Gỡ nút thắt về phí tác quyền âm nhạc

Thứ Hai, 14/08/2023, 18:30

Từ năm 2018, những kiện tụng, đấu tố qua lại giữa các đơn vị tổ chức biểu diễn và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) liên quan đến cách tính phí tác quyền của VCPMC nổ ra liên tục, kéo dài đến nay và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Doanh nghiệp phản đối

Ngày 7/8 vừa qua, VCPMC đã có công văn số 986/CV-TTBQTGAN gửi đến ban tổ chức (BTC) chương trình “Kỷ niệm 60 năm tình ca Ngô Thụy Miên - Liveconcert Mắt biếc” tại Nhà hát Lớn Hà Nội, thông báo tiền bản quyền sử dụng tác phẩm trong chương trình là hơn 77.759.980 đồng/22 ca khúc/2 đêm diễn.

Cac_ca_si_bieu_dien_trong_chuon-1691985138148.jpeg
Các ca sĩ biểu diễn trong chương trình “Chuyện của mùa đông”.

Cách tính phí này của VCPMC dựa trên Quyết định số 14 ngày 19/6/2018 về ban hành Biểu mức tiền nhuận bút sử dụng quyền tác giả âm nhạc theo công thức “5% x 70% số lượng ghế nơi biểu diễn x bình quân giá vé”.

Bà Ngọc Châm đại diện BTC cho biết, mức phí mà VCPMC thông báo cho trung tâm phải trả là tăng gấp 4 lần so với mặt bằng chung mà các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật thường trả cho VCPMC là 440.000đ/tác phẩm (đã bao gồm VAT). Do đó, BTC đã có công văn gửi đến VCPMC đề xuất thanh toán 1 triệu đồng cho một ca khúc trong đêm nhạc “Mắt biếc”, tương đương với 22 ca khúc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là 22 triệu đồng và xin đề nghị mức phí đó cho những chương trình tác giả lần sau.

BTC cũng đồng thời khẳng định luôn sẵn sàng và ủng hộ việc thực hiện chi trả tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong các chương trình nghệ thuật, nhưng là với một mức phí phù hợp với tình hình thực tế.

năm 2020 vcpmc đã thu được hơn 150 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả.jpeg -0
Năm 2020 VCPMC đã thu được hơn 150 tỷ đồng tiền tác quyền.

Đến ngày 10/8, VCPMC tiếp tục có công văn phản hồi và khẳng định giữ nguyên mức phí như đã nêu trong công văn số 986 trước đó. “Trường hợp BTC không đồng ý với mức bản quyền mà trung tâm đã gửi trước đó, đề nghị quý công ty không sử dụng các tác phẩm của tác giả Ngô Thụy Miên trong chương trình “Kỷ niệm 60 năm tình ca Ngô Thụy Miên - Liveconcert Mắt biếc”, công văn của VCPMC nêu rõ.

Kiện tụng qua lại chưa có hồi kết

Đây không phải lần đầu công thức tính phí tác quyền của VCPMC bị đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật phản đối. Phiên tòa phúc thẩm hôm 3/8 xét xử vụ án kinh doanh thương mại về việc “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” giữa nguyên đơn là VCPMC và bị đơn là Công ty cổ phần truyền thông Vietart (gọi tắt là V.A) là một điển hình.

phiên toà phúc thẩm của toà án nhân dân cấp cao tại hà nội liên quan đến vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ với công ty cổ phần truyền thông v.a.jpg -0
Phiên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội liên quan đến vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ với Công ty cổ phần truyền thông V.A.

Nguyên đơn VCPMC cho rằng V.A sử dụng 20 tác phẩm của nhiều nhạc sĩ trong chương trình “Chuyện của mùa đông” (diễn ra vào tháng 1/2019 ở Hà Nội) nhưng không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao. Công thức tính được VCPMC đưa ra: 5% x 70% số lượng ghế x bình quân giá vé. Số tiền V.A cần trả là 205,7 triệu đồng.

V.A thì cho rằng mức giá này do VCPMC tự ban hành, chưa có ý kiến của các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Cục Bản quyền tác giả. Công thức tính này không hợp lý, bởi thực tế không phải chương trình nào cũng bán được số vé như vậy. Riêng chương trình trên, V.A cho biết tiền vé thu về chỉ 200 triệu đồng. Trong phiên sơ thẩm vào ngày 23/8/2022, V.A bị xử thua kiện, phải bồi thường hơn 210 triệu đồng. Lần này, chủ tọa phiên tòa yêu cầu 2 bên bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ; đồng thời đề xuất 2 bên nên hòa giải.

VCPMC nêu quan điểm sẽ không hòa giải với V.A, vì sự kiện đã diễn năm từ năm 2019, tức là cách đây gần 4 năm. Trong khi đó, phía bị đơn là công ty V.A đề nghị tòa xem xét và sửa bản án sơ thẩm. Đơn vị này cũng đã bổ sung các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn kháng cáo trước đó.

Cách đây không lâu, 7 đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật đã gửi đơn lên Bộ Nội vụ, Bộ VH,TT&DL, Bộ Tài chính, Cục Bản quyền tác giả, Hội Nhạc sĩ Việt Nam - kiến nghị về việc tính phí tác quyền của VCPMC. Các nhà sản xuất cho rằng cách tính của VCPMC hiện bất hợp lý và cần phải quy định lại.

Trong đơn kiến nghị, 7 đơn vị cho biết, năm 2018, VCPMC đã đưa ra Quyết định số 14/QĐ-TTBVQTGANVN (sau đây gọi là Quyết định số 14), về việc ban hành Biểu mức tiền nhuận bút sử dụng quyền tác giả âm nhạc. 7 đơn vị cho rằng, VCPMC đã tự ban hành biểu mẫu tính khi chưa lấy ý kiến rộng rãi của các chủ thể chịu tác động.

"Với cách tính như vậy, VCPMC đã cố tình đẩy phí nhuận bút lên quá cao so với các nước phát triển. Ví dụ: Một chương trình ca nhạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (3.500 ghế), có mức giá vé trung bình khoảng 1,8 triệu, với 20 ca khúc được biểu diễn thì mức phí được tính như sau: 3.500 x 70% x 1.800.000đ = 220.500.000 đồng.

Như vậy, đơn vị tổ chức sẽ phải trả tiền tác quyền cho VCPMC khoảng hơn 10.000.000đ/ca khúc, tăng gấp 25 lần so với phí nhuận bút VCPMC và các đơn vị tổ chức đã thỏa thuận trong các Hợp đồng trước đó là 440.000 đồng/ca khúc (đã bao gồm thuế VAT)", văn bản kiến nghị của 7 công ty Việt Nam nêu rõ.

Bàn về cách tính phí tác quyền cho VCPMC, đại diện Công ty Cổ phần Giải trí HP Quốc tế cho rằng, họ đang phải chịu mức tính giá tác quyền đắt đỏ. “Ở Mỹ, cứ mỗi bài hát được tính 0,08 USD tiền tác quyền, không kể bài hát đó hot hay không hot. Ví dụ chương trình có 10 bài hát, lượng vé bán ra 3.000 thì họ sẽ tính đêm nhạc đó phải trả tiền tác quyền âm nhạc là: 0,08x10x3000, tức khoảng gần 60 triệu đồng.

“Nhưng ở Việt Nam lại khác, chưa có mức giá nào quy định rõ ràng. Đơn vị thu bản quyền vì thế cứ tính theo quy mô chương trình rồi nhân với 70% số ghế. Thế nhỡ đơn vị chúng tôi không bán được vé thì làm sao?”, đại diện Công ty Cổ phần Giải trí HP Quốc tế nói và cho biết, có những chương trình họ phải nộp đến 200 triệu đồng tiền tác quyền.

Bà Ngọc Châm cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách thu tiền tác quyền tác giả của VCPMC. “VCPMC đang có dấu hiệu độc quyền thị trường khi tự đưa ra cách tính, tự đưa ra số tiền và yêu cầu chúng tôi phải nộp. Tôi đặt dấu hỏi về số tiền VCPMC thu tác quyền của các đơn vị tổ chức biểu diễn, bao nhiêu sẽ về tay tác giả, bao nhiêu thuộc về VCPMC?”.

Luật sư nói gì?

Trở lại phiên tòa phúc thẩm hôm 3/8 vừa qua, luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, tòa có lý do để tuyên VCPMC thắng kiện trong phiên sơ thẩm và đề xuất hòa giải trong phiên phúc thẩm.

"Thứ nhất, đây là thỏa thuận dân sự giữa hai bên. Thứ hai, thời điểm trước khi có Nghị định 17/2023/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 26/4/2023 không có quy định nào về việc phê duyệt biểu phí. Tức là từ ngày 26/4/2023 trở về trước, VCPMC thu phí bản quyền từ các doanh nghiệp dựa trên Quyết định 14 quy định về Biểu mức tiền nhuận bút sử dụng quyền tác giả âm nhạc. Quyết định 14 của VCPMC giống như một lời "chào hàng" còn các bên có thể tự thỏa thuận hoặc thỏa thuận trực tiếp với tác giả để có mức phí hợp lý mà không cần qua VCPMC", luật sư Dũng phân tích.

luật sư trần xuân tiền.jpeg -0
Luật sư Trần Xuân Tiền.

Vị luật sư cũng lưu ý thêm, Nghị định 17 có hiệu lực ngày 26/4/2023, Quyết định 14 không còn giá trị pháp lý. Cụ thể, Điều 47 quy định về việc Phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền nêu rõ, biểu phí phải được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL phê duyệt mới được áp dụng. “Do đó, nếu VCPMC vẫn áp dụng biểu phí như Quyết định 14 mà chưa được phê duyệt là trái pháp luật”, luật sư Dũng cho hay.

Còn luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng khẳng định, hiện nay các quy định của pháp luật về quyền tác giả và việc thu tiền bản quyền được điều chỉnh bởi Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP.

Theo đó, các cá nhân có thể thỏa thuận về vấn đề này; trường hợp không thỏa thuận được thì áp dụng theo quy định của Chính phủ. Mới đây, Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đã quy định cụ thể về công thức tính tiền bản quyền chi trả và hệ số điều chỉnh tiền bản quyền khi sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động phát sóng, kinh doanh, thương mại.

“Tuy nhiên, trong Phụ lục I, II đính kèm theo Nghị định không có quy định về biểu phí cho loại chương trình, ca nhạc, liveshow tổ chức trong nhà hát. Do pháp luật không có quy định cụ thể nên trên thực tế, việc tính phí đều theo sự thỏa thuận của các bên. Nhiều trường hợp, do các bên không thỏa thuận được, dẫn đến những vấn đề như: bên thu tiền bản quyền đưa ra mức phí quá cao, buộc bên phía tổ chức buổi biểu diễn phải trả tiền mới cấp phép tổ chức hoặc bên tổ chức buổi biểu diễn tự ý tổ chức mà chưa được bên thu tiền bản quyền cấp phép biểu diễn… Ngay cả nếu VCPMC áp dụng như nghị định này thì công thức tính cũng phải khác. Vì công thức tính của nghị định 17 còn dựa trên mức lương cơ sở, nhân hệ số trên mét vuông kinh doanh”, luật sư Tiền phân tích.

Theo ông Trần Xuân Tiền, để hạn chế những mâu thuẫn xảy ra trong vấn đề trả tiền bản quyền, cũng như có căn cứ pháp luật để các bên có cơ sở áp dụng mức giá thống nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, cân nhắc đưa ra một mức giá sàn phù hợp. Dựa vào đó, các bên có thể đưa ra mức giá phù hợp nhất, tránh những tranh chấp không đáng có.

Được biết, tại phiên tòa ngày 3/8, đại diện VCPMC cho biết đang xây dựng biểu mức mới này.

Điều 47 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định về Phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền, nêu rõ:

1. Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL xem xét và ban hành văn bản về việc chấp thuận trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ về đề nghị phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền do tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trình theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Nghị định này.

2. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL thành lập Hội đồng tư vấn về quyền tác giả, quyền liên quan để xem xét biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền quy định tại khoản 1 Điều này và ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng tư vấn về quyền tác giả, quyền liên quan.

3. Biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền sau khi được phê duyệt phải được áp dụng trong thời hạn ít nhất là 3 năm.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL xem xét điều chỉnh biểu mức tiền bản quyền trong trường hợp có những thay đổi về chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước liên quan đến cơ sở để xác định biểu mức.

Tổ chức đề xuất xem xét điều chỉnh biểu mức tiền bản quyền bao gồm: Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ VH,TT&DL.

Bạch Dương
.
.