ECB tính toán giảm lãi suất
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Chính sách lãi suất là một trong những công cụ chính để ECB kiểm soát lạm phát, kích thích tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tài chính và điều tiết cung tiền trong nền kinh tế.
Mọi động thái chính sách của ngân hàng này đều được theo dõi chặt chẽ bởi những tầm và mức ảnh hưởng tới các nền kinh tế trong và ngoài khu vực.
Về cơ bản, ECB sử dụng ba loại lãi suất chính là lãi suất tái cấp vốn chính, lãi suất cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi. Trong đó, lãi suất tiền gửi là công cụ quan trọng trong các điều chỉnh chính sách tiền tệ của ngân hàng này.
Từ đầu năm tới nay, ECB đã thực hiện 2 đợt cắt giảm lãi suất hồi tháng 6 và tháng 9 vừa qua, đưa lãi suất tiền gửi xuống mức 3,5%, nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm. Sau đợt cắt giảm mới nhất, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh ngân hàng không cam kết điều gì về các đợt cắt giảm tiếp theo, đồng thời khẳng định sẽ đánh giá mọi chỉ số một cách khách quan.
Tháng 8/2024, lạm phát tại Eurozone giảm xuống 2,2%, mức thấp nhất trong hơn 3 năm. Trong khi đó vào tháng 9 vừa qua, dữ liệu từ các nền kinh tế lớn cho thấy xu hướng tiếp tục giảm, với các chỉ số tại Đức, Tây Ban Nha, Pháp, và Italy lần lượt là 1,6%; 1,5%; 1,2% và 0,7%. Chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) cũng thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của ECB tại Pháp (1,5%) và Tây Ban Nha (1,7%). Chính xu hướng sụt giảm này đã làm dấy lên những đồn đoán về khả năng ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 10 tới. Nhiều chuyên gia kinh tế đã dự đoán rằng ECB sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, nhấn mạnh dữ liệu lạm phát và chỉ số PMI giảm thấp có thể là những yếu tố thúc đẩy ngân hàng này hành động.
Nền kinh tế Eurozone đang đối mặt với nguy cơ suy thoái khi Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone giảm xuống 48,9 trong tháng 9/2024 từ mức 51 trong tháng 8/2024, lần đầu tiên dưới ngưỡng 50 (ngưỡng phân tách mở rộng hay suy thoái) kể từ tháng 2. Sự sụt giảm dưới ngưỡng 50 của chỉ số này phản ánh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoặc mở rộng sản xuất và doanh thu, hệ quả của giảm nhu cầu, chi phí sản xuất tăng hoặc ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố kinh tế vĩ mô khác.
Xung quanh khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 10/2024 hiện có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Những lập luận ủng hộ cắt giảm lãi suất viện dẫn một số lý do như lạm phát đang giảm nhanh và có thể đã về mức mục tiêu 2% của ECB; trong khi đó nền kinh tế Eurozone đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, do đó cần cần kích thích tăng trưởng. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng đã phát tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất khi tuyên bố “những diễn biến mới nhất củng cố niềm tin của chúng tôi rằng lạm phát sẽ sớm quay trở lại mức mục tiêu”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định ECB cần phải chuyển trọng tâm từ lạm phát sang rủi ro tăng trưởng, viện dẫn những số liệu hiện tại đang quá yếu và không phù hợp cho những điều chỉnh chính sách. Gần đây, khi có nhiều tín hiệu cảnh báo khả năng ECB sẽ có thêm đợt cắt giảm trong tháng 10/2024, một số tiếng nói cứng rắn trong ECB bày tỏ quan điểm rằng cần thận trọng trong việc giảm lãi suất quá nhanh, nhất là khi tình hình kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn. Áp lực tiền lương vẫn còn cao, với mức tăng 4,7% trong quý II, cao hơn nhiều so với mức 3% được coi là phù hợp với mục tiêu lạm phát của ECB, do đó người ta cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn cần phải thận trọng để tránh rủi ro lạm phát quay trở lại.
Chính sách lãi suất của ECB nhận được sự quan tâm đặc biệt của thị trường bởi nó có những ảnh hưởng sâu rộng đến những khía cạnh như tỷ giá hối đoái của đồng euro, chi phí vay mượn cho doanh nghiệp và hộ gia đình; lợi nhuận của ngân hàng, và đặc biệt là các quyết định đầu tư-tiêu dùng. Tuy nhiên, có một thực tế là mức độ chú ý của người tiêu dùng đối với lãi suất còn hạn chế. Theo thăm dò của VoxEU.org và Statista, chỉ khoảng gần 25% người tiêu dùng tại Eurozone cho biết họ chú ý “nhiều” hoặc “rất nhiều” đến lãi suất. Dù sự chú ý đối với lãi suất là yếu tố quan trọng trong việc truyền tải chính sách tiền tệ, mức độ chú ý này lại có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm người tiêu dùng, phụ thuộc vào tình trạng tài chính và mức độ hiểu biết về tài chính của họ. Nghiên cứu về Thăm dò triển vọng người tiêu dùng (CES) được ECB tiến hành cho thấy những người có khoản vay điều chỉnh thường chú ý nhiều hơn đến lãi suất so với những người có khoản vay cố định hoặc không có khoản vay. Cụ thể, 43% người tiêu dùng có khoản vay điều chỉnh cho biết họ chú ý nhiều đến lãi suất, trong khi chỉ 19% người tiêu dùng là người thuê nhà có cùng mức độ chú ý. Thêm vào đó, những người tiêu dùng có kiến thức tài chính cao cũng có xu hướng chú ý nhiều hơn đến lãi suất. Những người có hiểu biết tốt về tài chính thường đánh giá tình hình kinh tế và lãi suất một cách chính xác hơn, từ đó điều chỉnh hành vi tài chính của họ một cách kịp thời.
Tình hình lạm phát giảm cùng với sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của ECB phản ánh những thách thức lớn trong việc duy trì sự ổn định kinh tế tại Eurozone. Sự chú ý của người tiêu dùng đến lãi suất, kết hợp với mức độ hiểu biết tài chính, là những yếu tố then chốt trong việc truyền tải chính sách tiền tệ. Nói cách khác, các quyết sách về lãi suất của ECB trong tháng 10/2024 có thể sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ dữ liệu kinh tế mới nhất, diễn biến lạm phát và tình hình tăng trưởng kinh tế thực tế.
Trong khi có những lập luận ủng hộ việc cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng, ECB cũng cần cân nhắc rủi ro lạm phát quay trở lại và tính hiệu quả của chính sách tiền tệ trong bối cảnh người tiêu dùng chưa thực sự chú ý nhiều đến lãi suất. Việc nâng cao nhận thức và hiểu biết tài chính trong cộng đồng có thể là chìa khóa để cải thiện hiệu quả của các biện pháp chính sách, tạo dựng nền móng giúp nền kinh tế phát triển bền vững trong tương lai.