Hướng đi nào cho những môn thể thao phi Olympic của Việt Nam?
Ở thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam đã khoanh vùng phát triển 17 môn trọng điểm, hướng đến sân chơi ASIAD và Olympic. Nhưng những môn còn lại sẽ đi theo con đường nào, và đâu là hướng phát triển để những môn "phi Olympic" tồn tại, cũng như phát triển trong tương lai?
Không thể không duy trì...
Theo Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, Cục Thể dục thể thao Việt Nam xác định 17 môn được đầu tư trọng điểm. Đây là những môn Việt Nam có thế mạnh ở sân chơi quốc tế, qua đó nhằm hướng đến sân chơi ASIAD và Olympic. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong bức tranh chung về thể thao thành tích cao Việt Nam.

Địa hạt của thể thao Việt Nam có trên dưới 50 môn thi đấu trong nước. Bên cạnh 17 môn trọng điểm là 30-35 môn còn lại, trong số đó là không ít môn "phi Olympic". Những môn này nếu xuất hiện ở sân chơi ASIAD cũng rất hiếm, khiến thành tích chung của đoàn Việt Nam thiếu ổn định. Số ít còn lại là một số môn Olympic nhưng Việt Nam không mạnh.
Việc phát triển những môn phi Olympic thực sự là vấn đề nan giải cho thể thao Việt Nam. Bởi, trong số những môn thể thao phi Olympic, có không ít môn mang dấu ấn lịch sử như Vovinam, Võ cổ truyền, Đá cầu; hoặc ngoại giao văn hóa trong khu vực như Muay, Pencak Silat. Dưới góc độ nào đó, những môn thể thao này cũng có tầm quan trọng không nhỏ.
"Khi một môn mới được đưa vào hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao của Việt Nam, môn đó phải đảm bảo nhiều tiêu chí. Một trong số ấy là cơ hội cạnh tranh huy chương sòng phẳng, công bằng cho nhiều đơn vị, chứ không tập trung vào một vài bên. Nhiều môn thể thao phi Olympic đáp ứng được tiêu chí đó", một HLV chia sẻ.
Ở sân chơi trong nước, những môn thể thao phi Olympic là cơ hội giúp không ít đơn vị, tỉnh thành nhỏ có cơ hội cạnh tranh huy chương. Thành tích cũng là điều kiện then chốt để họ duy trì bộ môn, trước khi nghĩ tới việc phát triển sân chơi thể thao thành tích cao lên một tầm mới. Bởi, mọi người đều cần bộ môn "tồn tại" trước khi thực sự "sống".
Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho mô hình phát triển thể thao phi Olympic diễn ra ở Bình Định. Địa phương này và Quảng Ngãi được biết đến như "đất Võ" của Việt Nam. Một trong 2 VĐV Boxing Việt Nam đầu tiên dự Olympic là Đặng Hiếu Hiền, võ sĩ người Bình Định. Đó là kỳ Thế vận hội diễn ra vào năm 1988 ở Seoul, Hàn Quốc.
Đến đầu thập niên 90, Boxing bị loại khỏi chương trình thi đấu thể thao thành tích cao Việt Nam, thậm chí bị cấm suốt gần 1 thập niên. Nhiều VĐV, HLV Boxing khi ấy phải chuyển sang những môn võ khác như Võ cổ truyền. Bình Định chính là cái nôi của Võ cổ truyền Việt Nam, với nhiều võ sĩ đạt thành tích tốt ở sân chơi trong nước và quốc tế.
... Nhưng phải kiềm chế
Định hướng phát triển thể thao thành tích cao của Việt Nam, suy cho cùng, vẫn hướng đến những sân chơi lớn nhất là Olympic và ASIAD. Những môn thể thao phi Olympic cần tồn tại và phát triển, nhưng mặt khác, chúng không được "nở nang" quá mức. Bởi, việc hình thành tràn lan các đội thể thao phi Olympic có thể làm mất cân đối mô hình.

Trong những năm gần đây, hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao Việt Nam xuất hiện nhiều môn mới. Hầu hết trong số đó là môn thể thao phi Olympic. Chúng có thể đã xuất hiện ở ASIAD, nhưng không phải thế mạnh của đoàn thể thao Việt Nam, thậm chí giành 1 HCĐ ASIAD là rất khó. Không ít trong số đó là những môn võ như Sambo, Jujitsu, Kurash.
Một mặt, VĐV thi đấu ở những môn thể thao nói trên thường tập luyện song song một vài môn khác, như Judo. Họ chỉ thi đấu những môn mới như trên trong trường hợp có giải đấu quốc gia hoặc quốc tế. Một số địa phương xem đây là cơ hội để VĐV có thêm sân chơi, cũng như lấy thêm thành tích về cho đơn vị chủ quản trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Jujitsu là môn thể thao chịu nhiều chỉ trích trong thời gian gần đây về mô hình phát triển nóng. Môn võ này chưa có một đơn vị thống nhất quản lý, xây dựng hệ thống thi đấu ở tầm thế giới. Hiện có khoảng 2-3 liên đoàn cấp độ thế giới song song quản lý Jujitsu, khiến hệ thống thi đấu quốc tế giống như "ma trận" cùng vô số huy chương báo về.
Ở ASIAD, Jujitsu chỉ bao gồm hạng mục thi đấu Newaza-Gi (Vật khóa có mặc võ phục). Nhưng tại SEA Games và các giải quốc gia, cũng như một số giải quốc tế "vô địch châu Á" và "vô địch thế giới", môn này mở rộng ra rất nhiều hạng mục, bao gồm cả thi đấu biểu diễn. Vì thế, đánh giá thực chất khả năng phát triển Jujitsu tại Việt Nam là điều rất khó.
Trên thực tế, kể từ khi Jujitsu được đưa vào chương trình ASIAD 2018, Việt Nam chỉ giành được 1 HCĐ ở mỗi kỳ Á vận hội. Vì lý do trên, Jujitsu không được xem là môn tập trung phát triển hướng đến sân chơi quốc tế. Nhưng ở phạm vi quốc gia, số huy chương quá lớn tại mỗi giải trong nước khiến Jujitsu trở thành nơi bùng nổ số VĐV tham dự.
Một môn thể thao phi Olympic khác cũng có thể đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia trong thời gian tới là Võ gậy (Arnis). Tuy nhiên, khả năng phát triển Võ gậy như một môn thành tích cao là điều cần bàn kỹ. Võ gậy là môn cần đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, nhưng ngay từ sân chơi SEA Games, môn này chỉ mới xuất hiện 3 lần trong 20 năm qua.
Hướng đi mới
Những thông tin kể trên chỉ ra một điều: Môn thể thao "phi Olympic" sớm muộn sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nếu như chỉ hoạt động trong địa hạt thể thao thành tích cao. Vì thế, hướng phát triển cho những môn thể thao phi Olympic tại Việt Nam là khuyến khích mô hình xã hội hóa để tạo thêm sân chơi cho VĐV, cũng như tìm kiếm nguồn thu.

Thể hình là một trong những môn thể thao phát triển mạnh nhất tại Việt Nam thời gian gần đây. Môn thể thao phi Olympic này hiện không còn xuất hiện nhiều trong chương trình thi đấu SEA Games nữa, và rất khó trở lại ASIAD. Nhưng nếu xét về góc độ xã hội hóa thể thao, rất ít môn có thể sánh kịp với thể hình ở thời điểm hiện tại.
Bộ môn Thể hình ở nhiều địa phương không còn dựa vào ngân sách, thậm chí mang lại nguồn thu rất lớn. Ở Việt Nam, Thể hình cũng là môn mang về các khoản thu để hỗ trợ bộ môn Cử tạ, khi Liên đoàn Cử tạ và Thể hình Việt Nam chưa thể tách riêng trong tương lai gần. Doanh thu của Thể hình là thực chất, được công khai, minh bạch qua sổ sách.
Những lớp đào tạo HLV, trọng tài cấp quốc gia, theo nhiều mức khác nhau, là cơ sở giúp bộ môn Thể hình có kinh phí hoạt động. Họ cũng thường xuyên tổ chức giải, qua đó thu hút VĐV, HLV tham dự. Những tấm huy chương là cách tốt nhất để một số chủ phòng tập quảng bá cơ sở kinh doanh.
Một môn thể thao phi Olympic khác cũng có bước phát triển rất mạnh là Billiards. Sau một thời gian dài im ắng, Billiards đã trở lại với mức độ phổ biến rất rộng, đặc biệt tại một số thành phố lớn. Luật chơi đơn giản, cùng yêu cầu không quá lớn về nhân sự hay cơ sở vật chất, đã giúp các giải Billiards liên tục diễn ra.
Nhiều môn võ như Kickboxing, Muay, MMA cũng phát triển theo hướng xã hội hóa. Ở TP Hồ Chí Minh, Muay thậm chí đã nằm trong chương trình đào tạo giáo dục thể chất ở một số trường THPT và bậc Đại học. Nhưng nếu xét trong phạm vi các môn võ thuộc cấp độ phi Olympic, không môn nào có thể sánh bằng Vovinam về mức độ phổ biến hiện nay.
Vovinam, môn "quốc võ" của Việt Nam hiện được đưa vào giảng dạy ở một trong những trường đại học tư nhân lớn nhất Việt Nam từ nhiều năm trước. Những VĐV, HLV đẳng cấp kiện tướng của Vovinam Việt Nam, vì thế, có nguồn thu nhập ổn định thông qua hoạt động giảng dạy. Những con người gắn bó với Vovinam có thể sống khỏe bằng nghề, và đó là con đường duy trì phát triển thể thao bền vững nhất.
Pickleball, Cầu lông, Tennis, thể thao phong trào và thành tích cao
Trong 2 năm qua, Pickleball, một môn thể thao phi Olympic đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Sân thi đấu Pickleball mọc lên khắp nơi, thậm chí nhiều chủ đầu tư sẵn sàng bỏ sân tennis và cầu lông để kẻ thành sân Pickleball phục vụ khách hàng. Nhưng sau quãng thời gian tăng trưởng nóng, Pickleball đã dần đi vào ổn định.
Đánh giá về Pickleball ở Việt Nam, một HLV cho biết: "Môn thể thao này dễ tập, dễ chơi nên thu hút nhiều thành phần như nhân viên văn phòng. Ngoài ra, vì Pickleball mới xuất hiện ở Việt Nam nên môn này chưa có cơ quan quản lý rõ ràng, giải phong trào diễn ra ở khắp nơi nhưng gắn mác giải vô địch, mức độ cạnh tranh không cao".
Quả thực, lộ trình để Pickleball xuất hiện tại Olympic có thể kéo dài thêm 1-2 thập niên nữa. HLV kể trên (xin được giấu tên) cũng lưu ý, nhiều VĐV Pickleball hiện tại dịch chuyển từ Tennis sang, chỉ có một số rất ít VĐV cầu lông. Vì thế, những vấn đề từng xuất hiện với Tennis Việt Nam trong quá khứ có thể diễn ra với Pickleball sau này.
"Pickleball là môn thể thao phù hợp dùng để giao lưu, giải trí giữa những người chơi nghiệp dư với nhau. Đề cập đến Pickleball ở Việt Nam như một môn có thể phát triển thể thao thành tích cao trên tầm quốc tế là quá sớm vào lúc này. Squash (bóng quần) cũng gần giống Tennis, sẽ xuất hiện ở Olympic 2028 nhưng Việt Nam chưa làm, lại nhắc tới Pickleball là điều bất thường" HLV này kết luận.