Hồi sinh nhà vườn, nhà rường cổ để giữ “đặc sản” Huế

Thứ Sáu, 24/02/2023, 20:54

Cách trung tâm TP Huế 50km theo hướng Bắc, làng cổ Phước Tích tọa lạc tại xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nằm bên dòng Ô Lâu thơ mộng, hiền hòa nối giữa 2 địa phương Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, Phước Tích là làng cổ thứ 2 ở Việt Nam được công nhận là Di tích cấp quốc gia sau làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội).

Khác với những ngôi làng ở Huế, bên trong các ngôi nhà vườn ở Phước Tích đều có hệ thống nhà rường cổ với quần thể kiến trúc độc đáo thể hiện qua những nét chạm trổ công phu, tinh xảo với những hình ảnh tứ linh, bát bửu, mai, lan, cúc, trúc, mây…

Nhà rường ở làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích trải qua nhiều tên gọi khác nhau. Ban đầu làng có nhiều tên gọi khác nhau như là Phúc Giang - mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc hay Hoàng Giang - để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng. Đến đời Vua Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích - như là mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu.

một nhà vườn đặc trưng nằm trên đường nguyễn chí thanh, tp huế..jpg -0
Nhà vườn là di sản kiến trúc, văn hóa của Huế, là nơi bảo tồn thuần phong mỹ tục của người Huế

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, trải qua nhiều biến động của lịch sử và thiên tai, nhiều nhà rường cổ ở Phước Tích bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có một số nhà có nguy cơ sụp đổ. Hiện, làng cổ Phước Tích còn lại 26 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 120 năm tuổi.

Trước nguy cơ xóa sổ hệ thống nhà cổ độc đáo ở Phước Tích, năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp bách thực hiện đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, nhà rường cổ”. Từ năm 2017 đến đầu năm 2023, có 20/26 nhà rường cổ ở làng Phước Tích đã kịp thời tu bổ, tôn tạo với kinh phí 15 tỷ đồng (từ ngân sách của tỉnh và huyện). “Việc hồi sinh các nhà rường cổ trước nguy cơ xóa sổ đã tác động rất kịp thời và hiệu quả trong việc chống xuống cấp các di sản tại làng cổ; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân làng cổ Phước Tích và chính quyền địa phương trong việc trùng tu, tôn tạo và bảo vệ, phát huy giá trị di sản của làng cổ hơn 500 năm tuổi. Không dừng lại ở những giá trị nghệ thuật, nhà rường còn là biểu tượng cho truyền thống của sự nối tiếp nhiều thế hệ trong gia đình, dòng họ”, ông Hồ Đôn cho hay.

nha-vuon5.jpg -0
Nhà rường cổ của ông Lê Trọng Phú là điểm tham quan, trải nghiệm của học sinh trong và ngoài tỉnh

Chúng tôi đến thăm nhà rường cổ 130 năm tuổi của ông Lê Trọng Phú, một trong những ngôi nhà đầu tiên được tu bổ vẫn nguyên vẹn kiến trúc độc đáo. Gần đây, nhà ông Phú được nhiều du khách tìm đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử. Đặc biệt, các trường học ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đã tổ chức cho hàng chục ngàn học sinh đến đây để tham quan, trải nghiệm làm bánh, hòa mình vào thiên nhiên. Cách đó không xa, ngôi nhà rường cổ của ông Hồ Văn Tề (78 tuổi) sau nhiều năm “cửa đóng then cài” do xuống cấp nghiêm trọng thì sau khi được tu bổ, cửa nhà ông luôn rộng mở để đón khách.

Đến tham quan nhà rường cổ của ông Hồ Văn Tề, chị Jenny, một du khách Úc cho biết: “Trước khi đi du lịch ở đất nước Việt Nam, tôi và nhóm bạn đã tìm cho mình một số địa danh du lịch nổi tiếng có trên bản đồ. Khi đến với làng cổ Phước Tích, được gặp những người nông dân chân chất, mộc mạc giữa làng quê cổ kính xinh đẹp, lãng mạn khiến chúng tôi rất ấn tượng. Nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ tiếp tục quay lại thăm làng cổ Phước Tích”.

Ông Tề kể: “Khoảng chừng 12 năm về trước, ngôi nhà cổ hơn 120 năm tuổi của gia đình tôi đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều kết cấu ngôi nhà gần như bị đổ nát... nhưng gia đình không đủ nguồn lực để bảo tồn. Năm 2018, gia đình tôi đã được Nhà nước hỗ trợ 700 triệu đồng và được các chuyên gia về trùng tu di tích hỗ trợ bảo tồn. Sau khi bảo tồn, ngôi nhà của tôi trở về với những đặc điểm vốn có của nhà rường Huế đặc trưng, góp phần bảo tồn cho loại hình nghệ thuật kiến trúc nổi tiếng của làng Phước Tích”.

Hồi sinh nhà vườn, nhà rường cổ để giữ “đặc sản” Huế -0
Một trong những nhà rường có tuổi đời trên 100 năm tuổi ở làng cổ Phước Tích đã hồi sinh

Ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, từ khi các nhà rường cổ ở Phước Tích được hồi sinh thì lượng du khách đến với làng cổ tăng đột biến. Bên cạnh tham quan làng cổ miễn phí, du khách còn được cùng với người dân tham gia làm gốm, làm các loại bánh Huế như: bánh ít, bánh lọc, bánh nậm hay cùng người dân trải nghiệm tại chợ quê, được tham quan làng cổ bằng xe đạp…

Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế”, ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, thương hiệu nhà rường Huế chưa được phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả so với tiềm năng, giá trị hiện có. Vì vậy, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nghệ nhân… cần hiến kế để giúp Thừa Thiên - Huế xây dựng nhà rường Huế trở thành biểu tượng của vùng đất Cố đô và là thương hiệu gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng…

“Níu giữ” nhà vườn đặc trưng trước nguy cơ mai một

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện, toàn tỉnh đang lưu giữ hàng trăm nhà vườn (còn gọi là phủ phòng), trong đó có hơn 50 ngôi nhà được xem là di sản có một không hai của nhân loại. Kiến trúc phủ phòng phản ánh văn minh, văn hóa cố đô Huế thế kỷ 19… Nhà rường là một bộ phận quan trọng làm nên nhà vườn đặc trưng xứ Huế, mang giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử đặc sắc. Còn ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói rằng nếu có một ngày nào đó nhà rường Huế biến mất thì đồng nghĩa với việc thành phố vườn sẽ mất đi. Huế không còn là Huế nữa.

Theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, hệ thống nhà vườn Huế được hình thành và phát triển từ thời nhà Nguyễn. Ở thời kỳ này, các hoàng tử, hoàng thân, công chúa, quý thích và các đại quan thường được cấp đất lập dinh cơ riêng theo kiến trúc nhà vườn. Các nhà vườn này được xây dựng theo mô hình như không gian kiến trúc Kinh thành Huế thu nhỏ. Tùy theo chức tước, địa vị của chủ nhân mà diện tích, quy mô mỗi nhà vườn cũng khác nhau. Hình mẫu nhà vườn này dần dần được các thương gia, những người giàu có đầu tư xây dựng theo, khiến hệ thống nhà vườn Huế ngày càng phát triển, tạo nên một nét văn hóa, kiến trúc riêng có của Huế.

Hồi sinh nhà vườn, nhà rường cổ để giữ “đặc sản” Huế -0
Du khách nước ngoài đến làng cổ Phước Tích ngày càng đông

Hiện, Thừa Thiên - Huế còn có khoảng 1.000 nhà vườn, trong đó tập trung nhiều nhất ở các phường: Kim Long, Vỹ Dạ, Gia Hội, Thủy Biều (TP Huế) là nơi tập trung nhiều nhà vườn nhất. Các khu nhà vườn này rộng từ vài trăm đến vài ngàn mét vuông, vườn thường được bao quanh bằng các hàng chè tàu được cắt tỉa tươm tất. Trong khu nhà vườn có nhà rường làm bằng gỗ quý được chạm khắc tinh xảo. Nhà rường có nhiều loại, gồm 1 gian 2 chái, 3 gian 2 chái, 5 gian 2 chái, bên trong có sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối, đồ cổ. Trong vườn gồm có sân vườn, bể cạn, hòn non bộ, bình phong, giếng nước… Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa cộng với trải qua những thăng trầm lịch sử, thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều nhà vườn đặc trưng ngày càng rơi, rụng dần.

Trước thực trạng này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng theo tiêu chuẩn. Trong đó, tập trung ưu tiên những chính sách hỗ trợ để thực thi hiệu quả những kết quả đã đạt được gắn với sinh kế, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, chủ nhà vườn, nhà rường cổ, các doanh nghiệp kinh doanh phát triển dịch vụ du lịch gắn với nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ tại tỉnh. Tùy theo quy mô, vị trí, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, hiện trạng…; mỗi nhà vườn đặc trưng Huế được hỗ trợ từ 400 - 700 triệu đồng để trùng tu, hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao giá trị hình ảnh cố đô Huế.

Thời gian qua, đã có 38 nhà vườn đặc trưng ở Huế sau khi trùng tu đã đưa vào khai thác, phát triển kinh doanh dịch vụ, du lịch, như: tham quan, lưu trú homestay; thưởng thức ẩm thực truyền thống Huế; ngâm chân với cây dược liệu có sẵn trong vườn; tour xe đạp khám phá cuộc sống, các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc của cộng đồng dân cư và nghề truyền thống Huế; tìm hiểu về lịch sử văn hóa và con người Huế… Điển hình như các nhà vườn ở TP Huế của các ông: Đặng Văn Thành thu nhập 600 triệu đồng/ năm, Hồ Xuân Đài 400 triệu đồng/ năm, Phan Thuận An 400 triệu đồng/ năm, Hoàng Xuân Bậc 1 tỷ đồng/ năm…

Là ngôi nhà vườn có tuổi đời trên 200 năm, diện tích 17.000m2, ông Hồ Xuân Doanh ở tổ 13, phường Thủy Biều được hỗ trợ 700 triệu đồng để tu sửa và nâng cấp. Với số tiền hỗ trợ, gia đình triển khai đầu tư nâng cấp, sửa chữa toàn bộ hệ thống nhà rường, lát nền gạch hoa, thay mái ngói, sơn nhà, cải tạo vườn và trồng cây xanh. Ông Doanh cho biết, sau khi tu sửa nhà từ nguồn vốn của tỉnh, số lượng khách du lịch đến tham quan và thưởng thức các dịch vụ ngày càng đông. Sau đó, gia đình ông đầu tư thêm 500 triệu đồng để xây dựng thêm một căn nhà rường chuẩn Huế để đáp ứng nhu cầu khi số lượng khách đến tham quan. Hiện, gia đình triển khai cải tạo vườn, trồng mới thêm một số cây ăn quả, rau xanh để phục vụ du khách tham quan...

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc hỗ trợ trùng tu tôn tạo các nhà vườn đặc trưng và tạo kết nối các dịch vụ du lịch đã cải thiện đáng kể điều kiện sống của người dân. Bên cạnh đó, việc kịp thời tu bổ, tôn tạo nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao hình ảnh cố đô Huế và các bộ phận cấu thành hệ sinh thái đô thị - nhà vườn. Đồng thời làm tiền đề lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc bảo vệ di sản văn hóa Huế đặc trưng gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế - xã hội của địa phương.

Tô Ngọc Lan
.
.