Hệ lụy khôn lường của trào lưu “bóc phốt”

Thứ Năm, 20/06/2024, 08:37

Không biết từ khi nào “bóc phốt” trở thành sở thích của nhiều người dùng mạng xã hội. Ghét người này, phật ý người kia là lên mạng “bóc phốt”. Mỗi ngày trôi qua chúng ta phải chứng kiến biết bao vụ “bóc phốt”. Từ cá nhân “bóc phốt” đến các hội nhóm “bóc phốt”. Giờ đây, “bóc phốt” trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người bởi những hệ lụy khôn lường mà nó mang tới.

Lên mạng là gặp… “bóc phốt”

“Bóc phốt” được xem là hành động công khai những thông tin lên mạng xã hội cho nhiều người cùng biết, phán xét và đánh giá. Những thông tin này thường không mấy tốt đẹp, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật…

a%3fnh 1.jpeg -0
Anh H từng rơi vào khủng hoảng tâm lý khi cửa hàng của mình bị tẩy chay vì việc bóc phốt bịa đặt của khách hàng.

Anh Lê Văn H, 33 tuổi, chủ một tiệm cắt tóc ở phố Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, Hà Nội) - một nạn nhân của trào lưu bóc phốt bức xúc chia sẻ: “Suốt một thời gian dài, cửa hàng tóc của tôi phải chịu tổn thất nặng nề về kinh tế chỉ vì một khách hàng lên mạng tố tôi dùng thuốc nhuộm rởm khiến đầu cô ấy bị dị ứng. Điều đáng nói là, hầu hết các khách hàng không hề kiểm chứng xem thông tin đó là thật hay giả nhưng cũng nhảy vào tẩy chay như đúng rồi. Họ hoàn toàn không biết sự thật đằng sau đó là nữ khách hàng này ban đầu đã yêu cầu tôi nhuộm loại thuốc đắt nhất nhưng đến khi thanh toán tiền thì lại không có đủ để trả. Khi cửa hàng yêu cầu phải đặt lại đồ vật, khi nào chuyển đủ tiền sẽ trả thì người này sửng cồ và sau đó lên mạng bịa chuyện về chất lượng thuốc nhuộm của cửa hàng chúng tôi”.

Không chỉ “bóc phốt” về những câu chuyện làm ăn, nhiều người còn sẵn sàng lên mạng để “bóc phốt” những góc khuất riêng tư, những câu chuyện ngoại tình như một sự trả thù hả hê dành cho người phản bội. Trước đó không lâu cộng đồng mạng được dịp hóng drama “Cô bảo mẫu trà xanh” trên kênh TikTok Pơ - một người Việt đang sinh sống tại Canada.

Loạt video đăng trên kênh TikTok của Pơ có nội dung “bóc phốt” chuyện tình cảm giữa em rể và bảo mẫu của gia đình (cả 2 đều là người Việt Nam - PV). Trong đó, người kể chuyện cho biết mình là chị gái của người vợ bị lừa dối, muốn thay mặt vạch trần sự việc.

Nhân vật bị bóc phốt là cô bảo mẫu sinh năm 2002, cô này nhận học bổng của một trường ở Canada và đã học được 2 năm. Tháng 11/2023, cô trở thành bảo mẫu cho gia đình Pơ, có nhiệm vụ đón các bé sau khi tan học và trông đến tối, khi bố mẹ đi làm về. Theo lời của Pơ chia sẻ, thời gian đầu cô bảo mẫu ăn mặc rất giản dị và kín đáo, chăm sóc các bé tốt nên nhận được sự tin tưởng.

Đến một lần em của Pơ về nhà mà không báo trước, cô phát hiện có người đang ở nhà cùng với chồng mình nhưng anh này chối bay chối biến. Sau khi có thêm những chi tiết mờ ám khác, chị em Pơ sang nhà hàng xóm nhờ trích xuất camera thì nhận ra người đó là cô bảo mẫu. Cuối cùng gia đình quyết định cho cô bảo mẫu nghỉ việc.

Hệ lụy khôn lường của trào lưu “bóc phốt” -0
Vụ bóc phốt “Cô bảo mẫu trà xanh” từng thịnh hành trên mọi nền tảng xã hội.

Kể lại câu chuyện “người thật, việc thật”, chủ kênh không ngại tung ra những bằng chứng liên quan đến vụ việc, bao gồm đoạn ghi âm, clip trích xuất từ camera giấu kín của gia đình. Dù tính xác thực của câu chuyện vẫn là một dấu hỏi nhưng người dùng mạng xã hội đã thực sự bị cuốn vào “phi vụ” bóc phốt bài bản này và drama này nhanh chóng trở nên thịnh hành trên mọi nền tảng mạng xã hội.

Trên thực tế, việc phơi bày đời tư của người khác lên mạng luôn đánh trúng tâm lý tò mò của đám đông và ngay lập tức tạo ra làn sóng hiếu kỳ chóng mặt cùng cơn bão bình luận đẩy nạn nhân vào tận cùng bi kịch. Ai cũng có những bí mật riêng tư, những “khoảng trời” của riêng mình. Vậy mà bỗng dưng một ngày đẹp trời, “khoảng trời riêng” ấy bị đưa ra phơi bày, mổ xẻ trước bàn dân thiên hạ. Nhiều người, vì không chịu được áp lực nặng nề đó đã nghĩ đến những hành động tiêu cực.

Có thể nói, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất của trào lưu bóc phốt trên mạng xã hội chính là những người nổi tiếng. Họ chính là “mồi nhậu” của rất nhiều cá nhân, hội nhóm bóc phốt.

Mới đây, Nguyễn Thị Mỹ Dung (nghệ danh Midu) đã gửi đơn kiện kênh TikTok gần 1 triệu người theo dõi vì đưa thông tin tiêu cực chưa xác thực về mình. Khi vào tài khoản của kênh TikTok này, cư dân mạng nhanh chóng tìm thấy một video có tên “Sự thật về Midu” với nhiều thông tin chưa được xác thực về đời tư của nữ diễn viên, cụ thể là chuyện tình cảm cá nhân của cô.

Tuy nhiên, có vẻ như việc bị cơ quan chức năng mời làm việc không khiến kênh TikTok này nao núng, họ còn cho biết đây là “lần thứ n” họ bị nghệ sĩ khởi kiện, yêu cầu gỡ video. Kể cả khi đã bị Midu khởi kiện kênh này vẫn đăng tải nhiều video “bóc phốt” người nổi tiếng khác với thái độ đầy thách thức.

Được biết, “Chưa biết” là kênh TikTok đang sở hữu hơn 879 nghìn người theo dõi, chuyên đăng tải những clip đưa tin về đời tư của nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội như KOLs, Tiktoker,... nhưng theo hướng tiêu cực. Thời gian qua, kênh TikTok này thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dùng mạng bởi những thông tin giật gân, thậm chí cộng đồng mạng còn gọi kênh này là “nỗi sợ của người nổi tiếng”.

Ngoài Midu, hàng loạt nghệ sĩ Việt khác cũng là “nạn nhân” của “Chưa biết”. Từ các ngôi sao như Trường Giang, Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc đến những người nổi tiếng hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật hiện tại, đều bị kênh này tấn công. Đáng nói, trong toàn bộ clip “bóc phốt”, chủ kênh đưa các hình ảnh và gọi đích danh tên của nghệ sĩ, không còn ẩn danh, viết tắt tên nhân vật (để tránh rủi ro) như những fanpage, group anti trước đây. Các clip với những tiêu đề khá giật gân như “Góc khuất của…”; “Sự thật về…”…

Hệ lụy khôn lường

Xu hướng bóc phốt đời tư, đặc biệt là đời tư của những người nổi tiếng, ngày càng rầm rộ và thịnh hành. Những ngày gần đây, liên tục một số nhân vật trong giới showbiz thực hiện các hoạt động livestream trên nền tảng mạng xã hội để công khai, bình luận các thông tin đời tư của một số nghệ sĩ gây xôn xao dư luận. Đây hiển nhiên không phải là hiện tượng mới lạ trên mạng xã hội.

Cách đây chưa lâu, vụ án bà Nguyễn Phương Hằng bị tuyên phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2 điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là điển hình.

Trong số những hành vi vi phạm bị kết án thì hành vi đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, thông tin riêng tư của người khác mà bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện đáng được xem là bài học trong việc sử dụng mạng xã hội.

Hệ lụy khôn lường của trào lưu “bóc phốt” -0
Hoa khôi Nam Em (thứ hai từ phải qua) cùng quản lý (áo đen) làm việc với cơ quan chức năng, chiều 1/3/2024.

Hoa khôi Tiền Giang Nguyễn Lệ Nam Em cũng có những màn livestream “quậy đục nước” showbiz Việt bằng những màn bóc phốt góc khuất làng giải trí. Cụ thể, người đẹp Tiền Giang tố một sao nam lợi dụng tình cảm, biến cô thành “con cờ truyền thông”. Nam Em cũng úp mở một ngọc nữ trong showbiz Việt từng sử dụng chất kích thích. Cô còn nói một sao nữ đang mang thai là tình cũ của bạn trai cô. Ngoài ra, cô cũng có phát ngôn gây sốc về giới showbiz: “Thử khui hết showbiz đi, có người nào không cặp đại gia thì tôi đi bằng đầu. Quần quần, áo áo, hàng hiệu ở đâu ra? Showbiz trả tiền đâu có cao để mua hàng hiệu. Không có bông hoa tuyết nào trong sạch hết”.

Những màn “bóc phốt” của Nam Em đều không nhắc tên cụ thể của từng cá nhân mà chỉ nói ẩn danh. Tuy nhiên, những phát ngôn thiếu kiểm chứng này gây bức xúc trong dư luận. Đa phần khán giả cho rằng hành động của Nam Em gây ảnh hưởng đến danh dự của nhiều cá nhân.

Trước những hành vi gây hoang mang dư luận, ngày 1/3, Nam Em đã phải làm việc trực tiếp với Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hồ Chí Minh. Người đẹp gốc Tiền Giang sau đó bị xử phạt hành chính 37,5 triệu đồng.

Mặc dù đã bị khuyến cáo nhưng Nam Em vẫn tiếp tục livestream. Đặc biệt, tối 16/3, Nam Em tiếp tục livestream, tiến ra ban công, leo ra ngoài và không quay lại vào nhà. Nhiều khán giả “thót tim" trước hành động bất ngờ của người đẹp. Phần đông ý kiến chỉ trích Nam Em cố tình tạo chiêu trò gây chú ý với nội dung độc hại. Với hành vi “tiếp tục  cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân”, Nam Em bị Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh xử phạt hành chính lần 2 với mức phạt 10 triệu đồng.

Hệ lụy khôn lường của trào lưu “bóc phốt” -0
Không chỉ cá nhân bóc phốt mà các hội nhóm bóc phốt cũng nhan nhản trên mạng xã hội.

Nói về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật Interla cho rằng, việc “bóc phốt” nhau trên mạng xã hội rất dễ phạm luật. Nếu chỉ dùng lời lẽ thô tục, chửi bới trong bài “bóc phốt” rất có thể bị xử lý hành chính xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Theo quy định điểm a khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2019 thì đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng. Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

“Nếu “bóc phốt” làm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”, ông Hòe cho biết thêm.

Bên cạnh đó, hành vi “bóc phốt” này nếu như sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của người khác thì người “bóc phốt” có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi “Vu khống”. Về mức xử phạt vi phạm hành chính, nếu lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai sự thật, xuyên tạc vu khống người khác thì bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. “Nặng hơn người “bóc phốt” sai sự thật có thể bị phạt tù từ 1-3 năm”, Luật sư Hòe nhấn mạnh.

Phong Anh
.
.