“Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND”: Không gian mới của sự sáng tạo
Tại lễ phát động cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật (VH-NT) về hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND năm ngoái, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã tiên liệu đây sẽ là cuộc “ra quân” của các văn nghệ sĩ, để khai phá một vùng đất mới, một không gian mới cho sự sáng tạo.
Thật vậy, mặc dù cuộc thi diễn ra trong 5 tháng, nhưng đã có 232 tác phẩm truyện ngắn, bút ký, thơ, ca khúc, nhiếp ảnh… được gửi về Ban tổ chức. Một số tác giả đạt giải cao đã chia sẻ những động lực tinh thần khiến họ hào hứng khai thác mảng đề tài mới mẻ này.
Trải nghiệm thú vị
Là tác giả đạt Giải A với truyện ngắn “Phía khuất”, Trung tá Bùi Tuấn Minh – (Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 1) cho biết lý do anh tham gia cuộc thi sáng tác VH-NT về đề tài Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND bởi nhận thức được viết về đồng đội là một vinh dự, đồng thời là trách nhiệm của người cầm bút trong lực lượng CAND. Bên cạnh đó, anh có lợi thế là sự thấu hiểu, đồng cảm nghề nghiệp, nên sáng tác sẽ lột tả được một cách chân thực nhất, rõ nét nhất về đồng đội mình.
Với truyện ngắn “Phía khuất”, anh đã dành nhiều tâm huyết trong quá trình sáng tác. Câu truyện được kể về một người lính Cảnh vệ từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia vào những năm 80. Trong cuộc chiến đó, với khả năng bắn tỉa và lòng dũng cảm của mình, anh đã cứu một cô gái người bản địa trước họng súng của quân Pol Pot, khi chúng chuẩn bị xử tử cô gái.
Quá trình trốn chạy bị quân địch truy đuổi đã xảy ra nhiều tình huống, sự việc, anh cứu cô thêm một lần nữa, nhưng chính anh lại trúng đạn, bị thương nặng. Anh được điều trị và trở về Việt Nam, làm công tác huấn luyện tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Sau đó, tình hình chính trị Campuchia diễn biến phức tạp, anh lại được điều sang làm nhiệm vụ quốc tế. Tại đây cuộc chiến mới diễn ra phức tạp và nguy hiểm hơn, với nhiều âm mưu, thủ đoạn nhằm vào bản thân anh cùng đối tượng anh có nhiệm vụ bảo vệ. Trong lần đối đầu với một kẻ ám sát, anh đã được cô gái năm xưa cứu. Nội dung tư tưởng của câu chuyện Trung tá Minh muốn gửi tới độc giả là người chiến sĩ Cảnh vệ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn luôn tỉnh táo, kiên trung, trung thành với Tổ quốc, không bị những “viên đạn bọc đường” lung lạc làm chuyển hóa, phản bội mục tiêu, lý tưởng mà mình phụng sự. Bên cạnh đó, tác giả muốn truyền tải thông điệp về tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa hai quốc gia, dân tộc.
Chia sẻ về hành trình sáng tạo, Trung tá Minh nói, Cảnh vệ từ trước đến nay luôn là lực lượng bí ẩn, bởi vì nhiệm vụ của họ đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến an nguy của lãnh đạo cấp cao, ảnh hưởng đến an ninh chính trị của quốc gia, dân tộc. Chính sự bí ẩn đó lại càng kích thích sự tò mò. Anh cho biết mình thật tâm muốn khám phá mảng đề tài này. Tuy nhiên, giống như các tác giả khác, việc tiếp cận nguồn tư liệu, tìm kiếm chất liệu để viết về lực lượng Cảnh vệ thực sự là một khó khăn, thách thức.
“Vừa qua, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh vệ CAND, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã “mở cửa” thông tin, cho phép các tác giả tiếp cận công việc, nhiệm vụ hàng ngày của người lính Cảnh vệ. Đây là một cơ hội “vàng” đối với một người đang khát khao tìm hiểu và sáng tác như tôi. Vậy là tôi đã tham dự Trại sáng tác VH-NT, được tiếp cận nguồn thông tin, tư liệu quý về cuộc sống, chiến đấu của những người lính tại lực lượng đặc biệt này, nên quá trình sáng tác rất thuận lợi và đầy cảm hứng. Đối với tôi, lực lượng Cảnh vệ CAND thật sự là những người anh hùng thầm lặng” - Trung tá Minh nói.
Mối duyên Thơ và Nhạc
Trong số các ca khúc đạt giải B (không có giải A), tác phẩm “Tự hào lá chắn thép” của Nhạc sĩ Quỳnh Lệ (tức Huỳnh Thị Lệ, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam), phổ thơ Đào Trung Hiếu (Báo CAND), đã dành được nhiều lời khen ngợi từ Ban giám khảo.
Lý do ca khúc này đến với cuộc thi khá thú vị. Bà Lệ cho biết mình là người rất yêu thơ, nên có nhiều bạn thơ và cũng thường phổ nhạc cho thơ của họ. Mùa thu năm ngoái, Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh – (Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, một người bạn thơ ở Hà Nội) đã nhắn tin nhờ bà Lệ gấp rút phổ nhạc cho bài thơ “Lá chắn thép” của tác giả Đào Trung Hiếu thành bài hát dùng trong vở kịch nói “Cận vệ” do chính anh Hiếu biên kịch. Lúc này bà Lệ và anh Hiếu vẫn chưa biết nhau, nhưng do nể bà Hạnh nên nhạc sĩ nhận lời.
“Tôi bắt đầu công việc bằng việc đọc kịch bản “Cận vệ” của anh Hiếu và các bài báo viết về lực lượng này. Khi đã hiểu được đặc thù của công tác Cảnh vệ, đồng thời thấy những hy sinh, cống hiến lặng thầm và cao cả của họ vẫn chưa được tôn vinh xứng đáng thông qua nghệ thuật, bởi sự khu biệt trong lĩnh vực này… thì tôi càng thấy yêu quí hơn và nghĩ mình phải viết thật tốt ca khúc này để làm một món quà tinh thần tặng anh em Cảnh vệ”- Nhạc sĩ Quỳnh Lệ chia sẻ.
Được biết, khi bắt tay vào công việc, nhạc sĩ và tác giả thơ đã thường xuyên trao đổi với nhau qua Zalo về nội dung ca từ cũng như nhịp điệu/ tiết tấu của bài hát.
Họ đã thống nhất chia nội dung ca khúc thành 2 phần chính. Khổ một là lời người lính Cảnh vệ nhắn nhủ với vợ con qua “thần giao cách cảm” lúc hy sinh. Khổ cao trào là điệp khúc ngợi ca, tôn vinh ý nghĩa cao cả, vinh quang của người lính sẵn sàng chết để bảo vệ sự sống, là lời nhắn nhủ người con hãy tiếp bước cha để cống hiến, phụng sự Tổ quốc.
“Ban đầu tôi viết từ nhịp 3/4 Boston/ Valse, xong nghe thử thấy tuy dìu dặt tình cảm mà thiếu sự sâu lắng và mạnh mẽ, nên tôi đã chuyển qua nhịp 6/8 chơi slow rock để chuyển tải sắc thái tốt hơn và đoạn điệp khúc chơi kịch tính hơn. Đoạn A: chậm vừa - tempo khoảng 75- 80. Đây là sự chia sẻ giữa 2 hai cha con - như là thần giao cách cảm, khi người cha đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân.
Đoạn B: tiết tấu dồn dập, mạnh mẽ kịch tính (tempo 100). Đoạn C tiết tấu chậm lại như đoạn A, nhưng đầy chất kiên cường, tự hào…”- Nhạc sĩ Quỳnh Lệ kể.
Bản nhạc hoàn thành, bà Lệ gửi tác phẩm cho bên hòa âm, phối khí, mời ca sĩ Đào Mác thu âm. Công việc xong xuôi thì anh Hiếu báo tin Nhà hát CAND đã mời nhạc sĩ ngoài Hà Nội viết nhạc cho vở kịch “Cận vệ” rồi, nhưng đã mất công sáng tác thì nên gửi ca khúc cho Ban tổ chức cuộc thi sáng tác VH-NT của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ xem sao. Bà Lệ thuận theo, và thế là, một ca khúc ban đầu không trong dự kiến tham gia cuộc thi, đã vượt qua nhiều tác phẩm dự thi để giành ngôi Á quân.
Chất liệu vàng ròng
Tôi đã đọc nghiến ngấu bút ký “Chuyện về người lính cảnh vệ” của Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong. Cảm xúc khi dừng mắt, đó là Ban giám khảo cuộc thi đã rất chính xác khi chấm giải B cho tác phẩm này.
Trong bút ký, ông kể tung tẩy, dồi dào chi tiết đắt giá về hành trình bảo vệ chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của vợ chồng Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 2000. Câu chuyện thứ hai trong bút ký là việc bảo vệ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong đêm động đất ở Indonesia vào tháng 8/2007. Qua các sự kiện có thật đã xảy ra, bản lĩnh và tấm lòng kiên trung của lính cảnh vệ CAND đã hiện lên ngời sáng, không cần tô vẽ.
Điều làm nên sự đặc sắc của bút ký này, chính là vì tác giả Như Phong được tháp tùng đoàn với vai trò nhà báo trong cả 2 sự kiện đó, nên ông đã kể bằng lối trần thuật của người trong cuộc. Trong bài ngập tràn những chi tiết đắt giá, ít người được biết, lấp lánh như vàng ròng. Tôi nghĩ do óc quan sát tinh tế, khả năng ghi nhớ sự kiện, lối kể chuyện ly kỳ của những cây bút bậc thầy, đã làm nên thành công của tác phẩm.
Nhà báo Như Phong kể, ông “khởi nghiệp” viết về người lính Cảnh vệ từ năm 1990 bằng phóng sự “Khi lính cảnh vệ đi… bán kem”- đăng trên báo CAND. Bài báo đã gây ra một cơn “địa chấn” nhỏ trong lực lượng Công an khi đó. Chuyện là có một số CBCS lực lượng này vì hoàn cảnh quá khó khăn nên phải kiếm thêm bằng cách đi bán kem, bán xăng ở khu vực quanh Lăng Bác. Không ai có thể nghĩ rằng những người lính Cảnh vệ hồi ấy lại có cuộc sống cơ cực đến thế. Sau khi phóng sự được đăng, các cơ quan chức năng đã họp và quyết định tăng phụ cấp cho anh em Cảnh vệ.
Trong những năm làm báo CAND, ông thường đi viết về lực lượng Cảnh vệ và được lãnh đạo Bộ Tư lệnh coi như “quân nhà mình”… Thậm chí còn được dự những cuộc họp bàn phương án bảo vệ; được đi chụp ảnh một số cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Bộ Tư lệnh với mật vụ Mỹ, Nga, Trung Quốc… Do yếu tố “người nhà” nên ông từng được đặc cách cấp cho một chiếc thẻ “Cảnh vệ”… Nhưng báo hại là mỗi khi đeo chiếc thẻ ấy đến sự kiện có Cảnh vệ canh gác thì lập tức ông bị giữ lại và chất vấn “tại sao có chiếc thẻ này”. Thế là lại phải giải thích. Mặc dù quá biết mặt ông, nhưng lúc ấy anh em Cảnh vệ coi như người xa lạ, có nói thế nào họ cũng không tin và phải xác minh qua lãnh đạo đơn vị. Sau hai lần bị giữ tại trạm kiểm tra an ninh như vậy, ông đã đem trả chiếc thẻ ấy.
“Viết về người lính Cảnh vệ hay công tác Cảnh vệ là điều cực kỳ khó khăn. Nghề nghiệp và trách nhiệm đã tạo cho họ tính nguyên tắc rất cao. Bạn đừng trông mong gì vào các mối quan hệ, sự quen biết để lọt qua hàng rào Cảnh vệ vào nơi diễn ra sự kiện, nếu như không có đủ các thủ tục cần thiết. Khi vào việc, với lính Cảnh vệ, hình như không còn có khái niệm "chiến hữu". Tôi là người cực kỳ thấu hiểu điều này” – Nhà báo Như Phong chia sẻ.
Khoảnh khắc vào thơ
Chùm thơ 3 bài “Dấu chân mặt trời”; “Lá thư trên Đồi A82”; “Phiên gác thao trường” của tác giả Lữ Mai – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã đạt giải B trong cuộc thi. Kể về quá trình sáng tác, chị cho biết trong những ngày ở Trại sáng tác của Bộ Tư lệnh cảnh vệ, dù thời gian có phần gấp gáp, trải nghiệm cũng còn hạn chế, nhưng với tình yêu mộc mạc của mình dành cho đề tài, nguyên mẫu… chị đã sáng tác chùm thơ dự thi kèm theo một truyện ngắn trong khoảng thời gian khá nhanh. Cảm xúc, thi ảnh ùa đến bất ngờ. Từ hình ảnh một giọt sương soi mình qua vỏ đạn, hình ảnh hoa ô môi nở trên Đồi A82 tưởng niệm những người lính kiên trung… Có những chi tiết thật nhỏ, tưởng chừng thoáng qua gắn liền với hình ảnh người chiến sĩ Cảnh vệ, nhưng đối với thơ ca thực sự quý giá.
“Tôi nghĩ rằng, khi trong lòng mỗi người đã sẵn có tình yêu, niềm tin và thao thức thường trực thì luôn có cách để những thi ảnh bật ra theo ngôn ngữ, cách thức rất riêng. Cuộc thi không chỉ mang đến cho tôi cơ hội được trải nghiệm, thử sức, mà đó như một lời nhắc nhớ người viết về những đề tài quan trọng, hướng tới sự hy sinh thầm lặng mà cao cả, đó là nguồn chất liệu cần được khai phá, quan tâm một cách rõ ràng hơn, sốt sắng hơn” – Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.