Khi chính trị xen vào World Cup

Chủ Nhật, 18/12/2022, 10:17

Vòng chung kết World Cup 2022, đến giờ phút này có thể coi là thành công. Tuy nhiên, World Cup năm nay cũng chứng kiến những sự vắng mặt đáng tiếc. Ngoài việc một số đội tuyển sừng sỏ không có mặt (như Italy, Nga, Thụy Điển,...), còn có những sự vắng mặt cá nhân vì lý do ngoài thể thao khác.

Từ câu chuyện chiếc băng cầu vồng...

Tại vòng chung kết World Cup 2022, ban đầu một số đội tuyển dự định mang băng tay One Lone với mục đích truyền bá một thông điệp chính trị. Chiến dịch One Love do Hiệp hội Bóng đá Hà Lan đề xướng nhằm mục đích thúc đẩy sự bao dung và dang rộng vòng tay chào đón người đồng giới và các giới khác (LGBTQ), chống phân biệt đối xử dưới mọi hình thức. Chiếc băng này có hình trái tim với 6 sọc song song, tương ứng với 6 màu trên lá cờ cầu vồng của cộng đồng LGBTQ.

Khi chính trị xen vào World Cup -0
Đội tuyển Đức nhận nhiều chỉ trích vì hành động bịt mồm một cách phi thể thao khi chụp ảnh ra quân.

Lá cờ cầu vồng là biểu tượng lâu năm của cộng đồng LGBTQ và được sử dụng từ năm 1978. Màu trên chiếc cầu vồng phản chiếu cho sự đa dạng của cộng đồng này, của tính dục con người và của giới tính. Nhiều biến thể khác của lá cờ đã được tạo ra từ năm 1978 đến nay.

Tuy nhiên, để tránh cho ngày hội của môn thể thao vua bị nhiễm màu sắc chính trị, FIFA đã cấm cầu thủ mang băng tay cầu vồng One Love tại World Cup. Sau khi có lệnh cấm của FIFA, Đức và loạt quốc gia khác ở châu Âu như Anh, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Wales và Đan Mạch rút lại kế hoạch cho phép đội trưởng của họ đeo băng đội trưởng One Love. Đội trưởng của họ có thể bị phạt thẻ vàng hoặc buộc phải rời sân nếu không tuân thủ lệnh cấm. Một số đội tuyển và các nhà tài trợ đã có phản ứng với động thái cấm này của FIFA, tuy nhiên, nó vẫn được thực hiện nghiêm túc và trên thực tế, mọi sự vẫn diễn ra suôn sẻ.

 ...đến sự vắng mặt của Mesut Ozil

Năm nay 34 tuổi, Mesut Ozil từng được xem là một trong những cầu thủ giỏi nhất thế giới, là một trong những tuyển thủ quan trọng nhất của tuyển Đức, với 92 lần khoác áo và đã góp công lớn giúp tuyển Đức nâng cúp vô địch thế giới năm 2014 trên đất Brazil. Tuy nhiên, từ sau vòng chung kết World Cup năm 2018, Ozil đã quyết định không chơi cho đội tuyển Đức nữa.

Câu chuyện của Ozil bắt đầu vào tháng 5 năm 2018, khi anh gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Mọi sự thay đổi sau cuộc gặp đó. Ozil có tổ tiên là người Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc gặp này đã bị chỉ trích khá gay gắt. Sau đó, anh cùng tuyển Đức dự World Cup 2018 trên đất Nga, góp phần vào màn trình diễn tệ nhất của Die Mannschaft (tuyển Đức). Đức bị loại ở vòng bảng sau thất bại 0-2 trước Hàn Quốc. Vì việc này, Ozil bị chỉ trích nặng nề. Anh cáu gắt, cho rằng những lời chỉ trích là phân biệt chủng tộc và tuyên bố rời đội tuyển quốc gia.

Trong một tuyên bố, anh nói: “Sự đối xử mà tôi nhận được từ DFB (Liên đoàn bóng đá Đức) và nhiều người khác khiến tôi không còn muốn khoác áo đội tuyển quốc gia Đức nữa. Tôi cảm thấy những gì tôi đã đạt được kể từ khi ra mắt thi đấu quốc tế vào năm 2009 đã bị lãng quên”. DFB phủ nhận mọi cáo buộc họ phân biệt chủng tộc. Năm 2021, sau khi ký hợp đồng với câu lạc bộ Fenerbahce của Thổ Nhĩ Kỳ, Oezil được hỏi liệu anh có kế hoạch trở lại khoác áo đội tuyển quốc gia Đức hay không, nhưng anh nói “không có ý định thi đấu cho Die Mannschaft”.

Căng thẳng Mỹ - Iran

Vấn đề gây chú ý nhiều nhất có lẽ là căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Iran. Quan hệ giữa Mỹ và Iran vốn đã xấu đi rất nhiều sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018 và theo đuổi chính sách thù địch với nước này. Trước khi vòng chung kết World Cup diễn ra, dư luận thế giới cũng đã băn khoăn không biết khi 2 đội tuyển gặp nhau thi đấu, tình hình sẽ như thế nào.

Vài ngày trước trận đấu giữa Mỹ và Iran tại vòng loại bảng B của vòng chung kết, Mỹ đã có hành động phi thể thao, mang màu sắc chính trị. Một đại diện của Liên đoàn Bóng đá Iran thời điểm đó đã kêu gọi FIFA trục xuất đội tuyển Mỹ khỏi vòng chung kết World Cup vì các bài đăng trên mạng xã hội mà phía Iran cho là đã “không tôn trọng” lá cờ của Iran. Cụ thể, Liên đoàn Bóng đá Mỹ đã đưa một lá cờ Iran vào hai bài đăng trên các tài khoản mạng xã hội chính thức của mình trên Twitter và Instagram vào ngày 26/11, trong đó biểu tượng quốc gia chính thức của Iran và hai dòng chữ Hồi giáo trên lá cờ đã bị loại bỏ. Người phát ngôn của Liên đoàn Bóng đá Mỹ cho biết quyết định sử dụng cờ Iran như thế trong các bài đăng trên Twitter và Instagram là có chủ ý và nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với phụ nữ Iran - những người đang tổ chức các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ ở Iran.

Iran phản đối hành động của Liên đoàn Bóng đá Mỹ, cho đó là hành động đi ngược lại hiến chương của FIFA. Iran đã trích dẫn một quy định cụ thể của FIFA và kêu gọi các hình phạt đối với bất kỳ ai “xúc phạm nhân phẩm hoặc sự toàn vẹn của một quốc gia, một người hoặc một nhóm người thông qua những lời nói hoặc hành động khinh thường, phân biệt đối xử hoặc xúc phạm (bằng bất kỳ phương tiện nào)”. Safia Allah Faghanpour, cố vấn pháp lý cho Liên đoàn Bóng đá Iran, cho biết: “Tôn trọng quốc kỳ của một quốc gia là một thông lệ quốc tế được chấp nhận mà tất cả các quốc gia khác phải noi theo. Hành động được thực hiện liên quan đến cờ Iran là phi đạo đức và trái với luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy FIFA đã không có động thái nào đối với yêu cầu của Iran.

Trong quá khứ, hai đội tuyển bóng đá Mỹ và Iran từng gặp nhau và đều căng thẳng do vấn đề chính trị. Đó là dịp World Cup 1998 trên đất Pháp, Iran giành chiến thắng. Sau trận đấu đó, lãnh tụ tôn giáo tối cao của Iran đã lên tiếng ca ngợi đội bóng nước nhà. Thời điểm đó, quan hệ giữa Iran và Mỹ đang có chiều hướng cải thiện hơn so với thời điểm hiện nay.

An Châu (Tổng hợp)
.
.