Khai giảng năm học mới ở ngôi trường đặc biệt
Sáng ngày 5-9, cũng như thầy trò cả nước, thầy và trò của một ngôi trường hết sức đặc biệt cũng hân hoan đón chào năm học mới. Đó là Trung tâm bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm TP Hồ Chí Minh, nơi không chỉ dạy văn hóa mà còn dạy nghề cho người khuyết tật, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mồ côi, lang thang, sống tại các cơ sở xã hội hoặc con em các gia đình nghèo, gia đình chính sách đã và đang gặp khó khăn) trên địa bàn thành phố...
1. Cho tới bây giờ, dù đã 5 năm trôi qua, nhưng chị Nguyễn Thị Phương Mai – Hội trưởng Hội học viên, vẫn không quên ngày đưa con đến xin học ở ngôi trường đặc biệt này.
Nhắc lại chuyện cũ, chị Mai kể rằng thời điểm con trai chị đang học ở trường mẫu giáo, để chuẩn bị cho cháu trước khi vào lớp một, chị đã mời cô giáo về kèm cặp, hướng dẫn tập viết 24 chữ cái và con số từ 1 đến 9. Cô đầu tiên chỉ kèm được vài ngày thì xin nghỉ với lý do bận việc gia đình, mời cô khác cũng chỉ sau vài buổi dạy là lập tức tìm chị phàn nàn về việc cháu không chịu tập trung vào con số, cái chữ, mà liên tục chạy nhảy, phá phách. Thấy con trai phát triển bình thường, nói năng lưu loát, chị quyết định không cho học chữ sớm nữa, mà để đến hết lớp mầm thì tìm một trường tốt đưa cháu vào học. Tuy nhiên, khi nhập học được vài tháng thì nhà trường gọi lên giải thích cũng với lý do là cháu không tập trung vào con số, cái chữ rồi đề nghị gia đình tìm cho cháu một ngôi trường phù hợp khác.
Qua nhiều lần chuyển trường, chị quyết định đưa con đi khám bác sỹ và được tư vấn là cháu bị rối loạn tăng động rồi giới thiệu chị đến liên hệ với Trung tâm bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm TP Hồ Chí Minh. “Lúc đó tâm lý tôi rất nản, nhưng vì tương lai của con, tôi vẫn đến trường tìm hiểu thử xem sao. Sau khi nghe các thầy cô tư vấn, tôi quyết định gửi cháu vào học thử và thật bất ngờ là chỉ sau vài tuần theo học, cháu đã biết viết chữ cái, con số. Cho đến nay, sau 5 năm học liên tục trong trung tâm, không chỉ thông thạo con số, chữ viết, cháu còn giải toán cộng, trừ, nhân, chia, làm những đoạn văn tả ông, bà, cha, mẹ khiến tôi mỗi khi đọc là rơi nước mắt. Hàng ngày cứ vừa mở mắt ra là đòi cha mẹ đưa đến trường để học, để chơi đùa với bạn bè. Vợ chồng tôi thật may mắn vì đã tìm được đúng trường cho con”.
Cũng hồ hởi đưa con đến dự khai giảng năm học mới, ông Hồ Tuấn Nghĩa chia sẻ: “Lúc sinh ra, con trai mình cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng một vụ tai nạn đã khiến cháu bị chết nửa não. Một mình bươn chải kiếm tiền vừa nuôi cả gia đình, thuốc thang cho con rồi trả tiền thuê nhà trọ nên không nghĩ được rằng mình có điều kiện gửi con đi học. Biết chuyện của cháu và hoàn cảnh của gia đình, ông Đức – Giám đốc Trung tâm đã đến phòng trọ làm công tác tư tưởng để vợ chồng tôi hiểu và đề nghị đưa cháu vào trung tâm để được học tập. Đồng ý cho con đi học, nhưng vợ chồng lúc nào cũng thấp thỏm bởi thời điểm đó cháu đã 17 tuổi mà tính nết như đứa trẻ lên 3 thì không biết có tiếp thu được không, trong khi ở nhà có khi giải thích hàng chục lần cho một việc thì cháu mới hiểu đôi chút. Nhưng thật bất ngờ là chỉ sau vài tháng cháu đã biết viết chữ, con số, rồi biết làm bài văn, làm phép tính, tự làm vệ sinh cá nhân (từ tắm giặt cho đến tiêu tiểu…), nay lại còn biết dặn ba mẹ chuẩn bị làm sinh nhật lần thứ 21 cho cháu nữa”.
Trong số những phụ huynh mà tôi được tiếp cận, trò chuyện, có lẽ chị Tô Thị Bảo Trân là đặc biệt nhất. Con gái chị bị khiếm thính bẩm sinh nên thời gian theo học ở trường phổ thông, con đi học thì cha mẹ cũng vào lớp học cùng để nghe, hiểu rồi về nhà dạy lại cho con. Tuy nhiên đến cuối năm lớp 5 thì không thể theo nổi vì hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp khó khăn, hai vợ chồng phải đi làm kiếm tiền lo cho gia đình nên cháu không thể theo học được nữa. “Được bà con giới thiệu, tôi đã đưa con đến trung tâm. Lúc ấy, vừa bước vào thì một cảnh tượng đập vào mắt khiến bản thân có phần e ngại đó là cơ sở vật chất quá thiếu thốn, xuống cấp, không biết có dạy nổi cho con mình được không. Sau khi nghe thầy, cô ở đây tư vấn, tôi cho con học thử lớp 6 và chỉ sau mấy tháng là vợ chồng ưng ngay. Con tiến bộ vượt bậc, lúc nào cũng muốn đến trường kể cả ngày thứ 7, Chủ nhật hoặc lễ, tết. Nay cháu đã 19 tuổi, đang học lới 11, nhưng rất chững chạc khi đi ra đường một mình, lại còn biết cùng bạn bè làm thêm kiếm tiền mua sắm bút, vở, cặp sách… Niềm hạnh phúc của gia đình tôi hôm nay là nhờ sự dạy dỗ của các thầy cô ở trung tâm… Rất biết ơn và mong trung tâm ngày càng giúp cho nhiều cháu khuyết tật có được hành trang để hòa nhập với xã hội…”.
2. Nhưng đó chỉ là 3 trong số nhiều học sinh khuyết tật đang theo học tại ngôi trường đặc biệt này. Để có được kết quả kỳ diệu mà ngay cả bố mẹ các cháu cũng không bao giờ dám nghĩ đến ấy là cả sự dày công của các thầy cô giáo. Bởi cùng với tổ chức lao động sản xuất gắn với công tác giáo dục nghề nghiệp để tạo việc làm cho người khuyết tật, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Trung tâm còn phối hợp với các cơ sở dịch vụ việc làm, các sở, ngành, quận, huyện, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các dịch vụ việc làm cho người khuyết tật, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ các tổ, nhóm, cơ sở sản xuất của người khuyết tật trong việc xin thành lập, tạo nguồn vốn, nguồn hàng gia công, nơi tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Nhà nước. Tổ chức giảng dạy chương trình Tiểu học, giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT cho người khuyết tật, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra còn hỗ trợ dạy văn hóa, giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật ở các tỉnh, thành khác với những nghề như: Kỹ thuật chế biến món ăn Âu –Á, kỹ thuật làm bánh Âu, nghiệp vụ bàn – pha chế, kỹ thuật cắt may, chế biến bánh và món tráng miệng, pha chế thức uống không cồn, kỹ thuật nấu ăn cơ bản…
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Tạ Vạng Đức – Giám đốc Trung tâm, Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật thành phố cho biết, học viên khuyết tật tại trung tâm đa số khuyết tật nặng, chậm phát triển, tiếp thu kiến thức chậm; hoàn cảnh gia đình khó khăn, các cháu thỉnh thoảng không kiểm soát được hành vi nên các thầy cô đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại, vừa làm thầy cô vừa làm bảo mẫu, xem các em như những con ruột thịt của mình. Có những lúc thầy cô bị các cháu có hành vi, lời nói lời khiếm nhã cũng phải nhẹ nhàng dạy bảo để các cháu hiểu và biết làm như vậy là có lỗi…
Vượt qua nhiều khó khăn vất vả, cho đến thời điểm này, cán bộ, giáo viên trung tâm đã cố gắng hoàn thành tốt công tác giảng dạy cả về văn hóa đến dạy nghề, liên tục cập nhật kiến thức, ứng dụng công nghệ để truyền tải đến các cháu. Năm học 2022-2023, trung tâm tổ chức giảng dạy chương trình Tiểu học, giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT cho 344 học viên/27 lớp. Đối với các trường hợp học viên có hộ khẩu tỉnh thì trung tâm gửi văn bản xin chủ trương của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội thành phố trước khi tiếp nhận. Năm học 2021-2022, trung tâm đã hoàn thành công tác dạy văn hóa cho 299 học viên/26 lớp. Trong đó, hoàn thành chương trình lớp học là 266 học viên (tỉ lệ 88,96%), tốt nghiệp THCS đạt 100%; tốt nghiệp THPT đạt 100%.
Đến nay số học viên có chứng chỉ: 53/265, Trung tâm cũng tổ chức cho học viên tham gia chương trình “Thử thách đầu bếp tiềm năng” năm 2022 (Rising Chefs Challenge 2022) dành cho học viên nghề Kỹ thuật chế biến món ăn Âu – Á đạt giải Quán quân và tham gia Hội thi “Đầu bếp trẻ” cấp thành phố lần VII do Sở Giáo dục Đào tạo thành phố tổ chức đạt giải 4. Đặc biệt có những trường hợp điển hình như em Nguyễn Thị Tuyết Nhung (niên khóa 2014-2017) tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành Giáo dục đặc biệt, hiện đang là giáo viên dạy trẻ khuyết tật tại Trường mầm non chuyên biệt Bình An và em Phạm Thị Thu Thủy (niên khóa 2015-2018): Tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành Giáo dục đặc biệt, hiện đang là giáo viên dạy trẻ khuyết tật.