EU quy định mức trần thanh toán bằng tiền mặt

Thứ Năm, 06/06/2024, 08:20

Thanh toán mọi thứ bằng tiền mặt, cho dù số tiền có cao đến đâu? Liên minh châu Âu (EU) đang bắt tay chấm dứt hoạt động này! Thanh toán bằng tiền mặt chỉ có thể lên tới 10.000 euro/giao dịch, song vẫn có một số ngoại lệ cho các cá nhân.

Từ giao dịch trên 10.000 euro…

Trong một thông báo đưa ra tại Brussels, các quốc gia thành viên EU đã nhất trí giới hạn mức thanh toán bằng tiền mặt dưới 10.000 euro/giao dịch, đồng thời cũng thống nhất về các quy định khác liên quan tới chống rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

EU quy định mức trần thanh toán bằng tiền mặt -0
Giao dịch bằng tiền mặt vẫn được ưa chuộng ở đa số nước EU.

Quy định giới hạn mức giao dịch bằng tiền mặt nêu trên sẽ được áp dụng trên toàn EU trong ba năm tới, tuy nhiên sẽ không áp dụng cho các giao dịch giữa các cá nhân không bán hàng chuyên nghiệp. Mọi người vẫn có thể thực hiện các giao dịch ở mức trên 10.000 euro, nhưng đó không phải là những giao dịch chuyên nghiệp. Chẳng hạn, hai người hàng xóm vẫn có thể thực hiện giao dịch bằng tiền mặt khi mua bán một chiếc ôtô cũ với số tiền trên 10.000 euro, bởi một trong hai người khi đó là người bán chiếc ôtô và tiến hành giao dịch trực tiếp với người kia. Tuy nhiên, chính phủ các nước thành viên có thể đặt giới hạn trần thấp hơn mức này.

Tại Đức cũng như ở Áo hiện chưa có giới hạn thanh toán bằng tiền mặt và tiền xu. Tuy nhiên trong tương lai, bất cứ ai muốn trả số tiền mặt trên 10.000 euro phải xác định danh tính và chứng minh nguồn gốc số tiền đó đến từ đâu. Người bán hàng có trách nhiệm ghi chép và lưu trữ những thông tin này. Các quy định mới cũng trao cho các tổ chức điều tra tài chính nhiều quyền hơn để phân tích và phát hiện các trường hợp rửa tiền và tài trợ khủng bố cũng như đình chỉ các giao dịch đáng ngờ. Một giao dịch bằng tiền mặt có số tiền vượt quá 10.000 euro sẽ phải lựa chọn hình thức thanh toán khác, chẳng hạn thanh toán bằng chuyển khoản hay bằng thẻ tín dụng.

Ngoài các ngân hàng và sòng bạc, các nhà bán lẻ hàng xa xỉ và cung cấp tiền điện tử với số tiền nhất định trong tương lai cũng sẽ phải kiểm tra khách hàng của họ và thông báo các hoạt động đáng ngờ. Trong một số trường hợp, các câu lạc bộ và tổ chức bóng đá chuyên nghiệp cũng phải có nghĩa vụ theo dõi các giao dịch.

 Để giám sát các quy định, châu Âu sẽ thành lập một cơ quan mới đóng trụ sở tại thành phố Frankfurt của Đức có tên “Cơ quan chống rửa tiền” (AMLA). Cơ quan này, dự kiến bắt đầu hoạt động từ giữa năm tới, có nhiệm vụ điều phối và hỗ trợ các cơ quan giám sát ở các nước thành viên. Các hoạt động này giúp kiểm soát tốt hơn các luồng tài chính bất hợp pháp và phát hiện các giao dịch đáng ngờ một cách hiệu quả hơn.

… tới kim loại quý và tài sản giá trị

Đá quý, cũng như vàng và các kim loại quý khác - dù ở dạng thô hay đã được chế thành đồ trang sức - rất được tội phạm ưa thích. Những vật phẩm này có thể được sử dụng để rửa tiền theo những cách khá giống với việc sử dụng tiền mặt. Nhưng không phải món đồ trang sức nào cũng hấp dẫn tội phạm, điều khiến chúng quan tâm chỉ là những món đồ có giá trị cao. Do vậy, các quy định mới yêu cầu người kinh doanh những mặt hàng quý giá này phải tiến hành kiểm tra khách hàng của mình khi bán những mặt hàng có giá từ 10.000 euro trở lên.

EU quy định mức trần thanh toán bằng tiền mặt -0
Quy định mới của EU được cho là không ảnh hưởng tới các giao dịch thường ngày.

Những hàng hóa xa xỉ khác như ôtô, du thuyền và máy bay có giá trị cao cũng khá hữu ích khi đầu tư hoặc chuyển đổi số tiền bất hợp pháp. Ví dụ: Một chiếc ôtô trị giá 250.000 euro hoặc một chiếc thuyền có giá hơn 7.500.000 euro. Vì vậy, ngoài các hoạt động kiểm tra tương tự đối với khách hàng, doanh số bán các sản phẩm này cũng sẽ kích hoạt báo cáo tự động về bất kỳ giao dịch bán hàng nào cho Cơ quan tình báo tài chính.

Nhìn chung, tiền mặt vẫn là lựa chọn ưa thích của tội phạm. Tại sao? Bởi nó dễ dàng được chuyển giao, hoàn toàn ẩn danh và do đó rất khó, nếu không nói là không thể, truy tìm lại hành vi phạm tội nào đó. Tất nhiên, việc tiếp cận tiền mặt đang và sẽ vẫn là quyền của mọi người ở EU và hầu hết các giao dịch chuyển tiền mặt đều sạch sẽ. Việc tiếp tục chấp nhận và sẵn có tiền mặt là vấn đề quan trọng đối với người tiêu dùng, nhưng khi sử dụng lượng tiền mặt lớn trong giao dịch thì nguy cơ phạm tội sẽ cao hơn và khó quản lý hơn rất nhiều.

 Mục đích chính của các quy định nêu trên là chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Những quy định này được cho sẽ không có ảnh hưởng nhiều tới các giao dịch bằng tiền mặt hằng ngày, bởi đa số việc mua bán thường ngày chỉ có trị giá dưới 10.000 euro. Cho tới nay, châu Âu cũng chưa có kế hoạch đưa ra quy định chung về việc bãi bỏ sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, từng nước thành viên EU có thể tự đưa ra các quy định riêng chặt chẽ hơn, như áp mức trần tiền mặt giao dịch.

Theo EU, rửa tiền và tài trợ khủng bố gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính toàn vẹn của nền kinh tế và hệ thống tài chính EU cũng như an ninh của công dân EU. Europol ước tính khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội hằng năm của EU "bị phát hiện có liên quan đến hoạt động tài chính đáng ngờ".

Ngọc Hà (Tổng hợp)
.
.