Đổi đời nhờ viết tự truyện

Thứ Sáu, 18/12/2015, 08:10
Một người đàn ông vô gia cư lang thang xin ăn trên một khu phố sầm uất nhất thủ đô Paris của nước Pháp đã bất ngờ trở nên nổi tiếng sau khi viết cuốn tự truyện lọt vào danh sách tác phẩm văn học được bán chạy nhất kể về cuộc đời hành khất của ông.

Nghệ sĩ Jean Paul Belmondo từng có lần cho gã 10 euro và biên tập viên dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng nhất nước Pháp, Michel Drucker thường cho gã "cái bang" vài đồng xu mỗi khi đi ngang qua.

Nhưng bây giờ gã ăn mày ấy đang xuất hiện trên chương trình truyền hình mang chính tên mình do Drucker dẫn chuyện, sau khi bán hết 40.000 cuốn tự truyện có nhan đề "Cuộc đời tôi là một gã ăn mày".

Nhưng dù cho cuốn tự truyện đem lại thành công, người đàn ông vô gia cư 47 tuổi vẫn ngồi trầm ngâm trên những chiếc ghế đá trong công viên say sưa viết tiếp về cuộc đời mình, gã vẫn ngủ trong căn phòng trọ tồi tàn. Tên thật của người đàn ông nghèo khổ là Roughol, tuần này ông vẫn trở lại tiếp tục làm nghề "hành khất" với chiếc mũ ông già Noel cũ mèm.

"Tôi bắt đầu nhận được tiền tác quyền trong 10 tháng qua, tuy nhiên tôi thích có tiền bây giờ hơn bao giờ hết", ông vui vẻ cho biết.

Nhưng kể từ khi có một ít tiền tác quyền, Roughol sắm một chiếc điện thoại thông minh để giữ liên lạc với những người hâm mộ trên Facebook. Trên mạng xã hội, gã ăn mày hãnh diện khoe bức ảnh một "chú" chuột vô tư đứng nghễu nghện trên vai gã.

"Người dân ở khắp mọi nơi viết thư cho tôi và tôi phải đọc thư hằng ngày vì nhiều người cũng đọc sách của tôi mà", Roughol phấn khởi khoe.

Roughol, người đã hành nghề "hành khất chuyên nghiệp" trên đường phố Paris đã 25 năm, ông kiếm trung bình khoảng 80 euro/ngày, số tiền đủ trang trải cho cuộc sống khốn khó và nộp "lệ phí" cho "hội đồng quản lý cái bang".

Và nhờ sự thành công đến từ cuốn tự truyện, ông đã nhận được nhiều điều ngạc nhiên: "Tối hôm trước, tôi được một người đàn ông đến từ Tennessee (Mỹ) đưa vào ăn uống trong một quán ăn, ông ấy mua 15 cuốn tự truyện của tôi, và một người khác đến từ Thụy Sỹ mua chocolate biếu tôi", Roughol vui vẻ kể.

Roughol hoàn thành tác phẩm của mình nhờ sự giúp đỡ của cựu Bộ trưởng Nội vụ Pháp Jean Louis Debre, sau khi nhờ gã ăn mày giúp trông hộ chiếc xe đạp để ông yên tâm đi mua sắm ở khu trung tâm thương mại gần Champs Elysee. Trong cuốn sách, Roughol xúc động kể về tình bạn gắn bó khăng khít với cựu Bộ trưởng Nội vụ, khi ấy có một vài người trông thấy họ thì ngạc nhiên thốt lên: "Nhìn kìa, ông Debre đang chơi với một gã ăn mày".

Roughol bắt đầu viết tự truyện về cuộc đời mình cách đây 2 năm bằng những cuốn vở học sinh lượm được trên đường. Roughol bị mẹ bỏ rơi khi còn là một đứa trẻ, và từng trải qua thời gian dài sống cơ cực cùng với người cha nát rượu. Roughol bắt đầu kiếm sống trên đường phố sau khi mất công việc phục vụ chạy bàn quán ăn khi mới bước sang tuổi 20.

Roughol thừa nhận "ít học", hiện giờ người bạn Debre - bây giờ giữ chức thẩm phán Tòa án Hiến pháp tối cao Cộng hòa Pháp đồng ý  chỉnh sửa từng lỗi chính tả, câu văn, nên trong lòng gã ăn mày rất vui và biết ơn.

Ông hy vọng tác phẩm của mình có thể giúp thay đổi cách nghĩ của nhiều người về người vô gia cư. "Có những người đọc cuốn sách cho biết họ đã có cách nhìn khác về chúng tôi", Roughol xúc động nói với báo chí Pháp. Dường như tác phẩm của Roughol có tác động tích cực đến cuộc đời của những cái bang khác trong khu dân cư nghèo nơi Roughol sinh sống. "Họ nói với tôi, có nhiều người đến giúp đỡ chúng tôi bởi nhờ ông đấy", Roughol kể. Cũng nhờ cuốn sách, ông  được đoàn tụ với một người anh em đã thất lạc nhau từ lâu. "Ông ấy trông thấy tôi trên truyền hình và không hề biết tôi là người vô gia cư. Khi bạn phải vất vưởng xin ăn trên đường phố, bạn thường cảm thấy buồn tủi và thường giấu mình. Khi đó tôi luôn cô độc một mình, bây giờ các cháu trai và cháu gái đều mong gặp tôi - thật tuyệt vời", Roughol trải lòng.

Roughol hiện đang được nhận trợ giúp từ các khoản thanh toán an sinh xã hội mà ông xứng đáng được nhận.

Thành công của cuốn sách cũng trao cho ông hy vọng biến giấc mơ thành hiện thực: mở một quán ăn nhỏ chuyên phục vụ đặc sản Pháp (crêperie). "Khi tôi có căn hộ riêng, tôi sẽ mua một chiếc máy tính, và tôi có thể tiếp tục viết sách” - Roughol chia sẻ.

"Người ta thường yêu cầu tôi ký tên vào sách, họ còn cho tôi tiền và cả quần áo nữa", Roughol vừa kể vừa khoe đôi giày thể thao mới tinh được người hâm mộ tặng ông.

Phạm Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.