Kết nối và tái thiết di sản đô thị

Thứ Hai, 27/11/2023, 15:05

Sau nhiều năm rơi vào quên lãng, tưởng chừng trở thành phế tích, nhiều điểm di sản trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được thổi bừng sức sống nhờ sự kết hợp của các đội ngũ sáng tạo đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề; từ kiến trúc, thời trang đến âm nhạc, hội họa.

Nô nức vì… tò mò

Những ngày này, di tích trên 100 năm tuổi -  Tháp nước Hàng Đậu (bốt Hàng Đậu) trở thành hiện tượng của Thủ đô Hà Nội khi liên tục có những hàng dài khách tham quan từ sáng đến đêm. Được người Pháp xây vào năm 1894, tại ngã sáu của các phố cổ: Hàng Than, Hàng Cót, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng, sau 129 năm, di tích này được thành phố Hà Nội quyết định mở cửa, phục vụ khách tham quan. Việc mở cửa Tháp nước Hàng Đậu phục vụ người dân và du khách cũng là một trong những hoạt động được chú ý hàng đầu, trong chuỗi hoạt động, bao gồm đến hơn 60 sự kiện của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.

Theo thông tin từ Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, bình quân, mỗi ngày, Tháp nước Hàng Đậu đón khoảng 2.500 - 3.000 lượt khách.

1.jpg -0
Nhiều bạn trẻ kiên nhẫn xếp hàng đợi vào tham quan Tháp nước Hàng Đậu, dù đã 21h.

Để “đánh thức” giá trị di tích này, nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và các cộng sự đã có những sáng tạo độc đáo, khiến bên trong tháp nước thành một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, ánh sáng và âm thanh. Đặc biệt hơn nữa là các tác phẩm làm nên không gian nghệ thuật bên trong tháp nước đều là vật liệu tái chế.

Tò mò và ngạc nhiên là cảm xúc chung của nhiều du khách khi đến thăm quan Tháp nước Hàng Đậu những ngày qua. Chia sẻ với chúng tôi, Nguyễn Văn Long và nhóm bạn đến từ trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, qua phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, Long và các bạn biết di tích mở cửa và thu hút nhiều du khách nên đã cố tình đến muộn. Cả nhóm không ngờ, buổi tối, khách muốn vào tham quan vẫn rất đông và nhóm vẫn phải mất gần nửa tiếng xếp hàng.

2-1.jpg -0
Những kho hàng cũ “thay áo mới” trong dịp Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Dịp này, Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng như “thay áo mới”. Những nhà kho, công xưởng cũ trở nên sống động, rực rỡ những sắc màu. Cùng với hàng chục sự kiện triển lãm, tọa đàm, biểu diễn nghệ thuật được tổ chức, nhà máy xe lửa trên 100 năm tuổi tấp nập khách tham quan. Những chiếc đầu máy cũ kỹ, thậm chí đầy gỉ sét như chiếc đầu máy hơi nước mang tên Tự Lực  một trong số ít đầu máy được các kỹ sư Nhà máy Xe lửa Gia Lâm nghiên cứu thiết kế, chế tạo từ năm 1964, có sự hỗ trợ của các kỹ sư đầu máy xe lửa Trung Quốc trở thành điểm đến không thể thiếu của hầu hết du khách khi đến với Nhà máy xe lửa Gia Lâm dịp này.

Ngắm nghía tỉ mỉ từng bộ phận đầu máy, thậm chí leo lên cả trên khoang lái, ông Đặng Văn Mỹ cho biết, gia đình ông sống ở ngay khu vực bên ngoài nhà máy. Ông và vợ từng có một khoảng thời gian dài gắn bó với nhà máy này nên đặc biệt quen thuộc. Từng là tổ trưởng tổ hộp lửa, sau đó là tổ trưởng tổ ống lửa,với ông, chiếc đầu máy hơi nước như một người bạn lâu năm và vẫn chỉ rõ cách vận hành, từng bộ phận đặc biệt nhất, kể cả những bộ phận đã không còn. Ông Mỹ cũng tiết lộ một chi tiết khá thú vị với các du khách, đó là ngoài tên Tự Lực, chiếc đầu máy hơi nước còn có tên khác là Nguyễn Văn Trỗi… Với thế hệ của ông bà, Nhà máy xe lửa Gia Lâm chứa đựng ký ức của một thời tuổi trẻ đầy tự hào và cả ký ức không vui của những tháng năm gian khó nhất, khi nhà máy khó khăn, nhiều người, trong đó có hai vợ chồng ông phải nghỉ việc ở nhà máy và kiếm kế sinh nhai bằng công việc khác. Sau nhiều chục năm kể từ ngày “nghỉ hưu non”, đến nay, hai ông bà mới lại có dịp vào lại khu vực bên trong nhà máy…

4-1.jpg -0
Du khách tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những người đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm những ngày qua thuộc nhiều lứa tuổi. Trong đó, những người trẻ, là sinh viên của các trường chuyên ngành hoặc có đào tạo chuyên ngành liên quan đến văn hóa, kiến trúc, du lịch khá cao. Nhiều nhóm bạn trẻ đều cho biết, họ đến tham gia sự kiện vì đây là dịp hiếm để được vào khám phá nhà máy nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Bên cạnh các sự kiện giàu tính giải trí như trình diễn nghệ thuật, các hoạt động như triển lãm, hội thảo, các hoạt động workshop, tọa đàm mang tính chất chuyên sâu đều bổ ích với chuyên ngành mà bản thân các sinh viên đang theo học.

Có khá nhiều gia đình mang theo cả con nhỏ vào tham quan Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong những ngày đầu diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Nhiều nhóm du khách là những người khá lớn tuổi cũng tìm đến di tích đặc biệt này. Bà Ngô Ngọc Liên và nhóm bạn cho biết, khi biết thông tin mở cửa nhà máy để tổ chức lễ hội, các thành viên trong nhóm đã lên kế hoạch cho một chuyến du lịch ngắn để “trở về thanh xuân”. Bà Liên cho biết, hiện cả 7 người trong nhóm đều ở nội thành nhưng đều là người ngoại tỉnh, về Hà Nội, theo học nhiều ngôi trường khác nhau. Những chuyến tàu di chuyển từ quê ra thành phố nhiều chục năm trước là ký ức khó quên với bà. Thế nên, thay vì di chuyển bằng phương tiện cá nhân, cả nhóm quyết định hẹn nhau tại Ga Hà Nội, lên “chuyến tàu di sản”, qua Long Biên, đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm và tranh thủ ăn mặc thật đẹp để ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất trong chuyến đi.

Tạo bệ phóng cho sáng tạo, phát huy nguồn lực văn hóa

Từ tò mò đến ngạc nhiên và thích thú, mong muốn duy trì hoạt động tham quan di tích sau khi lễ hội kết thúc là chia sẻ chung của nhiều du khách mà chúng tôi đọc được trong các tờ giấy nhỏ xinh được Ban tổ chức bố trí sẵn để du khách khám phá nhà máy bày tỏ cảm nhận, mong muốn khi đến với sự kiện lần này.

6.jpg -0
Một số chia sẻ cảm xúc nhanh của du khách khi ghé thăm di tích.

Không chỉ có khách tham quan, đội ngũ những người sáng tạo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cũng cho biết, Lễ hội thiết kế sáng tạo, trong đó có Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã mang đến cho họ niềm hứng khởi mới. Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang cho biết, để có pavilion kiến trúc và nghệ thuật tại Phân xưởng nóng tại Lễ hội, anh và các cộng sự đã mất 3 tháng khảo sát địa điểm, dọn dẹp bụi, các đồ vật ngổn ngang, biến không gian hoang tàn tại đây thành khu vực trưng bày những ghi chép về những hiện vật tồn tại trong phân xưởng, cung cấp chuỗi tư liệu hình ảnh của các cơ sở công nghiệp khác ở Việt Nam. Việc kết hợp các chương trình biểu diễn tại khu vực này giúp gia tăng sự trải nghiệm di sản công nghiệp cho công chúng.

Ngoài “công trình” của nhóm kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang, nhiều tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao, được các nhóm triển khai thành công trên nền nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” và thu hút công chúng. Trong đó, triển lãm “Kiến trúc, nhà máy và vẽ (lại) giấc mơ hiện đại” do kiến trúc sư Mai Hưng Trung, sáng lập của tổ chức Hanoi Ad hoc thiết kế tạo ấn tượng đặc biệt khi đan xen giữa khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp hoạt động tại Hà Nội và khai phá tinh thần kiến tạo giá trị văn hóa mới mẻ. Pavilion kiến trúc ngoài trời “Bến chờ” do kiến trúc sư Lê Quang Thạch - Công ty kiến trúc nội thất AVALO thiết kế, được đặt tại khu vực sân Cầu lăn chìm của nhà máy, có chức năng làm công trình biểu trưng cho Lễ hội và là sân khấu chính của các sự kiện. Lê Quang Thạch cho biết, thiết kế pavilion kiến trúc “Bến chờ” được lấy cảm hứng từ ký ức của nhà ga đường sắt, nơi trung chuyển, nơi của chia xa, nơi của gặp lại, là nơi mang đến ký ức, những cuộc gặp gỡ, đoàn tụ…

Cùng với đó, nhiều hoạt động nghệ thuật, hoạt động trình diễn của cộng đồng, kết hợp sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại, hoạt động Hội chợ thủ công nghệ thuật quy tụ nhiều người trẻ đang theo đuổi các ngành nghề sáng tạo với những bản sắc riêng biệt của từng cá nhân. Các nhóm sáng tạo, các không gian sáng tạo, nghệ nhân của các làng nghề truyền thống tham gia Lễ hội đồng thời mang đến những sân chơi cởi mở, kích thích sự sáng tạo cho đội ngũ thiết kế trẻ. Các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo có nhiều hoạt động giới thiệu nhiều tác phẩm mới độc đáo và ấn tượng, trong đó có triển lãm “Thủy phủ” của nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến, triển lãm sắp đặt hội họa “Tiếng gọi” của họa sĩ Thu Trần và nhà thiết kế Nguyễn Hồng Hạnh, triển lãm nghệ thuật đương đại “MAP 2023 - Chuyển động Ngoại biên"  - Heritage Space…

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 quy tụ 200 các đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, trong đó có nhiều nghệ sĩ trẻ. Tất cả đang cùng nhau đồng hành để tạo nên sân chơi sáng tạo, phát huy ý tưởng, kết nối các nhà sáng tạo đem lại cho công chúng Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước một sản phẩm văn hóa sáng tạo đa dạng, chất lượng, thể hiện nguồn nội lực dồi dào bất tận của Hà Nội, đồng thời khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo, kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hóa, hình thành các nền tảng sáng tạo nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống của Hà Nội.

Lễ hội đã góp phần truyền cảm hứng sáng tạo, hứa hẹn trở thành một bệ phóng cho sức mạnh sáng tạo của Thủ đô, hướng đến hoạt động kinh tế của tương lai, bền vững và có tính lan tỏa, tạo động lực cho các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ khác phát triển.

Minh Hải
.
.