Gạo Ấn Độ - như một loại vũ khí

Thứ Năm, 14/12/2023, 16:05

Quyết định cấm xuất khẩu một số loại gạo của Ấn Độ dựa trên lý do trong nước, nhưng nó có tác động toàn cầu đồng thời đem đến một “quyền lực” cho nước này.

Nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới

Việc trồng lúa gạo trên các cánh đồng có nguồn gốc khoảng 8.000 năm trước Công nguyên ở Trung Quốc, sau đó lan sang các khu vực khác ở châu Á. Ngày nay, gạo là loại lương thực được sản xuất nhiều thứ ba sau ngô và lúa mì. Ở Ấn Độ, gạo cũng là lương thực chính của phần lớn dân số. Nước này sản xuất khoảng 130 triệu tấn gạo mỗi năm, đủ đáp ứng nhu cầu trong nước khoảng 100-105 triệu tấn, bao gồm cả lượng gạo được phân phối theo dạng trợ cấp cho 800 triệu người nghèo.

Gạo Ấn Độ - như một loại vũ khí -0
Gạo là mặt hàng đang bị cấm xuất khẩu tại Ấn Độ.

Sau cuộc Cách mạng Xanh trong nông nghiệp cuối thế kỷ trước, từ một nước gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ lương thực cho người dân, Ấn Độ đã sản xuất được lượng gạo vượt quá nhu cầu trong nước. Điều đó đã giúp cho Ấn Độ tham gia vào thị trường xuất khẩu và ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Chính sách xuất khẩu nông sản quốc gia được khởi xướng từ năm 2018 đã đem đến những kết quả tích cực.

Riêng trong năm 2022, Ấn Độ chiếm gần 40% thương mại gạo toàn cầu, với khối lượng xuất khẩu đạt 22 triệu tấn, trị giá 9,66 tỷ USD cùng thị trường 140 quốc gia trên thế giới. Năm 2023, Ấn Độ được dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 20,5 triệu tấn gạo, gấp gần 2,5 lần so với nước xuất khẩu lớn thứ hai là Thái Lan với 8,5 triệu tấn. Ấn Độ dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo trong thập kỷ qua một phần do giá nội địa thấp và tồn kho trong nước cao, cho phép nước này bán gạo với giá chiết khấu.

Theo Tổng cục Thống kê Thương mại Ấn Độ, từ tháng 1 đến tháng 7/2023, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 12,9 triệu tấn gạo trị giá gần 7 tỷ USD tới ít nhất 150 quốc gia. Ba phần tư (77%) lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ là gạo tấm (non-basmati) trong khi gạo trắng (gạo basmati, loại gạo đặc sản của Ấn Độ) chiếm phần còn lại (23%). Với 1,17 triệu tấn, quốc gia Tây Phi, Benin đã mua nhiều gạo tấm của Ấn Độ nhất trong năm nay, tiếp theo là Senegal (872.080 tấn) và Kenya (685.302 tấn). 8 trong số 10 điểm đến hàng đầu của gạo Ấn Độ là các quốc gia châu Phi chủ yếu nhập khẩu gạo tấm giá rẻ. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn trong năm qua giúp giá gạo của Ấn Độ tăng cao hơn 15% trung bình trước đó cũng đồng thời giúp gạo Ấn Độ chiếm vị trí quan trọng hơn với thế giới nhờ lượng dự trữ lớn.

Gạo Ấn Độ - như một loại vũ khí -0
Gạo Ấn Độ chiếm vị trí quan trọng trên bản đồ lương thực.

Tuy nhiên, trong một động thái bất ngờ, ngày 20/7/2023, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm. Động thái này diễn ra sau lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng được công bố vào tháng 9/2022 và vẫn còn hiệu lực.

Vì sao Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo?

Theo giải thích từ phía chính phủ Ấn Độ thì quyết định cấm xuất khẩu là do giá lương thực trong nước tăng, lạm phát cao và lo ngại thiếu gạo do hiện tượng El Nino quay trở lại có thể làm ảnh hưởng đến vụ mùa cuối năm gây nguy cơ mất an ninh lương thực. Quyết định này ngay lập tức đã ảnh hưởng đến thị trường gạo toàn cầu làm giá cả tăng vọt.

Gạo Ấn Độ - như một loại vũ khí -0
Thủ tướng Modi đang muốn nâng cao vị thế của Ấn Độ.

Giá gạo toàn cầu đã tăng 15-25% chỉ trong vòng 10 ngày. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người nghèo ở các nước như Bangladesh, Nepal, Benin, Senegal, Togo và Mali, những nước gần như phụ thuộc vào nguồn cung gạo từ Ấn Độ. Dĩ nhiên, quyết định cấm xuất khẩu đột ngột này của Ấn Độ gây ra phản ứng tới từ cộng đồng quốc tế. Ông Nitin Gupta, Phó chủ tịch của Olam Agri India, một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ nói với báo giới: “Trước đây gạo được giao dịch với giá 550 USD/tấn, bây giờ giá đang dao động trên 650 USD”.

Những lời giải thích của chính phủ Ấn Độ dường như không thuyết phục được giới chuyên môn. Theo thông báo, lạm phát của Ấn Độ 10 tháng đầu năm 2023 chỉ là 4,87%, mức trung bình kể từ khi đại dịch COVID nổ ra tới nay. Trong giai đoạn 2012-2022, tỷ lệ lạm phát trung bình của Ấn Độ ở mức 6,1%/năm, cao hơn hiện tại. Thực tế, lạm phát trong các tháng 4, 5 và 6/2023 đều ở mức thấp dưới 4%. Chỉ số lạm phát của Ấn Độ chỉ tăng vọt lên 7,4% vào tháng 7, đúng thời điểm Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu gạo. Trong các tháng 9 và 10, tỷ lệ lạm phát đã ổn định trở lại mức trung bình 5%. Trong khi đó, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết lượng mưa trên cả nước từ tháng 6 đến tháng 9/2023 bằng 94% mức trung bình sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vụ mùa tiếp theo như dự báo.

Giá lương thực - thực phẩm (mặt hàng chiếm phần lớn nhất tới 45,86% trong giỏ hàng hóa của Ấn Độ) cũng chỉ tăng 6% kể từ đầu năm cho thấy Ấn Độ không cần lo lắng quá mức về tình trạng an ninh lương thực của mình. Kể từ tháng 2/2022 tới nay, giá gạo trong nước của Ấn Độ cũng tăng 10% nhưng chủ yếu là do tác động chung của giá cả toàn cầu và Ấn Độ có đủ công cụ để giảm giá gạo nếu họ thực sự muốn. “Mức dự trữ đệm của chúng tôi rất, rất thoải mái. Chúng tôi có khoảng 41 triệu tấn gạo trong kho của chính phủ. Chúng tôi không thiếu gì cả”, Samarendu Mohanty, giám đốc khu vực châu Á của Trung tâm Ngũ cốc quốc tế, cho biết. Điều này cho thấy, quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ dường như mang một ý nghĩa khác.

Lương thực là… vũ khí

Giá ngũ cốc quốc tế đã tăng vọt do cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Giá tiếp tục tăng kể từ khi Nga rút khỏi Sáng kiến ​​ngũ cốc Biển Đen, vốn sẽ cho phép ngũ cốc từ Ukraine tiếp cận thị trường thế giới. Các thương nhân và giới học giả đều đồng tình quan điểm tình trạng thiếu gạo, loại lương thực chủ yếu của hơn một nửa dân số thế giới, sẽ có “tác động lan tỏa” đến lúa mì, đậu nành, ngô cũng như những loại lương thực được sử dụng thay thế cho cả tiêu dùng của con người và thức ăn chăn nuôi.

Gạo Ấn Độ - như một loại vũ khí -0
Lạm phát ở Ấn Độ không quá cao như dự đoán.

Đây là “hiệu ứng domino đối với nhu cầu” với giá cả của không chỉ các mặt hàng thực phẩm khác mà còn cả nhiên liệu. Một cơn sóng lạm phát có thể nổ ra mà Ấn Độ có tác động đáng kể. Thực tế, Ấn Độ không chỉ có nguồn cung gạo lớn, họ còn là nhà xuất khẩu lớn các mặt hàng lương thực quan trọng khác như đường, đậu tương, đậu nành,... và chắc chắn sẽ được hưởng lợi nếu các mặt hàng này tăng giá.

Với việc quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất rút nguồn cung khỏi thị trường quốc tế, giá gạo trên thị trường toàn cầu đã tăng gần 25% trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2023. Giá gạo của Việt Nam và Thái Lan (2 nước xuất khẩu gạo lớn nhất sau Ấn Độ) đã tăng cao kỷ lục trong năm nay và thị trường vẫn đang khát gạo. Ở Nepal, giá gạo đã tăng 16% kể từ khi Ấn Độ công bố lệnh cấm. Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đang phải vật lộn với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bao gồm cả bão. Nepal và Philippines đều cho biết họ sẽ yêu cầu chính phủ Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo để giải quyết nhu cầu khẩn cấp trong nước.

Một số nước đã chỉ trích quyết định đột ngột của Ấn Độ. Trong cuộc họp vào tháng 9/2023 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một nhóm gồm 9 quốc gia do Mỹ dẫn đầu đã chỉ ra rằng lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đã ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo quan điểm của họ, các quốc gia bị ảnh hưởng sẽ có nguy cơ thiếu lương thực trong thời điểm kinh tế bất ổn hiện nay. Mỹ cho rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ là một “rào cản thương mại không cần thiết” và yêu cầu nước này rút lại quyết định ngay lập tức. Đại diện Mỹ tại WTO đưa ra lời chỉ trích dựa trên thông tin do Bộ Nông nghiệp Mỹ cung cấp, ước tính rằng Ấn Độ có thể đạt sản lượng gạo kỷ lục 134 triệu tấn trong niên vụ 2023 - 2024.

Năm ngoái, khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm gạo trắng, nước này đã để lại một khoản dự phòng cho hoạt động bán hàng của chính phủ với chính phủ (G2G). Theo kế hoạch đó, nước này đã xuất khẩu gần 800.000 tấn gạo sang Senegal, Indonesia và Gambia vì lý do nhân đạo. Lệnh cấm mới nhất này cũng có điều khoản dành cho xuất khẩu G2G để giải quyết những lo ngại về an ninh lương thực.

Ông Gupta cho biết: “Chính phủ Ấn Độ đang đưa ra tín hiệu tích cực rằng họ có thể cho phép xuất khẩu một số gạo tấm ra khỏi Ấn Độ theo hạn ngạch nhất định”. Nhưng các chuyên gia khác cho rằng số lượng xuất khẩu nhỏ, quá trình này kéo dài đồng thời sẽ kèm theo những điều khoản ràng buộc chính trị sẽ khiến cho bên mua không có nhiều lựa chọn. Chính phủ Ấn Độ dường như đã nhìn thấy cơ hội của mình khi nắm được thị phần lớn trên thị trường gạo toàn cầu để gia tăng ảnh hưởng. Đó là lúc những hạt gạo cũng có thể được sử dụng như một loại vũ khí.

Tiểu Phong
.
.