Giá trị pháp lý và thực tiễn của bản Tuyên ngôn Độc lập

Thứ Bảy, 02/09/2023, 10:18

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn vững chắc cho nền độc lập của nước ta.

Lời tuyên bố “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” của Tuyên ngôn Độc lập đã cổ vũ tinh thần dân tộc Việt Nam đến muôn đời sau.

aaa.jpg -0
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: tư liệu lịch sử

Từ cơ sở pháp lý của nền độc lập của dân tộc Việt Nam…

Nước ta vốn là một nước độc lập. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Năm 1885, Kinh đô Huế thất thủ, nước ta rơi vào tay thực dân Pháp. Thực dân Pháp đã buộc triều đình nhà Nguyễn ký các văn bản thừa nhận quyền “bảo hộ” của chúng trên đất nước ta.

Huênh hoang về sự “bảo hộ” nhưng thực dân Pháp đã bán nước ta hai lần cho phát xít Nhật. Tuyên ngôn Độc lập chỉ rõ: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật… Ngày 9/3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. Do đó, Tuyên ngôn Độc lập nêu rõ: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.

Giá trị pháp lý và thực tiễn của bản Tuyên ngôn Độc lập -0
Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) không chỉ tuyên bố nền độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Ảnh minh họa

Bởi vậy, Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới rằng: “Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.

Xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lý phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” là “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776), và: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791). Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 đã suy rộng ra là “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam”.

Giá trị pháp lý và thực tiễn của bản Tuyên ngôn Độc lập -0
Diễu hành chào mừng Quốc khánh trên Quảng trường Ba Đình

15 năm sau khi Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) ra đời, vào năm 1960, Liên hợp quốc đã nhất trí và đưa ra Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa. Tiếp sau đó, đến năm 1970, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí được và đưa ra Tuyên bố chấm dứt vô điều kiện chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện. Chứng tỏ tuyên bố “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” của Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) là tiếng nói đại diện cho nhân loại.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá: “Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm giữ nước và dựng nước, chúng ta càng thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta với sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới trong suốt thời gian lịch sử từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, chúng ta càng thấy nổi bật những dòng chữ bất diệt, những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn Độc lập, những tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ta, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đó cũng là những tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới”.

Nhà sử học Na Uy Stein Tonnesson trong cuốn “Cách mạng Việt Nam 1945-Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh” in năm 1991 nhận định: “Cách mạng Việt Nam quan trọng và không phải chỉ thuần túy trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh, đó là quá trình phi thực dân hóa”.

… đến cơ sở thực tiễn

Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào. Đại hội đã thông qua Mười chính sách của Việt Minh. Điều đầu tiên trong Mười chính sách của Việt Minh là “Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập”. Đại hội cũng đã thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Lãnh tụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch. Đại hội quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa và Quốc ca là bài Tiến quân ca.

Giá trị pháp lý và thực tiễn của bản Tuyên ngôn Độc lập -0
Quang cảnh ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ảnh tư liệu lịch sử

Sau khi Hà Nội và nhiều nơi khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về ngoại thành Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam. Chiều ngày 26/8/1945, Trung ương đón Người về ở căn gác 2 nhà số 48 phố Hàng Ngang. Người quyết định cần khẩn trương tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ cách mạng lâm thời vào ngày 2/9/1945.

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc ngày 2/9/1945 là bản án xét xử chính thức của chế độ thực dân Pháp đã gây khổ đau cho dân tộc Việt Nam suốt hơn 80 năm. Tuyên ngôn Độc lập đã vạch mặt thực dân Pháp đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta” và do đó hành động của chúng “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.

Nói về kết quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) tuyên bố: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.

Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) cũng tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”

Do đó, Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Sau này, trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc (tháng 12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”.

Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Trung ương Đảng ta sang Trung Quốc rồi sang Liên Xô (cũ). Thông qua đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân ở châu Á, Đông Âu đã lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta. Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”.

Ngày 12/1/1967, khi tiếp đoàn nhà báo Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã tạo dựng, củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, tạo tiền đề thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả các châu lục (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc), trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt, 17 đối tác chiến lược (4 đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc.

Việt Nam hiện là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023) đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam sau quá trình dài đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới.

Nguyễn Văn Toàn
.
.