Hàng giả, hàng nhái lại vào mùa
Thời điểm cuối năm, hàng nhái, hàng giả tràn vào thị trường với nhiều phương thức khác nhau và ngày càng tinh vi hơn nhằm đối phó với lực lượng chức năng.
Triệt xóa nhiều tụ điểm hàng giả
Trong những tháng cuối năm, qua công tác nắm tình hình địa bàn, trinh sát Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện một số loại thực phẩm, hàng hoá, như: bột giặt, dầu ăn, nước giải khát, bột ngọt, nước mắm, giấy vệ sinh... có dấu hiệu làm giả các thương hiệu nổi tiếng.
Sau thời gian theo dõi, Ban chuyên án đã quyết định phá án. Tại số nhà 1546E, ấp Phú Tân, xã Phú Cường, huyện Định Quán do bà Vũ Thị Hoa làm chủ, lực lượng chức năng đã phát hiện một số lượng lương thực, thực phẩm, gia vị, hàng tiêu dùng có dấu hiệu làm giả các mặt hàng có thương hiệu trên thị trường, như: bột giặt hiệu Omo, Net, dầu ăn, mì tôm, các loại nước giải khát, bột ngọt, nước mắm, giấy vệ sinh... cùng 2 máy ép nhiệt dùng để đóng gói sản phẩm và hàng trăm loại bao bì giả các nhãn hiệu. Qua đấu tranh, bà Hoa thừa nhận, toàn bộ số hàng hóa có trọng lượng hơn 2 tấn đang cất giấu tại nhà không có hóa đơn chứng từ mua bán và nguồn gốc xuất xứ.
Cùng thời điểm trên, các lực lượng của Công an Đồng Nai đã phối hợp tiến hành khám xét khẩn cấp tại các điểm cơ sở sản xuất buôn bán hàng giả khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, thu giữ hơn 10 tấn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ và nhiều phương tiện dùng để đóng gói, bao bì, nhãn mác dùng để sản xuất hàng giả.
Tại Ga Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh ngày 14-1-2022, Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đội 1 - Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện 2 toa tàu chở hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài với số lượng lớn. Tại thời điểm kiểm tra, phần lớn các chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng. Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm chức năng như: Glucosamin, tinh dầu hoa Anh Thảo, bột tăng chiều cao Lysine… có xuất xứ từ Úc; sữa Aptamil, đồ ăn dặm, kẹo bánh… của Đức, rượu vang, quần áo… Lực lượng chức năng đã tạm giữ số lượng hàng hóa trên để tiếp tục xử lý.
Bát nháo hàng thật, hàng giả
Thời điểm cuối năm, hàng nhái, hàng giả tràn vào thị trường với nhiều phương thức khác nhau, nhất là bán hàng online qua facebook. Chị Lê Thị Phương Nhài, ngụ Q.7, TP Hồ Chí Minh cho biết, mấy tháng trước, chị Nhài xem một kênh livestreams quảng cáo máy xay bột từ các loại hạt dạng mini, hàng có xuất xứ từ Nhật Bản. Không cần suy nghĩ, chị Nhài nhanh tay chốt một chiếc với giá khuyến mãi là 375.000 đồng. Ba ngày sau, chị nhận hàng, hí hửng lấy đậu nành ra xay ngũ cốc. Vừa xay được một mẻ, chị ngửi thấy mùi khét, nhưng kiểm tra không thấy gì. Chị tiếp tục nhấn nút xay tiếp thì nghe một tiếng nổ “bùng” chát bên tai. Chiếc máy xay kêu “xèo xèo” vài tiếng rồi tịt ngủm không chạy được nữa. Chị gọi điện cho chủ shop thì số máy đã ngoài vùng phủ sóng.
Ngoài các mặt hàng mỹ phẩm, shop online còn tung ra những mặt hàng dân dụng hấp dẫn, bắt mắt cánh chị em nội trợ. Nồi cơm điện, bếp ga, bộ nồi áp suất… lấy mác hàng Thái siêu xịn mà giá thì rẻ hơn hàng nội rất nhiều. Bà Trần Thị Minh, ngụ Q.8, TP Hồ Chí Minh tháng trước đặt mua một bộ nồi áp suất của Thái Lan với giá 700.000 đồng, trong khi hàng Việt Nam có giá 1,5 triệu. Bà Minh rất hào hứng khi nhận hàng, kiểm tra nhãn mác thấy đúng như quảng cáo. Hôm sau, bà mua đồ về nấu thử xem chất lượng ra sao. Sau khi đổ đồ ăn ra, bà Minh phát hiện lớp inox lót dưới đáy nồi bong tróc lên, nổi váng cùng với nước dùng. Bà cứ nghĩ đó là hàng mới, bong chút sơn ra cũng chẳng sao. Lần thứ hai mang đi hầm canh, bà tá hỏa khi thấy đáy nồi đen ngòm, bốc ra từng mảng sắt vụn, có mùi hôi khó chịu.
Không chỉ bà Minh mà rất nhiều chị em nội trợ, các cá nhân mua hàng online đều khóc cười khi mua phải hàng nhái. Chủ shop biết rõ đối tượng mua hàng sẽ chú trọng kiểm tra nhãn mác để xác định thật giả, nhưng họ không đủ trình độ để phân biệt được đâu là thật, giả nên các đơn hàng cứ lượn bay vèo vèo tới người tiêu dùng mà rất ít bị “bom”. Khi phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, người mua cũng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, không có cách nào phản hồi với chủ shop.
Hàng giả, hàng không rõ xuất xứ còn tràn ra khắp các ngả đường, vỉa hè, chợ, khu công nghiệp để tiêu thụ vào dịp cận tết. Tại cổng các khu công nghiệp, khu chế xuất, các mặt hàng từ quần áo, bánh kẹo, gia dụng đổ đống tràn lan với giá rất bình dân.
Chị Vũ Thị Xuân Hương vốn làm nghề giúp việc nhà qua App, nhưng từ ba năm nay cứ tới gần tết là chị nghỉ 2 tháng để xuống đường bán hàng tết. Chị Hương chỉ bán duy nhất một mặt hàng là bánh kẹo và mứt tết. Số hàng được chị lấy sỉ từ một shop chuyên livetreams trên mạng. Trên bao bì kẹo bánh của chị Hương có ghi “hàng Việt Nam chất lượng cao”, nhưng chị Hương lại không biết người ta nhập hàng từ đâu, chỉ là giá phù hợp, bán có lời thì chị lấy. Nhiều công nhân và người lao động mua hàng của chị Hương cũng không quan tâm đến việc hàng giả, hàng nhái hoặc chất lượng ra sao.
Bà Nguyễn Thị Kim Thu, Hiệp hội chống hàng giả, hàng nhái cho biết, hiện nay trên mạng xã hội, việc buôn bán hàng giả khá tùy tiện, việc quảng cáo một cách liều lĩnh, trơ trẽn và thản nhiên…
Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp hội viên rất bức xúc vì thiệt hại lớn do không bán được hàng, bị mất uy tín, thương hiệu… có thể khiến doanh nghiệp phá sản.
Nguy hiểm hơn, nếu không kiểm soát, xử lý được vấn đề hàng giả, hàng nhái, có nguy cơ làm triệt tiêu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chân chính trong nước.