Hiểu về xá lị, tóc và lông của các bậc chân tu xưa

Chủ Nhật, 26/05/2024, 10:43

Xá lị, phần thân thể còn lại của bậc chân tu sau khi hỏa táng, cũng từng gây xôn xao dư luận nước Việt trong lịch sử. Đó là thời mà Phật giáo rất thịnh ở nước ta.

Xá lị, hay xá lợi, là từ phiên âm Hán - Việt của từ tiếng Phạn “sarira”, nghĩa là thân thể, thuật ngữ Phật giáo, chỉ những phần còn lại sau khi trà tì (hỏa thiêu xác), thường là những hạt nhỏ.

Xá lị hai nhà sư thời Lý

Lần đầu tiên, sử Việt nhắc đến xá lị là vào đời vua Lý Thái Tông. Đó là vào năm Giáp Tuất, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 7 (1034), vào tháng 4, “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Bấy giờ hai nhà sư là Nghiêm Bảo Tính và Phạm Minh Tâm tự thiêu mình cháy kết thành thất bảo. Vua xuống chiếu đem thất bảo ấy giữ ở chùa Trường Thánh để hương đèn thờ cúng. Vua cho là việc kỳ dị, xuống chiếu đổi niên hiệu là Thông Thụy.

truclam.jpg -0
Tranh cổ về thiền phái Trúc Lâm

Theo các kinh sách nhà Phật, "thất bảo" có nhiều thuyết giải thích hơi khác nhau, nhưng thuyết nào cũng trình bày đủ bảy thứ và đều là những thứ sáng sủa, cứng rắn, như vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, hổ phách, san hô hoặc pha lê, trân châu... Còn theo Kinh Pháp Hoa, bảy thứ ấy gồm: vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, ngọc, mã não, trân châu (ngọc trai) mai khôi (ngọc đỏ). Các kinh khác như Vô lượng thọ, A Di Đà, Bát Nhã đều nói đến thất bảo với một vài thứ khác.

Như vậy, do việc chứng kiến xá lị thất bảo của hai nhà sư, mà từ tháng 4 năm ấy, vua Lý Thái Tông lấy niên hiệu là Thông Thụy năm thứ nhất. Sau này, đứng trên quan điểm Nho giáo, bài bác đạo Phật, sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê sơ bình luận rằng: “Thuyết nhà Phật gọi xá lị là tinh túy do tinh khí tụ lại khi đốt xác, lửa không đốt cháy được cho nên gọi là bảo. Tương truyền người nào học Phật thành thì thân hóa như thế. Có lẽ vì sự đoạn tuyệt tình dục thì tinh khí kết lại thành ra như thế ấy. Người đời không thường thấy, cho là lạ, có biết đâu là tinh khí dương tụ lại mà thành thôi”.

Đặc biệt, Ngô Sĩ Liên phê phán việc đổi niên hiệu của Lý Thái Tông: “Vua cũng mê hoặc việc ấy, nhân đó đổi niên hiệu. Từ đấy về sau, những người hiếu danh cạo đầu làm sư, nhẫn nại chịu chết như loại Trí Thông nhiều lắm”. Sư Trí Thông mà Ngô Sĩ Liên nói đến, là chuyện xảy ra ở thời Trần Anh Tông, được đề cập trong câu chuyện dưới đây.

Còn vua Tự Đức của triều Nguyễn, khi đọc đoạn sử này do các sử quan chép trong bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, cũng phê phán khá nặng nề rằng: “Lỗi lầm quá lắm!”. Tuy nhiên, mỗi thời đại có cách tiếp cận và nhìn nhận về sự việc khác nhau, lấy quan điểm thời này để bình luận về sự kiện thời khác cũng khó lòng chính xác hoặc khách quan.

Cũng trong năm 1034, sử Việt chép thêm một chuyện về xá lị nữa. “Toàn thư” cho biết, mùa đông năm đó có sự việc: “Sư Hưu ở chùa Pháp Vân, châu Cổ Pháp (chùa Dâu ở Thuận Thành, Bắc Ninh) tâu rằng trong chùa phát ra mấy tia ánh sáng. Theo chỗ ánh sáng đào xuống thấy một cái hòm bằng đá, bên trong có hòm bằng bạc, trong hòm bạc có hòm bằng vàng, trong hòm bằng vàng có cái bình lưu li, trong bình có xá lị. Vua sai rước vào điện cấm xem, xem xong trả lại”.

Chuyện tìm ra xá lị này, tuy mang màu sắc huyền thoại, nhưng sử có chép rằng vua đã trực tiếp xem, nên không thể là bịa tạc. Chính sử chỉ không ghi lại việc dân chúng có xôn xao chiêm bái xá lị này hay không.

Xá lỵ của Phật Hoàng

Thời Trần, các vua đầu tiên đều chuộng Phật giáo, nghiên cứu sâu kinh điển đạo Phật và còn trước tác những tác phẩm Phật học giá trị. Vua Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi còn xuất gia lên chùa, sáng lập dòng tu Trúc Lâm Yên Tử, về sau được đệ tử gọi là Phật Hoàng. Khi ngài viên tịch, cũng để lại xá lị mà sử sách ghi chép rất chi tiết.

Hiểu về xá lị, tóc và lông của các bậc chân tu xưa -0
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

“Toàn thư” cho biết, Thượng hoàng Trần Nhân Tông băng hà ngày mùng 3 tháng 11 năm Hưng Long thứ 16 (1308) ở am Ngọa Vân núi Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh). Thượng hoàng còn chuẩn bị chu đáo cho sự ra đi của mình: “Bấy giờ Thượng hoàng xuất gia, tu ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Bà chị là công chúa Thiên Thụy ốm nặng, Thượng hoàng xuống núi, tới thăm và bảo: "Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay". Nói xong, Thượng hoàng trở về núi, dặn dò người hầu là Pháp Loa các việc về sau, rồi bỗng nhiên ngồi mà hóa. Công chúa Thiên Thụy cũng mất vào hôm đó”, sử viết.

Sau khi Thượng hoàng băng hà, Pháp Loa đem hỏa thiêu thi hài của ngài “được hơn ba ngàn hạt xá lị mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư”. Tuy nhiên việc đem hạt xá lị này về chùa của thiền sư Pháp Loa khiến vua Trần Anh Tông có ý ngờ, còn các quan nhiều người xin bắt tội Pháp Loa. Bỗng một hôm, Hoàng thái tử Trần Mạnh, khi đó mới 9 tuổi (sau là vua Trần Minh Tông), đứng hầu bên cạnh vua, chợt thấy có mấy hạt xá lị ở trước ngự, liền đưa ra cho mọi người xem. Vua cho kiểm lại trong hộp xá lị, thì đã mất một số ít hạt. Vua xúc động đến phát khóc, trong lòng mới khỏi nghi ngờ.

Đến năm Hưng Long thứ 18 (1310), vào ngày 16 tháng 9, vua Trần Anh Tông cho rước linh cữu thượng hoàng về chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng (Thái Bình), còn xá lị thì cất ở bảo tháp am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Khi đem xá lị của Nhân Tông đưa cất vào bảo tháp, có sư Trí Thông phụng hầu.

Sư Trí Thông chính là nhân vật mà Ngô Sĩ Liên đề cập “nhẫn nại chịu chết” đã nói ở trên. Câu chuyện về nhà sư này được “Toàn thư” kể như sau: “Trước đây, khi Nhân Tông xuất gia, sư chùa Siêu Loại là Trí Thông tự đốt cánh tay mình, từ bàn tay đến tận khuỷu tay, vẫn ung dung không biến sắc. Nhân Tông vào xem, Trí Thông đặt chỗ cho vua ngồi, lạy và nói: "Thần tăng đốt đèn đó! Đốt đèn xong, về viện ngủ kỹ, ngủ dậy, chỗ bỏng lửa bỏng sẽ khỏi hết". Đến đây, Nhân Tông băng, Trí Thông vào núi Yên Tử ở hầu bảo tháp chứa xá lị. Đến đời Trần Minh Tông, Trí Thông tự thiêu chết”.

Tóc và lông các vị vua Việt

Chúng ta chỉ hình dung về chân dung Phật hoàng Trần Nhân Tông qua bức tượng thờ ngài ở tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, Yên Tử. Pho tượng được xác định tạc vào thời Lê trung hưng, sau khi ngài băng hà hàng trăm năm, thể hiện hình ảnh ngài đã cạo đầu, mặc áo cà sa. Còn trong bức tranh “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” (Đại sĩ Trúc Lâm xuất núi) được xác định là họa sĩ người Nguyên là Trần Giám Như vẽ cuối thế kỷ XIV, miêu tả sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, rời khỏi động Vũ Lâm trở về, vua Trần Anh Tông cùng các quan ra nghênh đón. Trong tranh, Trúc Lâm đại sĩ ngồi võng, đầu cạo nhưng còn thể hiện rõ chân tóc, và ngài vẫn có râu.

Về tóc của các vị vua Việt, rất may hậu thế có thể tìm hiểu qua di hài vua Lê Dụ Tông được khai quật từ lăng mộ của ngài ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, đem về bảo quản và nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia suốt mấy chục năm trước khi được hoàn táng trở lại. Qua di hài nhà vua Lê Dụ Tông, có thể thấy tóc của ngài đã được cắt ngắn theo kiểu nhà tu, có màu hoa râm, đặc biệt cằm nhà vua có chòm râu thưa màu đen có vài sợi đã điểm bạc.

Hiểu về xá lị, tóc và lông của các bậc chân tu xưa -0
Chùa Dâu ở Thuận Thành, Bắc Ninh

Còn về lông, chúng ta thường đọc “Đại Việt sử ký toàn thư” thấy mô tả các vị vua Việt hầu hết đều có “dáng rồng, mắt phượng” hay có “mặt rồng, râu rồng”. Điển hình tả vua Lê Thái Tổ “đi như rồng, bước như hổ”. Ấy nhưng trong sách “Lam Sơn thực lục”, được biên soạn ngay lúc nhà vua đang tại vị và còn được vua đích thân viết bài tựa, lại mô tả nhà vua có tướng lạ: “tóc, lông đầy người, tiếng vang như chuông; ngồi như hùm ngồi”, tướng này khiến “kẻ thức giả biết là bậc người cực sang”.

Một vị vua khác cũng được sử sách miêu tả mọc lông đầy người là Lý Thần Tông. Dã sử cho biết đến năm 21 tuổi, nhà vua bỗng nhiên phát bệnh lạ, trên người mọc đầy lông, lại còn hay ngồi xổm, cuồng loạn, miệng gầm gừ đáng sợ, dân gian cho là bệnh “hóa hổ”, các lương y trong triều, ngoài nước không sao chữa khỏi được. Phải đến khi tìm sư Nguyễn Minh Không, nhà sư nấu sôi một vạc lớn đựng nước, rồi dùng tay không quấy lên rồi tắm vua trong đó, bệnh vua mới khỏi. Cảm phục tài năng của Minh Không và cũng là để cảm tạ ơn cứu mạng của nhà sư, vua Lý Thần Tông phong cho ông là Quốc sư, được đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý, cấp cho nhà ở, ban lộc mấy trăm hộ và được miễn thuế má. Còn trong “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ viết vắn tắt rằng nhà vua: “Tuy thân mang ác tật nhưng rồi chữa lành, cũng là nhờ có ý trời cả”.

Ngày nay, y học thế giới chứng kiến nhiều trường hợp mắc bệnh “người mọc lông” và đã có giải đáp chính xác cho từng trường hợp. Như có những người từ bé đã mọc râu và lông khắp người, được xác định là bệnh “người sói” (hay Hypertrichosis, hội chứng Ambras, hội chứng người sói). Đây là một dạng bệnh lý hiếm gặp nhất thế giới với xác suất 1 triệu người mới có 1 người mắc. Bệnh này chứng kiến sự phát triển bất thường của lông, khiến nó bao phủ khắp mặt và cơ thể hoặc thành từng mảng nhỏ. Chứng này có thể gặp khi mới sinh ra hoặc trong quá trình phát triển. Các trường hợp nặng của bệnh này được chính thức gọi là “Hội chứng người sói” bởi vì vẻ bên ngoại của người bị bệnh giống như người sói. Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân gây ra hội chứng người sói có thể là do yếu tố di truyền về gen, gây đột biến nhiễm sắc thể. Đột biến di truyền này khiến các tế bào thường giết chết sự phát triển của tóc ở những vùng bất thường, chẳng hạn như mí mắt và trán, ở trạng thái kích hoạt.

Ngoài ra, một số ca bệnh khác chỉ mọc lông rất nhiều trên người khi bước vào tuổi thanh niên chứ không bị từ lúc còn bé. Đây lại là những trường hợp mắc hội chứng Cushing, một bệnh rối loạn nội tiết gây ra do sự tiếp xúc kéo dài với mức độ cao hormone cortisol của các mô trong cơ thể trong thời gian dài. Chứng bệnh này được đặt theo tên của bác sĩ người Mỹ Harvey Cushing, người đưa ra giải mã căn bệnh vào năm 1912. Theo các bác sĩ, hội chứng Cushing phổ biến nhất ở người lớn từ 20 - 50 tuổi. Ngày nay, chúng ta cũng không có các đầu mối cụ thể để có thể tìm ra chứng “lông, tóc đầy người” của các vị vua Lý Thần Tông, Lê Thái Tổ đến từ nguyên nhân bệnh lý nào.

Ngoài ra, theo mô tả từ tiểu thuyết lịch sử “Hoàng Lê nhất thống chí” của các tác giả thuộc Ngô gia văn phái, thì vua Quang Trung là người có mái tóc xoăn. Sách viết: “Quang Trung là người cao lớn, tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông. Kỳ lạ nhất là cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối, nó khiến nhiều người khi thấy đều run sợ, hãi hùng... không một người nào dám nhìn thẳng vào mắt ông”.

Tất nhiên, văn chương, sử sách thời xưa vẫn thường được viết với phương pháp ước lệ, phóng đại, thậm chí nhiều chi tiết bị sửa đổi theo ý đồ chủ quan, nên người đọc hậu thế cần phải cẩn thận suy xét, đối chiếu để tìm ra chân tướng sự việc.

Lê Tiên Long
.
.