Khi mùa kịch… “cháy” vé!

Thứ Hai, 20/02/2023, 09:40

Các suất diễn đều được lấp đầy từ 70 - 100% khán phòng. Thậm chí, nhiều vở đã tăng suất diễn đến qua Rằm tháng Giêng để phục vụ nhu cầu khán giả ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì sức nóng như vậy, sau một mùa diễn cao điểm là bài toán cần được các đơn vị giải mã.

Hết Tết vẫn kín rạp

Những ngày đầu tháng 2, gần 1 tháng sau Tết Nguyên Đán 2023, các nhà hát ở khu vực phía Nam vẫn tất bật sáng đèn, tăng suất diễn phục vụ khán giả.

4-1676857366771.jpeg
Ông bầu Huỳnh Tuấn Anh không ngờ rằng, vở nhạc kịch “Em em chị chị” (lấy cảm hứng từ “Chicago” – phim hài Mỹ nổi tiếng) bán được hơn 75% vé từ trước Tết.

Bà An Thi - quản lý sân khấu Thế giới trẻ hồ hởi cho biết, đơn vị vẫn kín lịch đến tận ngày Rằm tháng Giêng, các ngày cuối tuần sau đó cũng kín lịch diễn. “Chúng tôi nhận thấy sau Tết vẫn có một lượng khán giả rất đông từ quê trở về thành phố và họ cũng có nhu cầu đi xem kịch, vì vậy chúng tôi vẫn duy trì lịch diễn để phục vụ họ. Thậm chí sau Rằm, các suất diễn của sân khấu vẫn rất ổn. Những vở mới được khán giả ủng hộ nhiệt tình, còn những vở cũ đạt từ 75% lượng vé trở lên”.

Cùng chung niềm vui, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Idecaf. Thanh Niên… sau Tết vẫn chưa chịu nghỉ xả hơi như mọi năm. Lịch diễn sắp kín từ thứ Tư đến Chủ nhật hằng tuần. Các suất diễn ở sân khấu Idecaf vẫn tiếp tục bán sạch sau một thời gian ngắn mở bán trên mạng. Điển hình như vở “12 bà mụ”, sân khấu Idecaf đã phải tăng lên 4 suất diễn sau Tết mà vẫn không đủ vé để bán. Được biết theo dự kiến ban đầu vở chỉ diễn 10-12 suất, nay đơn vị quyết định tăng lên 20 suất để phục vụ khán giả.

Nhà hát Kịch sân khấu Nhỏ - Kịch 5B cũng có một mùa diễn Tết đại thắng. NSƯT Mỹ Uyên cho biết, từ trước dịch bệnh, tình hình diễn tết của Kịch 5B chỉ bình bình, nhưng năm nay mọi việc đã khác.

Khi mùa kịch… “cháy” vé! -0
Một cảnh trong vở “Đại náo Long cung” của sân khấu kịch 5B.

Nhờ chọn hướng đi riêng là diễn kịch thiếu nhi ngày Tết, cả 8 suất diễn vở “Đại náo Long cung” đều cháy vé, phải bổ sung thêm 2 suất nữa, kết hợp với 4 suất 2 vở thiếu nhi cũ là “Vương quốc những người xấu xí” và “Bộ lạc nanh trắng”, thành ra lên đến 14 suất các vở thiếu nhi, tất cả đều kín ghế. Các vở kịch người lớn được xếp lịch vào buổi tối cũng bán được 80% vé. “Có ngày chúng tôi diễn 4 suất, 3 suất thiếu nhi và 1 suất người lớn. Đến những suất cuối, hầu như diễn viên đều tắt tiếng. Nhưng mà vui lắm”, NSƯT Mỹ Uyên vui mừng chia sẻ. Nhu cầu khách tăng cao, lịch diễn của đơn vị này cũng kéo dài đến tận ngày Rằm. Cuối tuần rồi, trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật, nhà hát đông vui với 4 suất diễn/ngày. Các vở kịch thiếu nhi đều đạt 90% lượng vé trở lên, kịch người lớn cũng được khoảng 80%.

Các nghệ sĩ sân khấu tại TP Hồ Chí Minh còn chia sẻ rằng lần đầu tiên họ có niềm tin kịch Tết đã sẵn sàng cạnh tranh với các loại hình khác như phim ảnh, ca nhạc. Đây là điều đáng mừng, nhất là trong giai đoạn không ít đơn vị nghệ thuật chật vật sau đại dịch. Khán giả vẫn ủng hộ sân khấu. “Ba suất diễn một ngày, làm mình nhớ lại khoảng thời gian tầm 20 năm trước, để rồi lại mong ước...”, nghệ sĩ Tuyết Thu hào hứng.

“Kịch bản” nào cho sân khấu sau mùa bội thu?

So với nhiều năm trước, số lượng các vở diễn dịp Tết tại các sân khấu trung bình khoảng 30 vở, thì con số 12 vở diễn năm nay vẫn chưa thể so với thời hoàng kim. Tuy nhiên, nhìn tổng thể có thể thấy các vở diễn được chăm chút nhiều hơn về chất lượng, trang phục, bối cảnh… và chiến lược truyền thông bài bản.

Khi mùa kịch… “cháy” vé! -0
NSƯT Thành Lộc và dàn diễn viên trong vở “12 bà mụ”.

Như ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, không chỉ bỏ ra 1 tỷ đồng để tân trang, trang bị cho Nhà hát Thanh Niên, ông còn chi 250 triệu đồng (so với vở kịch thông thường khoảng từ 50 - 70 triệu đồng/vở), có hẳn một ban nhạc sống để nghệ sĩ hát live trong vở “Em em chị chị”. Trong khi đó, để cạnh tranh với các sân khấu lớn, Sân khấu Trương Hùng Minh hút khách bằng cách đặt hàng kịch bản chất lượng, mời dàn sao góp mặt như: Hoài Linh, Thanh Điền, Công Ninh, Việt Hương, Lâm Vỹ Dạ… Ngoài ra, phần cơ sở vật chất từ ghế ngồi, sàn diễn, sảnh chờ đến cảnh trí được anh và ê-kíp đầu tư mới hoàn toàn để khán giả có trải nghiệm tốt nhất suốt buổi diễn.

Kịch bản chất lượng, cách dàn dựng mới, cách trang trí mới, chuyển tải được những vấn đề tiếp cận được với khán giả trẻ cũng là hướng đi của Sân khấu kịch Idecaf, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Sen Việt… trong năm 2023. NSƯT Lê Nguyên Đạt của Sân khấu Sen Việt cho biết, vở “Kiếp tằm” ra mắt vào Tết là một thể nghiệm cho hướng đi mới này. Theo đó, thay vì bán vé đại trà như mọi năm, dịp Tết năm nay, mỗi suất diễn của “Kiếp tằm” chỉ bán ra cao nhất 50 vé và chỉ diễn đúng 3 ngày. Tiết tấu vở diễn sẽ nhanh hơn, mang nhiều hơi thở đương đại và thời lượng buổi diễn cũng rút ngắn còn khoảng 90 phút để khán giả cảm nhận trọn vẹn tác phẩm.

Chơi lớn hơn, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã có nhiều bước chuyển mình tích cực, hợp xu hướng. Không chờ đến ngày mùng 1 Tết, đơn vị đã đề xuất các suất chiếu sớm (tức sneak show) dành cho “Trái tim oan khuất” bắt đầu từ ngày 1/1/2023. Đây là cách phát hành phổ biến bên lĩnh vực điện ảnh dành cho những bộ phim thú vị, hấp dẫn được khán giả háo hức trông chờ. “Chiêu” này lại hoàn toàn mới với sân khấu kịch nói, nhưng bước đầu tỏ ra hiệu quả. Bằng chứng cho thấy, mùa Tết vừa qua, đơn vị này ghi nhận lượng vé bán ra chiếm gần 90% số ghế của tất cả các suất diễn. Trung bình mỗi suất diễn thu hút từ 300 khán giả trở lên.

Nếu như sân khấu Hoàng Thái Thanh là đơn vị đầu tiên áp dụng cách phát hành, quảng bá như phim điện ảnh, thì sân khấu kịch Hồng Vân, Thế giới trẻ… là những đơn vị tiên phong định hướng tiếp cận tác phẩm với khán giả trẻ, học sinh, sinh viên. Theo đó, NSND Hồng Vân hợp tác với trường đại học ra mắt sân khấu dành riêng cho sinh viên, ra mắt các vở diễn có đề tài văn học, về lịch sử như “Ai Tư Vãn uẩn khúc - Công chúa Ngọc Hân”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Số đỏ”, “Bỉ vỏ”, “Thị Mầu lên chùa”… Còn sân khấu Thế giới trẻ sẵn sàng chi tiền thuê thêm địa điểm ở Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang để phục vụ 15 suất diễn học đường hai vở “Thành Thăng Long thuở ấy” và “Yêu là thoát tội”.

Việc sân khấu Tết “cháy” vé là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy khán giả chưa bao giờ quay lưng với kịch nghệ. Đặc biệt, trong bối cảnh năm qua thành công này chỉ mang tính mùa vụ, nhưng mùa Tết 2023 cho thấy một công thức mới giúp các nhà hát “cháy” vé, thậm chí sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với làn sóng dữ dội của gameshow truyền hình, phim truyền hình và phim chiếu rạp.

Tuy nhiên, công bằng để nói, không phải mùa Tết năm nào sân khấu cũng thành công. Qua Tết, lượng khán giả đến rạp sẽ giảm dần, tình hình sân khấu trở lại trạng thái bấp bênh là viễn cảnh quen thuộc trong nhiều năm qua. Nhìn mặt bằng chung, không phải tất cả các vở diễn mùa Tết năm nay đều có sự đồng đều về chất lượng và chiến lược truyền thông, bán vé thành công. Do đó, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn khẳng định, sân khấu nào muốn cầm cự được thì phải ra vở mới, bởi “không có vở mới là chết”. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ, để giữ chân khán giả vở mới vẫn cần đảm bảo chất lượng và sự mới mẻ. “Duy nhất là cái mới. Điều tôi đang làm là một dạng loại mới nhưng phải cực kỳ hài. Bây giờ tôi đang làm gấp một vở vừa nhạc kịch, nhạc sống vừa hài thì mới sống được. Hoặc hình thức biểu diễn nào mới với nội dung lạ thì họa may mới có khán giả. Nói chung vẫn phải là hàng độc, lạ thì mới có khán giả chứ còn bình bình sẽ trở lại như thời kỳ trước dịch”, ông Tuấn cho hay.

Ở góc độ quản lý, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, để nghệ thuật sân khấu những năm tới xuất hiện nhiều tác phẩm chất lượng cao, có được sức hút đối với khán giả, Hội sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hoạt động liên hoan sân khấu, mở các trại sáng tác, xây dựng Đề án về chiến lược phát triển khán giả cho sân khấu… “Nhưng sau cùng, muốn kéo khán giả trở lại nhà hát thì vấn đề mấu chốt vẫn phải là những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng. Sân khấu Việt Nam phải có sự thay đổi, lột xác mạnh mẽ ngay từ hình thức dàn dựng, biểu diễn lẫn phương thức tiếp cận khán giả”, bà Mùi nhận định.

Lạnh lẽo kịch Tết phía Bắc

Trái với nhịp độ sôi động của sân khấu phía Nam, sân khấu miền Bắc không có sự ra quân ồ ạt như vậy ở mọi đơn vị, hầu hết các sân khấu kịch đều đóng cửa nghỉ Tết và chỉ trở lại từ mùng 5 hay 6 với các suất diễn phục vụ khán giả. Tết năm nay, chỉ có Nhà hát Kịch Hà Nội ra mắt chùm bi hài kịch “Những chuyện đời” (tác giả: Thanh Lê, đạo diễn: NSND Lê Hùng) gồm 7 tiểu phẩm hài ngắn, phê phán, đả kích những thói hư, tật xấu trong xã hội, với những tình huống “dở khóc dở cười” về cuộc sống, con người và đặc biệt là những vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm. Đằng sau những câu chuyện dí dỏm nhưng sâu cay là nhiều bài học mang tính nhân văn, có ý nghĩa đối với cuộc sống của mỗi người.

Khi mùa kịch… “cháy” vé! -0
NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Thực tế, không phải năm nay, sân khấu phía Bắc mới trầm lắng hơn khu vực phía Nam. Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, ở phía Bắc, lâu nay người dân không có thói quen đi xem kịch vào dịp Tết hay đầu năm mới mà thường phải rằm tháng Giêng mới khởi động khai xuân. Ngược lại, sân khấu phía Nam lại sôi động, nhưng chủ yếu vẫn là chủ động xã hội hóa của các đơn vị nghệ thuật.

“Họ luôn tìm tòi sáng tạo những tác phẩm mới, đáp ứng được nhu cầu của khán giả phía Nam, và có chiến lược phát triển khán giả riêng. Vì thế, họ được khán giả đáp ứng lại sự nỗ lực vô cùng to lớn của các nghệ sĩ. Thực tế, sân khấu phía Bắc không thiếu tác phẩm có chất lượng nhưng chúng ta thiếu sự nhiệt huyết của người làm nghề với khán giả. Có nhiều tác phẩm của đơn vị công lập rất hay nhưng tiếp cận đến với công chúng còn hạn chế. Chúng ta chưa có sự nỗ lực trong truyền thông, chưa dám đầu tư cho quảng bá và giới thiệu tác phẩm. Việc giới thiệu tác phẩm không phải chỉ biểu diễn mà đôi khi còn phải có biểu diễn không nói tới việc có kinh phí. Phải có sự dài hơi ấy mới đem đến những đến hiệu quả là các đêm diễn có doanh thu cho nghệ sĩ”, NSND Trịnh Thúy Mùi bày tỏ.

Bạch Dương
.
.