Khi di sản được hồi sinh bằng công nghệ
Thay vì chỉ trưng bày, giới thiệu hiện vật, di tích như phương thức truyền thống lâu nay, gần đây, hàng loạt di tích, bảo tàng liên tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mang đến cho người dân và du khách những câu chuyện sống động. Đó không chỉ là câu chuyện về hiện vật mà còn là nhiều câu chuyện hấp dẫn khác, kể cả bối cảnh, lịch sử, văn hóa… đằng sau các hiện vật này.
Kết hợp âm thanh, hình ảnh để hiện vật… “kể chuyện”
Vào dịp kỷ niệm 135 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban quản lý Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có một bất ngờ dành cho người dân và du khách: Chương trình trải nghiệm di sản Hồ Chí Minh “Bác Hồ trong trái tim em - Hành trình trải nghiệm di sản” với chủ đề “Xe Peugeot 404 và hành trình phục vụ Bác Hồ”.
Đây là một trong những hoạt động đặc biệt được Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức nhằm giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu nước và khơi dậy tình cảm kính yêu Bác Hồ trong thế hệ trẻ. “Nhân vật” trọng tâm là chiếc xe Peugeot 404 - phương tiện từng phục vụ Bác Hồ trong những năm cuối đời và là Bảo vật Quốc gia, phản ánh phong cách sống giản dị, tiết kiệm và tinh thần tận tụy vì dân của Người. Phòng trải nghiệm được bố trí ngay sát phòng trưng bày chiếc xe.
Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, du khách vào phòng di sản đắm chìm vào không gian ảo với nhiều câu chuyện cảm động gắn liền với chiếc xe Peugeot 404, các hoạt động giàu tính tương tác, khuyến khích du khách chủ động tham gia giao lưu, đồng thời chia sẻ cảm nhận khi tham quan nơi ở, làm việc của Bác, qua đó hiểu thêm về cuộc đời, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ, góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp của di sản Hồ Chí Minh tới cộng đồng.
Song song với triển khai phòng di sản đặc biệt này, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp mã QR Code tại các điểm di tích. Thông qua việc quét mã QR, du khách có thể nhanh chóng tìm hiểu thông tin về 11 điểm di tích tiêu biểu như: Phủ Chủ tịch, Nhà 54, Phòng họp Bộ Chính trị, những chiếc xe ôtô phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di tích Bếp A, Ao cá Bác Hồ, Đường Xoài, Giàn hoa Phủ Chủ tịch, Nhà Sàn, Nhà 67 và Vườn cây.
Việc ứng dụng mã QR được coi là giải pháp thiết thực giúp du khách trong và ngoài nước thuận tiện tra cứu, tiếp cận thông tin chính thống, hình ảnh trực quan về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngay trong hành trình tham quan. Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di tích mà còn tạo điều kiện để người dân và du khách hiểu rõ hơn về giá trị to lớn của di sản Hồ Chí Minh, từ đó bồi đắp lòng tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc trong thời đại chuyển đổi số.
Trước đó, vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong khuôn khổ triển lãm “Con đường thống nhất”, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội công bố một dự án khá đặc biệt: Diễn giải bằng công nghệ Di tích Nhà và Hầm D67 - di tích cách mạng quan trọng trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1968 đến năm1975.
Theo đó, câu chuyện “Nhà và Hầm D67, hành trình đến ngày toàn thắng” được “kể” bằng công nghệ, giới thiệu từ khái quát đến chi tiết về công trình Nhà và Hầm D67; vai trò của Nhà và Hầm D67 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bằng phương pháp diễn giải mới đầy tính sáng tạo, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và gia tăng trải nghiệm của du khách, đặc biệt là giới trẻ khi đến tham quan tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, công trình này được kỳ vọng không chỉ góp phần lưu giữ và tôn vinh giá trị di tích, đem đến cho du khách những trải nghiệm chân thực và hấp dẫn.
Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) mới đây, 14 hiện vật chứa đựng những giá trị đặc sắc nhất của nghệ thuật Phật giáo thời Lý như được hồi sinh nhờ công nghệ kỹ thuật số qua trưng bày chuyên đề đặc biệt “Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và Công nghệ”. Từ các hiện vật đặc biệt như: Đầu chim phượng, Lá đề chạm rồng, Hiện vật từ một phần mô hình tháp… những giá trị đặc sắc nhất của nghệ thuật Phật giáo thời Lý trở nên sống động qua những diễn giải và trình chiếu bằng các kỹ thuật 3D mapping, hologram, digital revival, gauze projection...
Từ những họa tiết, hoa văn trên các hiện vật, các nhà nghiên cứu ứng dụng công nghệ, tổng hợp nhiều kết quả nghiên cứu để phục dựng, tái tạo di sản văn hóa sống động, chính xác nhất. Khách tham quan đến bảo tàng, tham quan triển lãm có những trải nghiệm mới, không chỉ hiểu sâu sắc hơn về từng hiện vật mà rộng hơn là những giá trị nghệ thuật thời Lý trong kiến trúc chùa tháp, nghệ thuật điêu khắc, gốm nghệ thuật, âm nhạc và vũ đạo.
Cần tăng cường phối hợp giữa đội ngũ chuyên gia về công nghệ với di sản
Thực tế, những di sản được “hồi sinh” nhờ các ứng dụng công nghệ hiện đại nói trên chỉ là một phần rất nhỏ trong những khối di sản vô cùng lớn, phong phú của các di tích, bảo tàng trên cả nước. Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, những hiện vật được khai thác tại trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và Công nghệ” chỉ là một phần trong khối di sản Phật giáo thời Lý và là một phần rất nhỏ trong khối hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Tuy nhiên, để có được kết quả trưng bày chuyên đề ban đầu mà Bảo tàng đang phục vụ công chúng triển lãm như hiện nay là cả một kỳ công, với sự đầu tư tâm huyết cả về công nghệ của các đơn vị phối hợp và từ những cán bộ bảo tàng lâu năm, vốn kiến thức sâu rộng về hiện vật và văn hóa, xã hội thời Lý. Đây là những thách thức không dễ vượt qua.


Như chia sẻ của các cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì nghệ thuật Phật giáo thời Lý (thế kỷ 11 - 13) là đỉnh cao của mỹ thuật Đại Việt, sự kết hợp độc đáo giữa tinh thần Thiền tông và văn hóa bản địa, nghệ thuật cung đình và dân gian tạo nên phong cách độc đáo. Về nghệ thuật kiến trúc chùa tháp, đây là thời kỳ có nhiều ngôi “quốc tự” được xây dựng như chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Long Đọi...
Kiến trúc chùa tháp thời Lý không chỉ là công trình tôn giáo mà còn là công trình nghệ thuật thể hiện triết lý Phật giáo và những kỹ thuật đỉnh cao, mang đậm bản sắc Việt đồng thời biểu hiện sự tiếp thu những yếu tố văn hóa ngoại sinh. Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thời Lý cũng đạt đến đỉnh cao với sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Thiền tông, nghệ thuật cung đình và văn hóa dân gian tạo nên phong cách thanh thoát mà uy nghi, linh thiêng mà gần gũi. Nghệ thuật trên đồ gốm cũng rất đặc sắc với các dòng gốm men trắng ngà, men nâu, hoa nâu, men ngọc. Kỹ thuật trang trí chủ yếu là khắc chìm, tráng men độc sắc, khuôn in, dán nổi... với các hoa văn đặc trưng liên quan đến Phật giáo: hoa sen, cúc dây, chim phượng, rồng, vũ công...
Nghệ thuật âm nhạc, vũ đạo Phật giáo thời Lý là sự kết hợp độc đáo giữa nghi lễ tôn giáo, truyền thống dân gian và nghệ thuật cung đình, tạo nên một di sản âm nhạc, vũ đạo đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc…. Để phục dựng, tái tạo di sản văn hóa sống động, chính xác nhất, những người thực hiện triển lãm phải ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng cũng đồng thời phải am hiểu sâu sắc về văn hóa, nghệ thuật, bối cảnh xã hội thời Lý; có sự phối hợp nhịp nhàng giữa đội ngũ chuyên gia công nghệ và người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cũng cho biết, câu chuyện “Nhà và Hầm D67, hành trình đến ngày toàn thắng” được diễn giải bằng công nghệ hiện đại không phải là dự án độc lập. Việc xây dựng phương pháp diễn giải mới về di tích này là khâu nối tiếp sau khi triển khai kế hoạch chỉnh lý tổng thể di tích Nhà và Hầm D67, nghiên cứu phục hồi màu gốc của di tích và triển khai thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin diễn giải về Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67”.
Theo đó, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu, tổng hợp, phân tích tài liệu lịch sử và sưu tầm bổ sung tài liệu liên quan đến di tích Nhà và Hầm D67; xây dựng cơ sở dữ liệu lịch sử tại Nhà và Hầm D67 với vai trò là Tổng hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1968 - 1975; xây dựng kịch bản diễn giải về Di tích Nhà và Hầm D67; xây dựng nội dung Multimedia và các bộ phim 3D giới thiệu lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gắn với di tích Nhà và hầm D67. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại diễn giải về di tích phải dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu lâu dài, đã được triển khai trước đó.