“Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ…“

Chủ Nhật, 06/03/2022, 22:30

Dẫu chẳng ai nói ra đâu, nhưng trong thâm tâm mình, với lòng tự hào và niềm kiêu hãnh kín đáo, các thế hệ người dân làng Đặng Xá cho rằng, họ đã thật may mắn khi được trời đất ban cho cái cơ duyên sinh ra tại cái chốn thôn quê thôn dã, nơi phát tích ra cái gánh chèo làng nổi tiếng một thời: Đặng Xá!

Nằm trong vùng đất thuộc cái nôi của nghệ thuật hát chèo vùng châu thổ sông Hồng, cái gánh chèo làng lừng danh khắp trong Nam ngoài Bắc một thời chưa xa ấy đã tạo cơ hội  giúp Nguyễn Bính có một nguồn năng lượng cảm xúc sáng tạo vi diệu để nhà thơ cho ra đời bài thơ “Mưa Xuân” đạt tầm vóc cổ điển. Mà trong đó có những câu thơ mang phong vị thôn quê dân dã đã trở nên bất hủ:

dinh.jpg -0
Đình làng Đặng Xá

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo: thôn Đoài hát tối nay…”.

Anh Đặng Công Dũng, chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng bồi hồi với dòng ký ức, những năm đầu thế kỷ 20, huyện Mỹ Lộc của tỉnh Nam Định từng là “đất” của ba gánh chèo làng nức tiếng thơm gần xa. Ấy là gánh chèo làng Quang Sán. Rồi thì chèo Đặng Xá. Nữa là gánh chèo Nhân Huế. Trong số đó, gánh chèo làng Đặng Xá nổi đình nổi đám hơn cả.

“Hồi xửa,… hồi xưa”, làng Đặng Xá có tới mười thôn cả thảy. Nhưng thật lạ kỳ, cho đến bây giờ vẫn chưa một ai hiểu vì duyên do gì mà bấy giờ, người dân của cả mười thôn đều có chung một tên họ: Đặng! Thế nên người ta mới dùng tên họ chung của mình đặt cho tên làng: làng Đặng! Đấy cũng chính là cái lý do cho câu thơ: “Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ…” của nhà thơ Nguyễn Bính, là thế!

mot.jpg -0
Một thời vàng son của gánh chèo làng Đặng

Vốn nằm trong cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống Bắc Bộ nói chung và miền thành Nam nói riêng, thế nên ngay từ những ngày đầu tiên ra mắt, gánh chèo làng Đặng đã có sự góp mặt đông đảo của các nghệ sĩ chân lấm tay bùn với nhau cả. Chân quê đấy, nhưng họ lại là những diễn viên, nhạc công đầy tiềm năng, khát vọng cống hiến và cũng không ít sự chuyên nghiệp.

Bồi hồi sống lại với miền ký ức  thời “thanh niên sôi nổi” của mình, lão nghệ sĩ “chân đất” Đặng Mạnh Yêu, người đã  tri âm tri kỷ với gánh chèo làng từ “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy” bỗng ngàn ngạt giọng: “Ngày ấy anh chị em chúng tôi phần lớn đều mười chín đôi mươi cả. Vì sự nghiệp kháng chiến kiến quốc lúc bấy giờ, sau đó là công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, khó khăn hay vất vả thế nào cánh tôi cũng chả bao giờ tính đếm. Cứ vô tư nhiệt tâm mà cống hiến cho quốc gia đại sự và địa phương mình bằng những câu chèo cổ thôi!”.

hoi.jpg -0
Hội chèo làng Đặng trong dịp khai Xuân năm nào

Cụ Yêu kể, ngày đó, gánh chèo làng Đặng có hơn 30 diễn viên, nhạc công. Ban ngày, những người nghệ sĩ chân lấm tay bùn mà hát hay múa dẻo ấy chăm chỉ mưu sinh với trăm thứ việc nhà nông. Đêm đến mặc cho bom rơi đạn nổ gần xa, kệ cho những tiếng gầm rú xé nát bầu trời của máy bay địch… họ lại hồn nhiên tự tin hóa thân thành những chàng Trương Viên, những Lưu Bình Dương Lễ, những Vua sáng tôi hiền...

Rồi thì vẫn là họ, những nghệ sĩ - nông dân ấy thành anh bộ đội Cụ Hồ. Nữa là những bà mẹ chiến sĩ cả một đời chỉ biết thờ chồng nuôi con nguyện dâng hiến cho sự tồn vong, hưng thịnh của đất nước. Đây nữa, họ đấy, những diễn viên ban ngày tay súng tay cày, đêm đến, dưới ánh đèn măng - xông bỗng thành cô dân quân nết na xinh đẹp “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Tiếng trống chèo của gánh chèo làng Đặng tạo nên một thứ xung lực vô biên, đóng góp vào "chín năm kháng chiến trường kỳ” với dấu son chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Và sau đó là công cuộc “vì miền Nam ruột thịt” với đại thắng mùa Xuân 1975. Gánh chèo truyền thống làng Đặng không chỉ là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca mà hơn thế, nó còn là nét vàng son trong bộ tổng tập lịch sử giữ nước của dân tộc!

*

Đôi mắt vốn tinh anh đầy mẫn cảm của lão nông - nghệ sĩ Đặng Mạnh Yêu bỗng như loang loáng nước. Và rồi bất giác ghìm một cái thở nặng, người diễn viên năm nào của gánh chèo làng Đặng chợt cất cái giọng rầu rầu: “Chả ngờ cái thời vàng son huy hoàng ấy của gánh chèo làng tôi nó trôi qua nhanh thế. Mấy mươi năm mà chỉ như cái chớp mắt mà thôi. Cánh chúng tôi giờ khác nào những đám cây tre già trơ bộ rễ xơ xác. Nhưng mong mỏi mãi mà chả thấy măng nào chịu đâm chồi nảy lộc. Rồi thì hoạt động của gánh chèo truyền thống cũng chả được quan tâm đúng mức. Rã đám thật rồi anh ơi!”.

o.jpg -0
Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng những diễn viên của hội chèo làng Đặng vẫn thường xuyên ôn lại những tích chèo cổ

Nói xong câu ấy, cụ Đặng Mạnh Yêu run run dùng cái mu bàn tay nhăn nheo xương xẩu dụi vào hai bên khóe mắt. Và người nghệ sĩ ấy từ từ ngước nhìn tôi bằng đôi mắt hoang mang, bấn loạn thật khó có bút lực nào lột tả cho hết. Rồi thì chốc lát sau, cụ Yêu chợt nhớ lại sau một cái chẹp miệng đầy tâm trạng.

Rằng thì, bắt đầu từ những năm 1980 của thế kỷ trước cũng chính là lúc chèo làng Đặng bắt đầu có dấu hiệu chững lại, nhạt nhòa đi. Hàng tối, chiếu chèo vẫn trải nơi sân đình mời gọi làng trên xóm dưới đấy. Nhưng mà “nghe tiếng trống chèo” nào có mấy người còn thiết tha “bế bụng đi xem” như ngày nào nữa.

Bây giờ cả làng Đặng chỉ còn hai xóm giữ được cái không khí hát chèo thôi. Mà thật ra thì đó chỉ là hai tổ chèo với số thành viên lèo tèo đếm chưa đầy mười đầu ngón tay. Mà họ cũng đều là các bậc cao niên thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Những “cây cao bóng cả” ấy tập hợp nhau lại bằng tinh thần “người thổi tù và hàng tổng” với khát vọng nhân văn mong manh như  sợi tóc, ấy là: giữ cho được tiếng - hát - chèo - của  - để - dành - vô - giá  mà cha ông để lại được ngày nào hay ngày đó.

nhung.jpg -0
Những người cuối cùng còn hát chèo ở làng Đặng

“Chả muốn giấu anh, thật tình cánh già chúng tôi đều có chung tâm niệm thế này. Ấy là cố gắng mang tý “sức cùng lực kiệt” của mình để giữ cho được những làn điệu chèo cổ!” - Nghệ sĩ Đặng Mạnh Yêu tiếp lời gan ruột sau một cái thở dài -  “Làm được điều đó thì thiên hạ người ta sẽ không thể cười nhạt một tiếng rồi bĩu môi mà rằng: “Tiếng là đất chèo trời ban, nhưng giờ người làng Đặng đang “ăn mày dĩ vãng” bằng câu thơ “Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” của cụ Nguyễn Bính chứ “hương đồng gió nội bay đi hết rồi”, đào đâu ra chèo với chống nữa”. Câu nói vừa tắt, người nghệ sĩ già nhệch miệng cười héo hon.

*

Cô thôn nữ Đặng Thị Thắm với làn môi thắm và đôi lúm đồng tiền cùng nụ cười nữ tính thường trực mới năm nào chuyên sắm vai đào thương trong các vở chèo cổ - kim nay đã lên chức bà, chức cụ của đám cháu nội ngoại, song vẫn say chèo hơn cả điếu đổ, cứ như cái thuở lần đầu “phải lòng mặt” anh chàng hàng xóm cách nhà mình “cái giậu mồng tơi xanh rờn”.

“Nói ra chắc nhà báo chả thể tin nổi đâu, anh chị em chúng tôi đồng lòng duy trì được tổ chèo đến được giờ phút này là bằng cái tâm. Làm gì có đồng cắc nào hỗ trợ đâu ạ!” -  Bà Thắm bộc bạch - “Ngày đêm chỉ mong sao giữ lại được tiếng hát chèo của quê hương. Rồi thì truyền lại tình yêu chèo cho con cháu mai sau. Nhưng xem ra “lực bất tòng tâm” mất rồi bác ạ!”.

Bà Thắm kể, ngay trong gia đình, dòng họ nhà mình không phải không có những thành viên có sẵn “chất chèo” bẩm sinh. “Nhưng hễ cứ nói đến việc kèm cặp để yêu chèo đến nơi thì chúng nhảy dựng đứng lên còn hơn đỉa phải vôi với cái mặt lạnh tanh mà giả nhời rằng “chỉ có “những âm lịch” mới hát chèo thời buổi vi tính này. Đấy, bác tính như thế thì có khổ cái thân em không cơ chứ!” - Bà Thắm cười  méo xệch - “Đám trẻ bây giờ yêu làng, thương xóm theo cái cách thực tế riêng của chúng bác ạ. Nào đâu chúng có ghét bỏ gì cái món chèo truyền thống ạ. Nhưng mình chả thể “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” được!”

Chia sẻ với trăn trở của bà Thắm, chủ tịch Đặng Công Dũng trải lòng: “Thật ra việc truyền nghề và đào tạo lớp diễn viên kế cận cho gánh chèo làng Đặng khó mà dễ. Khó ở chỗ, thời 4.0 không phải ai cũng sẵn lòng đam mê, tâm huyết với tiếng hát chèo, dù người ta vẫn cứ nặng lòng với văn hóa truyền thống. Dễ ở chỗ, nếu có được chính sách đãi ngộ hợp lý cũng như những biện pháp cổ vũ kịp thời thì chắc cũng chả thiếu những người trẻ sẽ sẵn sàng dũng cảm góp mặt “hồi xuân” lại gánh chèo truyền thống làng Đặng đâu!”.

“Được lời như cởi tấm lòng”, thần thái của cô đào thương gánh chèo làng Đặng năm nào bỗng sáng bừng lên đầy tươi trẻ. “Bác chủ tịch xã đã có nhời vậy thì nhà em xin vô phép hỏi thật câu này nhá” - Bà Thắm bỗng không dám thở mạnh - “Không muốn hồn cốt của làng bị mất đi thì các bác có nên tìm cách vực lại gánh chèo làng Đặng ta không. Vậy chẳng hay đến bao giờ thì “Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” để cho nhà em lại được nghe mẹ bảo: “thôn Đoài hát tối nay” vậy ạ?”.

Lê Công Hội
.
.