Khi lịch sử được đánh thức

Thứ Ba, 19/04/2022, 21:26

Khi triều đại nhà Nguyễn kết thúc vào năm 1945, có hàng nghìn món bảo vật, cổ vật triều Nguyễn được chuyển ra Hà Nội, sau đó được bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia gìn giữ, bảo quản. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều cổ vật quý giá khác của triều Nguyễn lưu lạc ở nước ngoài.

Và trong những năm gần đây, thông qua các phiên đấu giá, có một số cổ vật quý đã được hồi hương trở về vùng đất Cố đô. Dự kiến ngày 17-4 tới đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức lễ tiếp nhận 2 cổ vật được đưa về từ Tây Ban Nha, thêm một điểm nhấn cho sự trở về của các di vật văn hóa bị lưu lạc.

chuyencovat 1.jpg -0
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế xem xét cổ vật mũ quan triều Nguyễn

Chiếc xe kéo tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh

Một trong số những cổ vật triều Nguyễn được hồi hương trở về xứ Huế lần này là chiếc xe kéo tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh - mẹ vua Thành Thái. Lần trở lại câu chuyện lịch sử liên quan đến cổ vật xe kéo triều Nguyễn mới biết được rằng, Nguyễn Phúc Bửu Lân (sinh năm 1879) vốn là con thứ 7 của Vua Dục Đức. Năm 1889, Bửu Lân bất ngờ được đưa lên ngôi, lấy niên hiệu là Thành Thái. Trong 18 năm ở ngôi hoàng đế, vua Thành Thái đã để lại những dấu ấn trong lịch sử bởi những hành động yêu nước, chống lại chế độ thực dân Pháp.

Cũng vì nguyên nhân này mà năm 1907, nhà vua bị thực dân Pháp ép thoái vị và đưa đi Vũng Tàu quản thúc. Một số đồ ngự dụng vốn gắn bó thân thiết với ông đã được đem bán, hay cầm cố. Ngày 18-10-1907, chiếc long sàng của Vua Thành Thái và chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được định giá 400 đồng và bán cho ông Prosper Jourdan, là viên thanh tra phụ trách đội bảo vệ nhà vua. Khi về nước, Prosper Jourdan đã đưa những báu vật này về Pháp và lưu giữ tại nhà riêng của mình. Năm 1916, để tưởng nhớ những kỷ niệm về xứ Đông Dương xa xôi, Jourdan đã đồng ý cho hội chợ thương mại Dijon mượn 2 cổ vật và trưng bày một thời gian.

Tưởng chừng các cổ vật này sẽ chìm vào quên lãng thì bất ngờ đến đầu tháng 6-2014, gia đình Prosper Jourdan đã ủy nhiệm cho nhà bán đấu giá Rouillac tổ chức bán đấu giá 2 món cổ vật là chiếc long sàng và chiếc xe kéo nói trên. Trong đó, cổ vật xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh có chiều cao 136cm, dài 230cm, rộng 102cm, được làm bằng gỗ lim do xưởng Hoàng Hưng ở Hà Nội sản xuất, trong đó phần chạm khảm xà cừ do các nghệ nhân nổi tiếng ở làng Kinh Lược - Hà Nội đảm nhận. Bề ngoài xe sơn màu đen và khảm xà cừ với màu sắc đa dạng.

chuyencovat 4.jpg -0
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiếp nhận 2 cổ vật mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình

Đặc biệt, ở giữa lưng xe phần mặt sau là bức tranh hoa hồng và mỗi góc bức tranh là mỗi đóa hồng nở rộ. Ở giữa thanh tựa ngang, trên tấm tranh là bức phong cảnh và ở các đầu thanh tựa là một cành hoa được khảm xà cừ. Ngoài ra, các bộ phận của xe kéo như càng xe được trang trí bằng vòng bằng kim loại màu trắng; mui xe được gắn ống đồng; bánh xe được niềng sắt và trên xe có gắn thêm 2 đèn lồng để thắp nến.

Chiếc long sàng cũng được mô tả rất tỉ mỉ trong tập hồ sơ đấu giá: “Long sàng được chạm khắc trên gỗ trắc (hoặc gỗ lim), vốn loại gỗ chắc nhất Đông Dương, hoàn toàn không thể hủy hoại, lên màu theo năm tháng. Chân và khung giường được chạm khắc hình con rồng. Ở bốn góc của mặt giường được gia công các trang sức nhỏ, ngăn kéo đầu giường được khảm xà cừ. Trên mặt ngoài của tấm tựa đầu giường được sơn đỏ, ba họa tiết thếp vàng được viền quanh bằng một đường chỉ vàng… Giường được trang trí bằng dải lụa đỏ dài 3m30, cao 80cm”.

Vào thời điểm ấy, nhận được thông tin về việc đấu giá cổ vật, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế liền vận động các tổ chức, nhà tài trợ và những Việt kiều ở Pháp quyên góp tiền với mục đích tham gia đấu giá cổ vật. Đến ngày 13-6-2014, phiên đấu giá 2 cổ vật là chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh và long sàng của vua Thành Thái được tổ chức ngay tại Văn phòng Rouillac (Pháp). Được sự giúp đỡ của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã đấu giá thành công chiếc xe kéo với giá 45.000 Euro, cộng thêm phí đấu giá 24% thành 55.800 Euro (khoảng 1,3 tỷ đồng). Riêng chiếc long sàng của vua Thành Thái bị đẩy giá quá cao và được ông Tạ Văn Quang, một Việt kiều có họ hàng với Vua Thành Thái mua giá 100.000 Euro.

Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Huế khẳng định,cổ vật xe kéo kể trên vốn được Vua Thành Thái đặt sản xuất để Hoàng Thái hậu Từ Minh dạo chơi trong ngự uyển và những địa điểm khác thuộc hoàng cung. Và đây là cổ vật đầu tiên bị lưu lạc ở nước ngoài được Việt Nam đấu giá thành công để đưa trở lại nước sau hơn 1 thế kỷ lưu lạc. Ngay sau khi được đưa về Huế, cổ vật quý giá này sẽ được trưng bày tại di tích Tả Trà, cung Diên Thọ - Đại Nội Huế để du khách tham quan chiêm ngưỡng.

Thêm nhiều cổ vật triều Nguyễn hồi hương

Sau chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh, gần đây nhất, một công ty có trụ sở chính ở TP Hà Nội đã tham gia đấu giá thành công hai cổ vật quý thời nhà Nguyễn gồm mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình lưu lạc ở Tây Ban Nha. Sự việc khiến giới yêu cổ vật, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và người dân xứ Huế quan tâm, vui mừng. Trong đó, cổ vật mũ quan triều Nguyễn, được chế tác vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Còn áo Nhật Bình là cổ phục thời Nguyễn, được chế tác vào cuối thế kỷ 19, có chất liệu lụa, nền màu đen, được may và thêu tay rất tinh tế. Trước đó, từ cuối tháng 10-2021, nhà đấu giá Balclis tại Tây Ban Nha đã tổ chức đấu giá 2 cổ vật này và đơn vị này đã tham gia đấu giá thành công, mua được 2 cổ vật quý. Trong đó, mũ quan triều Nguyễn được bán với giá 600.000 Euro (gần 16 tỷ đồng) và áo Nhật Bình được bán với giá 160.000 Euro (hơn 4 tỷ đồng), chưa tính các khoản phí, thuế theo quy định.

chuyencovat 2.jpg -0
chuyencovat 3.jpg -0
Mũ quan và áo Nhật Bình thời Nguyễn được đấu giá thành công và hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên-Huế

Điều đáng nói, chiếc mũ quan triều Nguyễn là cổ vật còn gần như nguyên vẹn kèm hộp đựng bằng gỗ có mạ vàng được chế tác tinh xảo. Cổ vật này từng thu hút nhiều nhà nghiên cứu, giới chuyên môn theo dõi. Trước thời điểm đấu giá, nhiều nhà sưu tầm cổ vật ở Việt Nam cũng tham gia vào sàn đấu giá trực tuyến này. Tuy nhiên, quá trình đấu giá gây ra nhiều bất ngờ khi mức trả giá liên tục tăng cao, nhiều cá nhân đành phải bỏ cuộc đấu giá. Từ giá khởi điểm 500 - 600 Euro, kết quả cổ vật mũ quan triều Nguyễn kèm hộp đựng được đấu giá cao gấp 1.000 lần con số khởi điểm với mức giá đưa ra cuối cùng là 600.000 Euro. Riêng cổ vật áo Nhật Bình được đưa ra giá khởi điểm từ 800 - 850 Euro và sau đó đã được bán với mức giá 160.000 Euro.

Với mức giá cao kỷ lục trên, mũ quan triều Nguyễn đã bỏ xa các tác phẩm, hiện vật còn lại trong cùng phiên đấu giá. Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng (ở TP Huế) cho biết, chiếc mũ quan triều Nguyễn là cổ vật hiện rất hiếm có trên thị trường, lại được bảo quản tốt nên việc thu hút đông đảo nhà sưu tập quốc tế tham gia đấu giá là chuyện đương nhiên. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng nhận định, với tình trạng gần như nguyên vẹn, có thể suy đoán rằng chiếc mũ quan triều Nguyễn đã được đưa ra nước ngoài từ lâu, hoặc do người Pháp mang đi, hoặc được các viên quan thời Tự Đức biếu tặng trong những chuyến công du.

Sau khi đấu giá thành công, đơn vị nói trên đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị hiến tặng hai cổ vật của triều Nguyễn mà đơn vị này đã đấu giá thành công tại Tây Ban Nha. Theo công ty này, nhận thấy đây là những cổ vật được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận xã hội, có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử nên doanh nghiệp mong muốn hiến tặng cho UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế với mục đích bảo quản, lưu giữ và trưng bày. Qua việc hiến tặng này, doanh nghiệp cũng mong muốn tạo ra những tác động tích cực về văn hóa, lịch sử, đóng góp một phần vào sự phát triển toàn diện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trước đề nghị của nhà hảo tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản đồng ý chủ trương tiếp nhận hai cổ vật nói trên. Ngày 9-4 vừa qua, sau khi được vận chuyển từ Tây Ban Nha về TP Hà Nội bằng đường hàng không, 2 cổ vật là mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình đã được vận chuyển vào Huế. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, sau khi được đưa về Huế, hai cổ vật được vận chuyển đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm và đơn vị đã lập biên bản tiếp nhận, nhập vào kho bảo quản với sự chứng kiến của các cơ quan chức năng liên quan.

Qua xem xét, kiểm tra mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình sau khi 2 cổ vật quý được đưa về Huế, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Sở đã thành lập hội đồng gồm các nhà nghiên cứu, nhà sưu tập cổ vật để thẩm định lại chất lượng của hai món cổ vật trên. Bước đầu, hội đồng xác định mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình đúng là hai món cổ vật thuộc triều Nguyễn. Trong đó mũ quan triều Nguyễn là mũ quan hàm chánh nhất phẩm dành cho các chức quan như Cần Chánh điện Đại học sĩ, Văn Minh điện Đại học sĩ, Võ Hiển điện Đại học sĩ, Đông Các điện Đại học sĩ. Dự kiến vào ngày 17-4 tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tổ chức lễ tiếp nhận các cổ vật, sau đó sẽ tổ chức trưng bày để công chúng và du khách chiêm ngưỡng. “Việc một đơn vị tư nhân tham gia đấu giá thành công để mua lại các cổ vật quý của triều Nguyễn bị lưu lạc tại nước ngoài và hiến tặng cho địa phương là chuyện rất đáng mừng. Các cổ vật sẽ được bảo quản, lưu giữ và tổ chức trưng bày, giới thiệu đến công chúng nhằm góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định.

Từ câu chuyện những cổ vật triều Nguyễn lưu lạc ở nước ngoài được hồi hương, có thể nhận thấy rằng, việc người Việt Nam đồng tâm hiệp sức tham gia đấu giá thành công các cổ vật tại nước ngoài là sự kiện quan trọng, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng đối với các di sản văn hóa của cha ông để lại. Và đây là dấu mốc đánh dấu sự “trở về” của các di sản, trong đó có các di sản quý giá của triều Nguyễn.

Anh Khoa
.
.