Guangzhou Evergrande, "gã khổng lồ" Trung Quốc trên bờ đổ vỡ

Thứ Ba, 05/10/2021, 22:42

Từ chỗ là đội bóng hùng mạnh tại giải vô địch quốc gia Trung Quốc, Guangzhou Evergrande giờ đây lại đang trên bờ vực đổ vỡ. Một trong những nguyên nhân chính khiến câu lạc bộ bóng đá giàu nhất Trung Quốc rơi vào tình cảnh này bởi tập đoàn bất động sản Evergrande (Hằng Đại), chủ sở hữu của Guangzhou Evergrande ngập sâu trong nợ nần.

Thành công nhờ tiêu tốn cả núi tiền

Có trụ sở chính tại Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), Guangzhou Evergrande được thành lập vào năm 1954, và đã giành được một số danh hiệu nhất định ở giải hạng Hai trước khi chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp vào năm 1993. Năm 2009, câu lạc bộ dính vào một vụ bê bối dàn xếp tỷ số và bị phạt xuống hạng. Bước ngoặt trong sự phát triển của Guangzhou Evergrande đến vào vào năm 2010, khi tập đoàn bất động sản Evergrande tiếp quản đội bóng chủ sân Tianhe (Thiên Hà) từ công ty Dược phẩm Quảng Châu. Khoản phí “sang tên đổi chủ” vào khoảng 100 triệu nhân dân tệ.

Sau khi tiếp quản, Evergrande đã cho đổi tên từ câu lạc bộ bóng đá Guangzhou thành  câu lạc bộ bóng đá Guangzhou  Evergrande. Kể từ đây, Evergrande bắt đầu liên tục bơm tiền cho Guangzhou Evergrande để biến câu khẩu hiệu “Hãy là đội bóng xuất sắc nhất mãi mãi” sớm thành hiện thực. Khơi mào cho chiến dịch tuyển quân rầm rộ của Guangzhou  Evergrande là việc ký hợp đồng với tiền đạo Gao Lin từ câu lạc bộ Shanghai Shenhua.

Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2010, Guangzhou Evergrande đã ký hợp đồng với Sun Xiang, cầu thủ bóng đá Trung Quốc đầu tiên chơi ở UEFA Champions League trong màu áo PSV Eindhoven và đội trưởng đội tuyển quốc gia Trung Quốc, Zheng Zhi. Cũng trong mùa Hè năm 2010, Guangzhou  Evergrande đã chiêu mộ tiền đạo Muriqui từ câu lạc bộ Atletico Mineiro (Brazil) với mức phí kỷ lục tại Trung Quốc vào thời điểm đó là 23 triệu nhân dân tệ.

Năm 2011, Guangzhou Evergrande tiếp tục làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng ở Trung Quốc khi đưa về cầu thủ người Argentina, Dario Conca với mức phí 10 triệu USD. Gây sốc hơn nữa khi Conca được cho là cầu thủ được trả lương cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau hai siêu sao sao lừng danh là Lionel Messi và Cristiano Ronaldo vào thời điểm ký hợp đồng với Guangzhou Evergrande. Cùng với thời gian, những  khoản chi cho mua sắm cầu thủ ngày càng phình to ra với ví dụ điển hình là việc chi 15 triệu euro mua Ricardo Goulart và 14 triệu euro mua Paulinho vào năm 2015.

Guangzhou Evergrande,
“Bom tấn” Jackson Martinez trị giá 42 triệu euro.

Cũng chính Guangzhou Evergrande dưới sự tiếp sức từ chủ sở hữu là tập đoàn bất động sản Evergrande đã kích nổ bom tấn khi ký hợp đồng với tiền đạo người Colombia, Jackson Martinez từ Atletico Madrid với giá 42 triệu euro vào đầu tháng 2 năm 2016. Màn chiêu mộ Martinez của Guangzhou Evergrande đã tạo ra một cuộc "chạy đua vũ trang" với một số câu lạc bộ thuộc dạng có máu mặt tại giải đấu cao nhất Trung Quốc trong việc đưa về những ngôi sao ở tầm đẳng cấp thế giới.

Kỷ lục bỏ ra 42 triệu euro của Guangzhou Evergrande kéo dài cho đến khi Jiangsu Suning ký hợp đồng với tiền đạo người Brazil, Alex Teixeira với giá 50 triệu euro từ Shakhtar Donetsk của Ukraine vào cuối tháng 2 năm 2016. Không chịu lép vế, Shanghai SIPG đã đem về  bản hợp đồng trị  giá 55,8 triệu euro khi chiêu mộ thành công một tiền đạo Brazil khác, Hulk vào tháng 6 năm 2016. Chỉ 6 tháng sau đó, Shanghai SIPG đã tạo cơn địa chấn khi đưa về ngôi sao Oscar từ câu lạc bộ Chelsea ở giải Ngoại hạng Anh với giá 60 triệu euro.

Ngoài việc đưa về một loạt tân binh với mức phí cao ngất ngưởng, Guangzhou Evergrande còn tiêu tốn cả núi tiền để có được sự phục vụ của những huấn luyện danh tiếng trên thế giới. Cái tên đầu tiên nhắc tới ở đây là Marcello Lippi, chiến lược gia lão làng từng đưa đội tuyển Italy giành danh hiệu vô địch World Cup 2006. “Gã đầu bạc” (biệt danh của Lippi) đã ghi dấu ấn trong thời gian 2 năm dẫn dắt Guangzhou Evergrande từ năm 2012 đến năm 2014 bằng việc giúp đội bóng lần đầu tiên đoạt danh hiệu vô địch AFC Champions League vào năm 2013 sau khi đánh bại đối thủ FC Seoul (Hàn Quốc)  trong trận chung kết.

Tiếp nối ông thầy người Italy, Lippi, Guangzhou Evergrande đã trở thành điểm đến với Luiz Felipe Scolari, huấn luyện viên đưa đội tuyển Brazil giành danh hiệu vô địch World Cup 2002. Cũng như Lippi, “Big Phil” (biệt danh của Scolari) đã góp công đáng kể vào việc giúp Guangzhou Evergrande đem về phòng truyền thống danh hiệu vô địch AFC Champions League vào năm 2015 sau khi đánh bại đối thủ Al-Ahli của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) trong trận chung kết.

Danh sách huấn luyện viên thuộc dạng hàng “khủng” trên băng ghế huấn luyện viên tại Guangzhou Evergrande còn có sự xuất hiện của cựu danh thủ người Italy đồng thời là nhà vô địch World Cup 2006, Fabio Cannavaro. Điểm chung dễ nhận thấy từ những ông thầy này là đều được trả lương cao ngất ngưởng trong giới huấn luyện viên trên thế giới.

Guangzhou Evergrande,
Huấn luyện viên Fabio Cannavaro dứt áo ra đi.

Nhắc tới Guangzhou Evergrande không thể bỏ qua việc câu lạc bộ này từng tiếp xúc, đàm phán với huấn luyện viên nổi tiếng người Bồ Đào Nha, Jose Mourinho nhằm đưa về “Người đặc biệt” vào mùa hè năm 2019 nhưng bất thành do nguyên nhân từ cả chủ quan lẫn khách quan đưa lại.

Sở dĩ Guangzhou Evergrande tiêu tốn tiền bạc nhiều tới như vậy bởi Xu Jiayin (Hứa Gia Ấn), Chủ tịch tập đoàn bất động sản Evergrande đồng thời là chủ sở hữu Guangzhou Evergrande từng mơ ước câu lạc bộ sẽ có một đội hình lý tưởng toàn cầu thủ bản địa và một huấn luyện viên hàng đầu thế giới.

“Mục đích của chúng tôi là muốn đóng góp vào sự phát triển của bóng đá Trung Quốc hơn nữa và tất cả công việc của chúng tôi cần phải tập trung vào điều này”, Xu đã phát biểu như vậy trước báo giới. Trên thực tế, Guangzhou Evergrande đã làm được điều này trong một trận đấu giao hữu diễn ra vào tháng 5 năm ngoái với sự hiện diện của 3 cầu thủ Brazil nhập tịch  là Elkeson, Ricardo Goulart và Fernandinho trong đội hình thi đấu.

Evergrande được coi là tập đoàn đứng sau chính sách “Trung Quốc hóa” các ngoại binh nhằm phục vụ cho đội tuyển quốc gia nước này. Theo thống kê, số tiền mà Evergrande chi trả cho 6 cầu thủ nhập tịch và ngoại binh trong đội hình hiện tại của Guangzhou Evergrande lên đến 49 triệu USD/năm. Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á, đội tuyển Trung Quốc có được sự phục vụ của 4 cầu thủ nhập tịch thuộc biên chế Guangzhou Evergrande bao gồm Aloisio, Alan, Tyias Browning và Elkeson.

Với binh hùng tướng mạnh, Guangzhou Evergrande đã gặt hái thành công rực rỡ khi là đội bóng Trung Quốc đầu tiên đoạt danh hiệu vô địch AFC Champions League 2 lần vào các năm: 2013 và 2015. Guangzhou Evergrande cũng là đội bóng đầu tiên từ Trung Quốc giành quyền tham dự giải đấu FIFA Club World Cup khi góp mặt lần đầu vào năm 2013.

Bảng vàng thành tích của Guangzhou Evergrande còn được bổ sung với 8 danh hiệu vô địch quốc gia Trung Quốc đoạt được trong 10 năm qua. Không chỉ tung hoành ngang dọc ở cả đấu trường quốc nội và đấu trường cấp châu lục, sự hùng mạnh của Guangzhou Evergrande được thể hiện rõ nét hơn nữa khi được tạp chí uy tín Forbes (Mỹ) định giá 282 triệu USD trong năm 2016, cao hơn so với các đội bóng còn lại ở Trung Quốc.

Giấc mơ dang dở

Trên trang web chính thức của Guangzhou Evergrande, bất kỳ ai cũng dễ dàng bắt gặp dòng chữ giới thiệu đầy tự hào với đại ý đây là “câu lạc bộ bóng đá thành công nhất và có ảnh hưởng nhất ở Châu Á”. Không chỉ có vậy ban lãnh đạo Guangzhou Evergrande còn nuôi tham vọng nâng tầm Guangzhou Evergrande lên hơn nữa trên bản đồ bóng đá thế giới. Vào năm 2012, Guangzhou Evergrande đã mở trường dạy bóng đá lớn nhất thế giới ở Qingyuan (Thanh Viễn) với chi phí khổng lồ lên tới 1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 156 triệu đô la Mỹ).

Mục tiêu của kế hoạch đầy tham vọng là "hồi sinh bóng đá Trung Quốc và nuôi dưỡng những ngôi sao tương lai của môn thể thao Vua". Tuy nhiên, điều này đã không biến thành hiện thực. Cụ thể hơn, không có cầu thủ nào phát triển từ học viện bóng đá của Guangzhou Evergrande để có thể được đôn lên đá ở đội một kể từ khi học viện đi vào hoạt động cho đến nay.

Guangzhou Evergrande,
Dự án tỷ đô xây sân “Hoa Sen”.

Vào tháng 4 năm ngoái, Guangzhou Evergrande đã gây sửng sốt với số đông người hâm mộ khi khởi công xây dựng sân vận động mới có tên gọi “Lotus Flower” (Hoa Sen). Với sức chứa 100.000 chỗ ngồi,  “Lotus Flower” lớn hơn sân Camp Nou của Barcelona, đồng thời sẽ trở thành sân vận động dành riêng cho bóng đá lớn nhất thế giới. Chi phí cho dự án xây dựng sân vận động mới của Guangzhou Evergrande lên tới 1,7 tỷ USD.

Thế nhưng, sự hào nhoáng từ  giấc mơ nâng tầm Guangzhou Evergrande đang bị thay thế bởi sự lo lắng, u ám bao trùm lên câu lạc bộ này. Mọi sự bắt đầu khi tập đoàn Evergrande lún sâu vào nợ nần bởi sự mất cân đối thu chi khi tham vọng đầu tư ở nhiều lĩnh vực. Evergrande hiện là tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới, với tổng số nợ vào khoảng 1.970 tỷ nhân dân tệ (300 tỷ USD), tương đương 2% GDP của Trung Quốc. Hậu quả nhãn tiền là câu lạc bộ Guangzhou Evergrande đã lâm vào cảnh nguy cơ đổ vỡ có thể xảy đến bất kỳ lúc nào bởi mất đi nguồn lực tài chính trong khi vẫn phải è lưng chi trả đủ loại chi phí phát sinh trong quá trình vận hành, duy trì hoạt động của đội bóng.

Điển hình hơn cả là tình trạng nợ lương cầu thủ nhiều tháng qua. Mọi sự còn diễn ra theo chiều hướng tệ hại hơn khi huấn luyện viên Fabio Cannavaro đã quyết định sớm chấm dứt hợp đồng bất chấp câu lạc bộ vẫn chưa trả cho ông 16 tháng tiền lương. Có tin khoản tiền lương mà Guangzhou Evergrande nợ cựu danh thủ người Italy vào khoảng 16 triệu euro. Theo nhận định từ nhiều người, việc “tháo chạy” của ông thầy Cannavaro là dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng toàn diện bao trùm Guangzhou Evergrande. Thậm chí, một khi bị đẩy vào bước đường cùng, Guangzhou Evergrande sẽ không ngần ngại rao bán toàn bộ dàn sao của đội bóng nhằm bớt đi gánh nặng tiền lương.

Rõ ràng, giấc mộng nâng tầm của Guangzhou Evergrande trên bản đồ bóng đá thế giới khó thành hiện thực khi mất đi nguồn tài chính dồi dào như trước kia bởi công ty mẹ nợ đầm đìa.

Huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Trung Quốc phải họp khẩn

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc, Chen Xuyuan (Trần Tuất Nguyên) và Huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia nước này, Li Tie (Lý Thiết) đã phải họp khẩn với nhóm tuyển thủ quốc gia thuộc biên chế Guangzhou Evergrande, trong đó có 4 cầu thủ nhập tịch là Aloisio, Alan, Tyias Browning và Elkeson. Mục đích của cuộc họp là trấn an tinh thần số tuyển thủ sau khi câu lạc bộ chủ quản, Guangzhou Evergrande lâm vào khủng hoảng trong bối cảnh chuẩn bị cho loạt trận vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á, trong đó có trận đấu gặp đội tuyển Việt Nam diễn ra vào 0 giờ ngày 8-10 tới đây, giờ địa phương tại UAE.

Bảo Quyên
.
.