“Giải mã” trào lưu chạy marathon: Khi niềm đam mê được quảng bá hoàn hảo

Thứ Tư, 24/04/2024, 18:45

Từng được coi là cuộc thi thể thao mạo hiểm, marathon đã trở thành hiện tượng phổ biến. Không giới hạn độ tuổi và sự chuẩn bị (và ít quan tâm đến chi phí), những người yêu thích cự ly 42,195 km tụ tập từ mọi nơi ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tại sao cuộc đua marathon lại quyến rũ đến vậy? Câu trả lời là sự kết hợp giữa niềm đam mê và tiếp thị.

Xu hướng toàn cầu

Trong suốt 2 thập kỷ vừa qua, chạy marathon đã trở thành xu hướng toàn cầu. Những điều tưởng như nghịch lý đã giúp môn thể thao này ngày càng phổ biến và được yêu thích. Rất nhiều nhà khoa học đã vào cuộc và xác định marathon tạo ra sự mệt mỏi và có nguy cơ chán nản cao, nhưng đồng thời đem lại khoái cảm mãnh liệt đến mức gây nghiện.

anh 1.jpeg -0
Phong trào marathon bùng nổ toàn cầu, đặc biệt ở châu Á.

Từ một bài kiểm tra khắc nghiệt dành cho các vận động viên (VĐV) ưu tú, marathon đã trở thành hiện tượng đại chúng. Đó không chỉ là ấn tượng mang tính chủ quan, mà còn được chứng minh bằng những con số. Số lượng người tham gia toàn cầu luôn tăng hơn 11% mỗi năm trong vòng 7 năm qua, trong đó châu Á là nơi phong trào nở rộ nhất. Trung Quốc tăng 259% trong năm qua, Philippines có thêm 211% người chạy marathon, trong khi con số này ở Việt Nam cũng hơn 200%.

Tính riêng giải Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài năm 2024 tổ chức tại Phú Yên vừa qua, số lượng người tham dự lên đến hơn 11.600 người, trong đó có 253 VĐV chuyên nghiệp và hơn 11.000 VĐV phong trào. Con số này cao gấp hơn 2 lần so với mùa giải đông nhất tổ chức ở Gia Lai năm 2021 (gần 5.000 VĐV), và gần gấp 3 lần so với mùa giải gần nhất ở Lai Châu năm 2023 (4.000 VĐV).

Với hơn 11.000 VĐV phong trào, đến từ gần 40 hội, nhóm, CLB chạy (đăng ký từ 200 người trở lên), đây cũng là mùa giải có số lượng VĐV phong trào đông đảo nhất từ trước tới nay, kể từ lần đầu tiên giải “mở cửa” cho phép VĐV phong trào đua tài với VĐV chuyên nghiệp vào năm 2017.

“Sau mỗi cuộc thi, tôi hứa sẽ dừng lại”, Thành Đạt thừa nhận như thể anh là một kẻ nghiện ngập. “Bởi vì nó mất quá nhiều thời gian chuẩn bị, quá nhiều cam kết. Nhưng 7 lần tôi đã nhượng bộ và lại chạy. Đến bây giờ tôi không chắc mình có thể treo giày hay không khi các cuộc thi marathon ngày càng nhiều hơn”.

Thành Đạt là nhân viên văn phòng, làm việc theo giờ hành chính ở quận Đống Đa, Hà Nội. Gần như mỗi tối, anh đều chạy xung quanh hồ Hoàng Cầu 2 đến 3 vòng để rèn luyện thể lực và hướng đến các cuộc thi marathon. Nam thanh niên 29 tuổi này không phải người duy nhất nói về việc chạy bộ và các cuộc thi marathon như thể nó là chất gây nghiện.

Việc người chạy bộ có cảm giác “lên đỉnh” không phải là chuyện hoang đường mà là sự thật đã được khoa học chứng minh. Năm 2008, Đại học Bonn phát hiện ra rằng, nhờ nỗ lực kéo dài, tuyến yên sẽ giải phóng endorphin, tạo ra cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn tương tự như cảm giác của morphine (và cực khoái). Và yếu tố mang tính thiền định của cuộc đua cũng được công nhận rộng rãi.

Tính thiền định ở đây có thể cắt nghĩa đơn giản là “lắng nghe cơ thể”. Người sáng tạo ra chương trình Chạy bộ chánh niệm - Andrea Colombo cho biết: “Chạy marathon kích hoạt hệ thống cảm thụ bản thân (khả năng nhận thức và nhận biết vị trí của cơ thể trong không gian), đánh thức những cảm giác thể chất thường không hoạt động và mở ra cho chúng ta khả năng lắng nghe cơ thể và những gì xung quanh chúng ta mà không có bất kỳ phán xét nào”.

Trào lưu sau đại dịch

Dù muốn hay không, các chuyên gia cũng phải thừa nhận đại dịch COVID-19 khiến con người quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, tập thể dục và tìm cách cải thiện thể lực nhiều hơn. Trong tất cả các môn thể thao có thể nâng cao sức khỏe và sức bền, chạy bộ là môn đơn giản nhất. Bất cứ ai không khuyết tật chân đều có thể chạy bộ. Ngoài điều kiện sức khỏe, chi phí cho bộ môn này gần như bằng không.

anh 2.jpg -0
Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể tham gia các cuộc thi chạy bộ.

Một người chạy bộ chỉ cần đôi giày bata có giá chưa đến 100.000 đồng là đủ. Thậm chí, có những người sẵn sàng chạy chân đất để gia tăng thử thách với bản thân. Những người có điều kiện hơn, hoặc các VĐV chuyên nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn, với những đôi giày êm ái đắt tiền, những bộ đồ thoát mồ hôi thoải mái, bình nước, thực phẩm chức năng, đồng hồ thông minh theo dõi lộ trình và các chỉ số liên quan.

Những người chạy bộ cũng không nhất thiết phải mất thêm chi phí để thuê sân chơi như bóng đá, bóng chuyền hay cầu lông. Nói đơn giản, người chạy bộ chỉ cần chuẩn bị một đôi giày và chọn một cung đường thoáng để tập luyện.

Khi phong trào chạy bộ tăng cao, các giải marathon cũng xuất hiện ngày càng một nhiều. Nó giống như quy luật cung, cầu của thị trường. Đa số chạy bộ để rèn luyện sức khỏe đơn thuần, nhưng trong đó cũng có rất nhiều người muốn tìm hiểu giới hạn của bản thân cũng như tranh tài với người khác.

Và cũng vì sự đơn giản của bộ môn này như đã nói ở trên, việc tổ chức giải marathon cũng dễ dàng hơn nhiều so với các môn thể thao khác. Hiện nay, có hàng trăm cuộc thi chạy cự ly ngắn, trung bình và marathon diễn ra tại Việt Nam, bao gồm các cuộc thi nội bộ của các công ty lớn. Các nhà tổ chức mở rộng thêm nhiều cự ly ngắn để cho các VĐV tham gia nhiều hơn, bởi lẽ không phải ai cũng chạy được marathon và bán marathon (21km).

“Tôi nghĩ có sự hội tụ của nhiều yếu tố đằng sau sự bùng nổ của phòng trào marathon hiện tại”, Andrea Colombo nhận định. “Trước hết, marathon là cuộc thi đáp ứng hoàn hảo với lối sống đô thị đương đại: nó cho phép bạn rèn luyện bản thân khi có thời gian, và sau đó thử thách bản thân ở những địa điểm đặc biệt, kết hợp yếu tố văn hóa và du lịch với thể thao. Nó linh hoạt về hình thức, dễ dàng quảng bá. Cuối cùng, bộ môn này đòi hỏi cá tính mạnh mẽ, sự hy sinh, cống hiến, quản lý thời gian tối ưu”.

Khi niềm đam mê được quảng bá

Marathon là môn thể thao đậm chất cá nhân, nhưng không mang tính đối kháng mà ngược lại, thường được tuyên truyền như một cách để mỗi người vượt qua giới hạn của chính mình. Bên cạnh đó, việc chinh phục những cung đường có ý nghĩa đặc biệt về văn hóa cũng thục giục các VĐV phong trào tham dự.

anh 3.jpg -0
Các cuộc thi marathon giúp quảng bá văn hóa, du lịch cho địa phương đăng cai.

Bên cạnh giải nội bộ của các công ty, tập đoàn lớn, rất nhiều giải marathon mang đậm chất địa phương khác được tổ chức nhằm quảng bá du lịch. Có thể kể đến như Vietnam International Half Marathon - Hà Nội, Bước chạy chào xuân thành phố Quảng Ngãi, Run For “Em” 2024 ở TP.HCM, Điện Biên Phủ Marathon, Minh Đạm Discovery Marathon ở Bà Rịa Vũng Tàu, Giải chạy Dalat Ultra Trail, Cúc Phương Jungle Paths, Đền Hùng Spirituality Marathon - “Về nguồn”…

Những năm gần đây, phong trào marathon ở Việt Nam còn tiến thêm một nấc thang mới. Đó là kết hợp marathon và leo núi, vượt đèo, tạo ra các cuộc thi với độ khó gấp nhiều lần giải đấu thông thường. Tất cả đều được truyền thông mạnh mẽ trên mạng xã hội và các kênh truyền thống.

Tất nhiên, những nhà tổ chức không làm mọi thứ “miễn phí”. Các cuộc thi marathon thu hút rất nhiều nhà tài trợ vì quy mô của nó. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tiếp thị, các VĐV marathon “là những người tiêu dùng trung thành nhất của các thương hiệu giúp họ đạt được thành tích”.

Khảo sát về VĐV marathon chạy bộ quốc gia của Mỹ tiết lộ: 76% VĐV chạy bộ có bằng cấp và 73% có thu nhập hàng năm ít nhất là 75.000 USD. Các VĐV chạy marathon cũng là những du khách tuyệt vời (60% không ngần ngại di chuyển để tham gia một cuộc thi, mang lại thu nhập cho thành phố đăng cai) và hào phóng. Điều này cũng đúng ở hầu hết mọi quốc gia khác trên thế giới, bao gồm Việt Nam.

Chính vì vậy, khi niềm đam mê được quảng bá hoàn hảo, chạy bộ và các cuộc thi marathon trở thành trào lưu là chuyện không thể khác.

Lắng nghe cơ thể, không chạy đua thành tích

Gần đây, các cuộc thi marathon thường xuyên xảy ra sự cố không mong muốn. Một số VĐV quá sức, ngất trên đường chạy và không thể về đích. Tệ hơn, đã có những trường hợp ngưng tim khi cơ thể vượt ngưỡng chịu đựng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào chạy bộ và marathon trên cả nước.

Sau những sự cố đáng tiếc này, ban tổ chức các cuộc thi marathon hứa hẹn sẽ kiểm soát điều kiện sức khỏe của các VĐV kỹ lưỡng hơn, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, bản thân người tham gia phải tự ý thức được khả năng của mình đến đâu. Bây giờ, thông điệp của marathon không còn là vượt qua giới hạn bản thân mà là lắng nghe cơ thể, thấu hiểu cơ thể.

TS Dương Đức Thủy - nguyên cán bộ phụ trách bộ môn điền kinh (Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục Thể dục Thể thao) -  cho biết: "Mọi giải đấu đều có quy định riêng. Ngay từ khâu chuẩn bị tổ chức giải, ban tổ chức phải hoàn thành các thủ tục cần thiết liên quan đến việc xin giấy phép để thực hiện giải chạy mà địa phương tổ chức.

Không chỉ riêng tại Việt Nam mà trên thế giới, ban tổ chức sẽ yêu cầu vận động viên kí cam kết tự chịu trách nhiệm cho bản thân khi tham dự các giải chạy. Bản cam kết đó không chỉ quy định về sức khỏe mà còn đi kèm một số vấn đề có liên quan, nhưng sức khỏe là điều được ưu tiên.

“Marathon là cự li dài, đòi hỏi phải có sự phân phối sức. VĐV tham dự phải biết lượng sức, đăng kí các cự li phù hợp với khả năng tập luyện trước đó. Ví dụ, bạn muốn chạy 42km thì khi tập luyện cần phải đạt được 35-37-40km rồi. Khi đó, tốc độ sẽ duy trì ở mức ổn định và đảm bảo có thể hoàn thành cự li mới”.

An Khánh
.
.