Khi nghệ thuật truyền thống bắt tay cùng du lịch

Thứ Hai, 22/05/2023, 20:14

Kết hợp nghệ thuật truyền thống vào hoạt động du lịch, lữ hành đã được thực hiện từ nhiều năm nay và đang được nhân rộng phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước. Không thể phủ nhận nhờ có nghệ thuật truyền thống đặc sắc đã biến từng tour du lịch thành những điểm nhấn đặc biệt, trở nên hấp dẫn, mới mẻ hơn, kéo theo lượng khách đổ về đông hơn.

Cái bắt tay giữa nghệ thuật truyền thống và du lịch, ngoài việc quảng bá các loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc, đất nước và con người Việt Nam  còn đem lại một nguồn lợi kinh tế, tuy nhiên cũng gặp không ít trở ngại, thách thức. Có nhiều luồng ý kiến trái chiều, và cũng là bài toán đau đầu cho các nhà quản lý.

Ăn, chơi kết hợp với thưởng ngoạn

Đất nước Việt Nam trải dài từ đất mũi Cà Mau đến nơi địa đầu phía bắc của tổ quốc, dải đất hình chữ S uốn lượn với thiên nhiên ưu đãi cho cảnh sắc vùng miền vô cùng tươi xinh và rạng rỡ. Ở mỗi vùng đều có những loại hình văn hóa riêng biệt trở thành một loại “đặc sản” không dễ gì quên được với lữ khách. Về xứ Kinh Bắc để nghe câu quan họ, nghe câu hát giao duyên, ngắm nhìn những liền anh đầu đội khăn xếp, chân đi guốc mộc, chị em trong áo mớ ba mớ bẩy, bỗng thấy tình cứ vấn vương, chẳng nỡ rời xa. 

hình ảnh truyền thống được lồng ghép với công nghệ biểu diễn hiện đại.jpg -0
Hình ảnh truyền thống được lồng ghép với công nghệ biểu diễn hiện đại.

Hay về Phú Thọ để nghe hát xoan tại những câu lạc bộ hát xoan do các nghệ nhân đã mất nhiều công để nâng niu truyền thụ vốn quý của loại hình âm nhạc từ xa xưa. Bước tới miền Trung, đến xứ Huế để buổi tối ngồi trên du thuyền, bầu trời đêm yên bình nghe ca Huế trên dòng sông Hương thơ mộng. Ghé vào vùng Tây Nguyên thưởng thức cồng chiêng Tây Nguyên, loại hình văn hóa độc đáo có một không hai ở vùng đất đỏ đầy nắng và gió. Đi miền Tây để nghe đàn ca tài tử của vùng đất cải lương Ca Văn Lầu…

Không chỉ có những vùng đất có đặc sản riêng về các loại hình âm nhạc trù phú mà ngay cả các địa điểm du lịch cũng tổ chức hẳn các sân chơi nghệ thuật. Đến Hội An thì có những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất di sản Hội An, Quảng Nam. Thông qua những câu hò điệu lý, những điệu múa dân gian cùng với loại hình âm nhạc truyền thống biểu cảm của sáo, nhị, bầu… Sự trải nghiệm văn hóa Việt Nam và nét đẹp rất riêng của miền Trung qua những loại hình nghệ thuật độc đáo đã để lại trong lòng du khách ấn tượng về mảnh đất yêu thương và không nỡ rời xa.

Hiện nay tại các điểm du lịch lớn đều có những show diễn thực cảnh được đầu tư rất công phu, tỉ mỉ kéo hàng trăm diễn viên tham gia vào buổi trình diễn. Sự kết hợp nhuần nhuyễn của nghệ thuật dân tộc vào khung cảnh núi rừng thiêng liêng tạo nền một màu sắc vô cùng độc đáo, hút khách.

Nắm bắt tâm lý khách du lịch nên tại các khu vui chơi, giải trí, khu phố đi bộ ở các thành phố lớn cũng kết hợp những loại hình nghệ thuật độc đáo này. Vào hai ngày cuối tuần dịp thứ bảy, chủ nhật trên phố đi bộ ở khu phố cổ Hà Nội trước cửa chợ Đồng Xuân có hát xẩm, hay các nghệ sĩ hát văn ở trước cửa đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc.

Nhóm nghệ sĩ là các giảng viên, học viên của trường nhạc ra biểu diễn các loại hình nhạc cụ dân tộc. Họ - một nhóm nghệ sĩ khoảng 6-7 người biểu diễn ở ngã ba phố. Người thổi sáo trúc, người chơi đàn bầu, người đánh đàn nguyệt… Gần ngay chỗ các nghệ sĩ biểu diễn là một hòm nhỏ để ai đi qua nếu có lòng thì bỏ tiền tùy tâm.

Dũng là giảng viên của môn đàn nguyệt trong trường. Buổi dạy thêm của Dũng 1 tiếng là 250.000 đồng. Nhưng ra đây biểu diễn thì khán giả tùy tâm.  Hòm để đấy và mọi người đi qua bỏ vào thùng 20 nghìn, 10 nghìn, 2 nghìn, 5 nghìn đồng. Dũng nhìn thấy người quen, cậu cúi đầu chào gượng gạo. Thấy thương thay cho các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc dân tộc khi so sánh với các loại hình âm nhạc khác như nhạc trẻ, nhạc rap, bolero…

Những bộ quần áo lệch… size!

Thị trấn trong sương Sa Pa là một trong những địa điểm du lịch đẹp có tiếng. Giờ đây Sa Pa gắn với những  hình ảnh cô gái bản địa xúng xính trong bộ trang phục dân tộc học cách hát, cách múa và xin tiền du khách.  Hình ảnh từ cụ già, trẻ nhỏ, cô gái trong những bộ trang phục dân tộc học được dăm ba câu ngoại ngữ, họ nói chuyện với du khách nước ngoài, khi du khách nước ngoài ngỏ ý muốn chụp ảnh chung để làm kỷ niệm. Nhưng sau khi những tấm ảnh kỷ niệm chụp xong thì người dân trong những bộ trang phục dân tộc đó lại thốt lên: “money, money”. Họ xin tiền du khách rất công khai và thản nhiên, như một phương thức trao đổi hàng hóa. Điều này làm cho du khách ít nhiều thiếu thiện cảm với người dân bản địa, và họ nghi ngờ vào sự thân thiện và mến khách vốn có.

biểu diễn nghệ thuật trên đỉnh fanxipan.jpg -0
Biểu diễn nghệ thuật trên đỉnh Fanxipan.

Quan họ, một đặc sản văn hóa của vùng đất xứ Kinh Bắc thì ngày nay lối hát không còn nguyên vẹn như thuở xưa. Để phù hợp nhịp sống gấp gáp của ngày hôm nay các hình thức âm nhạc phương Tây hòa trộn với quan họ và xu hướng này ngày càng phát triển được giới trẻ yêu thích. Các làn điệu quan họ cổ còn rất ít người hát được khi các nghệ nhân người đã cao tuổi,  sự phục dựng trở nên dần khác đi.

Nhiều buổi biểu diễn quan họ tao nhã trở thành hình thức mang tính giải trí thương mại. Trong các buổi biểu diễn hát của câu lạc bộ, hội nhóm quan họ sẽ nói về tiền cátsê thỏa thuận từ trước. Khi hát tại các trung tâm thương mại, khu vui chơi du lịch, nhà hàng ăn uống, các nhạc công và ca sĩ được nhận thêm tiền thưởng từ du khách. Khi các ca sĩ đang hát, khách cầm tiền lên và dúi vào tay ca sĩ. Từ lối hát giao duyên thắm đượm nghĩa tình của các liền anh liền chị chuyển sang hát biểu diễn, hát dịch vụ, hát thương mại. Hình thức cho - nhận này làm mất đi vẻ đẹp lịch lãm vốn có.

Với những nghệ sĩ có lòng tự trọng, họ luôn muốn cống hiến cho nghệ thuật đích thực chứ không chịu làm nô lệ cho đồng tiền sai khiến. Trong cuốn hồi kí tự truyện “Lê Vân yêu và sống” hồi mới ra làm dậy sóng dư luận. Nữ nghệ sĩ múa Lê Vân đã phải nhỏ những giọt nước mắt vừa tủi hổ, vừa chán chường khi kể lại câu chuyện mình là nghệ sĩ múa đi biểu diễn ở quán ăn. Thực khách vừa ăn uống, vừa cười nói chúc tụng nhau, mùi bia, mùi rượu, mùi thức ăn hỗn tạp, ở trên sân khấu người nghệ sĩ vẫn phải biểu diễn mua vui cho khách. Sau đó, không chịu được cảnh tượng hãi hùng ấy, bị ám ảnh đến độ chị đã bỏ hẳn biểu diễn ở những tụ điểm ăn uống, du lịch…

Bài toán cho người làm nghệ thuật

Hiện nay những loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc như kịch nói, chèo, cải lương vẫn được tổ chức biểu diễn tại khu phố cổ Hà Nội vào ngày cuối tuần trên phố đi bộ. Đó là những hoạt cảnh, những trích đoạn rất ngắn để phục vụ cho du khách vãng lai kịp bắt nhịp. Theo NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam, thì mô hình kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với du lịch đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai trên khu phố cổ đi bộ Hà Nội.

Khi nghệ thuật truyền thống bắt tay cùng du lịch -0
Nghe ca Huế trên thuyền rồng xuôi sông Hương.

“Để đưa nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du lịch đạt hiệu quả cao cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của cả hai bên nghệ thuật truyền thống và công ty du lịch. Chúng ta cần phải xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng tốt, đào tạo diễn viên am hiểu về nghệ thuật truyền thống. Thực tế đã cho thấy những sản phẩm văn hoá cổ truyền độc đáo bao giờ cũng níu chân khách du lịch. Khi du lịch và nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo thì hiệu quả đạt được vô cùng lớn, không chỉ  tăng doanh thu lợi nhuận kinh tế mà đời sống tinh thần cũng được nâng cao, quảng bá văn hóa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam” - ông Kiên bày tỏ.

NSND Triệu Trung Kiên cho rằng du lịch văn hóa nhiều năm trở lại đây được xem là một loại hình hút khách và hứa hẹn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, mục tiêu đưa văn hóa trở thành “chìa khoá” để phát triển ngành “công nghiệp không khói”  là con đường còn lắm chông gai.

Nói về việc kết hợp đưa nghệ thuật truyền thống vào các tụ điểm khu du lịch, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền cho biết: “Chúng ta đặt mục tiêu  đưa âm nhạc vào phố du lịch thì nó chỉ thế thôi chứ chúng ta chưa có hệ thống nhà hát cho xứng tầm với du lịch. Chúng ta phải nói rõ và đặt ra hai hướng khác nhau, nếu không sẽ bị lẫn hướng đưa các sản phẩm cổ truyền vào du lịch là rất tốt và một phần nào quảng bá. Nhưng hướng đó sẽ khác với việc bảo tồn kinh viện trong hệ thống nhà hát.  Chúng ta bảo tồn những giá trị đó nếu như khôi phục được và bảo tồn nó  một cách có hệ thống trong môi trường cổ truyền. Người ta nói là làng quan họ, nghĩa là muốn nghe quan họ thì về làng, quan họ không phải là âm nhạc biểu diễn ở sân khấu hoành tráng. Quan họ là nhóm hát của những người bạn kết nghĩa với nhau thì họ phải về đấy họ xem chứ không đưa lên sân khấu thì chỉ làm du lịch.

Còn chèo cổ hay tuồng cổ thì phải về đúng giá trị của nó, chúng ta phải cố gắng khôi phục lại hệ thống nhà hát và phải có sự tài trợ để đỏ đèn. Nuôi sống nghệ sĩ một thời gian dài để tạo dựng lượng khán giả biết thưởng thức có sự dẫn giải và giáo dục. Nghệ thuật truyền thống bảo tồn nguyên vẹn trong môi trường của nó lại là một câu chuyện khác, còn đưa những giá trị đó một phần đến những khu du lịch có tính chất quảng bá giới thiệu, biến nó thành sản phẩm thương mại thu hút khách du lịch là câu chuyện hoàn toàn khác.

Vấn đề quảng bá du lịch giới thiệu sản phẩm của mình còn quá kém. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội chỉ có Nhà hát Múa rối nước là mạnh họ kết nối được với du lịch và  tạo được đường dẫn. Nghĩa là khách du lịch vào đây thì phải đi xem múa rối nước,  còn lại những giá trị nghệ thuật khác chúng ta chưa làm được, chúng ta thả nổi trên phố cổ khá là lay lắt như ca trù ở trên đấy một thời gian xong chả có khách rồi thôi, còn lại mấy chiếu xẩm hay hát chèo, hát văn… cứ bày ra vỉa hè. Hát văn là nhạc nghi lễ dâng thánh hầu đồng thì rồi cũng bày ra hè  phố để câu khách. Mọi thứ khá lộn xộn manh mún, chưa thành một cách có hệ thống quy chuẩn và khâu quảng bá đúng là kém thật. Trong khi chúng ta có rất nhiều giá trị tinh hoa để có thể làm được du lịch. Một mặt cũng nhìn nhận khi du lịch hóa thì sản phẩm cổ truyền đó dần dần cũng bị biến tướng bóp méo rất nhiều.

Chẳng hạn như các nghệ sĩ đánh đàn hát văn ở ven vỉa hè cống rãnh là rất hài hước, đấy không phải môi trường của nó. Môi trường của nó ở trong đền phủ. Ra ngoài vỉa hè dựng cái rạp thì cũng chỉ diễn được một trích đoạn chèo, đại khái là nó sẽ mỗi thứ một tí mà đúng ra là để phục vụ du lịch chứ nghệ thuật đích thực thì khác. Làm sao xây dựng nhà hát để thu hút khách đến với các nhà hát là một bài toán mà mấy chục năm nay  giải chưa ra được. Mặc dù chúng ta có nhà hát tuồng, nhà hát chèo…”.

Trần Mỹ Hiền
.
.