Giải trí Việt - mới chỉ "mưa đến đâu mát mặt đến đấy"
Sự bùng nổ của các concert gần đây cho thấy khán giả trong nước sẵn sàng đón nhận những sản phẩm giải trí chất lượng với sự đầu tư bài bản. Nhưng liệu những tín hiệu này có đủ để hình thành một nền công nghiệp giải trí thực thụ?
Trong cuộc trao đổi với phóng viên, đạo diễn Việt Tú, người có hơn 20 năm gắn bó với thị trường giải trí trong nước, quốc tế, đã phân tích những rào cản cố hữu của việc thiếu bản sắc và chiến lược quốc gia, đồng thời kêu gọi tư duy liên ngành nếu muốn đưa ngành giải trí bước khỏi “ao làng” để vươn tầm quốc tế.
Từ cơn sốt “Anh trai” đến tương lai nền công nghiệp giải trí
Cuối năm 2024 và đầu năm 2025, thị trường giải trí Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ ấn tượng với cơn sốt của hai chương trình “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Hàng trăm nghìn lượt khán giả đổ về các concert tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hưng Yên, khẳng định sức hút mạnh mẽ của những sản phẩm âm nhạc “made in Việt Nam” được đầu tư bài bản, hướng đến trải nghiệm đại chúng.

Những đêm diễn hoành tráng không chỉ gây ấn tượng với doanh thu bán vé “khủng” mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng số như Facebook, TikTok, YouTube, Spotify…, góp phần mở rộng độ phủ và gia tăng nguồn thu từ lượt xem, nghe trực tuyến.
Thành công của các chương trình kể trên càng cho thấy rõ tiềm năng kinh tế của ngành giải trí nội địa. Từ lâu, khán giả Việt đã sẵn sàng chi trả cho nghệ sĩ trong nước, điều từng được minh chứng qua loạt đêm diễn cháy vé của Đan Trường, Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Sơn Tùng M-TP, Đen Vâu hay các chương trình giải trí thường niên như Rap Việt, Monsoon... Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng tăng rõ rệt, phản ánh sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng văn hóa của công chúng
Là người có nhiều năm theo dõi lĩnh vực trên, đạo diễn Việt Tú nhận định: Việt Nam hiện mới hình thành “thị trường giải trí” chứ chưa phát triển thành “nền công nghiệp giải trí” đúng nghĩa. Anh phân tích: “Một nền công nghiệp cần sự đa dạng trong sản phẩm, nguồn cung ổn định và bản sắc rõ ràng. Thiếu bản sắc, lĩnh vực này khó vươn xa, đặc biệt trên trường quốc tế”.

Theo Việt Tú, thành công của các chương trình “Anh trai” gần đây phần lớn lặp lại từ công thức thu hút khán giả duy nhất, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố “may mắn” hơn là kết quả của một chiến lược dài hơi. Để đánh giá sự chuyển mình thực sự, cần chờ xem liệu các sản phẩm tiếp theo có giữ được sức hút sau khi “cơn sốt” lắng xuống.
Dù vậy, một điểm sáng đáng ghi nhận của hai chương trình là đã góp phần định hình văn hóa thưởng thức nghệ thuật, nghĩa là khán giả đến xem concert, cổ vũ văn minh và sẵn sàng chi trả cho những trải nghiệm giải trí chất lượng. Quan trọng hơn, các nghệ sĩ cũng dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào “bầu sữa tài trợ”, từng bước đưa ngành giải trí vận hành bằng chính sức mạnh của thị trường.
Về lâu dài, để biến thị trường thành quy mô nền công nghiệp, ngành giải trí Việt vẫn cần một chiến lược bài bản, từ đào tạo nhân lực, hoàn thiện khung pháp lý cho đến phát triển hệ thống phân phối. Chỉ khi đó, những “cơn sốt” mới thôi không còn là hiện tượng nhất thời mà trở thành động lực cho sự phát triển bền vững.
Bứt phá khi nương nhờ bản sắc
Sự sôi động của các chương trình trên thực tế đã thắp lên kỳ vọng về một luồng sinh khí mới đang lan tỏa trong ngành giải trí. Tuy nhiên, từ những phân tích tỉnh táo, vẫn có thể thấy phần lớn những “cú hích” này chủ yếu dựa trên các format mua bản quyền hoặc phái sinh từ mô hình nước ngoài, chứ chưa phải là những sáng tạo thuần Việt. Trong khi đó, các quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc từ lâu đã giữ vững vị thế dẫn đầu trên bản đồ giải trí toàn cầu nhờ sở hữu những sản phẩm đa dạng, đậm bản sắc văn hóa và có khả năng xuất khẩu rộng rãi.

Sau giai đoạn hưng phấn của thị trường, điều cấp thiết không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận thành tựu mà cần đi xa hơn, đó là hoạch định một chiến lược dài hạn, bài bản và mang tính hệ thống. Bởi nếu chỉ dựa vào hiện tượng ngắn hạn, ngành giải trí Việt rất dễ rơi vào vòng lặp “mùa vụ” - rực rỡ trong chốc lát nhưng thiếu chiều sâu và khó phát triển về lâu dài.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa nhận định Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp giải trí như dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, công nghệ phát triển mạnh mẽ, cùng một đời sống văn hóa phong phú và giàu truyền thống. Bài toán tiếp theo cần giải là làm thế nào để chuyển hóa những tiềm năng này thành động lực, tạo nền tảng cho một ngành công nghiệp giải trí mang tầm vóc.
Trả lời cho câu hỏi trên, đạo diễn Việt Tú nhấn mạnh: lợi thế khán giả trẻ không phải yếu tố quyết định. Một sản phẩm văn hóa tốt sẽ tự tìm được chỗ đứng trên thị trường. Bằng chứng là tệp khán giả của các chương trình thành công gần đây trải dài ở nhiều độ tuổi, minh chứng cho sức hấp dẫn rộng khắp khi sản phẩm chạm được vào nhu cầu thực sự.
Cũng theo Việt Tú, cốt lõi của thành công bền vững nằm ở bản sắc văn hóa. “Nghe thì có vẻ chính trị, nhưng càng đi nhiều, xem nhiều, tôi càng thấy rõ điều đó là bắt buộc ở bất kỳ nền công nghiệp giải trí phát triển nào. Không ai trả tiền cho một sản phẩm lai tạp, không có bản sắc”.
Đi cùng với yêu cầu về bản sắc, một hạn chế lớn của ngành giải trí hiện nay còn nằm ở sự thiếu vắng một chiến lược quốc gia rõ ràng. Các nhà sản xuất nội dung trong nước phần lớn vẫn hoạt động theo hướng tự phát, thiếu sự định hướng từ một tầm nhìn tổng thể. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa có những tập đoàn giải trí thực thụ, cũng như chưa xây dựng được hệ thống đồng bộ về chính sách, pháp lý và cơ sở hạ tầng phục vụ sự phát triển của ngành.
“Giải trí không chỉ là câu chuyện của ngành văn hóa hay những người làm nghệ thuật. Đó là một cấu trúc liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành; từ giáo dục, công nghệ cho đến thương mại. Chỉ cần một mắt xích lỏng lẻo, toàn bộ hệ thống dễ rơi vào trạng thái đứt gãy”, đạo diễn Việt Tú lý giải.
Muốn gõ cửa thế giới, phải biết mình là ai
Câu chuyện của ngành âm nhạc và giải trí Việt Nam, nếu nhìn lại từ đầu những năm 2000, đã sớm hình thành thị trường. Các cơ sở đào tạo chuyên môn, sân chơi nghệ thuật, các gương mặt nghệ sĩ trẻ đầy tiềm năng đã bước ra ánh sáng, mang theo kỳ vọng về một thế hệ sáng tạo mới có thể định hình diện mạo riêng cho thị trường trong nước.

Tuy nhiên, quá trình phát triển này phần lớn vẫn mang tính tự phát, học hỏi rời rạc từ các mô hình quốc tế mà chưa được đặt trong một chiến lược tổng thể. Chính sự thiếu liên kết và định hướng đó khiến ngành giải trí sau hơn hai thập kỷ vẫn giậm chân tại chỗ, trong khi lẽ ra đã có thể tiến xa hơn nếu được tích hợp vào các chính sách cho văn hóa, cũng như nhận được sự hỗ trợ xuyên suốt.
Dưới góc nhìn từ thực tiễn, đạo diễn Việt Tú cho rằng, ưu tiên cấp thiết hiện nay là xây dựng một chiến lược, và hệ thống đào tạo nhân lực mang tầm quốc gia. Nếu không, âm nhạc Việt sẽ chỉ dừng lại ở những thành công trong nước, khó có cơ hội vươn ra thế giới với tư cách một ngành công nghiệp thực thụ. Dù những thành tựu và hiện tượng nổi bật gần đây là tín hiệu đáng khích lệ, nhưng xét cho cùng, đó vẫn chỉ là những bước khởi đầu. Sự tự hào trong phạm vi nội địa đôi khi dễ khiến chúng ta quên rằng Việt Nam vẫn còn cách tiêu chuẩn quốc tế vẫn là một khoảng không hề nhỏ.
Dù vẫn còn không ít thách thức, nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, dù Việt Nam khởi đầu muộn hơn nhiều quốc gia, cơ hội để rút ngắn khoảng cách vẫn còn nếu biết học hỏi đúng cách từ những mô hình thành công.
Điển hình là Hàn Quốc, quốc gia đã đưa K-pop trở thành biểu tượng toàn cầu nhờ một chiến lược văn hóa rõ ràng, dài hạn, cùng sự đầu tư bài bản từ cả chính phủ và khối doanh nghiệp. K-pop từng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa phương Tây, nhưng nhờ xây dựng được bản sắc riêng trên nền tảng chiến lược quốc gia nhất quán, Hàn Quốc đã phát triển lĩnh vực này thành một ngành xuất khẩu chủ lực.
Theo đó, bản sắc văn hóa không thể chỉ là “phụ kiện” gắn tạm lên sản phẩm âm nhạc hay giải trí để tạo hiệu ứng nhất thời, mà phải trở thành tinh thần xuyên suốt trong toàn bộ quá trình sáng tạo. Việc lồng ghép yếu tố văn hóa dân tộc chỉ để gây chú ý trong ngắn hạn sẽ khiến sản phẩm thiếu chiều sâu, khó tạo được vị thế bền vững.
Trên hành trình đưa sản phẩm văn hóa đến với công chúng trong nước và quốc tế, yếu tố then chốt vẫn là chất lượng. Đó phải là những tác phẩm mang đậm tinh thần Việt Nam, đủ sức chạm đến cảm xúc người nghe, người xem.
“Khán giả rất đơn giản: họ cần những tác phẩm văn hóa chạm đến cảm xúc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức. Nếu làm được điều đó, thành công về mặt nghệ thuật lẫn kinh tế sẽ tự nhiên đến”, đạo diễn Việt Tú nhấn mạnh.