Giáo sư Vũ Khiêu với Bác Hồ và “Anh Văn”, “Anh Sáu”
Tôi may mắn được quen biết Giáo sư Vũ Khiêu cách đây hơn hai mươi năm, khi gia đình ông còn ở phố Vạn Bảo, quận Ba Đình. Khi ấy trong căn nhà tập thể không rộng nhưng ông dành riêng một nơi khá trang trọng đặt bốn pho tượng bán thân. Phía trên cao chính giữa là tượng Bác Hồ. Ba pho tượng phía dưới: Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở giữa, Giáo sư Trần Văn Giàu bên phải và Giáo sư Vũ Khiêu bên trái. Bốn pho tượng rất có hồn với ánh mắt như đang giao lưu với người bên ngoài.
Trên cao Bác Hồ, bậc anh minh với không chỉ Việt Nam mà cả thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Anh Văn, là người anh, vừa là người lãnh đạo. Còn Giáo sư Trần Văn Giàu - Anh Sáu (Sáu Giàu), người anh, người đồng nghiệp của ông. Với ông, không chỉ trân trọng, kính yêu mà còn phải học ở họ suốt đời.
“Hồ Chí Minh, ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam”
Đó là tên một cuốn sách, công trình chuyên khảo có giá trị lớn về tư tưởng Hồ Chí Minh của Giáo sư Vũ Khiêu. Với Bác Hồ, Giáo sư Vũ Khiêu không chỉ thể hiện sự kính trọng bằng tình cảm mà thể hiện bằng nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong rất nhiều chúc văn, bài minh, văn tế, văn bia, câu đối… ông đã ca ngợi tầm tư tưởng, đạo đức, tài năng, tình cảm của Bác với nước, với dân và bạn bè quốc tế.
Tôi xin dẫn ra đây ba trong số rất nhiều câu đối Giáo sư đã viết về Bác: “Nối nghiệp Hùng Vương: Giữ vững sơn hà cho vạn thế. Theo gương Các Mác: Sáng ngời trí dũng trước năm châu”. (Câu đối thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đền liệt sĩ huyện Xuân Trường, Nam Định).
“HỒNG NHẬT TRƯỜNG MINH - Đấng anh hùng ái quốc ưu dân, xây độc lập tự do cho vạn thế. Nhà văn hóa trí nhân đại nghĩa, dựng hòa bình hữu nghị với năm châu”. (Nội dung ghi trên hoành phi, câu đối trong Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An).
“Bác răn uống nước nhớ nguồn, hương khói ngàn thu thờ liệt sĩ. Bác dạy đền ơn đáp nghĩa, xóm làng một dạ giúp thương binh”. (Câu đối tại Đền tưởng niệm ngày Bác Hồ gửi thư cho Ban tổ chức Ngày thương binh, liệt sĩ tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Và còn rất nhiều nội dung khác về Bác được Giáo sư thể hiện trong các bài báo, tham luận trong các hội thảo…
Một công trình chuyên khảo có giá trị lớn về tư tưởng Hồ Chí Minh của Giáo sư Vũ Khiêu đó là cuốn “Hồ Chí Minh, ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam”. Ông cho ra mắt công trình này nhân dịp kỉ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông đã gần trăm tuổi. Cuốn sách hơn 400 trang với rất nhiều thông tin, tư liệu có giá trị lớn về tư tưởng, đạo đức và văn hóa Hồ Chí Minh.
Ở đây Giáo sư thể hiện rõ ràng trong từng phần về di sản tư tưởng Hồ Chí Minh trên những bình diện khác nhau qua 5 phần của cuốn sách, đó là: Hồ Chí Minh qua cuộc hành trình tìm đường cứu nước; Hồ Chí Minh với vấn đề đạo đức; Hồ Chí Minh với vấn đề văn hóa và con người; Hồ Chí Minh với các vấn đề nghệ thuật và tôn giáo; Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ.
Qua đọc cuốn chuyên khảo, chúng ta có thể nhận thấy ở đây nhiều luận điểm nghiên cứu sáng tạo, có sức gợi mở, tìm tòi. Công trình của ông góp thêm một thành tựu mới vào trong số những thành tựu nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Công trình, như GS, TS Hoàng Chí Bảo nhận xét. “Hồ Chí Minh, ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam” tập hợp những kết quả nghiên cứu công phu trong nhiều năm cùng những trải nghiệm của Giáo sư Vũ Khiêu về cuộc đời, sự nghiệp về tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là những tư tưởng lớn được coi là điểm nhấn của cuốn sách.
“Anh Văn, người anh lớn trong cuộc đời tôi”
Giáo sư Vũ Khiêu viết như vậy trong một bài viết gửi Báo CAND khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Với Giáo sư Vũ Khiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là người Anh lớn mà còn là người lãnh đạo trực tiếp giúp đỡ ông trong những năm kháng chiến chống Pháp ở núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc. Giáo sư Vũ Khiêu cho biết, ông được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau Chiến dịch Biên giới năm 1950. Từ đó ông được sống gần Đại tướng. Ông là Phó ban Tuyên huấn của khu ủy, kiêm Giám đốc các sở Thông tin tuyên truyền Tây Bắc và Việt Bắc, rồi được điều sang tham gia công tác tuyên huấn của Đảng ủy Mặt trận qua các chiến dịch cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong những năm tháng ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho ông làm nhiệm vụ phổ biến tin chiến thắng và kịp thời viết những bài ca ngợi chiến công lừng lẫy của quân dân ta. Đêm nào Đại tướng cũng cho người xuống đợi ông viết xong thì mang bài về để đưa Đại tướng xem trước khi cho phổ biến. Sau hòa bình lập lại trên miền Bắc, Đại tướng kiến nghị với Trung ương cử ông đi học lớp lý luận dài hạn tại Học viện Mác - Lênin Trung Quốc. Hai năm sau, trở về nước ông lại tiếp tục được gần gũi và giúp việc Đại tướng xung quanh các vấn đề tư tưởng, văn hóa và khoa học.
Trong những lúc khó khăn, Đại tướng luôn nhắc ông rằng “Hồ Chủ tịch đã dạy chúng ta: nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù cũng đánh thắng. Chúng ta đã từng vượt qua mọi khó khăn, từng đánh thắng mọi quân thù thì Đảng giao cho công việc gì cũng nhất định phải làm tốt việc ấy”. Đại tướng sống một cuộc đời khiêm tốn, giản dị, theo cách sống của Bác Hồ. Đại tướng không chỉ được nhân dân trong nước yêu quý mà còn được đông đảo các danh nhân và các nhà khoa học trên thế giới ngưỡng mộ.
Tài năng và đức độ của Đại tướng không bao giờ tự nói ra nhưng được ghi lại bởi hàng trăm, hàng nghìn bài báo của đông đảo tướng sĩ trong quân đội, của các cán bộ Đảng và Nhà nước, của các nhà báo và của các nhà khoa học. Nhận biết được tinh thần ấy, ông đã viết tặng Đại tướng 10 chữ: “Võ công truyền quốc sử. Văn đức quán nhân tâm”. Có nghĩa là: sự nghiệp to lớn của Đại tướng sẽ mãi mãi lưu truyền trong lịch sử. Còn văn hóa và đạo đức của Đại tướng thì trùm lên lòng con người ở cả trong nước và ngoài nước. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại thọ tuổi 100, ông đã viết câu đối chúc mừng: “Thăng Long thiên tuế thịnh. Đại tướng bách niên xuân”. Dịp Giáo sư Vũ Khiêu 90 tuổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết tặng ông: “Mừng anh Vũ Khiêu, một nhà triết học cách mạng, một chiến sĩ văn hóa anh hùng, năm nay thọ 90 xuân”.
Với Giáo sư Vũ Khiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tài sản vô giá của đời ông. Ông từng viết: “Sinh ra tôi là cha mẹ, hiểu biết tôi lại là Anh. Tấm lòng tri ngộ ấy tôi biết lấy gì báo đáp?”.
Giáo sư Trần Văn Giàu: Riêng tư chỉ có hoa và sách
Giáo sư Vũ Khiêu biết và được làm việc với Giáo sư Trần Văn Giàu (anh Sáu Giàu – như Giáo sư Vũ Khiêu vẫn thường gọi) từ năm 1947, khi “anh Sáu Giàu” từ mặt trận Biển Hồ ra miền Bắc. Lúc đó, Giáo sư Vũ Khiêu làm Giám đốc Thông tin tuyên truyền Liên khu 10 - Việt Bắc kiêm phụ trách Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác của Liên khu. Anh phải chủ trì những buổi thảo luận học thuật trước đông đảo trí thức lớn thuộc các ngành giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật.
Trong hội thảo, nhiều lúc rất sôi động, Giáo sư Trần Văn Giàu đã hùng biện trả lời mọi câu hỏi và đã chinh phục được tất cả mọi người, thu phục được lòng người và củng cố cho họ thêm niềm tin đối với kháng chiến, đối với Đảng và Bác Hồ, với chủ nghĩa Mác - Lênin. Giáo sư Trần Văn Giàu không chỉ là người anh mà trong nhiều thời điểm cũng là lãnh đạo trực tiếp của Giáo sư Vũ Khiêu.
Ông từng viết: “Giáo sư Trần Văn Giàu là một nhà Cách mạng lão thành, suốt đời chiến đấu không mệt mỏi và trước mọi gian nguy, thử thách vẫn sáng ngời niềm tin và khí phách. Là một nhà khoa học lỗi lạc, đã viết hàng vạn trang giấy nhưng không hề lắp lại mình hay lắp lại người khác. Từng trang, từng trang vẫn sáng long lanh những phát hiện mới, những nhận định mới”. “Người ta thường đồn rằng anh là người giàu có nhất. Nhưng có lẽ anh chỉ giàu có ở những thứ khác chứ không phải ở tiền của. Anh giàu ở khối óc vô cùng sáng suốt, ở trái tim vô cùng nồng nhiệt đối với Tổ quốc và nhân loại, đối với cách mạng, ở trăm ngàn bè bạn của anh, đồng chí của anh và học trò của anh”. Và Giáo sư Vũ Khiêu đã viết tặng “anh Sáu Giàu”: “Riêng tư chỉ có hoa và sách. Bè bạn ai không nghĩa với tình”. “Tử đệ ba ngàn, cửa tướng tưng bừng Kiếm Bút. Xuân thu tám chục, vườn đào rạng rỡ Khuê Ngưu”.
Qua những năm cùng nhau công tác, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết về Giáo sư Vũ Khiêu: “Anh ấy có nhiều tư tưởng sâu về triết học, văn hóa và nghệ thuật. Con người của Vũ Khiêu, thoạt trông đã mến rồi, đã tin được rồi. Tôi thấy Vũ Khiêu có cái trán cao, hai mắt sáng, trán và mắt của trí giả, có cái miệng bao giờ cũng như mỉm cười, ấy là con người cởi mở, bao dung và dễ hầu chuyện, thâm mà không hiểm…”.
Nhiều lần được tiếp chuyện Giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu, tôi nhận thấy ông luôn thể hiện sự kính trọng những bậc tiền nhân và coi trọng những bậc anh tài. Với ông việc học để làm người và phục sự đất nước, phụng sự nhân dân là trên hết. Ông là một tấm gương lao động sáng tạo, miệt mài suốt đời, một hiền tài sống động tỏa sáng uyên bác, tâm hồn giầu đẹp, cốt cách cao quý và trái tim nhân ái. Từ hôm nay ông đã mãi trở về với quê hương, hòa mình vào đất mẹ trong cõi vĩnh hằng.
Tôi xin trích dẫn bốn câu thơ của đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ trong lời viếng Giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu để kết thúc bài viết của mình: “Nét đẹp Anh hùng và nghệ sĩ. Đặng Vũ nho gia bậc hiền tài. Văn hiến Việt Nam nghìn trang sách. Vẫn còn trăn trở với tương lai”.
Vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt Giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu!
Giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu đã về cõi vĩnh hằng. Sau hơn 70 năm xa quê hoạt động cách mạng và 106 năm trên cõi tạm, ngày 11-10-2021 ông đã trở về yên giấc ngàn thu nơi đất mẹ - làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định.