Dùng sự kiện để xúc tiến du lịch

Thứ Hai, 22/04/2024, 13:06

Sự cạnh tranh gay gắt sau đại dịch COVID-19 giữa các điểm đến về thu hút khách du lịch quốc tế, giá cả dịch vụ, vé may bay tăng cao cùng nhiều xu hướng du lịch mới đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt phải có nhiều đổi thay tích cực hơn.

Quảng bá du lịch quốc gia thông qua điện ảnh - Hấp dẫn nhưng… dè dặt

Tháng 4/2024, việc công bố tổ chức sự kiện xúc tiến du lịch Việt Nam qua điện ảnh dự kiến được tổ chức tại Holllywood vào tháng 9/2024, với sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là một sự kiện khá bất ngờ, không chỉ riêng với những người làm quản lý mà cả các doanh nghiệp du lịch. Bởi lẽ, hiệu quả quảng bá du lịch qua điện ảnh đã được chứng minh từ thành công của nhiều bộ phim ở cả Việt Nam và nước ngoài trong những năm qua.

162.jpg -1
Phim “Kong: Skull Island” đã đưa nhiều cảnh đẹp Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Adventure - đơn vị phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chủ trì sự kiện nói trên thì New Zealand là một điển hình. Lượng khách du lịch đến quốc gia này tăng 40% từ năm 2000 - 2006 và  nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân tăng là do thành công của phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn”. Vùng đất nông nghiệp mà đoàn làm phim của Jackson biến thành Hobbiton, ngôi làng hư cấu Middle-earth nơi các bộ phim lấy bối cảnh, đã thu hút tới 650.000 du khách mỗi năm, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm thu hút hàng đầu ở một quốc gia. Đến nay, qua nhiều phần khác nhau, bộ phim này vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến ngành du lịch ở New Zealand. Một phần đáng kể du khách coi các bộ phim là lý do cho chuyến đi của họ, đóng góp hàng triệu USD cho nền kinh tế.

Tại Thái Lan, bộ phim Lost in Thailand đã giới thiệu  nhiều địa điểm ở miền bắc Thái Lan, trong đó có Chiang Mai - nơi trước đây không phải là điểm nóng du lịch đối với du khách Trung Quốc. Việc miêu tả sự vui vẻ và hấp dẫn về văn hóa và phong cảnh Thái Lan, khơi dậy sự quan tâm muốn trải nghiệm trực tiếp. Các nghiên cứu cho thấy lượng khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan tăng lên sau khi bộ phim được phát hành, trong đó nhiều người đặc biệt đề cập đến bộ phim như một lý do cho chuyến thăm của họ. Dòng khách du lịch Trung Quốc  đã mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho nền kinh tế Thái Lan, với việc tăng chi tiêu vào khách sạn, nhà hàng và các hoạt động du lịch.

Tại Việt Nam, bộ phim “Kong: Skull Island” với những hình ảnh tuyệt đẹp đã đưa phong cảnh của Việt Nam đến với khán giả toàn cầu. Những địa điểm như Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Tam Cốc-Vân Long đã trở thành “ngôi sao” của bộ phim cùng với Kong. Khách du lịch đặc biệt bị thu hút bởi các địa điểm quay phim, thậm chí một số tỉnh còn xây dựng các bức tượng theo chủ đề Kong để thu hút du khách. Bộ phim cũng đã tạo ra sự phấn khích về Việt Nam như một điểm đến du lịch, dẫn đến các bài viết và bài viết nêu bật vẻ đẹp tự nhiên của Việt Nam trên các ấn phẩm du lịch trên khắp thế giới.

Mới đây nhất, bộ phim “A Tourist's guide to love” đã giới thiệu cho người xem những điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam.  Những  miêu tả tích cực về văn hóa và phong cảnh Việt Nam có thể thu hút sự quan tâm đến thăm đất nước này. Khi phim thu hút được lượng người theo dõi đông đảo, người hâm mộ có thể chia sẻ các cảnh hoặc địa điểm trên mạng xã hội, tiếp tục quảng bá du lịch Việt Nam một cách tự nhiên.

161.jpg -0
Khách du lịch quốc tế tham quan danh thắng Tràng An, Ninh Bình.

Cũng theo ông Nguyễn Châu Á, khi các bộ phim thể hiện vẻ đẹp Việt Nam thành công có thể mang lại hình ảnh ấn tượng, đưa cảnh quan đa dạng của Việt đến với khán giả toàn cầu. Sự tiếp xúc này có thể khơi dậy sự quan tâm và mong muốn được tận mắt trải nghiệm những địa điểm này.

Phim có thể thu hút sự chú ý đến các địa điểm cụ thể ở Việt Nam, như địa điểm quay phim hoặc những địa điểm nổi bật trong câu chuyện. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng lượng khách du lịch đến các khu vực này, thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Những bộ phim mô tả văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng ấm áp và lôi cuốn có thể tạo ra mối liên hệ tích cực với đất nước. Điều này có thể khiến khách du lịch cảm thấy được chào đón và khuyến khích họ tự mình trải nghiệm nền văn hóa.Thậm chí, nhiều trường hợp, “phương tiện truyền thông kiếm được" này thậm chí còn có tác động mạnh mẽ hơn nhiều nỗ lực quảng bá, xúc tiến khác.

Thực tế, vài năm trở lại đây, việc quảng bá du lịch qua điện ảnh đã được quan tâm nhiều hơn. Có lẽ cũng vì thế nên ngay khi vừa công bố, sự kiện mang tính chất quốc gia về xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam qua điện ảnh giữa kinh đô điện ảnh thế giới kèm theo nhiều thông tin hấp dẫn khác như mời các hãng sản xuất phim lớn, ngôi sao nổi tiếng cùng tham dự… đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch.

Một tập đoàn khác ngay sau đó cũng tiết lộ sẽ tổ chức một sự kiện tương tự tại Bollywood (Ấn Độ) - một thủ phủ điện ảnh nổi tiếng khác. Nhưng cũng có một thực tế là hầu hết các ý kiến đều khá thận trọng về việc bỏ kinh phí để tham gia sự kiện. Lý do được đưa ra là câu chuyện kinh phí và vướng kế hoạch năm. Đại diện của nhiều địa phương và doanh nghiệp cho rằng, kế hoạch xúc tiến, quảng bá cho năm sau đã được hoạch định và thông qua từ cuối năm trước. Với các sự kiện mang tính chất đột xuất, dù có thể hấp dẫn, nhưng muốn tham gia cũng sẽ rất khó khăn.

Cần thống nhất, hợp lực trong xúc tiến, quảng bá du lịch 

Nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, mặc dù những năm qua, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam được tổ chức  nhiều hơn nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia, điểm đến nổi bật và rất cần những “đầu tàu” đủ lực cho các sự kiện như thế này. Ngay cả việc quảng bá hình ảnh trên các kênh truyền thông lớn như CNN, mặc dù hiệu quả nhưng vẫn mạnh địa phương nào thì địa phương đấy làm. Một lãnh đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam còn cho biết, việc tổ chức quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài cần nhiều ngày và cần cán bộ chuyên môn cao. Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ cho phép đi 3 ngày và số lần đi trong năm bị giới hạn nên khó khăn cho người làm quảng bá, xúc tiến.

Trao đổi quanh các vấn đề trên, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - ông Nguyễn Trùng Khánh cũng cho hay, năm 2024, du lịch Việt Nam đã đặt mục tiêu rất tham vọng là thu hút 17 -18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và đạt tổng thu 840.000 tỷ đồng. Việc đạt mục tiêu này khá khó khăn. Mặc dù kết quả 3 tháng đầu năm có vẻ lạc quan nhưng mùa thấp điểm du lịch quốc tế là tháng 4 và tháng 10. Với du lịch nội địa, nếu không có giải pháp thì sẽ “thua trên sân nhà” vì giá vé máy bay cao, khách đi du lịch nước ngoài. Vì vậy, bên cạnh công tác xây dựng sản phẩm thì công tác xúc tiến, quảng bá rất quan trọng, cần có sự đột phá, thay đổi tư duy, làm nổi bật thương hiệu, xứng tầm và có sự liên kết, thống nhất, đồng bộ ở trong nước và nước ngoài.

xuc tien dl1.jpg -0
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - ông Nguyễn Trùng Khánh.

Cũng theo ông Khánh, việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở các thị trường trọng điểm là nhu cầu cấp thiết trong việc tổ chức nghiên cứu thị trường, kết nối doanh nghiệp, trực tiếp tham mưu để triển khai công tác xúc tiến, quảng bá có hiệu quả. Đây là một trong những công cụ quảng bá, xúc tiến du lịch rất hiệu quả mà các nước đang sử dụng.

Cụ thể, hiện nay Thái Lan đã có 30 văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại nước ngoài, riêng tại Trung Quốc - thị trường trọng điểm - Thái Lan có 5 văn phòng. Malaysia đã có 32 văn phòng  và mỗi thị trường trọng điểm của họ đều có 3-4 văn phòng. Một số nước có tới 7 văn phòng xúc tiến du lịch đặt tại Việt Nam trong khi Việt Nam không có văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia đặt ở nước ngoài, trừ văn phòng thí điểm ở Hàn Quốc, do đại sứ du lịch Lý Xương Căn tự bỏ tiền ra tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá.

Về vấn đề này, nhiều năm qua, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã đề xuất rất nhiều nhưng chưa làm được và vẫn đang kiên trì kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, ông Khánh cũng cho biết, ngoài Trung tâm văn hóa tại Pháp và tại Lào, sắp tới, Việt Nam sẽ thành lập 5 trung tâm khác ở nước ngoài. Các trung tâm này có chức năng quảng bá, xúc tiến du lịch theo chiến lược văn hóa đối ngoại. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta phải có nguồn lực và tận dụng quảng bá xúc tiến du lịch được tại đó. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đang  triển khai xây dựng đề án thành lập một số văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại một số thị trường trọng điểm Việt Nam.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đề xuất, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp thay vì tự tổ chức quảng bá trên các kênh truyền thông lớn thì nên hợp lực làm chương trình xúc tiến lớn về Việt Nam, trong đó có các trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Như thế sẽ giảm chi phí mà hiệu quả tăng lên.

Về phía Cục cũng sẽ tham mưu đề xuất lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hợp lực trên quảng bá trên các kênh truyền thông lớn và trong quá trình làm sẽ tiếp thu các ý kiến các địa phương và xây dựng nội dung, quảng bá hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, Cục cũng sẽ hỗ trợ xây dựng quảng bá du lịch các địa phương trên nền tảng của Cục. Tháng 3/2024, trang chuyên quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài đã vượt qua Thái Lan và một số nước trong khu vực. Trên trang này, Cục đã dành sẵn các ô để các địa phương thường xuyên cung cấp thông tin nhằm quảng bá du lịch địa phương.

Minh Hà
.
.