Khi lương thực trở thành vũ khí trong các xung đột địa chính trị

Thứ Tư, 16/11/2022, 15:15

Tháng 12/1975, khi tạp chí Business Week xuất bản bài báo "Sức mạnh lương thực Mỹ: Vũ khí tối thượng trong chính trị quốc tế ", có rất ít người nhận thức được tầm quan trọng của lương thực trong kho vũ khí ngoại giao và quân sự.

Đối với Earl Butz, tác giả bài báo đồng thời là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, vai trò chiến lược của lương thực là không thể nghi ngờ. Thực tế thế giới hiện tại cho thấy lương thực đã trở thành một thứ vũ khí có sức nặng chi phối của các cường quốc với các nước nhỏ…

Viện trợ lương thực: Vì lòng trắc ẩn hay tạo sức mạnh địa chính trị?

Đối mặt với những tình trạng như hiện nay, hoạt động viện trợ lương thực hiện đang được nhiều quốc gia, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức từ thiện khác công khai tài trợ, đã trở thành một đối tượng mơ hồ giữa một bên là lòng hảo tâm thường được tuyên truyền công khai và các mục tiêu địa chính trị được ngụy trang khéo léo. Tháng 8/2020, trên đống đổ nát vẫn còn ngổn ngang ở Beirut sau động đất, người ta đã thấy một mối liên hệ sôi động giữa chiến dịch viện trợ khẩn cấp và các hoạt động ngoại giao. Chỉ trong vài ngày các sứ giả nước ngoài đã đổ xô đến hiện trường tấn thảm kịch để tham gia vào một cuộc chạy đua điên cuồng  phục vụ cho lợi ích quốc gia của họ.

Khi lương thực trở thành vũ khí trong các xung đột địa chính trị -0
Trong gần 5 tháng, khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đã bị phong tỏa ở biên giới Ukraine. Theo kế hoạch, 90% số ngũ cốc này dành để chuyển đến Châu Phi.

 Pháp muốn tái khẳng định vai trò của mình đối với Lebanon trong việc tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và thể chế mà nước này đang phải trải qua. Đối với Ankara, việc gửi viện trợ nhân đạo là một phần quan trọng trong định hướng mới của nền ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc hỗ trợ các nước trong khu vực gặp khó khăn để mở rộng ảnh hưởng của mình ở đó. Đối với Israel, đây là một cơ hội cần nắm bắt để giảm bớt áp lực với đất nước và khôi phục hình ảnh của mình với người dân Lebanon phần lớn là thù địch với nhà nước Do Thái. Đối với các quốc gia  như Qatar, mục tiêu cuối cùng là xác lập được lợi ích của mình trong tương lai. Với một số người này viện trợ lương thực là một chiến lược “con ngựa thành Troy” đáng bị lên án, nhưng với những người khác đây lại là một giải pháp kinh tế - ngoại giao mang lại hiệu quả tốt. Ngày nay không thể chối cãi rằng viện trợ nhân đạo đã thể hiện rõ sức mạnh thầm lặng của vũ khí lương thực.

Chiến tranh kinh tế và vũ khí lương thực

Sàn giao dịch thương mại, thị trường chứng khoán và các lợi ích kinh tế không bao giờ tách xa khỏi các bãi chiến trường, dù đó là chiến trường của các hoạt động quân sự hay loại xung đột khác nhau.

Khi lương thực trở thành vũ khí trong các xung đột địa chính trị -0
Hiện có 325 triệu người trên khắp thế giới đang tiến đến bờ vực của nạn đói.

Với ngành nông sản, mọi thứ cũng diễn ra hoàn toàn giống như vậy. Một lần nữa, những diễn biến gần đây trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã nhắc nhở chúng ta rằng lương thực luôn là trọng tâm của các vấn đề quân sự; chính trị và kinh tế luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Cuộc chiến đã thực sự bị quốc tế hóa ngay từ thời điểm Ukraine gặp khó khăn trong xuất khẩu nông sản của mình gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và sự gia tăng cơ học của giá nguyên liệu thô (lúa mì, hướng dương, ngô, hạt cải dầu, v.v.). Nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, cảm thấy thực sự hoảng loạn khi nghĩ tới viễn cảnh không thể đảm bảo an ninh lương thực cho người dân của họ. Gần một nửa trong số 54 quốc gia của lục địa đen phụ thuộc vào lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine.

Xung đột Nga - Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển ở Biển Đen, "huyết mạch" chính cho ngũ cốc và các mặt hàng khác xuất khẩu từ Nga và Ukraine sang châu Phi. Cùng với dịch COVID-19, hạn hán kéo dài, cuộc chiến ở Ukraine đang đẩy giá lương thực lên cao nhất từ trước tới nay, gây nguy cơ xảy ra nạn đói tồi tệ nhất từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo Liên hợp quốc, 50 triệu người dân châu Phi đang bị đẩy trở lại cảnh nghèo cùng cực và họ sẽ khó thoát khỏi cảnh nghèo hơn. Lạm phát toàn cầu còn kéo theo một loạt hệ quả ở châu Phi.

Ông Raymond Gilpin thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết: "Lạm phát toàn cầu đã xâm nhập vào các nền kinh tế châu Phi vì châu Phi quá phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, nhiên liệu, thuốc men và đồ tiêu dùng". Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, các nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng giá lương thực tăng vì lương thực thường chiếm hơn 30% chi tiêu hộ gia đình.

Đối với Nga, chiến lược quân sự - lương thực cũng đã được triển khai theo  hướng tạo sức ép nặng nề lên nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu nông sản của Ukraina, gây áp lực lên một cộng đồng quốc tế đang sợ hãi trước “bóng ma” thiếu hụt lương thực trên khắp hành tinh.

Điều trớ trêu là cùng với lời kêu gọi “không sử dụng lương thực như là vũ khí” của Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack, Washington bấy lâu nay vẫn là  người đi đầu trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các nước được coi là thù nghịch. Năm 2003, lấy lý do Chính phủ Pháp từ chối can dự cùng với Mỹ tấn công Iraq, Washington đã ban hành hàng loạt thuế hải quan mới đối với các sản phẩm thực phẩm của Pháp. Năm 2017, lệnh cấm vận tiếp cận thị trường tài chính quốc tế áp đặt đối với Venezuela đã làm cuộc khủng hoảng kinh tế mà đất nước này càng thêm trầm trọng: lạm phát tăng chóng mặt, thiếu hụt hàng hóa tiêu dùng, thiếu dinh dưỡng đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất, thúc đẩy luồng di cư ồ ạt bỏ trốn khỏi đất nước…

                                                           

Dương Thắng (Tổng hợp)
.
.