"Giấc mơ con" của huấn luyện viên Troussier

Thứ Tư, 22/02/2023, 16:29

Bên cạnh công tác huấn luyện, ông Philippe Troussier còn nổi tiếng với những hoạt động ngoài bóng đá. Dường như không có giới hạn nào cho vị chiến lược gia có biệt danh "Phù thủy trắng", bởi ông luôn khao khát tìm đến những lĩnh vực mới mà bản thân chưa từng trải nghiệm.

Châu Á, châu Phi và Pháp

Philippe Troussier không có sự nghiệp thi đấu lẫy lừng thời quần đùi áo số giống như Michel Platini, Didier Deschamps hay Zinedine Zidane. Phần lớn thời gian ông khoác áo những đội hạng dưới của Pháp, rồi lặng lẽ giải nghệ ở tuổi 28. Ngay trong năm treo giày, Troussier chuyển sang công tác huấn luyện.

Ông Troussier chỉ thành công nếu rời nước Pháp.

Bế tắc với công việc nơi quê nhà, sự nghiệp của Troussier có bước ngoặt khi ông nhận lời đến Bờ Biển Ngà, làm huấn luyện viên (HLV) trưởng một đội bóng có tên ASEC Mimosas. Đội bóng này đã không vô địch quốc gia trong 1 thập niên cho đến ngày Troussier tiếp quản ghế nóng. Trong 3 mùa giải làm việc tại đây, ông mang về 6 cúp vô địch.

Thành công cùng ASEC Mimosas giúp cái tên Troussier dần được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Kể từ đó, ông bôn ba đến khắp hang cùng ngõ hẻm, làm việc cho không ít đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ châu Á, châu Phi. Nhưng sâu thẳm trong lòng, Troussier luôn mang trong mình khát khao trở lại Pháp lập nghiệp.

"Tôi từng đặt mục tiêu trở thành HLV trưởng đội tuyển Pháp trước EURO 2024" là điều Troussier từng chia sẻ nhiều năm trước. Giấc mộng đó đã không thể trở thành hiện thực. Những chú gà trống Gaulois vẫn tin tưởng Didier Deschamps, và trong trường hợp thay thuyền trưởng, họ vẫn còn hàng loạt cái tên nổi tiếng hơn như Zinedine Zidane.

Troussier một lần nữa bị lãng quên ngay trên chính quê hương mình. Điều ấy xảy ra như một chuyện tất yếu, bởi "Phù thủy trắng" dường như chỉ có đất dụng võ mỗi lần ông xa quê hương. Trong khoảng thời gian bôn ba khắp châu Á, châu Phi, Troussier chỉ có đúng 1 lần trở về Pháp làm việc, nhưng ông cũng không có thành tích ấn tượng trên cương vị HLV trưởng Marseille.

1 năm làm việc của Troussier tại Marseille không để lại thành tích nào ấn tượng. Thứ duy nhất được nhắc lại đến bây giờ là mối quan hệ đổ vỡ giữa ông và công thần Bixente Lizarazu. Nhà vô địch thế giới vừa chia tay Bayern để hồi hương thi đấu, lập tức đùng đùng nổi giận và muốn CLB thanh lý hợp đồng do không chịu nổi vị HLV mới.

"Tôi là cầu thủ chuyên nghiệp, và biết mình phải ra đi nếu mối quan hệ với HLV đổ vỡ", Lizarazu nói. Chẳng biết họ đã trao đổi những gì về bóng đá, nhưng trong ngày ra đi, Lizarazu cho biết anh và Troussier "chẳng có điểm nào tương đồng". Cả hai thậm chí đã to tiếng với nhau giữa toàn đội.

Sau mùa giải ấy, Troussier không nhận thêm công việc nào ở Pháp nữa. Quãng thời gian gắn bó cùng Marseille dường như khiến ông nhận ra một điều hiển nhiên. Troussier có tài, nhưng “bụt chùa nhà không thiêng”. Ông chỉ có thể đạt được thành công nếu như tiếp tục xa quê hương. Và thế là Troussier lại đi, với Việt Nam là điểm đến.

Làm huấn luyện viên để phát triển kinh tế

Sau khi chia tay Marseille, Troussier nhận lời làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia Morocco. Lần này, ông chỉ có thể tại vị vỏn vẹn 2 tháng. Một lần nữa, khác biệt trong quan điểm phát triển bóng đá của ông trở thành đề tài gây tranh cãi. Nhưng Liên đoàn Bóng đá Morocco không phải Bixente Lizarazu. Họ lập tức tuyên bố sa thải "Phù thủy trắng".

Huấn luyện viên Troussier từng trở lại Nhật Bản để phát triển kinh tế địa phương.

Về phần Troussier, ông cảm thấy mình không nhất thiết phải rời bỏ Morocco dù vừa mất việc. "Phù thủy trắng" cùng vợ tiếp tục dành thời gian sinh sống tại thủ đô Rabat. Ông thậm chí còn cải sang đạo Hồi, đổi tên thành Omar. Lý giải về quyết định khác thường ấy, Troussier nói ông muốn học cách chế ngự cảm xúc sau những chuyện đáng tiếc đã qua.

Troussier ở ẩn trong 3 năm tại Morocco trước khi trở lại nghiệp huấn luyện. Nhưng ông không chọn một đội bóng hàng đầu đúng như tầm vóc của mình mà lại đến FC Ryukyu, CLB hạng 3 Nhật Bản. Trong ngày ra mắt đội bóng mới, Troussier khẳng định tiền bạc không phải điều kiện tiên quyết để ông trở lại xứ sở mặt trời mọc làm việc. Ông muốn có cảm giác trở về nhà.

"Tôi rời Nhật Bản năm 2002, nhưng chưa bao giờ có cảm giác mình đã xa nơi này. Nhật Bản là đỉnh cao trong sự nghiệp huấn luyện của tôi, và tôi muốn chia sẻ tình yêu bóng đá trên cương vị mới", Troussier nói. Đúng như những gì ông phát biểu, Troussier trở lại Nhật Bản không chỉ vì những công việc chuyên môn liên quan đến bóng đá.

Không giống các khu vực còn lại của Nhật Bản, tỉnh Okinawa nơi FC Ryukyu đóng quân vẫn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Nằm ở cực Nam đảo quốc mặt trời mọc, Okinawa chủ yếu gồm các hòn đảo nhỏ nằm rải rác. Hàng năm, chính phủ Nhật Bản vẫn phải hỗ trợ Okinawa trong việc trả tiền cho binh lính Mỹ đồn trú tại đây.

Một chi tiết khác ít người để ý tới là ở Nhật Bản, bóng đá không phải môn thể thao vua. Sau hiệu ứng World Cup 2002, số người Nhật quan tâm đến bóng đá ngày một giảm đi. Trong bối cảnh đó, Okinawa và FC Ryukyu cần đến một cái tên giàu uy tín để xây dựng niềm tin nơi người dân địa phương. Đó là lúc họ tìm đến Troussier.

Sự hiện diện của "Phù thủy trắng" không nhất thiết phải đem lại thành tích chuyên môn cho FC Ryukyu. Điều quan trọng nhất ông làm được trong 2 năm trở lại Nhật Bản là giúp Okinawa phát triển cơ sở hạ tầng. Dưới thời Troussier, đội bóng tí hon chơi ở giải hạng 3 Nhật Bản đã xây một sân vận động hiện đại, qua đó tạo không ít việc làm cho người lao động địa phương.

Một lần nữa, Troussier lại làm nên phép màu tại Nhật Bản. Ông không cần phải đưa đội bóng lên hạng, hay vươn ra thế giới như trước kia nữa. Tên tuổi và bảng thành tích của ông đã giúp tỉnh Okinawa thoát nghèo, và cá nhân Troussier hẳn cũng thấy vui vì ông đã làm một việc có ý nghĩa lớn lao.

Về nhà làm nông nghiệp

Trong bối cảnh thế giới liên tục nhắc đến trí tuệ nhân tạo, AI hay Chat GPT, HLV Troussier dường như không mấy để tâm đến. "Phù thủy trắng" đi đầu phong trào "bỏ phố về quê" khi ông chọn trở về lập nghiệp tại một vùng đất có tên Saint-Emilion. Chính những mối quan hệ Troussier có nhờ bóng đá đã giúp ông nảy ra ý tưởng khởi nghiệp ở tuổi ngoài 60.

Mục tiêu của ông Troussier là đưa đội tuyển Việt Nam dự World Cup.

"Sao anh không nghĩ đến chuyện trồng nho và làm rượu vang nhỉ?", Philippe Bezu, cựu giám đốc Adidas khu vực Nhật Bản gợi ý cho Troussier. Nghĩ là làm, Troussier lập tức bắt tay vào việc tìm hiểu quy trình sản xuất rượu vang chuẩn Pháp. Người đưa ra lời khuyên giúp rượu của Troussier có hương vị chuẩn chính là Robert Louis-Dreyfus, cố Giám đốc điều hành Adidas.

Ý tưởng sản xuất một loại rượu của riêng mình được Troussier giữ nguyên trong tâm trí, và trở thành hiện thực khi ông được thừa kế một mảnh vườn. Ông biến khu đất bị bỏ hoang trong nhiều năm trở thành một trang trại trồng nho, và bắt đầu làm rượu từ đó. Tên gọi của loại rượu này cũng mang đậm hình ảnh con người bóng đá của Troussier.

HLV trưởng đội tuyển Việt Nam lấy tên Sol Beni, sân tập của CLB ASEC Mimosa, làm nhãn hiệu rượu. Nút chai được thiết kế với màu xanh da trời, bởi nó khiến ông nhớ đến những kỷ niệm đẹp cùng đội tuyển Nhật Bản. Đầu nút chai có số 3-4-3, đội hình ưa thích được Troussier sử dụng trong hơn 20 năm qua.

Cái tên Troussier dường như trở thành dấu ấn đảm bảo chất lượng cho loại rượu ông sản xuất. Trong thời gian đến Việt Nam làm việc, "Phù thủy trắng" trực tiếp hướng dẫn cho các công nhân địa phương về quy trình làm rượu. Ông nói đó là một cách để mình trải nghiệm cảm giác làm huấn luyện viên, nhưng ở một môn thể thao khác với bóng đá.

Rượu Sol Beni không hề rẻ. Mỗi chai rượu thuộc phân khúc cao cấp (ủ 21 tháng trong thùng) có giá vài triệu đồng. Những chai đắt giá nhất còn đắt hơn nữa, nhưng thú vị là tất cả đều được tiêu thụ đều đặn. Khách hàng thưởng thức Sol Beni phần lớn đến từ Nhật Bản và... Việt Nam, nơi tư tưởng bóng đá của ông được trân trọng.

"Tôi không cần viết tên mình lên nhãn rượu để bán nhiều hàng hơn. Những người quý mến tôi sẽ tìm đến Sol Beni, thưởng thức nó và chiêm nghiệm từng khoảnh khắc trong cuộc sống", Troussier tự hào nói.

Tuyển Việt Nam án binh bất động chờ huấn luyện viên Troussier

Tháng 3 là thời điểm có lịch thi đấu đội tuyển quốc gia của FIFA, nhưng đội tuyển Việt Nam không xếp lịch đá trận nào. Đây có thể là một phần trong kế hoạch của VFF sau khi bổ nhiệm HLV Troussier. "Phù thủy trắng" sẽ được phép toàn quyền quyết định về mặt chuyên môn, do đó ông cần thêm thời gian sắp xếp công việc, thay vì lập tức bắt tay vào một số trận đấu giao hữu.

Giải đấu lớn đầu tiên đón chờ HLV Troussier sẽ là SEA Games 32. Đội tuyển Việt Nam tham dự giải với tư cách đương kim vô địch, trong bối cảnh điều lệ thi đấu có nhiều thay đổi lớn. Nước chủ nhà Campuchia cho biết môn bóng đá nam SEA Games 32 sẽ chỉ bao gồm những cầu thủ lứa tuổi U22, và không cho phép đăng ký 3 cầu thủ quá tuổi giống như những năm trước.

4 tháng sau khi SEA Games 32 khép lại, HLV Troussier sẽ làm việc cùng đội U24 Việt Nam. Với việc môn bóng đá nam ASIAD phải lùi lại 1 năm vì dịch COVID-19, nước chủ nhà đã điều chỉnh giới hạn độ tuổi. Điều đó sẽ khiến HLV Troussier phải điều chỉnh rất nhiều khi ông liên tục làm việc cùng những đội tuyển khác nhau, trước khi chính thức bước vào vòng loại World Cup 2026.

Trước khi nhận nhiệm vụ tại đội tuyển quốc gia, HLV Troussier từng nói cơ hội Việt Nam tham dự World Cup 2026 khá khả quan. Bên cạnh việc World Cup mở rộng lên thành 48 đội, các đội tuyển Việt Nam hiện có nhiều cầu thủ tài năng, đủ năng lực thi đấu tại châu Âu. Troussier nói ông đã thấy một số cầu thủ giỏi đến mức có thể chơi tại Ligue 1 dù họ chưa được thừa nhận rộng rãi.

Đơn Ca
.
.