“Giun tặc” hoành hành, người nông dân như ngồi trên đống lửa

Thứ Hai, 14/08/2023, 20:15

Những ngày gần đây, nhiều người nông dân trồng hoa màu ở Hòa Bình đứng ngồi không yên bởi nạn kích giun đất hoành hành khắp nơi. Giun kích đến đâu, cây cối vàng lá và chết dần chết mòn đến đó. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hòa Bình và UBND huyện Cao Phong đã phải ban hành công văn về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép.

Mất ăn mất ngủ vì “giun tặc”

Dẫn phóng viên đi thăm vườn cam có diện tích 1,8ha tại thị trấn Cao Phong, chị Vũ Thị Hạnh không giấu được vẻ lo lắng. Chị bảo nếu tình trạng kích giun trộm này còn kéo dài thì vườn cam của nhà chị sẽ hỏng hết. “Ngày xưa bọn chúng chỉ dùng kích 1.500V nhưng bây giờ chúng nó dùng hẳn nguồn điện 4.500V. Nếu chẳng may chạm phải thì đến người cũng chết chứ nói gì giun. Vì điện quá mạnh nên chỉ cần dí kích xuống giun bò lên một lúc là chết. Cỏ xung quanh gốc cây chết trắng ra, rễ cam cũng chết như bị dội nước sôi. Cứ tầm 2, 3m nó lại kích một mũi như thế”, chị Hạnh bức xúc kể với phóng viên.

“Giun tặc” hoành hành, người nông dân như ngồi trên đống lửa -0
Gia đình chị Hạnh đã làm mọi biện pháp để ngăn chặn “giun tặc”.

Được biết, vườn cam này gia đình chị Hạnh thầu đã 8 năm, vốn đầu tư cho tới thời điểm này là gần 4 tỉ đồng. Hiện cả vườn có 1.500 gốc cam canh, 500 gốc cam lòng vàng, 300 gốc nhãn và ao cá. Trước tình trạng “giun tặc” hoành hành, gia đình chị Hạnh đã phải làm mọi biện pháp để ngăn chặn nhưng xem ra vẫn không ăn thua. Chị Hạnh cho biết: “Nhà tôi đã làm một cái biển cắm ngay ngoài cổng vườn với nội dung: Cấm kích giun, cam đang hỏng rễ, bắt được đền cả vườn, nếu ai bắt được thưởng 2 triệu. Ngoài ra chúng tôi còn cắm chông trong vườn, rào dậu xung quanh và cắt cử người trong gia đình trông 24/24h. Khổ lắm, ngày đã làm vất vả tối lại phải thức chong chong canh bọn kích giun”.

Theo lời chị Hạnh chia sẻ thì gia đình chị đã phải tốn hơn một trăm triệu đồng tiền mua lưới B40, chiều cao 1,8 mét, cọc bê tông nhưng vẫn có người vào kích giun trộm. Chị Hạnh cho hay: “Lúc mưa mới phát hiện ra có người vào kích giun vì những vết chân lạ và đất dính vào lưới, kiểm tra thấy ruồi bâu giun chết trên mặt đất, cỏ chết khô. Giữa tháng 7 vừa qua, khi trên địa bàn liên tiếp bắt được quả tang người kích giun trong vườn, tôi phải thuê người trông coi đêm với giá 3 triệu đồng”. Chị Hạnh kể, mới đây, chủ vườn cam bên cạnh nhà chị đã bắt được kẻ trộm giun nhưng khi đó bọn chúng phản ứng lại nói rằng: “Chỉ là bắt mấy con giun, làm gì mà phải căng”.

Tương tự, cả tháng nay, gia đình anh Phạm Khánh Tùng (thị trấn Cao Phong) cũng như ngồi trên đống lửa khi mấy khu vườn cam nhà anh đang bị kẻ xấu kích giun liên tục. Theo lời anh Tùng chia sẻ, để cho cây cam phát triển tốt, vợ chồng anh rất chịu khó tưới phân chuồng. Anh Tùng cho biết: “Làm như vậy không chỉ tốt cây mà giun cũng sinh sôi và lớn rất nhanh. Giun nhiều sẽ làm tơi xốp đất khiến cho cây phát triển khỏe mạnh, vậy mà giờ đây, giun bị kích trộm khắp nơi. Gia đình tôi cũng cắt cử người canh gác nhưng vườn rộng như thế, canh chỗ này thì chúng lại chạy chỗ khác nên cũng như muối bỏ biển thôi. Quan điểm của tôi, để ngăn chặn được nạn kích giun thì trước hết chính quyền phải dẹp hết những lò sấy giun. Chừng nào lò sấy còn hoạt động thì những kẻ kích giun còn lùng sục khắp nơi”.

“Giun tặc” hoành hành, người nông dân như ngồi trên đống lửa -0
Những nơi kích giun, cỏ chết trụi gốc.

Theo anh Tùng chia sẻ thì nạn kích giun trộm không phải bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ trước đó vài năm. Tuy nhiên, năm nay, giá giun tăng cao khiến người đi kích giun nhiều hơn. Nếu như trước đó, 1kg giun thường bán với giá 35-40 nghìn đồng thì đến nay, giá có thể lên tới 70 - 75 nghìn đồng. 1ha trồng cam nếu “giun tặc” kích hết một lượt sẽ thu về khoảng 1 tấn giun. Được biết, thời gian hoạt động của “giun tặc” thường từ 11h30 cho tới khoảng 2-3 giờ sáng. Tuy nhiên, để tránh sự canh gác của người dân nhiều khi “giun tặc” cũng thường xuyên thay đổi cung giờ hoạt động.

Để nhận biết vườn có bị kẻ xấu kích giun hay không không chỉ dựa vào việc cỏ trên mặt đất cháy rụi, cây cam vàng lá mà ngay trên mặt đất, xác giun còn vương vãi nhiều. “Bọn chúng thường kích điện vào ban đêm nên khi nhặt giun thường không thể hết vì nhìn không rõ”, anh Tùng cho hay.

Ông Bùi Văn Hưng - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong cho biết, năm 2019 đã xảy ra tình trạng kích giun. Đến năm nay lại tái diễn và bùng phát tình trạng kích giun trên địa bàn mà chủ yếu là người ở địa phương khác. Việc kích giun ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và năng suất của cây cam.

Chưa có chế tài xử lý

Hành vi kích điện bắt giun diễn ra rầm rộ tại nhiều địa phương và đã trở thành vấn nạn khiến các nhà vườn bất an, phải cầu cứu chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan. Nguyên nhân là hiện nay có rất nhiều thương lái thu mua giun tươi với giá rất cao. Cụ thể, nhiều người thu mua từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Một nhóm kích điện hoàn toàn có thể thu về vài trăm kg giun mỗi đêm. Theo đó, người đi kích điện bắt giun đất có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

“Giun tặc” hoành hành, người nông dân như ngồi trên đống lửa -0
Đồ nghề kích giun.

Qua tìm hiểu, giun tươi được bắt về rồi bán cho các lò sấy ở ngay tại địa phương sau đó sấy khô, rồi bán cho các thương lái Trung Quốc. Không những vậy, tại “chợ mạng” hay các sàn thương mại điện tử ở nước ta, giun đất sấy khô (còn gọi là địa long, trùng đất) được quảng cáo là dược liệu quý. Chúng là thành phần dùng trong nhiều bài thuốc đông y để chủ trị sốt cao bất tỉnh, đau khớp, chân tay tê bại, bán thân bất toại, trúng phong ho suyễn do phế nhiệt, cao huyết áp…

Mỗi kg giun sấy khô được bán với giá dao động từ 1- 1,2 triệu đồng/kg, có nơi bán tới 1,5 triệu đồng/kg. Trong vai người mua hàng, chúng tôi liên hệ với một chủ hàng sỉ giun đất khô ở Hòa Bình tên Bùi Bình, người này cho hay: “Đợt này thời tiết mưa nhiều, đất ẩm nên dễ kích điện bắt giun. Giun tươi về được làm sạch rồi đem sấy khô luôn nên hàng đảm bảo tươi mới, chất lượng tốt nhất. Hàng có thể bảo quản trong 5 năm không sợ hỏng. Chúng tôi đã xuất bán hàng tấn giun đất sấy cho thương lái phía Trung Quốc, các nhà thuốc đông y trong nước cũng mua rất nhiều”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, riêng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có tới hàng chục lò sấy giun, tập trung chủ yếu tại huyện Kim Bôi, Cao Phong và thành phố Hòa Bình. Để tiếp cận một số lò sấy giun, trong vai người đang có ý định mở lò sấy muốn học hỏi kinh nghiệm, tham quan mô hình. Chúng tôi đến xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) thì người dân đều cảnh giác, không muốn chia sẻ. Thậm chí có người còn nói, giờ ở đây không ai sấy giun nữa.

Do một người quen giới thiệu, chúng tôi mới có thể tiếp cận được lò sấy giun của ông M. - một trong những chủ lò nổi tiếng nhất trong khu vực. Ông M. cho hay, số tiền bỏ ra để xây dựng lò sấy khoảng 100 triệu đồng. Trong đó đầu tư khoảng 5-10 triệu đồng để làm lò, khoảng 10 máy kích điện chủ yếu là hàng của Trung Quốc, mua ở đâu cũng có (mỗi máy khoảng 5-6 triệu đồng) và tiền vốn để thu mua giun tươi.

Mỗi ngày lò của ông M. sấy khoảng 300-400kg giun tươi, cần 2 người mổ, 3 người xếp giun lên khay và đưa vào sấy. “Quy trình sấy giun rất đơn giản, sau khi mổ sơ chế, xếp giun lên khay, sau đó đưa vào lò và dùng củi đốt tạo nhiệt và sấy khoảng 6-8 tiếng tùy thuộc vào thời tiết là có thể ra được thành phẩm”, ông M. tiết lộ.

Sở dĩ có nghề sấy giun tại Kim Bôi là bởi, vào năm 2017 có người từ Vĩnh Phúc lên kích sau đó sấy luôn tại chỗ, từ đó người dân làm theo. Đặc biệt, người dân chỉ biết bắt giun sau đó sấy thành thương phẩm rồi bán cho thương lái người Trung Quốc chứ hoàn toàn không biết họ sử dụng vào việc gì.

Có được sự “bảo lãnh” của ông M., chúng tôi được mục sở thị một số lò sấy giun cũng như quá trình sơ chế cũng như sấy thành phẩm. Tất cả các lò sấy đều được đặt ở những nơi hẻo lánh, sát bờ suối và ngụy trang bởi cây cỏ và rất nhiều củi khô. Mỗi lò sấy có khoảng 3-5 người làm việc, 1 người trông lò, 1 người mổ giun và 2 người xếp lên khay.

“Giun tặc” hoành hành, người nông dân như ngồi trên đống lửa -0
Giun được sơ chế rồi đưa vào lò sấy.

Trao đổi với ông Triệu Xuân Tình - Trưởng xóm Thung Dao Bắc, riêng xóm này đã có khoảng 13- 14 lò sấy giun đang hoạt động. Chủ yếu giun được thu mua ở những nơi khác trên địa bàn xóm, hiện tại không có gia nào nuôi giun.

Nói về tình trạng này, ông Bạch Công Dương, Phó chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho hay, trên địa bàn xã, đặc biệt là xóm Thung Dao Bắc vẫn còn rất nhiều các lò sấy giun đang hoạt động. Các lò này không được cấp phép, hoạt động kiểu tự phát và xây dựng trong đất của gia đình. “Hiện chưa có căn cứ nào để xử lý các lò sấy và cũng gây khó khăn cho địa phương. Trong khi đó, người dân cũng đang bức xúc về tình trạng kích trộm giun, sấy giun. Trong các buổi tiếp xúc cử tri đã có nhiều ý kiến về việc này, chúng tôi cũng rất mong sớm có quy định để xử lý”.

Trước tình trạng kích điện bắt giun tràn lan, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, việc kích vào đất dòng điện lớn sẽ khiến giun chết, gây tác hại cho đất, hệ động vật và vi sinh vật, khiến cây trồng bị hỏng rễ và vàng lá. Chính vì thế việc làm này cần phải được ngăn chặn ngay lập tức. “Giun đất không phải động vật quý hiếm. Do đó, nếu thị trường có nhu cầu cần thực hiện các chương trình, dự án nhân nuôi quy mô lớn. Đây cũng có thể là một hướng phát triển kinh tế mới, đa dạng giá trị từ đất. Từ đó, ngăn chặn hành vi kích điện tận diệt giun đất, ảnh hưởng đến môi trường đất và cây trồng”, ông Cường nhấn mạnh.

Ngày 18/7/2023, UBND huyện Cao Phong ban hành Công văn số 1540 chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn. Chủ tịch UBND huyện Quách Văn Ngoan yêu cầu: UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và phối hợp xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế giun đất trái phép. Hướng dẫn các hộ tự bảo vệ đất của mình. Đưa hành vi khai thác trái phép giun đất bằng máy kích điện vào hương ước, quy ước của xóm. Các phòng chức năng phối hợp các xã tuyên truyền; nghiên cứu các quy định để tham mưu giải pháp xử lý trường hợp kích giun, thu mua, sơ chế giun đất gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra, làm rõ nguồn gốc xuất xứ của máy kích, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm khi đủ căn cứ…

Ngày 28/7/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1221 về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép. Để ngăn chặn tình trạng trên, loại trừ những tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền tới từng cơ sở và người dân về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường, cây trồng. Nâng cao ý thức của cộng đồng trong bảo vệ giun đất; vận động người dân không khai thác, không cho người khác đến đất nhà mình khai thác giun; kịp thời phát hiện hành vi khai thác giun đất trái phép báo cho cơ quan chức năng.

Phong Anh
.
.