Hệ lụy từ việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ở Hà Tĩnh

Thứ Sáu, 03/06/2022, 08:27

Những năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án điện mặt trời, điện gió. Hiện ngoài số dự án dù được cấp chứng nhận đầu tư nhưng vẫn “án binh bất động” do vướng mắc thủ tục thì lại tồn tại tình trạng doanh nghiệp lách luật để làm dự án.

Dân “dài cổ” chờ dự án đền bù

Năm 2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH GA Power Solar Park (CHLB Đức) thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời Power Solar Park Hương Sơn, đặt tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn với công suất 29 MWp, tổng mức đầu tư 23,3 triệu USD, dự kiến vận hành trong năm 2019 và sẽ đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Đây là dự án thuộc diện thu hút đầu tư, cũng là dự án năng lượng tái tạo đầu tiên được triển khai trên địa bàn nên tỉnh Hà Tĩnh đã dành nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư.

Hệ lụy từ việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ở Hà Tĩnh -0
Một dự án điện mặt trời trong trang trại chăn nuôi tổng hợp của Tập đoàn Hoành Sơn.

Cuối năm 2018, chính quyền đã tiến hành thu hồi 32ha đất nông nghiệp của 226 hộ dân xã Quang Diệm, số tiền đền bù phải trả cho dân là hơn 31 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án vẫn “án binh bất động” do công ty này vẫn chưa chuyển kinh phí đền bù khiến hàng trăm hộ dân “dài cổ” chờ đợi. Theo một cán bộ Sở Công thương Hà Tĩnh, vướng mắc chủ yếu là do chủ đầu tư không đạt được thỏa thuận đấu nối dự án với đường dây 110KV Thủy điện Hương Sơn. Ngoài ra, hiện nay cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời đã hết hiệu lực và chưa có quy định mới nên nhà đầu tư cũng không còn mặn mà.

Nhưng đây không phải dự án treo duy nhất. Trong số các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh là dự án có nhiều tiềm năng nhất. Dự án được Tập đoàn HBRE khảo sát, lập dự án, xin chủ trương đầu tư tại  huyện Kỳ Anh có tổng công suất 120MWp, sản lượng điện dự kiến phát lên lưới 356.368kWh/năm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 4.258 tỷ đồng.

Năm 2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đồng ý chủ trương bổ sung dự án này vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Để thực hiện dự án, Hà Tĩnh phải bố trí khoảng 1.400 ha đất, thuộc địa phận 9 phường, xã của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn chưa thể khởi công xây dựng do các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên để triển khai thực hiện dự án vẫn chưa được tháo gỡ.

Ngoài ra, hiện có 9 dự án năng lượng điện mặt trời, công suất từ 30MWp đến 400MWp và 6 dự án điện gió, công suất từ 49,5 MW đến 250 MW đang được UBND tỉnh Hà Tĩnh trình Thủ tướng và Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch hoặc đồng ý nguyên tắc cho phép lập hồ sơ bổ sung quy hoạch.

Trang trại chăn nuôi bị biến tướng thành nơi sản xuất điện mặt trời

Trước thời điểm hàng loạt dự án năng lượng điện mặt trời được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư nói trên, dư luận tại địa phương này đã “dậy sóng” khi Tập đoàn Hoành Sơn biến tướng một số dự án trang trại chăn nuôi thành dự án điện mặt trời.

Tháng 10-2020 doanh nghiệp này được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trang trại tổng hợp tại xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) với diện tích 8,52ha để chăn nuôi và trồng trọt. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau đó, toàn bộ trang trại này đã biến thành dự án điện mặt trời, có tổng công suất 8 MWp và đấu nối thành công vào lưới điện quốc gia. Điều đáng nói, Tập đoàn Hoành Sơn đã chia nhỏ cho 9 chủ đầu tư, mỗi chủ đầu tư có công suất dưới 1 MWp. Bởi theo quy định, các công trình điện mặt trời trên 1MWp (điện đấu lưới) phải được Bộ Công thương phê duyệt, nhưng chủ đầu tư đã chia nhỏ ra với công suất dưới 1MWp để né tránh quy định này và phù hợp với Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg để hưởng giá mua ưu đãi.

Tương tự, trang trại chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại xã Lâm Trung Thủy (huyện Đức Thọ) được chấp thuận đầu tư từ tháng 5-2015, trên diện tích 9,29ha. Nhưng thay vì trồng cây và chăn nuôi, tháng 8-2020 sau khi xin điều chỉnh thành dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ, Tập đoàn Hoành Sơn đã đầu tư dự án điện mặt trời áp mái, có công suất 7 MWp, được chia nhỏ cho 7 doanh nghiệp đứng tên, dưới danh nghĩa hợp tác với Hoành Sơn để sản xuất, kinh doanh điện.

Cũng với hình thức tương tự, trong năm 2020, dự án trang trại tổng hợp Sóc Xôi tại xã Sơn Tiến (huyện Hương Sơn) cũng biến thành dự án năng lượng điện có công suất 2 MWp, do hai doanh nghiệp đứng tên.  Theo xác nhận của Công ty Điện lực Hà Tĩnh, khoảng cuối tháng 12-2020, tất cả hệ thống điện mặt trời mái nhà nói trên đều đã ký hợp đồng mua bán điện và đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Theo số liệu của ngành điện Hà Tĩnh, chỉ trong thời gian chưa đến 2 năm, từ năm 2019 đến ngày 31-12-2020 (là thời điểm chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực- PV), Hà Tĩnh có đến 485 cá nhân, tổ chức tham gia lắp đặt điện mặt trời, với công suất đấu nối là 144 MWp.

Theo quy định thì điều kiện để được đấu nối mua bán điện mặt trời thương phẩm là phải có dự án nông nghiệp. Ngành điện chỉ đấu nối cho dự án điện mặt trời khi trang trại đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế các dự án trên địa bàn Hà Tĩnh đều hoàn thiện đấu nối rồi mới tính đến chuyện trồng trọt, chăn nuôi. Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty Điện lực Hà Tĩnh khẳng định, đã thực hiện các thủ tục đấu nối, ký kết hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời theo đúng quy định. Trong khi đó, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thủ tục đầu tư là do Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ phối hợp những nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Còn đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư  cho biết, hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, các doanh nghiệp chỉ xin dự án về chăn nuôi, trồng cây dược liệu, không có nội dung điện mặt trời. Nếu có kết hợp sản xuất điện, thì trách nhiệm thuộc về Sở Công thương.

Ông Hoàng Văn Quảng, Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết, mặc dù các công trình đã hoàn thành đóng điện, vận hành thương mại nhưng chưa hoàn thành xong thủ tục chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cùng với đó, các dự án này đều do Cục Điều tiết điện lực cấp phép. Theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 9-9-2020 của Bộ Công thương, việc kiểm tra, giám sát việc đảm bảo các điều kiện hoạt động điện lực thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan cấp phép. Sở Công thương chỉ theo dõi thông qua báo cáo hoạt động điện lực hằng năm của đơn vị nên cũng có nhiều bất cập trong quá trình giám sát, kiểm tra và đánh giá năng lực, hiệu quả của các doanh nghiệp.

Thiện Thành
.
.