Hậu giải tỏa các trụ sở trên “đất vàng” của Thủ đô: Di dời xong thì làm gì?

Thứ Ba, 05/07/2022, 22:47

Trong Tờ trình nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP được UBND TP Hà Nội sẽ được trình HĐND Thành phố trong kỳ họp đầu tháng 7, có danh sách 10 trụ sở của các cơ quan, doanh nghiệp nằm trên các khu đất “vàng”. Điều dư luận đặc biệt quan tâm là các khu đất này sẽ được sử dụng vào mục đích gì, có phục vụ xây dựng công trình an sinh xã hội hay lại bị “nhồi nhét” cao ốc, chung cư?

Người dân muốn ưu tiên công trình phúc lợi xã hội

10 cơ sở nhà đất được UBND TP Hà Nội đề xuất di dời là các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch (do không phù hợp với hoạch xây dựng).

image001.jpg -0
Đất của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thuốc lá Thăng Long, theo quy hoạch sẽ là đất công cộng và khu vực, hỗn hợp (dịch vụ thương mại và ở), nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.

Trong danh mục UBND TP Hà Nội đề xuất, có nhiều cơ sở nhà đất nằm tại vị trí “đất vàng” nội đô như Nhà máy Bia Hà Nội (Tổng Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội) với hơn 52.000m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình). Hiện nay, nhà máy vẫn đang hoạt động sản xuất và trưng bày giới thiệu sản phẩm. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khu đất có chức năng đất dân dụng. Theo Quy hoạch phân khu H1-2 được UBND TP phê duyệt năm 2021 là đất hỗn hợp, công cộng, trường THPT, cây xanh, nhà ở và bãi đỗ xe.

Vị trí đất “vàng” thứ 2 là thuộc Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, địa chỉ tại 235 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), diện tích hơn 64.000 m2, đang là hệ thống nhà kho, để vật tư phục vụ sản xuất và thành phẩm; nhà xe của cán bộ công nhân viên để đi xe đưa đón đến địa điểm mới tại Cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Theo quy hoạch được UBND TP phê duyệt, khu vực này sẽ là đất công cộng của TP và khu vực, hỗn hợp (dịch vụ thương mại và ở), nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.

Cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, nằm trong danh sách di dời còn có Công ty TNHH MTV In và TM Thông tấn xã Việt Nam, địa chỉ tại số 70/342 Khương Đình, phường Hạ Đình, diện tích 5.000 m2, là văn phòng và cơ sở sản xuất. Theo quy hoạch, khu đất sẽ là đất công cộng khu vực, đất cây xanh, đất hỗn hợp.

Ngoài ra còn có các cơ sở tại quận Hoàn Kiếm là Báo Lao Động tại 51 Hàng Bồ hiện đóng cửa để không, không cho thuê, không sản xuất; Công ty in báo Nhân Dân ở 15 Hàng Tre; Công ty TNHH MTV In báo Hà Nội Mới tại 35 Nhà Chung diện tích hơn 1.800m2, hiện có nhà máy in trong đó một phần diện tích là nhà hàng ăn uống. Quận Long Biên có 2 cơ sở gồm: Nhà máy xe lửa Gia Lâm – Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội, địa chỉ tại số 551 Nguyễn Văn Cừ, diện tích hơn 200m2, hiện là trụ sở Công ty, nhà xưởng sửa chữa toa xe. Cơ sở thứ 2 là Tổng kho xăng dầu Đức Giang, địa chỉ tại số 26 phố Đức Giang, diện tích hơn 159.000m2, đang là bể chứa xăng dầu. Theo quy hoạch, khu đất sẽ có chức năng đất hỗn hợp, đất nhóm nhà ở mới, đất cây xanh, đất bãi đỗ xe, đất công cộng và đường quy hoạch.

Hậu giải tỏa các trụ sở trên “đất vàng” của Thủ đô: Di dời xong thì làm gì? -0
Nhà máy xe lửa Gia Lâm được đề xuất giữ lại một phần xây dựng bảo tàng của ngành xe lửa.

Quận Đống Đa có 1 cơ sở, là Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, địa chỉ tại số 167/6 phố Phương Mai, diện tích hơn 800m2, hiện là văn phòng làm việc. Quận Bắc Từ Liêm có 1 cơ sở, là Viện Hoá học công nghiệp Việt Nam, địa chỉ tại phường Phúc Diễn, diện tích hơn 30.000m2, hiện trạng một phần đã phân cho cán bộ công nhân viên, một phần hoạt động nghiên cứu công nghệ ngành hoá chất, sản xuất thuốc tuyển quặng. Theo quy hoạch, vị trí này là đất cơ quan, viện nghiên cứu.

Theo UBND TP Hà Nội, việc thông qua Nghị quyết là căn cứ để các đơn vị xây dựng phương án sắp xếp và quy định kế hoạch di dời; góp phần sử dụng đất có hiệu quả và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển ổn định lâu dài, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình công cộng, đảm bảo điều kiện môi trường, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị. Kế hoạch di dời sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm kể từ khi UBND TP phê duyệt danh mục.

Đừng để nhà máy, bến xe vừa rời đi, cao ốc lập tức “mọc” lên

Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo ngại là nhìn vào “lịch sử” các quỹ đất vàng sau khi di dời, thay vì tạo quỹ đất phục vụ dân sinh thì nhiều khu đất “vàng” đã mọc lên cao ốc, chung cư, khiến quy hoạch bị phá vỡ và mật độ dân cư tại các khu vực này quá cao, là “gánh nặng” cho hạ tầng đô thị. Nhìn ngược trở lại, trong một báo cáo công bố năm 2020, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, việc cụ thể hóa, thực hiện các định hướng, chủ trương của quy hoạch chung đã được phê duyệt chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là chủ trương về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội triển khai chậm. Và theo đánh giá của Bộ Xây dựng, quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.

Hậu giải tỏa các trụ sở trên “đất vàng” của Thủ đô: Di dời xong thì làm gì? -0
Danh sách 10 trụ sở của các cơ quan, doanh nghiệp nằm trên các khu đất “vàng” phải di dời sẽ được ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình hội đồng nhân dân thành phố trong kỳ họp đầu tháng 7. Ảnh: Phùng Đô

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có thể kể rất nhiều khu đất “vàng” đã biến thành các dự án chung cư, hay nói cách khác, “chung cư mọc lên như nấm” ngay khi đất vàng vừa được giải phóng. Đơn cử đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất tại số 82 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) bây giờ đã trở thành dự án Thống Nhất Complex với tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2. Hay như khu đất 3,7 ha tại số 90 Nguyễn Tuân trước đây thuộc Xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, sử dụng, nay cũng đã trở thành một tổ hợp nhà ở thương mại. Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, khu đất 250 phố Minh Khai có diện tích 13.500 m2 của Công ty cổ phần May Thăng Long nay cũng trở thành Dự án Thăng Long Garden gồm 2 tòa chung cư và 1 tòa văn phòng cho thuê. Tại quận Cầu Giấy, khu đất Nhà máy bánh kẹo Tràng An ở địa chỉ số 1 phố Phùng Chí Kiên rộng khoảng 2,6 ha đã được chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm dự án tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex. Dự án gồm 2 tòa chung cư cao 23 - 29 tầng, 1 tòa thương mại 14 tầng, 11 căn Villas, 20 căn liền kề …

Trao đổi với chúng tôi, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, ngoài nhà xưởng, trụ sở cơ quan, từ năm 2010 đến nay, Hà Nội đã thực hiện di dời nhiều bến xe ra khỏi nội thành theo Quy hoạch Giao thông vận tải của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nghiêm chia sẻ, đáng buồn là sau khi các bến xe này được di dời, vốn dĩ mục đích di dời là để giảm tải giao thông cho nội đô thì mặt bằng bến xe lại mọc lên các tòa nhà cao ốc, chung cư với mật độ tập trung người, phương tiện còn lớn hơn cả khi còn bến xe. “Cụ thể như, bến xe Lương Yên (Hai Bà Trưng), bến xe Hà Đông (quận Hà Đông), bến xe Sơn La (quận Thanh Xuân)… đều đã trở thành nhà ở cao tầng”, ông Nghiêm thông tin. Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội nhận định, việc thực hiện di dời các bến xe vừa gây lãng phí xã hội vừa có tác dụng ngược khi chất tải thêm mật độ dân cư trong khu vực nội đô. Ông Nghiêm cho rằng, muốn các khu đất “vàng” được thực hiện đúng các chức năng ưu tiên cho hạ tầng công cộng thì phải có thêm những văn bản dưới luật để ràng buộc các doanh nghiệp sau khi di dời phải bàn giao khu đất tại cơ sở cũ cho thành phố. Ngoài ra, tại Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn. “Ngay cả việc giám sát quá trình khai thác sử dụng đất tại các nhà máy sau di dời cũng phải được thực hiện chặt chẽ hơn nữa”.

Không chỉ 10 cơ sở nằm trong danh mục phải di dời trên, từ nhiều năm nay, Hà Nội đã có kế hoạch di chuyển hết tất cả các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội. Từ năm 2016, Hà Nội đã lập ra lộ trình di dời 117 cơ sở công nghiệp trên địa bàn 12 quận nội thành ra khỏi nội đô. Nhưng đến hết năm 2021, cũng mới chỉ có khoảng 70 cơ sở sản xuất được di dời. Nếu di dời được hết các cơ sở trên, Hà Nội sẽ có một nguồn quỹ đất rất lớn để phục vụ cho không gian công cộng, các công trình phúc lợi xã hội như cây xanh, bãi đỗ xe... Nhưng, có chắc chắn những diện tích này sau khi bàn giao lại cho chính quyền TP Hà Nội được sử dụng ưu tiên cho mục đích cộng đồng thì câu hỏi này vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Chi Linh
.
.