Giải mã ASIAD, kỳ Đại hội thể thao quốc tế có một không hai

Thứ Tư, 27/09/2023, 10:40

Ít ngày trước khi ASIAD 19 chính thức bắt đầu, nhiều tờ báo phương Tây đã khai thác khía cạnh thú vị của giải đấu này. Không giống Olympic, nơi mọi thứ được quốc tế hóa, ASIAD mang bản sắc châu Á với những môn thể thao đặc trưng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Á vận hội là nơi dễ giành huy chương.

Lớn hơn Olympic

Ba tháng trước khi ASIAD khai mạc, Đại hội Thể thao Châu Âu diễn ra mà không nhận được quá nhiều sự quan tâm từ công chúng của lục địa già. Đại hội Thể thao Châu Phi, dự kiến diễn ra đầu năm 2024, cũng không được người hâm mộ quá quan tâm. Nhưng ASIAD lại hoàn toàn khác. Giải đấu này không chỉ thu hút khán giả châu Á. Phần còn lại của thế giới cũng rất ngóng chờ.

Giải mã ASIAD, kỳ Đại hội thể thao quốc tế có một không hai -0
Cầu lông xuất hiện ở ASIAD trước khi được đưa vào chương trình thi đấu Olympic.

Các trang thống kê quốc tế chỉ ra đến tháng 9/2023, châu Á có khoảng 4,7 tỷ người, chiếm quá nửa dân số thế giới. Con số này chưa bao gồm những người gốc Á đang làm việc và sinh sống tại các châu lục khác. Điều đó cũng có nghĩa, một kỳ Đại hội thể thao của châu Á như ASIAD, sẽ mang quy mô và sức hút không kém gì Thế vận hội.

Tầm vóc quốc tế của ASIAD được thể hiện rõ nhất trong lễ khai mạc của nước chủ nhà Trung Quốc. Họ đưa những công nghệ mới nhất, tân tiến nhất để làm nên một màn trình diễn đậm sắc màu. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. ASIAD từ lâu được xem như kỳ Đại hội thể thao có phần thú vị hơn, đặc sắc hơn cả Olympic.

Theo thống kê từ ban tổ chức ASIAD 19, kỳ Á vận hội năm nay thu hút trên dưới 12.000 vận động viên tham dự. Con số này nhỉnh hơn một chút so với Olympic Tokyo (11.400 người), và chắc chắn nhiều hơn Thế vận hội Paris (dự kiến đón 10.500 người). Thành phố Hàng Châu, nơi đăng cai ASIAD 19, cũng được ví như thiên đường thu nhỏ ngay cả với người phương Tây.

Giải mã ASIAD, kỳ Đại hội thể thao quốc tế có một không hai -0
Cốt lõi của ASIAD vẫn là những môn thể thao Olympic như bơi, điền kinh.

Vì sao ASIAD có số lượng vận động viên lớn hơn Olympic? Thứ nhất, giải đấu này không có những quy định quá khắt khe về chuẩn vận động viên (VĐV) tham dự. Olympic đặt ra những giới hạn về thành tích, cũng như vòng loại ở các châu lục để sàng lọc những VĐV tốt nhất tới. ASIAD lại khác. Đây là giải đấu dành cho mọi VĐV, mọi quốc gia có nhu cầu đăng ký thi đấu.

Thứ hai, chương trình thi đấu ASIAD có nhiều môn đang xét duyệt đưa vào Olympic. Một trong số đó là cricket. Môn thể thao này đã xuất hiện tại ASIAD từ lâu. Nhưng theo lịch dự kiến, cricket chỉ bắt đầu xuất hiện tại Thế vận hội từ năm 2028, hoặc muộn hơn vào năm 2032. Bóng quần cũng nằm trong cảnh tương tự.

Nhìn về quá khứ, không ít môn thể thao Olympic từng có xuất phát điểm được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của ASIAD trước đó. Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất là cầu lông. Được ví như môn thể thao quốc dân tại Indonesia, xứ vạn đảo đưa cầu lông vào chương trình thi đấu khi họ tổ chức Á vận hội 1962 tại Jakarta.

10 năm sau, cầu lông xuất hiện tại Olympic với tư cách môn thể thao biểu diễn, không tích huy chương vào bảng thành tích chung. Các quốc gia châu Á mất thêm 4 kỳ Thế vận hội để cầu lông trở lại chương trình thi đấu Olympic, nhưng lần này là một môn thể thao chính thức. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với Taekwondo, môn quốc võ của Hàn Quốc.

Khám phá châu Á từ ASIAD

Chương trình thi đấu ASIAD có những môn thể thao mang bản sắc châu Á. Đây cũng là điều làm nên khác biệt giữa ASIAD với Olympic và những Đại hội thể thao khác trên quy mô châu lục. Người phương Tây có thể chưa từng biết đến đua thuyền rồng, cầu mây, wushu hay kabaddi, kurash nhưng họ sẽ lập tức chú tâm theo dõi trong lần xem đầu tiên.

Nhiều video về cầu mây thường xuyên được chia sẻ trên các trang thể thao Âu Mỹ ăn khách nhất. Họ trầm trồ khi biết những cú đá "xe đạp chổng ngược" của bóng đá, hóa ra xuất hiện thường xuyên trong môn cầu mây. Tại sao người châu Á có thể tập luyện và thi đấu một môn thể thao khó như vậy, khi họ chuyền cho nhau, rồi tìm cách đỡ một quả cầu nhỏ hơn nhiều so với quả bóng đá?

Wushu là một lĩnh vực bí ẩn khác với phương Tây, những người vốn chỉ biết đến võ thuật Trung Hoa nhờ Lý Tiểu Long và Thành Long. Thường được chia làm 2 hạng mục thi đấu biểu diễn (taolu) và đối kháng (tán thủ - sanda), wushu có đầy đủ những điều một người muốn tìm hiểu về võ thuật: Nét đẹp, sự dẻo dai và cả những tình huống ra đòn tàn khốc nhất.

Sự tò mò của phương Tây về ASIAD càng lớn hơn khi ở kỳ Á vận hội năm nay, nước chủ nhà đưa nhiều môn thể thao trí tuệ vào chương trình thi đấu. Ai cũng biết ít nhiều về cờ vua, nhưng có khi nào, "phỏm" cũng được coi là một môn thể thao tại châu Á? Các VĐV quốc tế sẽ thi đấu ra sao trong môn cờ tướng và cờ vây với VĐV Trung Quốc, quê hương của môn cờ này?

Ở một góc độ nào đó, những môn thể thao địa phương là cơ hội để nhiều quốc gia nhỏ khẳng định tên tuổi trên bản đồ thể thao châu Á. Họ có thể mất nhiều năm nữa để đào tạo một nhà vô địch Olympic, thậm chí tấm HCĐ vẫn còn rất xa tầm với. Nhưng trong phạm vi ASIAD, một tấm huy chương có thể đến bất cứ lúc nào, như Brunei vừa giành HCB wushu.

Có lẽ, trong tâm khảm những nhà sáng lập ASIAD, họ đã luôn hướng về một tương lai nơi thể thao kết nối tất cả các nước châu Á. Trong kỳ ASIAD 18 tổ chức tại Indonesia, chỉ có 9/46 quốc gia không giành được huy chương nào. Con số này của Olympic Tokyo là 113/206 quốc gia. Với châu Á, thật kinh khủng nếu có quá nửa số nước tham dự ASIAD trắng tay ra về.

Giống "biển lớn" hơn "ao làng"

ASIAD có nhiều bộ huy chương và chương trình thi đấu đa dạng hơn Olympic, nhưng điều đó không có nghĩa các quốc gia sẽ dễ dàng "chia đều" thành tích ở mỗi kỳ Á vận hội. Với thế mạnh sẵn có, Trung Quốc luôn được xem là ứng viên số 1 cho vị trí nhất toàn đoàn. Những quốc gia tranh ngôi số 2 thường là Nhật Bản và Hàn Quốc. CHDCND Triều Tiên cũng là một cường quốc thể thao.

Giải mã ASIAD, kỳ Đại hội thể thao quốc tế có một không hai -0
Trịnh Thu Vinh là nhân chứng cho thấy bắn súng Việt Nam luôn có lứa vận động viên đủ tầm vươn ra thế giới.

Như đã nói ở trên, châu Á quy tụ hơn một nửa dân số thế giới. Nói cách khác, những VĐV vô địch châu Á hoàn toàn có khả năng vươn đến rất gần đẳng cấp nhà vô địch Olympic. Vì thế, chỉ những VĐV giỏi nhất ở trình độ hàng đầu quốc tế mới có thể giành HCV ASIAD. Giải đấu này chưa bao giờ là "ao làng" dành cho những VĐV muốn vươn tới đỉnh cao.

Việc chương trình thi đấu ASIAD luôn đảm bảo các môn Olympic xuất hiện, với quy mô và số bộ huy chương y hệt Thế vận hội là bằng chứng cho thấy chất lượng giải đấu vẫn được đặt lên hàng đầu. Trong câu chuyện của đoàn thể thao Việt Nam, tính chất "biển lớn" càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết qua số lượng VĐV tham dự, cũng như chỉ tiêu giành huy chương.

Tại SEA Games 32 vừa diễn ra tại Campuchia, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 702 vận động viên. Đoàn Việt Nam đứng nhất chung cuộc khi giành 354 huy chương các loại (136 HCV, 105 HCB, 113 HCĐ). Trung bình cứ 2 VĐV lại có 1 người giành huy chương. Tỷ lệ này không còn đúng với ASIAD nữa.

Đến ASIAD 19 sau đó 4 tháng, đoàn Việt Nam có 334 VĐV. Tuy nhiên, số VĐV đạt giải ước tính chỉ vào khoảng 30-40 huy chương các loại, trung bình 8 người/huy chương. Số nội dung được đặt chỉ tiêu vô địch cũng thấp hơn rất nhiều, với chỉ tiêu giành 2-5 HCV. Con số này trên thực tế có thể thấp hơn, nếu nhìn vào 2 kỳ ASIAD 2010 và 2014, nơi Việt Nam chỉ có 1 HCV mỗi kỳ.

Những con số trên chỉ ra một điều: ASIAD là kỳ Đại hội thể thao cấp độ châu lục, nhưng rất gần với Olympic thay vì sân chơi SEA Games. Để hướng đến thành tích tốt hơn trong những giải Á vận hội sắp tới, thể thao Việt Nam cần phát triển mạnh hơn nữa những môn thi đấu cấp độ Olympic. Đó thực sự sẽ là mục tiêu kép thực hiện được trên con đường tiến ra thế giới.

Tiến trình “Olympic hóa” của thể thao Việt Nam

ASIAD 18, diễn ra vào năm 2018 tại Indonesia, được xem như dấu mốc quan trọng cho thấy tiến trình Olympic hóa của thể thao Việt Nam bước đầu thành công. Đoàn Việt Nam giành không chỉ 1, mà 2 HCV điền kinh, một trong những môn thể thao cơ bản của Olympic. Một môn thể thao Olympic khác là Rowing cũng đem về 1 HCV, bên cạnh nhiều HCB, HCĐ ở môn bơi, bắn súng, cử tạ.

Cột mốc hình thành và phát triển môn Rowing tại Việt Nam có thể được coi là lúc Việt Nam quyết định phát triển thể thao theo hướng Olympic hóa. Kỳ SEA Games 22 diễn ra tại Việt Nam đã trở thành động lực đưa Rowing vào phát triển, cũng như hợp pháp hóa trở lại hoạt động thi đấu Boxing. Sau 2 thập niên, Rowing và Boxing đều có VĐV giành huy chương ASIAD và có vé dự Olympic.

Bắn súng cũng là một trong những môn thể thao Olympic được Việt Nam quan tâm, phát triển. Kể từ thời điểm nhà vô địch Thế vận hội Hoàng Xuân Vinh giải nghệ, nhiều chuyên gia lo ngại Việt Nam có thể phải mất 1-2 kỳ Olympic nữa để có thêm một VĐV đẳng cấp thế giới. Nhưng chỉ sau 1 năm, Trịnh Thu Vinh đã giành vé dự Olympic Paris, và Ngô Hữu Vương có HCB ASIAD.

Môn thể thao Olympic hiếm hoi đang gặp khó trên tiến trình "Olympic hóa" của là cử tạ. Sau HCB của Hoàng Anh Tuấn (Olympic 2008) và HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn (Olympic 2012), cử tạ Việt Nam chưa thể có thêm thành tích tại đấu trường Thế vận hội. Hy vọng đó càng khó hơn khi Thạch Kim Tuấn rút khỏi đội tuyển, và Liên đoàn Cử tạ thế giới cũng điều chỉnh các hạng cân theo hướng bất lợi cho Việt Nam.

Đơn Ca
.
.