ngay. Kinh phí cho văn hóa đọc rất hạn chế, chủ yếu do các cá nhân đóng góp. Thư viện cấp huyện đang bị xóa sổ, thư viện tỉnh nhiều nơi sáp nhập vào bảo tàng. Và quan trọng nhất là người dân chúng ta bị cuộc sống vật chất phủ lấp, họ không coi sách là mặt hàng thiết yếu vì sách không trực tiếp làm ra tiền. Nếu không có những biện pháp mạnh mẽ thì văn hóa đọc tiến triển rất chậm và chúng ta không hy vọng trở thành một quốc gia văn hóa được.
- Nhìn trên bề mặt tôi vẫn cho rằng, hiện nay, văn hóa đọc được nhiều người quan tâm hơn, đặc biệt là người lớn họ đã bắt đầu quan tâm đến việc đọc sách, xây dựng thói quen đọc từ nhỏ cho con mình?
+ Nói chuyện khuyến đọc trẻ con vẫn hào hứng hơn người lớn, nhưng trong cuộc sống hằng ngày không có ai nhắc nhở các em, khuyến khích động viên và không có môi trường nên niềm yêu thích đó bị chìm đi. Nhà trường có thư viện nhưng thầy cô có hướng dẫn cho các em đọc sách không hay chỉ ưu tiên việc dạy kiến thức và làm phiếu bài tập. Việc đọc ở trường học trở nên xa xôi với các em vì không có thời gian. Vì thế, vấn đề không phải trẻ con mà ở người lớn và các thiết chế của người lớn có quan tâm đến việc đọc và phát triển văn hóa đọc không. Người lớn chuyển biến thì trẻ con sẽ thay đổi rất nhanh. Tôi làm công tác khuyến đọc nhiều năm nay, tôi thấy đối tượng khó khuyến đọc nhất là cán bộ và giáo viên. Điều ngăn cản việc phát triển thói quen đọc sách ở đây là do nhận thức, do các thiết chế xung quanh, do người dân không quen và không hiểu rằng, kinh tế tri thức muốn sống tốt phải đọc sách, có nền tảng, có hiểu biết chứ không phải kiếm sống trên tài nguyên, bán rẻ sức lao động hay nhờ may mắn. Làm thế nào dân hiểu điều đó rất quan trọng, để chúng ta có một xã hội có nền tảng, có văn hóa và phát triển bền vững hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Việt Hà