Kéo vợ hay cướp vợ?

Thứ Ba, 15/02/2022, 15:28

Liên tiếp hai vụ việc "bắt vợ", hay “cướp vợ” tại Mèo Vạc (Hà Giang) và Sa Pa (Lào Cai) thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Đây có phải là một hủ tục cần dẹp bỏ vì vi phạm pháp luật về quyền con người hay là phong tục đẹp đang bị biến tướng, cần có sự nhìn nhận và điều chỉnh? Hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời ở các nhà nghiên cứu, luật sư để có cái nhìn khách quan về sự việc.

Ồn ào những vụ cướp vợ giữa đường

Ngày 7-2, tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, một bé gái đi chơi xuân đã bị một nam thanh niên còn khá trẻ khống chế, giằng co ở giữa đường trước sự chứng kiến của nhiều người. Mặc cho bé gái kêu la, phản đối, nam thanh niên vẫn không dừng lại và những người đứng xem cũng không có ý can thiệp vì cho rằng thanh niên này đang bắt cô gái về làm vợ theo tục của người Mông.

Kéo vợ hay cướp vợ? -0
Vụ cướp vợ vừa xảy ra ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Vụ việc tại Hà Giang chưa kịp lắng xuống thì chỉ sau vài ngày trên mạng xã hội lại lan truyền một đoạn clip chia sẻ về một cô gái trẻ ở Sa Pa, Lào Cai được cho là một nạn nhân của tục “bắt vợ”. Trong clip, cô gái bị nhóm thanh niên khoảng 5 - 7 người túm chặt tay chân “bắt về làm vợ”. Cô gái ra sức chống cự, bám chặt lấy chân bạn gái đi cùng. Có lúc cô ngồi thụp xuống, thậm chí nằm ra giữa đường bật khóc nhưng các thanh niên vẫn không dừng lại. Cô vẫn bị nhóm người tách ra và khiêng đi dưới trời mưa lạnh. Một số người cho rằng hai vụ việc này là phong tục “bắt vợ” của người Mông ở vùng núi phía Bắc. Song lại cũng có dư luận hết sức bức xúc cho rằng, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng tự do thân thể, luật hôn nhân gia đình, là một hủ tục cần dẹp bỏ?

Khi chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này, TS Dân tộc học Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - người có gần 50 năm gắn bó cùng đồng bào các dân tộc ở vùng núi phía Bắc nhắn tin: “Nhà báo đừng coi “bắt vợ” là hủ tục nhé, đây là phong tục đẹp đang bị hiểu sai, bị làm biến tướng. Cần điều chỉnh và gìn giữ”.

TS Trần Hữu Sơn chia sẻ, tục “kéo vợ” bản chất là một phong tục tích cực nhằm chống lại việc thách cưới cao của nhà gái, giúp cho đôi trai gái yêu nhau có thể đến được với nhau bất kể gia cảnh. Người con gái cũng chủ động tham gia “kéo vợ”. Ngày nay tục này vẫn còn, và bản thân phụ nữ cũng tự hào được “kéo” vì họ đẹp, chăm làm mới có người “kéo”. Đôi nam nữ yêu nhau mới “kéo”. 

Tuy nhiên gần đây ở một số nơi, một số người lợi dụng phong tục này để “cướp” chứ không còn “kéo” nữa. Nếu nhìn cô gái bị cướp mặt tươi tỉnh nở nụ cười là kéo. Còn cô ta khóc, tóc bù xù, chống lại tốp người kia thì là hiện tượng “cướp”, là vi phạm pháp luật. TS Trần Hữu Sơn cho rằng, hai trường hợp “cướp vợ” gần đây đã vi phạm pháp luật và phá vỡ nguyên tắc của cộng đồng. “Cần trả lại đúng nghĩa của phong tục này với cách gọi đúng tên của hành động này là “kéo vợ”, “kéo dâu” chứ không phải “cướp vợ”, “bắt vợ””- TS Trần Hữu Sơn nói.

Cố tình hiểu sai để … làm bậy?

Ông Vương Duy Bảo, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết ông rất buồn và có phần tức giận khi nhiều người hiểu sai về một phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Mông. “Tôi khẳng định dân tộc Mông không có “bắt vợ”. Chúng tôi chỉ có tục “kéo dâu”, mang ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp”, ông Bảo nói.

Kéo vợ hay cướp vợ? -0
Ông Vương Duy Bảo

Ông Vương Duy Bảo phân tích, với dân tộc Kinh, khi một đôi nam nữ muốn trở thành vợ chồng sẽ cần các thủ tục như ăn hỏi, dạm ngõ, ra mắt, kết hôn... thì dân tộc Mông cũng có những thủ tục gần giống như vậy. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không thực hiện được đủ các bước trên nên người dân nghĩ ra tục “kéo dâu” để rút ngắn các thủ tục, tiết kiệm chi phí, và tục này được xã hội người Mông đồng tình, công nhận.

Giải thích về nét đẹp của phong tục này, ông Bảo cho biết điều kiện tiên quyết là đôi nam nữ phải yêu nhau, mong muốn trở thành vợ chồng, cả hai tự nguyện tham gia “kéo vợ”. Để “kéo vợ”, đôi nam nữ sẽ hẹn nhau ở một địa điểm. Người con trai sẽ rủ thêm một vài người bạn để cùng đưa cô gái về nhà làm vợ. Trong khi đưa về, cô gái sẽ được kéo nên dân tộc Mông gọi tục này là “kéo dâu” hoặc “kéo vợ”.

Nhắc đến vụ việc vừa xảy ra ở huyện Mèo Vạc và Sa Pa, ông Bảo cho rằng hành động của những nam thanh niên này là không thể chấp nhận. “Tôi không biết liệu cậu ta có hiểu về phong tục tập quán, hoặc có hiểu nhưng cố tình làm sai, biến tướng. Và điều này đã bôi nhọ, xúc phạm dân tộc Mông”- ông Vương Duy Bảo nhấn mạnh. Cũng theo ông Bảo, thời gian qua, không ít người cố tình hiểu sai về tục “kéo dâu”, lợi dụng phong tục tốt đẹp này để “làm bậy”.

Nhắc đến một kỷ niệm về phong tục kéo dâu của người dân tộc Mông, TS Trần Hữu Sơn kể: Trong một buổi xế chiều một ngày đầu thập niên 70 của thế kỉ trước, ông - một thanh niên miền xuôi mới ra trường lên vùng cao công tác nhìn phiên chợ huyện Bắc Hà tan, từng tốp người ngựa đi về. Cảnh hay nhất là cảnh người vợ dắt ngựa, người chồng lắc lư trên mình ngựa.

Ở một gốc cây trước dinh nhà ông Hoàng A Tưởng có anh chồng nằm ngay dưới bãi cỏ, chị vợ giương ô nhẫn nại che nắng cho chồng. Ông mải mê quan sát và chụp ảnh... Bỗng có những tiếng quát to bằng ngôn ngữ Mông. Ông quay ra thấy ba người rượt đuổi theo một cô gái. Người kéo tay, người đẩy lưng cô gái chạy về phía bản Phố. Người dân đứng bên đường xem, có người nói to “cướp vợ” đấy!

Ngỡ như cảnh con Thống lý Pá Tra tổ chức cướp Mỵ trong truyện của nhà văn Tô Hoài, ông vội đuổi theo định can thiệp. Ông gỡ tay người đàn ông ra, hô to với cô gái: “Chạy đi!” Nhưng cô gái không chạy, má đỏ bừng, miệng cười tươi, không có vẻ gì là nạn nhân bị “cướp” cả. Cô gỡ tay ông ra đi theo 3 người đàn ông. Xa xa, một tốp đàn ông Mông khác đang đuổi đến. Tốp “kéo vợ” cùng cô gái chạy nhanh về thôn. 

Hóa ra đây là tục “kéo vợ” chứ không phải “cướp vợ”. Hỏi ra mới biết, cô gái và chàng trai này yêu nhau nhưng nhà gái thách cưới cao quá: 1 con trâu, 200 lít rượu, 10 sinh ngô (khoảng 250 kg), 3 con lợn to. Chàng trai nhà nghèo không thể chuẩn bị được lễ vật bèn tổ chức “kéo vợ”.

“Thế là tôi cũng tham gia, đi được một đoạn đường ngắn, tôi được khoác một chiếc áo Mông lên người. Bên kia, đoàn anh trai cô gái cũng chạy nhanh. Một ông lại nhờ tôi cầm tay dìu cô gái. Và ông ta cũng nhập đoàn kéo nhanh cô gái đi. Sau tôi mới biết người đi kéo vợ phải là số lẻ từ 3 hoặc 5 người. Lúc đầu tôi tham gia lại thành 4 người thì 1 ông chân tập tễnh cũng phải tham gia cho đủ 5 người. Cô gái dù đau chân đi cà nhắc vẫn nhắc: “Anh trai khỏe lắm, sắp đến rồi”. Cô gần như quên đau, không cần chúng tôi dìu chạy nhanh về làng. Đến cửa nhà, ông chủ nhà cầm con gà trống ra quay trên đầu cô gái ba vòng. Như vậy ma cửa đã công nhận cô con dâu, là thành viên của gia đình. Đoàn anh trai cô dâu đuổi đến nơi định cướp lại em gái nhưng thấy lễ nhập ma đã xong đành bỏ về” – TS Sơn kể lại.

Cần xử lý nghiêm hành vi lợi dụng

Theo Luật sư Nguyễn Xuân Toản, Công ty Luật Hoàng Phú (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Điều 2 (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014) quy định 5 nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó (1) Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng và (5) Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình”.

Ngoài ra, còn có nguyên tắc áp dụng tập quán. Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì các tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình và không vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì sẽ được áp dụng.

Kéo vợ hay cướp vợ? -0
Cần tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của phong tục đến giới trẻ cộng đồng dân tộc

Theo quy định tại điều 2 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, việc áp dụng tập quán (nếu có) trong hôn nhân gia đình được thực hiện theo các nguyên tắc: Tập quán được áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Tập quán về hôn nhân và gia đình là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng”. Việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định tại Điều 7 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về tập quán được áp dụng.

“Đối với tục “kéo vợ” - một nét đẹp văn hóa của người Mông nói riêng và các dân tộc vùng cao nói chung thì việc xử lý đối với các trường hợp này rất khó giải quyết. Bởi bản chất của việc “kéo vợ” là khi trai gái đã tìm hiểu, ưng nhau.

Như vậy, nếu như trong trường hợp này thì việc xác lập quan hệ vợ chồng vẫn tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ. Tuy nhiên sẽ có trường hợp người con trai lợi dụng luật tục này mà “cướp vợ” thực sự khi phía bên cô gái hoàn toàn không có sự tự nguyện và bị khống chế, miễn cưỡng bởi sức mạnh của phía nhà trai. Trong trường hợp này thì tùy từng trường hợp cụ thể mà tòa án sẽ xem xét có hủy việc kết hôn hay không khi có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Như vậy, có thể hiểu, với trường hợp “cướp vợ” không đúng phong tục, không được sự đồng ý của cô gái, việc kết hôn này có thể hủy theo yêu cầu của cô gái vì là hôn nhân trái pháp luật.

Trong đời sống hiện đại, không ít phong tục đã bị biến tướng, mai một giá trị tốt đẹp ban đầu. Để không có những hiện tượng lợi dụng phong tục, theo TS Trần Hữu Sơn, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho mọi người hiểu đúng phong tục này, đặc biệt là trong giới trẻ cộng đồng dân tộc Mông. Việc tuyên truyền có thể từ nhà trường, gia đình, đến các phương tiện truyền thông, đưa những việc đúng, sai trong thực hiện phong tục, thậm chí cả những trường hợp bị pháp luật xử lý khi vi phạm ra công khai để răn đe.

“Cần tránh tư tưởng cho rằng “kéo vợ” là hủ tục lạc hậu cần bỏ, song cũng tránh quan điểm cho rằng cần giữ nguyên phong tục, nghĩa là cộng đồng không can thiệp. Nếu hai bên tự nguyện thì không sao, nhưng nếu “cướp, bắt” mà không được sự đồng thuận thì chắc chắn vi phạm pháp luật và cần cơ quan chức năng vào cuộc”- ông Sơn nhận định.

Đồng quan điểm, ông Vương Duy Bảo đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương tuyên truyền, đính chính về bản chất tốt đẹp của tục “kéo dâu”.  Bên cạnh đó, theo ông Vương Duy Bảo, cơ quan chức năng phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những người lợi dụng phong tục tập quán, cố tình làm sai vì mục đích cá nhân.

Thảo Nguyên
.
.