Dự báo đồng USD dưới thời Trump 2.0
Năm 1971, Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Connally đã nói với những người đồng cấp châu Âu rằng đồng USD là "đồng tiền của chúng tôi, nhưng là rắc rối của các bạn". Tuyên bố này của ông vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay bất chấp những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu.
Sự biến động của đồng USD, loại tiền tệ vốn chủ yếu vẫn được định giá theo các diễn biến ở trong nước Mỹ, sẽ tác động tới cả thế giới. Một biến động lớn như vậy được dự báo có thể xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump, người cam kết sẽ thực hiện kế hoạch tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế đối với cá nhân và doanh nghiệp mà ông từng làm trong nhiệm kỳ trước.
Theo giới đầu tư và chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế nhập khẩu sẽ gây sức ép với lạm phát, trong khi cắt giảm thuế đối với cá nhân và doanh nghiệp sẽ kích thích tăng trưởng, nới rộng thâm hụt ngân sách. Hội tụ cả hai yếu tố này cùng lúc dẫn đến lãi suất điều hành của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng ở mức cao hơn - nguyên nhân sẽ khiến việc giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ trở nên hấp dẫn hơn, thúc đẩy đồng bạc xanh tăng giá.
Một phần của kịch bản này đã xảy ra. Ngày 7/11 vừa qua, như dự kiến, Fed đã cắt giảm lãi suất chuẩn 0,25 phần trăm xuống còn 4,5-4,75%. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã để ngỏ khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào tháng 12 tới thay vì tiếp tục cắt giảm. Điều đáng nói là trong tuyên bố đi kèm với quyết định giảm lãi suất, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang thuộc Fed không còn bày tỏ tin tưởng rằng lạm phát đang giảm bền vững xuống 2% mà ủy ban này từng tuyên bố hồi tháng 9. Triển vọng lãi suất của Mỹ tăng cao hơn đã làm đồng USD tăng 1,5% so với rổ tiền tệ trong 4 tuần qua.
Đồng USD tăng giá thường đi đôi với triển vọng xấu đi của nền kinh tế toàn cầu. Một nguyên nhân của điều này bao hàm ở chỗ trong thời kỳ kinh tế bất ổn, giới đầu tư thiên về xu hướng bán bớt tài sản rủi ro và đầu tư vào những tài sản mà họ cho là an toàn, cụ thể là đồng USD và trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Trong khi đó, triển vọng kinh tế toàn cầu giảm có xu hướng làm USD tăng giá và đồng USD tăng giá thường làm cho triển vọng kinh tế xấu đi. Năm 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố nghiên cứu cho thấy, sau một năm, đồng USD tăng giá 10% sẽ làm sản lượng ở các nền kinh tế mới nổi giảm 1,9 điểm phần trăm và sản lượng của các nước giàu vốn ít chịu ảnh hưởng hơn, giảm 0,6 điểm phần trăm. Nghiên cứu cho thấy một đồng USD mạnh có xu hướng gây phương hại cho các nền kinh tế mới nổi trong vòng 2 năm rưỡi và cho các nước giàu trong vòng 1 năm.
Đồng USD tác động đến nền kinh tế toàn cầu thông qua hai lĩnh vực chính là thương mại và tài chính. Hơn 40% thương mại toàn cầu - phần lớn không liên quan đến Mỹ, được thanh toán bằng USD. Đồng USD mạnh hơn làm tăng chi phí cho các nhà nhập khẩu, làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa từ nước ngoài và làm giảm tổng khối lượng thương mại. Do đó, trên khắp khu vực châu Á và Mỹ Latinh, sự biến động của đồng USD quan trọng hơn so với biến động của các đồng nội tệ. Theo nghiên cứu học thuật được công bố vào năm 2020, nếu đồng USD tăng 1% so với tất cả các loại tiền tệ là điềm báo rằng thương mại giữa các quốc gia trên thế giới sẽ giảm 6%.
Đồng USD tăng giá sẽ tự động làm tăng gánh nặng nợ của các quốc gia và công ty đi vay bằng USD nhưng thiếu nguồn doanh thu bằng tiền tệ này, cũng như làm tăng phí lãi suất. Mức lãi suất cao hơn ở Mỹ cùng với đồng USD tăng giá sẽ khiến hoạt động đầu tư ở các nước còn lại trên thế giới trở nên kém hấp dẫn hơn. Dòng vốn có xu hướng chảy ra khỏi các thị trường mới nổi, buộc các nước này phải tăng lãi suất, thắt chặt các điều kiện tiền tệ ngay khi nền kinh tế các nước này có thể bắt đầu chịu ảnh hưởng từ sự suy thoái thương mại nói chung.
Sau khi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ công bố sáng 6/11, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu của các Chính phủ Australia, New Zealand và Nhật Bản cũng tăng theo. Việc Fed ngày 7/11 cắt giảm lãi suất đã làm đảo ngược các mức tăng này, nhưng đây chỉ là sự phục hồi tạm thời trong bối cảnh ngân hàng trung ương ở nhiều nước đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trì trệ trong nước bằng cách hạ lãi suất chính sách - lãi suất ngắn hạn do ngân hàng trung ương đặt ra để tác động đến nền kinh tế và kiểm soát lạm phát và tạo điều kiện cho tín dụng.
Vẫn còn phải xem liệu đồng USD mạnh có kéo dài được hay không. Bản thân ông Donald Trump từ lâu đã phàn nàn rằng đồng bạc xanh tăng giá gây tổn hại đến các nhà sản xuất trong nước và khiến người dân mất việc làm. Tuy nhiên, ông không thể dễ dàng buộc Fed cắt giảm lãi suất. Do vậy, chừng nào lãi suất vẫn ở mức cao, đồng USD sẽ vẫn là nơi “trú ẩn an toàn” cho giới đầu tư, là vấn đề nan giải mà ông Trump để lại cho các nước còn lại trên thế giới.