Khi giấc mơ an cư bị lừa dối

Thứ Bảy, 29/04/2023, 13:03

Nhiều người từng cho rằng mình may mắn khi bốc trúng quyền mua nhà tại Dự án CT6 Kiến Hưng của ông Lê Thanh Thản, rằng họ đã chạm được vào giấc mơ "an cư, lập nghiệp" nơi phố thị.

Chỉ đến khi vụ án "Lừa dối khách hàng" được khởi tố, điều tra, thủ phạm bị truy tố, họ mới biết mình đã lâm vào cảnh "rơi nước mắt" trước thực tế phũ phàng, căn nhà họ tích cóp mua ở được xây "chui", không được cấp sổ đỏ. Họ là nạn nhân của "đại gia điếu cày", cũng là nạn nhân của hành vi "thiếu trách nhiệm" của những cán bộ chính quyền sở tại.

Xây chui cả tòa nhà

Liên quan dự án CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông, TP Hà Nội) vi phạm nghiêm trọng quy hoạch, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội (KSND) vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Lê Thanh Thản (Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) về tội “Lừa dối khách hàng”. Trong cùng vụ án, Viện KSND TP Hà Nội cũng truy tố 6 cán bộ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vì có liên quan đến sai phạm của đại gia Lê Thanh Thản.      Đây là diễn biến mới nhất vụ án "Lừa dối khách hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

tha-n-jpeg-6120-1617419606-jpe-8067-3743-1682212219.jpg -0
Bị can Lê Thanh Thản.

Theo cáo trạng, ông Lê Thanh Thản nắm 90% cổ phần và là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes. Năm 2000, Công ty Bemes ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính tỉnh Hà Tây cũ để xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Sau khi thay đổi chủ trương, năm 2008, Công ty Bemes được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 dự án CT6 Kiến Hưng tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông; UBND TP Hà Nội sau này không điều chỉnh quy hoạch, song cho phép Công ty Bemes được chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án.

Cáo trạng cáo buộc, từ tháng 10/2010, ông Lê Thanh Thản đã chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng công trình dự án CT6 Kiến Hưng, vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 đã được UBND tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) phê duyệt. Trong quá trình xây dựng, dự án có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng từ thiết kế, thi công, giám sát cho đến nghiệm thu.

Viện KSND TP Hà Nội xác định "đại gia điếu cày" có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về quy hoạch, khi triển khai xây dựng dự án nêu trên. Cụ thể, tổng số căn hộ được phê duyệt là 231 nhưng thực tế tăng lên tới 1.582 căn, diện tích xây dựng nhà trẻ lẽ ra phải có là hơn 718 m2 nhưng thực tế không có m2 nào, tổng diện tích sàn tăng từ gần 82.000 m2 lên tới hơn 147.000 m2… Đặc biệt, ông Thản chỉ đạo xây thêm cả 1 tòa CT6C cao 32 tầng và 1 tầng hầm, tổng số 438 căn hộ, không nằm trong quy hoạch được duyệt.

Lừa bán cho khách hàng

Từ tháng 1/2013, sau khi hoàn thành việc xây dựng, ông Thản quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án để bán hàng. Trên hợp đồng mua bán căn hộ, ông Thản với danh nghĩa là Tổng giám đốc Công ty Bemes đã trực tiếp ký với khách hàng. Ông này cam kết hồ sơ dự án đã được phê duyệt, thiết kế tuân thủ đúng quy định về xây dựng và sẽ hỗ trợ bên mua làm thủ tục cấp sổ đỏ.

3a.jpg -0
Cư dân tham gia hoạt động Hội nghị bầu Ban quản trị nhà chung cư CT6 Kiến Hưng.

Các căn hộ tại Dự án CT6 Kiến Hưng được Công ty Bemes bán với giá rẻ hơn so với các dự án khác nên sau khi mở bán trong thời gian ngắn đã bán hết hàng. Lê Thanh Thản không phải quảng cáo nhiều, không đăng thông tin công khai trên Sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh. Người mua nhà biết và mua dự án qua truyền miệng, truyền tai nhau về những căn hộ được “đại gia điếu cày” bán với mức giá hợp lý, phù hợp với thu nhập. Sau khi mua xong thì người mua nhà thông qua Sàn giao dịch Bất động sản Mường Thanh để xác nhận việc mua bán qua sàn giao dịch.

Thời điểm đó 488 khách hàng được cho là những người "may mắn" đã bốc trúng quyền mua căn hộ, để thỏa niềm mong ước về giấc mơ an cư nơi phố thị. Chỉ đến khi các căn hộ của họ không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, lúc này họ mới biết may mắn của mình hóa ra là âm mưu do người khác tạo ra. Căn nhà thỏa mãn giấc mơ an cư của họ có được là do Lê Thanh Thản lừa dối để chiếm hưởng lợi nhuận. Nhiều người hoang mang bởi họ không am hiểu để kiểm tra tính pháp lý của căn hộ mình sẽ mua, mà họ chỉ biết đặt niềm tin vào sự tử tế và đạo đức của doanh nghiệp.

le-thanh-than-lua-doi-khach-hang6-16822363586461573893783.jpg -0
Hình ảnh khu nhà CT6 Kiến Hưng.

Khi vụ án được khởi tố, điều tra, ông Lê Thanh Thản khai do nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh nên chưa kịp hoàn thiện các thủ tục hành chính, trình các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của dự án. Đây chỉ là sự bao biện của "đại gia điếu cày" bởi 488 căn hộ có giá trị hơn 534 tỉ đồng được bán ra, Lê Thanh Thản thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 481 tỉ đồng. Quá trình điều tra, ông Thản đề nghị xem xét lại số tiền thu lời bất chính, bởi phải đầu tư chi phí để xây dựng công trình CT6C hết 632 tỷ đồng. Song, cơ quan truy tố cho hay tòa nhà này do ông chỉ đạo xây dựng sai quy hoạch nên không có căn cứ trừ chi phí xây dựng dự án.

Vỡ mộng một giấc mơ

Theo Viện Kiểm sát, ngày 31/7/2019, bị can Thản có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả của vụ án theo 3 phương án: Một là: Xem xét xử lý theo Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ và Khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở. Hai là: Ông Thản tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C để di dời sang dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco5. Ba là: Ông Thản sẽ thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C Kiến Hưng.

4.jpg -0
Người dân tại khu CT6 Kiến Hưng tích cực tham gia công tác phòng chống dịch trong thời điểm bùng phát COVID-19.

Ông Thản lựa chọn phương án tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C Kiến Hưng. Tuy nhiên, đến nay Công ty Bemes không thỏa thuận được với khách hàng. Sau khi không thỏa thuận được với khách hàng, bị can Lê Thanh Thản đề nghị Ngân hàng BIDV - chi nhánh Nam Hà Nội bảo lãnh số tiền bị can phải trả lại cho khách hàng theo quy định của pháp luật.

Ngày 27/11/2019, Ngân hàng BIDV - chi nhánh Nam Hà Nội đã phát hành Công văn xác nhận bảo lãnh số tiền 530 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho bị can Lê Thanh Thản tại dự án CT6 Kiến Hưng.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, đa số bị hại đề nghị được hỗ trợ cấp sổ đỏ cho những căn hộ họ đã mua. Chỉ có 6 bị hại đề nghị trả lại nhà và yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả tổng số tiền mua nhà là hơn 7 tỉ đồng. Nhiều người dân có nguyện vọng đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Bởi họ vẫn muốn được sở hữu những căn hộ mà mình đã tích cóp bao năm mới được sở hữu. Về nội dung này, VKSND TP Hà Nội cho rằng sẽ tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu.

Theo nội dung cáo trạng, sai phạm của ông Lê Thanh Thản kéo dài nhiều năm nhưng khi xác minh tại UBND phường Kiến Hưng và Thanh tra xây dựng quận Hà Đông, cơ quan chức năng không tìm được bất cứ tài liệu, hồ sơ kiểm tra hoặc đề xuất biện pháp xử lý nào đối với dự án CT6 Kiến Hưng. Đồng nghĩa, những vi phạm bị đánh giá là nghiêm trọng của dự án này kéo dài suốt hơn 2 năm mà không hề bị thanh tra, kiểm tra. Từ đó, Viện Kiểm sát truy tố 6 cựu cán bộ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có các ông Nguyễn Văn Năm (nguyên Chánh thanh tra xây dựng quận Hà Đông), Vương Đăng Quân (nguyên Phó chánh thanh tra xây dựng quận Hà Đông), Đỗ Văn Hưng (nguyên Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng), Nguyễn Duy Uyển và Bùi Văn Bằng (2 nguyên Phó chủ tịch UBND phường Kiến Hưng).

Viện KSND TP.Hà Nội xác định còn có ông Lê Cường (nguyên Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông). Thời điểm dự án CT6 Kiến Hưng triển khai xây dựng, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp diễn ra trên địa bàn quận Hà Đông rất phức tạp. Ông Cường nhiều lần chỉ đạo tổ chức kiểm tra, phát hiện vi phạm tại tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn. Riêng Dự án CT6 Kiến Hưng, ông Cường không được UBND phường Kiến Hưng hoặc Thanh tra xây dựng quận Hà Đông báo cáo, đề xuất kiểm tra, phát hiện vi phạm. Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Cường, chuyển ông Cường sang công tác tại Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội. Cơ quan tố tụng cho rằng hành vi của ông Cường có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng xét thấy ông đã bị xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền nên không cần thiết phải xử lý hình sự.

Một cá nhân khác là ông Phạm Khắc Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND quận Hà Đông. Với tư cách Chủ tịch UBND quận Hà Đông, ông Tuấn phân công cho ông Cường phụ trách lĩnh vực quản lý xây dựng, đô thị. Hành vi của ông Tuấn có sự thiếu sót ở mức độ gián tiếp của người đứng đầu, nên không xem xét xử lý hình sự.

Kim Sa
.
.