Đức rơi vào suy thoái kinh tế

Thứ Hai, 15/01/2024, 12:05

Nhận định của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, từng là động lực kinh tế của châu Âu, nhưng Đức sẽ là nền kinh tế phát triển duy nhất không tăng trưởng. Cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng là nguyên nhân dẫn đến kinh tế Đức suy thoái, nhưng đằng sau nó đã lộ rõ thách thức mà mô hình kinh tế Đức phải đối mặt.

Từ những tháng cuối năm 2022, kinh tế Đức đã có xu hướng suy thoái, tốc độ tăng trưởng GDP của quý 4/2022 giảm 0,4% so với quý 3, quý 1/2023 giảm 0,1% so với quý 4/2022. GDP quý 2/2023 không tăng trưởng so với quý 1. Tháng 8/2023, một bài phân tích trên Tạp chí The Economist thậm chí còn đặt câu hỏi liệu Đức có một lần nữa trở thành “Con bệnh châu Âu?”. Bài viết này đã sinh ra cuộc tranh luận sôi nổi trong xã hội Đức. Cụm từ “Con bệnh châu Âu” gợi lại một ký ức lịch sử mà người Đức không muốn đề cập đến.

1.jpg -0
Những thương hiệu truyền thống như Daimler, BMW, Volkswagen... không còn chiếm ưu thế trong lĩnh vực năng lượng mới

Sau khi thống nhất, nước Đức đối mặt với “di chứng của sự thống nhất”, đó là sự chênh lệch lớn giữa hai vùng Đông - Tây, cộng thêm với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nợ công châu Âu. Tuy nhiên, nhờ vào hệ thống công nghiệp hùng mạnh, nước Đức nhanh chóng hồi phục. Trong 16 năm cầm quyền của bà Merkel, GDP của Đức đã tăng từ 2,29 nghìn tỷ euro năm 2005 lên 3,62 nghìn tỷ euro năm 2021. Tỉ lệ tăng 58%, nhanh chóng từ “Con bệnh châu Âu” trở thành động lực của nền kinh tế châu Âu.

Như đã nói ở trên, đến thời điểm hiện tại, những thách thức đã bộc lộ. Đó là mức độ phụ thuộc nặng vào bên ngoài là đặc điểm của nền kinh tế Đức. Cục diện này khiến nước Đức dễ bị tình hình chính trị, kinh tế thế giới rối ren tác động tiêu cực. Nền kinh tế Đức phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, đặc biệt là nguồn cung năng lượng giá rẻ và thị trường quốc tế rộng lớn. Ngay từ năm 2003, chuyên gia kinh tế người Đức Hans-Werner Sinn đã gọi mô hình kinh tế của Đức là “nền kinh tế chợ lớn” - khi mà giá trị gia tăng của chuỗi cung ứng dần được chuyển sang sản xuất ở phân khúc hạ nguồn gần người tiêu dùng. Và, với Đức, phần lớn khâu này là ở nước ngoài, khiến Đức hình thành “nền kinh tế thị trường quy mô lớn” có giá trị gia tăng cao ở nước ngoài, giá trị gia tăng thấp ở trong nước.

Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang toàn diện, Đức chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, đặc biệt là nguồn cung ứng khí đốt. Hơn 55% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức là từ Nga. Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang toàn diện, các nước châu Âu đã đi theo Mỹ áp đặt nhiều đợt trừng phạt đối với Nga, trong đó có trừng phạt năng lượng. Berlin cắt nguồn cung năng lượng từ Moscow khiến giá năng lượng ở Đức tăng vọt. Ảnh hưởng của giá năng lượng tăng đối với ngành chế tạo bao gồm: Chi phí tăng vọt, kìm hãm tiêu dùng cá nhân, khiến doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn, công ty phá sản; chi phí tăng dẫn đến lợi thế vị trí của Đức giảm trong việc thu hút đầu tư, một số doanh nghiệp địa phương của Đức thậm chí cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất sang khu vực có chi phí năng lượng thấp hơn.

Đức từng là cường quốc xuất khẩu, nhưng lạm phát đã khiến chi phí xuất khẩu của các công ty Đức tăng lên, khả năng cạnh tranh quốc tế của sản phẩm giảm sút. Thêm nữa là năm vừa qua đại dịch, nhu cầu thị trường quốc tế cũng sụt giảm, kéo theo thị trường xuất nhập khẩu chơi vơi theo. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, chuỗi ngành nghề toàn cầu trải qua thay đổi sâu sắc. Ngoài chi phí, an ninh nguồn cung trở thành nhân tố kìm hãm, chuỗi ngành nghề quá dài, phân công chi tiết trước đây bắt đầu chuyển sang hướng thu hẹp và khu vực hóa, doanh nghiệp ở phân khúc hạ nguồn tìm cách gia tăng số lượng doanh nghiệp cung ứng nhằm nâng cao an toàn cho nguồn cung ở phân khúc thượng nguồn, khiến xu thế thay đổi của chuỗi ngành nghề gia tăng, chi phí của doanh nghiệp cũng tăng.

Trong lĩnh vực ngành chế tạo truyền thống, Đức vẫn giữ vững khả năng cạnh tranh toàn cầu, nhưng nhiều năm qua, họ phát triển khá chậm những lĩnh vực mới nổi như kinh tế số. Chưa kể trong thị trường năng lượng mới, những hãng xe truyền thống như Daimler, BMW, Volkswagen... không còn chiếm ưu thế trong lĩnh vực xe điện.

Từ khi lên nắm quyền vào năm 2021 đến nay, về đối nội, Thủ tướng Olaf Scholz thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi mô hình năng lượng và nền kinh tế xanh. Về đối ngoại, ông cho thực hiện chính sách thương mại theo định hướng quan niệm giá trị. Nhìn chung, vai trò của nhà nước được nâng cao trong hệ thống kinh tế Đức, can thiệp của chính trị vào nền kinh tế cũng thường xuyên hơn.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã ảnh hưởng sâu rộng đến châu Âu, đã phá vỡ cân bằng địa chính trị giữa châu Âu và Nga, phá hủy hệ thống cung ứng năng lượng giữa hai bên, đồng thời lộ rõ khiếm khuyết lớn của kinh tế Đức, đó là nguồn cung ứng năng lượng phụ thuộc quá lớn và các khu vực, quốc gia nằm ngoài EU. Hơn nữa, sự thiếu hụt năng lượng chỉ là biểu hiện bề ngoài, căn bệnh mãn tính tồn tại lâu dài trong hệ thống kinh tế Đức là vấn đề chuyển đổi mô hình ngành nghề như đã phân tích ở trên.

Về năng lượng, Đức đang đẩy nhanh chuyển đổi mô hình năng lượng thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, sửa lại Luật Năng lượng tái tạo, thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng năng lượng gió, năng lượng hydro và năng lượng mặt trời. Về công nghệ, chính quyền ông Scholz tích cực thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Về đổi mới công nghệ, Chính phủ Đức công bố chính sách mới về sáng tạo - dự thảo Chiến lược Nghiên cứu và Sáng tạo tương lai, nhằm tăng cường sáng tạo công nghệ cao hàng đầu, tăng cường phối hợp liên ngành. Liệu ngành nghề truyền thống có thể chuyển đổi mô hình số hóa, xanh hóa, liệu ngành mới nổi có nhanh chóng phát triển hay không, đều là vấn đề thực tế bức thiết cần giải quyết của nước Đức hiện nay.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.