Gập ghềnh xuất bản điện tử
Cách mạng công nghiệp 4.0 và những thay đổi trong thói quen của độc giả đang buộc các nhà xuất bản (NXB) phải thay đổi. Số lượng NXB tham gia xuất bản điện tử và nhà phát hành xuất bản phẩm điện tử đã nhiều hơn.
Thậm chí, xuất bản, phát hành điện tử còn được coi là điểm sáng của ngành xuất bản, phát hành năm 2023. Đây cũng là khu vực có nhiều triển vọng phát triển, mặc dù còn không ít trở ngại, thách thức.
Tăng số lượng nhưng lợi nhuận thấp
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2023, toàn ngành xuất bản có 4.000 xuất bản phẩm dạng điện tử (tăng 19,4% so với năm 2022 ) với khoảng 36.000.000 bản (tăng 11% so với năm 2022). Tính đến hết năm 2023, có 24 trong tổng số 57 NXB tham gia xuất bản và phát hành điện tử (tăng 26,3%), chiếm 42,1% tổng số NXB. Thông tin từ NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho thấy, hiện nay, NXB tiếp tục triển khai xuất bản, phát hành sách điện tử trên trang sachquocgia.vn, kết hợp tuyên truyền và bán sách theo nhu cầu của bạn đọc.
Trên trang thuviencoso.vn, có gần 700 ấn phẩm lý luận, chính trị dành do cán bộ, đảng viên ở cơ sở được phát hành hoàn toàn miễn phí. Trên hệ thống stbook.vn, NXB đã xây dựng 11 tủ sách điện tử với trên 600 ấn phẩm, có nhiều ấn phẩm phát hành miễn phí. NXB Trẻ cũng cho biết, đơn vị có kênh phát hành sách điện tử (ebook) - sachso.com.vn. Hiện nay, với số đầu sách được phát hành gần 500 tựa, NXB Trẻ đang chào bán cho các thư viện, tổ chức có nhu cầu. Ở mảng sách nói (audiobook), NXB phát hành các sách của mình thông qua nền tảng của đối tác cung cấp dịch vụ. Tính đến nay, doanh số sách điện tử, sách nói - dù không chiếm tỉ trọng đáng kể trong doanh số chung của NXB nhưng sự tăng trưởng hằng năm là tín hiệu đáng mừng.
Về phát hành xuất bản phẩm điện tử, Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định, đây là hoạt động nổi bật, mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của ngành. Điều này thể hiện rõ qua sự phát triển số lượng các đơn vị phát hành xuất bản phẩm điện tử và doanh thu sách nói. Tính đến hết năm 2023, đã có 21 đơn vị được cấp Giấy xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử. Ngoài ra, hiện nay đã có một số đơn vị phát hành đã đủ điều kiện và đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp Giấy xác nhận. Doanh thu sách nói tăng trưởng tốt. Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp trong thời gian năm 2022 và năm 2023, tổng số doanh thu từ sách nói đã đạt khoảng 116,1 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra.
Với số lượng các đơn vị phát hành điện tử ngày càng nhiều và sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc, thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển, bước đầu bắt nhịp được sự phát triển của thị trường sách điện tử của các nước trong khu vực và trên thế giới, cung cấp được nhiều xuất bản phẩm điện tử, đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn đọc. Một số NXB xây dựng nền tảng riêng cho sách số, nhiều đơn vị kết hợp với Waka, Fonos, VoizFM... để phát hành sách điện tử, sách nói.
Tuy nhiên, hiệu quả về mặt doanh thu, lợi nhuận từ xuất bản phẩm điện tử vẫn chưa thể như kỳ vọng, nếu không muốn nói là còn rất hạn chế, nhất là với các NXB. Thuộc top đầu các NXB hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử nhưng năm 2023, NXB Trẻ đạt doanh thu trên 1,23 tỷ đồng, có lợi nhuận trên 109 triệu đồng. NXB Hà Nội đạt doanh thu trên 1 tỷ, có lợi nhuận gần 167 triệu đồng. NXB Quân đội nhân dân đạt doanh thu trên 1 tỷ, có lợi nhuận 276 triệu đồng. Nhiều NXB báo có doanh thu nhưng mục lợi nhuận thì… để trống: NXB Văn hóa dân tộc, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, NXB Hồng Đức… NXB Chính trị quốc gia Sự thật - một trong số các đơn vị xuất bản được ghi nhận là có nhiều chuyển biến tích cực trong ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử cũng chỉ đạt doanh thu trên 62,4 triệu đồng và không có con số nào thể hiện mức lợi nhuận mang về. Thậm chí, NXB Lao động ghi doanh thu trên 53,4 triệu đồng nhưng lợi nhuận thì - 32,9 triệu đồng.
Với hoạt động xuất bản, doanh số và lợi nhuận không phải là tất cả. Nói như nhận định của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty cổ phần sách Thái Hà về ngành xuất bản nói chung thì hoạt động xuất bản có nhiệm vụ bảo tồn và truyền bá các giá trị văn hóa tinh thần nhằm nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Hoạt động xuất bản không chỉ góp phần khẳng định, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mà còn là hoạt động kinh doanh phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của Việt Nam.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, vị trí ngành xuất bản còn khá khiêm tốn. Vấn đề vẫn nằm ở tam giác: Doanh thu - Lợi nhuận - Vị thế. Khi doanh thu lớn và có lợi nhuận cao thì sẽ đóng thuế nhiều, góp phần cho ngân sách quốc gia. Nhưng doanh thu hiện nay của cả ngành xuất bản chúng ta chưa bằng một doanh nghiệp cỡ tầm trung của cả nước, chưa nói đến tầm khu vực và thế giới.
Xây dựng hệ sinh thái xuất bản tích hợp truyền thống và công nghệ số
Theo Giám đốc NXB Trẻ - bà Phan Thị Thu Hà, ở Việt Nam, các NXB và các công ty sách gần một thập kỷ qua đã đầu tư cho nhiều hình thức sách, ngoài sách giấy truyền thống. Xét từ góc độ khách quan, lẫn chủ quan, thì xu hướng phải đa dạng hình thức sách, hình thức đọc, hình thức mua hàng của độc giả là tất yếu. Đó chính là cần phát triển một hệ sinh thái xuất bản tích hợp giữa truyền thống và công nghệ số.
Tuy nhiên, để xây dựng hệ sinh thái tích hợp như thế, chúng ta cần nhiều nguồn lực - đội ngũ nhân sự, nguồn đề tài, và tài lực để đầu tư cho các nền tảng điện tử. Trong khi đó, việc đàm phán bản quyền với các tác giả trong và ngoài nước để sách xuất bản trên đa nền tảng, hoặc xuất bản trên nền tảng điện tử trước, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Công nghệ thì nhanh chóng lỗi thời, đòi hỏi phải cập nhật liên tục. Công tác bảo vệ bản quyền trên không gian mạng còn gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Hà, để ngành xuất bản ngày càng phát triển mạnh và bền vững theo hướng hệ sinh thái tích hợp giữa truyền thống và công nghệ số, chúng ta cần sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện tử (ebook, audiobook, VR book…), từ đó tận dụng được nguồn lực và lợi ích to lớn của công nghệ để hợp lực đưa nhiều sách hơn nữa tới đông đảo bạn đọc. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoàn thiện các chính sách, cơ chế để bảo vệ bản quyền trên không gian mạng; mạnh dẹp bỏ triệt để các hành vi chia sẻ lậu, bất hợp pháp các ebook, audiobook trên mạng Internet.
Giám đốc NXB Trẻ cũng đề xuất quan tâm, hỗ trợ đầu tư công nghệ cho các đơn vị xuất bản vì tiềm lực về nền tảng công nghệ của các NXB và các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất bản hiện nay còn hạn chế. Trong bối cảnh chuyển đổi số, nền tảng công nghệ để sản xuất và phát hành sách điện tử rất mau lỗi thời, do đó các đơn vị phải cần nguồn vốn lớn để liên tục cập nhật, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, theo kịp xu hướng của thế giới và tránh lặp lại những khó khăn mà các công ty ebook thời kỳ đầu ở Việt Nam gặp phải. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo nhân lực làm xuất bản theo hướng tích hợp có chất lượng cao, am hiểu về xuất bản lẫn công nghệ. Cần hỗ trợ các khóa đào tạo về các công nghệ mới và các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động xuất bản, để có thể hỗ trợ cho việc phát triển hệ sinh thái xuất bản.
Về xuất bản điện tử, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - ông Nguyễn Nguyên cũng thẳng thắn nhận định, đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các NXB nhìn chung còn hạn chế. Mảng sách điện tử mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường sách nói và một số NXB khối đại học. Xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử chưa thực sự có bước tiến mạnh về doanh thu. Một số cơ sở phát hành chưa chú trọng đầu tư, hoặc đầu tư chuyển đổi số, phát triển nền tảng phát hành xuất bản phẩm còn hạn chế nên hiệu quả còn chưa cao. Vì vậy, trong năm 2024, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản và bản thân các nhà xuất bản cần có nhiều giải pháp.
Đáng chú ý, ông Nguyên cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai các giải pháp phối hợp giữa các đơn vị công nghệ và đơn vị xuất bản để hỗ trợ để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số cho các NXB; nghiên cứu xây dựng tiêu chí phát triển NXB số; hoàn thiện nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, nền tảng kết nối các NXB, bổ sung các tính năng hỗ trợ, quản lý quy trình, quản lý đơn vị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản, triển khai giải pháp hỗ trợ để xuất bản sách trên cơ sở đa nền tảng.
Cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản như: Chuyển đổi phương thức xuất bản để phù hợp với xu thế hội nhập; kết nối, chia sẻ thông tin, chế độ báo cáo trên hệ thống cổng thông tin điện tử; Nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng số của lĩnh vực xuất bản đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số…