Facebook với nguy cơ cho người dùng
Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang đứng trước nhiều cáo buộc nghiêm trọng, như đặt lợi nhuận lên trên con người, gây trầm cảm, lo âu ở nhiều trẻ vị thành niên. Trước những bê bối liên tục của Facebook trong nhiều năm trở lại đây, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi về tính lành mạnh và an toàn của mạng xã hội, cũng như tương lai của Facebook.
Ngày 5-10, Frances Haugen, cựu Giám đốc Sản phẩm của Facebook, đã ra điều trần trước Thượng viện Mỹ cảnh báo về một số hoạt động đáng lo ngại của mạng xã hội đông người dùng nhất thế giới. Phát biểu tại tiểu ban Bảo vệ Người tiêu dùng của Thượng viện Mỹ, bà Haugen cho rằng Facebook đã “đặt lợi nhuận của công ty lên trên lợi ích người dùng và cộng đồng”.
Vài giờ sau buổi điều trần của bà Haugen, nhà sáng lập và CEO của Facebook Mark Zuckerberg, trên trang Facebook chính thức của mình, đã chia sẻ một bài viết cho rằng những lập luận được đưa ra không phản ánh đúng về công ty của ông. Nhà sáng lập Facebook khẳng định mạng xã hội mà ông gây dựng hướng đến những trải nghiệm trên mạng an toàn và tích cực cho mọi người.
Danh tiếng tuột dốc
Vào thời điểm Facebook đang đối mặt với chỉ trích lớn, tạp chí TIME đã chọn Mark Zuckerberg làm nhân vật trang bìa. Trong ảnh bìa, biểu tượng xóa ứng dụng điện thoại vốn hiển thị trên điện thoại được in trên nền hình ảnh CEO Zuckerberg đi kèm với câu hỏi “Bạn có muốn xoá Facebook không”? Một người dùng Twitter có tên Terence Szuplat chỉ ra Mark Zuckerberg cũng xuất hiện trên trang bìa của TIME vinh danh là Nhân vật của năm vào năm 2010.
Trong 10 năm này, Facebook đã chứng kiến quá trình vươn lên và thâm nhập vào cuộc sống thiết yếu của hàng tỷ người. Từ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) vào năm 2012 đến việc mua lại Instagram và WhatsApp, Facebook liên tục thành công và đưa Zuckerberg trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Nhưng thập kỷ này của Facebook cũng mang dấu ấn của hàng loạt những bê bối và cáo buộc.
Công ty đã phải đối mặt với chỉ trích nặng nề vì những thông tin sai lệch xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đặc biệt là sau khi một báo cáo trên trang tin Buzzfeed cho thấy tin giả tạo được độ tương tác hơn tin tức được kiểm chứng. Đến nay, Facebook vẫn bị coi là nền tảng phát tán tin giả tồi tệ nhất thế giới. Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Đại học Princeton (Mỹ) với khoảng 3.000 người Mỹ trong suốt cuộc bầu cử Tổng thống 2016, hơn 15% thời gian Facebook dẫn tới các nguồn tin không đáng tin cậy, trong khi chỉ có 6% dẫn đến các nguồn tin chính thống. Tỉ lệ này của Google là 3,3% so với 6,2% và Twitter là 1% so với 1,5%.
Sau đó, vào năm 2018, bê bối Cambridge Analytica bị phanh phui, tiết lộ công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica đã lấy dữ liệu từ hàng chục triệu người dùng Facebook mà không được sự đồng ý của họ. Công ty này đã khai thác lỗ hổng của Facebook để thu thập dữ liệu hàng triệu tài khoản, và xây dựng những mô hình cho phép họ nắm bắt và nhắm đúng tâm lý của họ. Dữ liệu được thu thập nhằm tối ưu quảng cáo cho khách hàng của Cambridge Analytica, bao gồm cả chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump. Vụ bê bối này đã khiến CEO Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Năm 2019, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã phạt Facebook 5 tỷ USD vì vi phạm quyền riêng tư của người dùng - mức phạt kỷ lục đối với một công ty công nghệ. Vụ bê bối gần đây nhất của Zuckerberg là về quảng cáo chính trị trên Facebook. Công ty không kiểm tra và sàng lọc nội dung các quảng cáo chính trị, điều này đã khiến mạng xã hội vấp phải chỉ trích.
Trong “Khảo sát về niềm tin kỹ thuật số tại Mỹ” năm 2020 thực hiện trực tuyến với 1.865 người trong độ tuổi từ 18 đến 74 trong khoảng thời gian từ 28/5/2020 – 3/6/2020, Facebook là nền tảng truyền thông xã hội được đánh giá là kém tin cậy nhất về quyền riêng tư dữ liệu trong số 9 nền tảng gồm Facebook, Instagram, LinkedIn, Pinterest, reddit, Snapchat, TikTok, Twitter và YouTube. Cụ thể, gần 1/3 (32%) người dùng Facebook ở Mỹ phần nào không tin tưởng vào nền tảng để bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của họ.
Ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em
Trong phiên điều trần hôm 5-10 tại Thượng viện Mỹ, bà Frances Haugen đã chỉ trích Facebook hời hợt trong việc kiểm duyệt nội dung độc hại cho trẻ em. Trước đó, bà Haugen đã chia sẻ loạt tài liệu nội bộ của Facebook cho giới báo chí, nói về việc Facebook và nền tảng trực thuộc Instagram gây trầm cảm, lo âu ở nhiều cô gái vị thành niên.
Trước đó, theo tiết lộ của bà Haugen, tờ Wall Street Journal đã đăng một báo cáo nội bộ của Facebook cho thấy hơn 30% số trẻ em gái tuổi vị thành niên sử dụng Instagram nói rằng nền tảng này khiến các em ngày càng cảm thấy không hài lòng với cơ thể của mình. Báo cáo bị rò rỉ cũng cho thấy 13% người dùng tuổi vị thành niên ở Anh và 6% người dùng ở Mỹ có ý định tự tử.
Trước sức ép của các nghị sĩ Mỹ và các nhà hoạt động vì trẻ em, Instagram ngày 27-9 đã dừng kế hoạch ra mắt phiên bản “Instagram Kids” dành cho trẻ em dưới 13 tuổi nhưng không nêu rõ thời gian tạm ngừng. Những người ủng hộ an toàn trực tuyến cho trẻ em đang khuyến khích Facebook hủy bỏ hoàn toàn dự án này.
Theo tiết lộ trên tờ Wall Street Journal, Facebook đã lên chiến lược và đặc biệt coi trẻ nhỏ là “đối tượng khách hàng có giá trị nhưng chưa được khai thác”. Theo New York Times, sự hướng tới người dùng trẻ không phải là nhằm chiếm lĩnh một nhóm người dùng mới mà nhằm ngăn chặn một xu hướng tồi tệ khác: Đó là việc người trẻ đang dần rời bỏ Facebook cùng các nền tảng trực thuộc.
Việc sử dụng Facebook của thanh thiếu niên ở Mỹ đã giảm trong nhiều năm và dự kiến sẽ sớm giảm mạnh hơn nữa. Các nhà nghiên cứu nội bộ của Facebook dự đoán việc sử dụng hàng ngày của nhóm đối tượng này sẽ giảm 45% vào năm 2023. Các nhà nghiên cứu cũng tiết lộ rằng Instagram, vốn từng có sự tăng trưởng đáng kể để bù đắp cho sự suy giảm mức độ quan tâm dành cho Facebook cũng đang mất thị phần vào tay các đối thủ như TikTok, Snapchat. Người dùng trẻ tuổi hiện nay đã không còn đăng nhiều nội dung lên Instagram như trước đây. Theo các tài liệu nội bộ, một cậu bé 11 tuổi tham gia khảo sát thậm chí đã bình luận “Facebook chỉ dành cho người già”.
Theo các tài liệu rò rỉ do Frances Haugen cung cấp, bản thân Facebook đang lo lắng rằng, họ đang đánh mất dần quyền lực và ảnh hưởng của mình. Facebook đã dành nhiều năm để đảo ngược xu hướng sụt giảm độ tương tác của người dùng, nhưng thực tế, các lượt thích, lượt chia sẻ và bình luận trên nền tảng này vẫn giảm đáng kể.
Nỗ lực cải thiện hình ảnh
Vào tháng 8, CEO Mark Zuckerberg đã ký duyệt một dự án mang tên Amplify. Dự án Amplify bao gồm một loạt các giải pháp để định hình lại hình ảnh của Facebook theo hướng tích cực hơn, bao gồm các cách tiếp cận như tách hình ảnh CEO Zuckerberg khỏi các bê bối, thu hẹp quyền truy cập của các nhà báo và các chuyên gia nghiên cứu vào hệ thống dữ liệu nội bộ, che giấu một báo cáo có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến Facebook và tăng cường quảng cáo hình ảnh thương hiệu.
Theo dự án này, Facebook dùng Dòng Tin tức để truyền tải những “hình ảnh đẹp” về Facebook đến người dùng, những thông tin như “Những đổi mới mới nhất của Facebook cho năm 2021” hay “Cách Facebook đạt được 100% năng lượng tái tạo cho các hoạt động toàn cầu”. Facebook cũng nỗ lực ngăn chặn những vụ rò rỉ thông tin nội bộ. Vào tháng 7, công ty đã đóng các bình luận trên một diễn đàn nội bộ. “YÊU CẦU TỪ CÔNG TY: VUI LÒNG KHÔNG TUỒN THÔNG TIN RA BÊN NGOÀI” là lời giải thích cho sự thay đổi trên.
Theo những tiết lộ của bà Haugen, Facebook nhận thức được tác hại mà họ đang gây ra. Ví dụ, làn sóng chỉ trích nạn phân biệt chủng tộc và thông tin sai lệch về vaccine vẫn không suy giảm. Các lãnh đạo Facebook cho rằng cách duy nhất để bảo vệ mình chính là tự lên tiếng cho bản thân, theo Katie Harbath, cựu Giám đốc Chính sách công của Facebook, chia sẻ. Facebook đã thử nghiệm dự án Amplify ở 3 thành phố tại Mỹ từ tháng 8.
Tương lai của Facebook
Tờ New York Times nhận định Facebook “đang trên đà suy giảm chậm một cách đều đặn”. Facebook liên tục vướng bê bối tai tiếng và ngày càng có nhiều người nhìn nhận tiêu cực về mạng xã hội này. Nhưng thực tế là các sản phẩm của công ty vẫn đang được hàng tỷ người sử dụng và các doanh nghiệp không ngần ngại đổ tiền vào các quảng cáo trên các nền tảng của Facebook.
Theo thông tin từ Facebook, doanh thu của công ty - đến từ các quảng cáo trên Facebook, trên Instagram và các ứng dụng khác - đạt gần 86 tỷ USD trong năm 2020 và vẫn đang tăng nhanh chóng. Mỗi ngày, 2,6 tỷ người sử dụng ít nhất một trong các ứng dụng của Facebook và con số này cũng đang tăng lên.
Hiện vẫn còn quá sớm để tuyên bố “khai tử” Facebook. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng gần 30% trong năm qua, do doanh thu quảng cáo tăng mạnh và người dùng sử dụng một số dịch vụ trong thời kỳ đại dịch tăng đột biến. Facebook, cũng như Apple, Netflix, Microsoft và các cường quốc công nghệ khác, đang tạo ra các sản phẩm mà mọi người và doanh nghiệp đang dựa vào để vượt qua đại dịch.
Ngoài ra, Facebook vẫn đang phát triển ở các quốc gia bên ngoài nước Mỹ và vẫn có thể thành công khi gặp khó khăn ở Mỹ. Facebook cũng đang đầu tư rất nhiều vào các sáng kiến mới chẳng hạn như các sản phẩm thực tế ảo. Mặc dù Facebook có thể đang sa sút nhưng trước mắt, mạng xã hội này vẫn là một trong những công ty có tầm ảnh hưởng lớn, với khả năng tác động đến đời sống toàn cầu.