FED vào thế khó tăng lãi suất
Quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để kiềm chế lạm phát là điều đã được dự báo trước. Tuy nhiên, việc này có thể đặt ra những thách thức cho nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động.
Ngày 16-3, FED đã tăng lãi suất liên bang thêm 0,25% lên phạm vi 0,25-0,5%. Đây là lần đầu tiên FED thực hiện tăng lãi suất kể từ năm 2018, giữa bối cảnh lạm phát tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất của 4 thập niên.
Động thái trên được coi là cột mốc đầu tiên trong chiến dịch giúp phục hồi nền kinh tế Mỹ của FED. Các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đã phát tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục có những bước đi tương tự, với việc tăng lãi suất dự kiến được thực hiện tại cả 6 cuộc họp chính sách còn lại của thể chế này trong năm 2022.
Đau đầu vì lạm phát
Việc tăng lãi suất cũng là bước đi mạnh mẽ nhất cho đến nay của ngân hàng trung ương để đối phó với tình trạng lạm phát cao. Phát biểu họp báo sau cuộc họp ngày 16-3, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng hoạch định chính sách của FED, đã quyết định tăng lãi suất giữa bối cảnh kinh tế Mỹ đang chứng kiến “một thị trường lao động cực kỳ chật hẹp trong môi trường lạm phát cao”.
Nhà lãnh đạo này cũng cho biết, nhiều khả năng trong thời gian tới, lãi suất sẽ liên tục được điều chỉnh trong các phạm vi mục tiêu phù hợp. Mặc dù FOMC cũng chưa thể thống nhất về quy mô điều chỉnh. Chủ tịch Powell “để ngỏ” khả năng nâng lãi suất với khoảng cách lớn hơn 0,25 điểm phần trăm trong những lần tới và cho biết ủy ban nhận thức được sự cần thiết của việc mang lại sự ổn định về giá cho nền kinh tế và quyết tâm sử dụng các công cụ để thực hiện điều đó.
3 tháng trước đó, FED từng dự báo lãi suất sẽ chỉ tăng thêm khoảng 0,75 điểm phần trăm trong năm 2022, theo sau là các lần tăng bổ sung trong năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, đến nay, các chỉ dấu đều đang hướng tới kịch bản sẽ có thêm đến 6 lần tăng lãi suất trong năm 2022, không tính lần tăng vừa được công bố.
Ông Powell lưu ý thêm rằng tình hình căng thẳng tại Ukraine sẽ gây thêm áp lực lên lạm phát trong nước sau khi đã thúc đẩy giá dầu và giá các hàng hóa khác tăng thêm. Các dự báo cho thấy, giữa cuộc họp vào tháng 12 năm ngoái và cuộc họp lần này, ông Powell và các đồng nghiệp đã tăng dự báo lạm phát trong quý IV năm nay từ 2,7% lên 4,1%.
Thị trường việc làm khởi sắc
Ngày 31-3, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người nhận trợ cấp thất nghiệp thường xuyên đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 5 thập niên qua. Cụ thể, trong tuần kết thúc vào ngày 19-3, số người nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo hiểm, đã được điều chỉnh theo mùa, là 1,307 triệu người, mức thấp nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27-12-1969, khi con số này là 1,304 triệu người.
Thực tế này phản ánh thị trường lao động Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ như thế nào sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức chưa từng có kể từ cuộc suy thoái khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây 2 năm.
Thị trường việc làm tại Mỹ từ tháng 2 đã gửi đi nhiều tín hiệu khởi sắc và được Tổng thống Joe Biden đánh giá là “trong tình trạng tốt” để đối phó những thách thức do lạm phát gây ra. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 2, thị trường lao động Mỹ có thêm 678.000 việc làm, cao hơn nhiều so mức các nhà kinh tế dự báo, góp phần hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 3,8%. Nếu tính từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 7,4 triệu việc làm.
Những tín hiệu tích cực từ thị trường lao động cho thấy triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ sáng hơn. Tuy nhiên, tín hiệu này có thể yếu đi trong thời gian tới trước chính sách “đối đầu” với lạm phát của FED. Trong thời kỳ lạm phát cao trước đây, các ngân hàng trung ương đôi khi đã tăng lãi suất quá nhiều và quá nhanh đến nỗi họ đã làm cho tất cả nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ giảm mạnh và điều này đã thúc đẩy các công ty sa thải người lao động, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Năm 1982, sau những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ do FED đưa ra, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 10,8%.
Bài toán cân bằng
Trước quan ngại này, ông Jerome Powell đã trấn an rằng FED có thể thực hiện được mục tiêu giảm lạm phát mà không làm ảnh hưởng tới việc làm và tăng trưởng GDP.
Thực tế, nhu cầu kiềm chế lạm phát là cấp thiết. Sự gia tăng lạm phát gần đây đã “vô hiệu hóa” một số khoản tăng lương mà người lao động được hưởng. Ví dụ, thu nhập tăng 0,5% trong tháng 2-2022 do tiền lương tăng nhưng giá hàng hóa lại tăng 0,6% so với tháng 1-2022 và 6,4% so với tháng 2-2021, trong đó giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh nhất. Cụ thể, giá thực phẩm tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá năng lượng tăng vọt 25,7%.
Theo lộ trình giảm lạm phát của mình, FED dự báo lạm phát giảm xuống còn 2,6% trong quý 4-2023 và ở mức 2,3% tại thời điểm quý 4-2024. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ từ mức 3,8% của tháng 2 tiếp tục giảm hơn nữa trong những tháng tới và duy trì ở mức cực kỳ thấp là 3,6% trong năm 2023 và 2024. GDP dự kiến tăng 2,8% trong năm nay, sẽ tăng 2,2% vào năm 2023 và 2,0% vào năm 2024. Có thể thấy đây là những con số tăng trưởng ấn tượng.
Nói cách khác, thông điệp của ông Powell là: Quyết tâm kiềm chế lạm phát song lạc quan rằng chính sách này không gây ra hậu quả kinh tế đáng kể nào. Sự lạc quan này đã trấn an các nhà đầu tư, qua đó đẩy chỉ số Dow Jones tăng hơn 500 điểm vào ngày 16-3. Tuy nhiên, đây vẫn không phải câu trả lời cho những nghi vấn về sự khả thi của kịch bản mà ông Powell đưa ra.
Ngoài ra, những diễn biến quốc tế gần đây cũng đặt ra câu hỏi liệu 2 nhiệm vụ của FED có tương thích tại thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các cú sốc nguồn cung liên tiếp do đại dịch và cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ngày 16-3 vừa qua, ông Powell lập luận rằng 2 nhiệm vụ vẫn tương thích nhưng ông cũng nói rằng, nếu điều này không trở thành sự thật, FED sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát.